Đền Đế Thích ở làng Liêu Xá huyện Đường Hào nguyên là thờ một vị Đế Thích trong ba vị phật, ba vị thần. Những sự linh dị chép ở trong sách Tiệp ký của Võ Phương Đề[1] tưởng cũng không phải là nói vu vơ cả. Những vị ấy đã hiệu là sư, mà sao lại giữ một ấp ? Giáo ấy đã gọi là Thích, mà sao lại có hai bà phi ? Lẽ ấy thật không thể lường biết được. Ý chừng làng ấy có một vị thần, vì tức về lời nói của anh Trương Ba khoe là cao cờ, mới hiển linh lên để đối thủ, nên thế tục mới gọi là Đế Thích chăng ?

Gần đây, cái thói mê tín lại càng tệ lắm ; những kẻ tăng đạo, thuật sĩ bịa đặt ra nhiều sự kì quặc. Ta thường đi qua các ngả ở dọc đường, thấy các nhà dân gian bày ra đàn chay kỳ đảo, bàn trên hết cúng phật, bàn thứ hai cúng Đế Thích, bày một hình nhân mặc áo cổn, đội mũ miện giấy vàng, bàn thứ ba cúng Thiên đế và Địa kỳ, bày hai hình nhân mặc áo cổn, đội mũ miện xanh và vàng, còn các bàn dưới nữa thì cứ thứ tự bày các vị từ Châu Đế trở xuống. Ôi ! Bày bàn cúng phật ở trên trời thì sự quái ấy, ai cũng biết, không cần phải biện bác nữa. Còn như bày vị Đế Thích ở trên vị Thiên đế, thì thật không thông, đáng buồn cười. Đã bảo rằng Đế Thích là một vị thiên thần rất lớn, thì sao vị ớ dưới lại còn hiệu là Thiên đế, chẳng hóa ra có sự lấn át ư ? Đã bảo rằng Thiên đế là một vị thiên thần chủ tể tất cả, thì sao còn vị Đế Thích ở trên, dễ thường ở vượt ra ngoài bầu trời che trùm chăng ? Không những thế mà thôi, từ năm Kỷ Dậu (1789) niên hiệu Chiêu Thống, dân gian thường phát bệnh dịch, chỗ nào cũng thấy dựng rạp tế trời, bày trai, đặt cổn miện, gọi là đàn chay cúng trời đất. Ôi ! Trời đất rộng lớn thế kia mà còn cần đến đồ dùng của dân gian rồi mới giáng phúc cho dân, như thế, sao có thể xoay chuyển được bốn mùa, phát sinh được muôn vật ? Người đời không biết nghĩ, chỉ mê hoặc như thế kia, chẳng hóa ra khinh trời, mạn thần lắm ru ! Vậy cho nên thánh nhân đời xưa cần cho mọi người biết thấu đáo được lẽ trời đất.

   




Chú thích

  1. Vũ Phương Đề (1698 - ?) tự là Thuần Phủ, người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đông các Học sĩ. Ông là tác giả sách Công dư tiệp ký.