Tỉnh Hải Dương ta nhiều nơi cổ tích, như là am Tử Tiên[1], chùa Vân Yên[2], chùa Hương Hải[3], chùa Quỳnh Lâm[4], động Huyền Thiên[5], điện Lưu Trung, quán Trung Tân[6], nhà Trung Viện v.v..Từ đời Lý, Trần trở về sau, những văn tự cổ còn sót lại trên chuông đồng, bia đá, hoặc chép ở trong truyện ký, cũng không có mấy. Ta vì nghèo cùng lại gặp gian truân nhiều, nên những nơi danh thắng chốn cổ hương, không xem hết được, chỉ nằm mà du lịch bằng tinh thần, phảng phất trên tờ giấy mà thôi. Ta thường đọc bài bia ở tháp núi Dục Thúy của ông Trương Thăng Phủ[7] có câu "Thắng cảnh quê làng ta, ta được đi chơi đã gần khắp" thì trong ý ta vẫn thường mơ ước được đi chơi như thế. Ở huyện ta, trừ cái bia ở trên nền nhà cũ quan Tam sương làng Châu Khê ra, không còn cái bia nào cổ nữa. Khi nhỏ, ta có đến huyện Trường Tân, qua chơi chợ Thông, ngồi nghỉ trên cầu Phú Cốc làng Đoàn Tùng, truy xét lại cái di tích ông Đỗ Uông soạn ra, dài ước vài trăm lời nói, trong bài bia vừa tự sự, vừa nghị luận, dùng cả lối văn chính sự nhà nho, lối văn Lão Trang, cùng thuyết báo ứng của đạo Phật, hỗn hợp lại một thiên. Văn thể đời Tiền Lê đến đấy lại một lần biến chuyển. Nhưng lời văn cứng cát, so với các văn gia từ đời Quang Hưng trở về sau, khác nào một vực một trời. Bài văn bia ấy hiện còn chép ở trong Nghệ uyển phi anh tập.

   




Chú thích

  1. Có lẽ là am Tử Tiêu mà bản dịch in nhầm. Am Tử Tiêu là am do Trần Nhân Tông dựng ở Yên Tử để tu hành
  2. Sau đổi là chùa Hoa Yên ở Yên Tử
  3. Ngôi chùa ở làng Phù Vệ, huyện Nam Sách, Hải Dương. Chùa thờ Phật và thờ Thiền sư Pháp Loa
  4. Ngôi chùa ở xã Tràng An, huyện Đông Triều, Quảng Ninh, nằm trên dãy núi Đông Triều, từng là một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam
  5. Động trong dãy núi Phượng Hoàng, từng có nhiều đạo sĩ tu tiên ở đây
  6. Quán do Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng, ông có làm bài ký để kỉ niệm
  7. Trương Hán Siêu hiệu là Thăng Phủ