Lệ cũ, cứ con nhà hát xướng không được vào nhà học hiệu, thi đỗ ra làm quan. Tiếc rằng không mở rộng đường cho kẻ tuấn dị tiến thân, để thu lấy nhân tài xuất chúng. Từ khi Lộc Khê Hầu (Đào Duy Từ)[1] là con nhà hát xướng, vì không được ra thi, mới lẻn vào giúp chúa Nguyễn ở trong Nam, bấy giờ những kẻ đương sự mới hối rằng cái cách tìm kiếm nhân tài như thế là không rộng. Nhưng cũng chưa công nhiên bãi bỏ lệ cũ. Từ khi bà Trương Quốc mẫu, người Như Kinh, là kẻ hát xướng được tuyển vào cung hầu Tấn Quang Vương[2], sinh ra Trịnh Nhân Vương (Trịnh Cương) ; Biện Trưởng cung, người A Lữ, sau đắc sủng với Nhân Vương, nên các họ về giáo phường mới được kể bằng hàng với các họ nhà lương gia. Sau này, các họ nhà đại khoa hiển hoạn cũng thường có người do giòng họ hát xướng mà phát đạt lên, nên những kẻ sĩ phu cùng họ giao du tự nhiên, rồi những nhà hát xướng cũng quên hẳn thế hệ nhà mình là tự đâu mà ra. Xem đó thì biết thế vận phong tục mỗi ngày một khác.

   




Chú thích

  1. Đào Duy Từ (1572 - 1634), quê ở Thanh Hóa, con nhà hát xướng, đi thi bị đánh hỏng. Ông quyết chí vào nam theo chúa Nguyễn, phò tà chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong tám năm, xây dựng cơ sở xã hội vững chắc cho Đàng Trong. Ông là đệ nhất công thần nhà Nguyễn, được thờ ở Thái Miếu
  2. Tấn Quang Vương Trịnh Bính, cháu nội chúa Trịnh Căn, cha của chúa Trịnh Cương