Vũ trung tùy bút/Chương XXIV
Nguyễn Nghiêu Minh tên Tuấn là người bạn vong niên[1] của ta, hơn ta đến ngoài mười tuổi. Ông nguyên là người Trường Tân (Gia Lộc), phủ Hạ Hồng, đời cuối Lê mới lên ngụ cư ở phường Cổ Vũ (Hàng Giày) huyện Thọ Xương[2]. Khi nhỏ đỗ Hương cống, sau bổ Giáo thụ. Mùa thu năm Mậu Thân (1788), ông được đi Quyền nhiếp huyện Thủy Đường[3], nhưng chẳng bao lâu lại cáo quan về. Tính người trầm tĩnh mà phóng đãng, phong lưu, thường ra vào các nơi quyền quí, nhưng cũng lại thích chơi với những bạn nhà nho áo vải, sớm tối cùng nhau chén chè chén rượu vui cười. Từ năm Nhâm Tí (1792) trở về sau, ông mới quen biết ta, thường cùng nhau đi lại nhà ông Hoàng Hy Đỗ[4]. Nhà ông Hoàng Hy Đỗ đối cửa với nhà ông Nghiêu Minh, mà ta thì ở phường Thái Cực (Hàng Bạc)[5] cũng không xa mấy. Hễ khi nào rảnh rỗi, lại họp nhau ở nhà ông Nghiêu Minh, buông mành cùng ngồi nói chuyện, xõa tóc duỗi chân như anh em trong nhà. Tối đến lại bày ghế ra trước sân ngồi trông trăng, pha chè uống. Lúc bấy giờ, ta lưu lạc ở nơi cố kinh, không có chí cong danh gì nữa. Ông Hy Đỗ vốn con nhà thế gia, gặp lúc biến cố, hết cả gia sản, mới từ trấn Hoa Dương lên ở Kinh, khi ấy cuộc đời đương dở dang, không ai muốn lưu ý đến nhà cửa sản nghiệp, vậy nên thường cùng với Nghiêu Minh đi lại chơi bời. Một ngày kia, cùng với vài người tương tri đến thưởng lan ở Nam Vinh ; một lát trăng mọc, trông nhau cả cười, cùng nhau kết làm bạn "lan xã"[6]. Từ đó, khi đêm trăng sớm gió, đi lại chơi với nhau luôn. Nghiêu Minh góa vợ, có một đứa con gái tóc mới chấm vai, vẫn quanh quẩn dưới gốc. Ông ấy kiếm được những thứ cúc : châu sa, đầm hồng, hạc linh, anh trảo, mầm mới đâm ra mà đã trông có vẻ não nùng thu sắc. Nghiêu Minh sai đầy tớ trồng ở chung quanh sân. Ta khi ấy cùng với Hy Đỗ đương ngồi chơi, trông thấy đứa cháu gái chạy le te đi múc nước tưới cúc, ta đọc bỡn mấy câu tứ tuyệt :
- Tựa hiên bảo trẻ chia nòi cúc
- Vốn cách sinh nhai cụ huyện già
- Khen lũ trẻ thơ hay biết ý
- Quanh thềm tưới nước học trồng hoa
Một lát, lại trải chiếu giữa sân, sai quạt lò pha nước uống, bỗng nghe tiếng nhạn kêu trên không, Hy Đỗ có bài thơ nghe nhạn[7].
Thế mà chớp mắt đã tám chín năm trời, Nghiêu Minh thì lưu lạc sang ở đất Hà Bắc[8], Hy Đỗ thì chịu nghèo ngặt ở nơi đế kinh, còn ta thì tung tích nổi trôi. Hồi tưởng lại nửa kiếp mới biết đời người tụ họp nhau không được mấy.
Nhà Nghiêu Minh khi trước có trồng lan, lúc nở hoa, ta với Hy Đỗ đều có vịnh thơ, đưa cho người khách Quảng Đông là Quan Thiên Trì bình duyện, thì thơ của Hy Đỗ hay hơn cả. Ta cũng có những câu :
- Lưỡi gà điểm điểm hồng chưa nở
- Cánh sẻ rờn rờn mới biết tô
và câu
- Đẹp như Yết Cật thừa hương ngát
- Giận thác Linh Quân vẳng điệu thơ
Những câu thơ ấy đều được Thiên Trì thưởng giám cả.
Chú thích
- ▲ Bạn chơi với nhau không kể tuổi tác
- ▲ Nay là phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
- ▲ Nay là huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng
- ▲ Xem bài Lối chữ viết
- ▲ Xem bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh thì nói nhà phường Hà Khẩu (Hàng Buồm)
- ▲ Nhóm thưởng lan
- ▲ Xem bài Lối chữ viết
- ▲ Phía Bắc sông Nhị Hà