Kinh thư nói "Có lúc tế thần Thượng đế", lại nói "Duy hoàng Thượng đế". Kinh thi nói "Thần Thượng đế vẫn soi xét đến luôn". Truyện nói "Hoàng hoàng hậu đế". Nghĩa là vị thiên thần rất tôn thì gọi là Thượng đế, tôn hơn cả thì gọi là thượng, chủ tể khắp cả thì gọi là đế, đã tôn không ai hơn thì chỉ có một đế mà thôi. Nhưng về Đạo giáo với Thích giáo, thì không thế. Đạo giáo, ngoài vị Ngọc Hoàng Thượng đế, lại còn vị Tử Vi Đại đế, Phù Tang Đại đế, Trường Sinh Đại đế, Chân Võ Đại đế, Đông Hoa Đế quân[1], những vị đế trên này đều đứng dưới vị Tam Thanh Thiên Tôn[2]. Thích giáo thì có vị Đế Thiên, Đế Thích[3], Phạm Vương thiên tử, Nhật Nguyệt thiên tử, kể số mục thì nhiều lắm, đều đứng về bậc thứ hai dưới vị Tam thế (Quá thế, Hiện tại, Vị lai)[4]. Ôi ! Che trùm tất cả thì gọi là thiên, chủ tể khắp cả thì gọi là đế, thế mà lại còn có vị tôn hơn thiên, hiệu tôn hơn đế, như thế thì ra ngoài trời lại có trời, trên đế lại thêm bậc đế nữa, do đó bịa ra những thuyết cửu thiên, tam thập, tam thiên, tứ đế, ngũ đế, chủ tôn thánh chúng ; đều là thuyết dị đoan hoang đường cả. Nhưng chúng ta là người trần mắt thịt mà muốn phân tích những việc trên trời, không tiếng không hơi, nếu không viện được lẽ gì mà bàn càn, thì chỉ là dè chừng bắt bóng, mơ màng không sao đích xác được. Vì vậy nên đức Khổng Tử mới không bàn đến việc quỉ thần.[5]

   




Chú thích

  1. Đều là tên những vị thiên thần trấn giữ các phương trong quan niệm Đạo giáo
  2. Gồm Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn và Đạo Đức Thiên Tôn (Thái Thượng Lão Quân), đứng đầu Đạo giáo, được coi là khai sinh ra nguyên khí
  3. Có lẽ là thần Visnu trong Ấn Độ giáo được chuyển thể sang Phật giáo
  4. Tam Thế Phật, gồm Quá khứ, Hiện tại và Vị Lai, được coi là bậc tối cao bao quát vạn vật trong Phật giáo
  5. Sách Luận ngữ "Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần" (Khổng Tử không nói chuyện quái đản, bạo lực, rối loạn và quỉ thần)