Huyền Quang thiền sư là Lý Đạo Tái, người làng Vạn Ti, huyện Gia Định, là bậc khoa bảng mà bỏ đi tu, chuyện này đã chép ở Trúc Lâm truyền đăng lục. Gần đây, ông Nguyễn Hoàn, người cố đô có soạn bài Huyền Quang hành bằng quốc ngữ, trong có nói đến chuyện nàng Bích[1], nhưng truyện ấy không thấy chép trong sử, ta thường lấy làm ngờ. Còn nhớ khi mới lên bảy tám tuổi, thường theo bà tiên cung nhân ta sang hầu bà cô họ ngoại là bà chính thất quan Thiêm sự Võ công, người làng Mộ Trạch. Khi các bà ngồi rỗi nói chuyện, có nói đến nàng Bích, ta mới biết quả có người ấy thật. Bà phu nhân thường nói rằng: Mộ nàng Bích ở làng Hoạch Trạch; buổi đầu năm Cảnh Hưng, có kẻ đào lên thì thấy quan tài vẫn còn sơn son y nguyên, mở ra xem, quan tài đầy nước trong veo, hương thơm ngát mũi, rồi đậy lại liền. Sau ông Nhữ Công Chân có câu thơ rằng

Giai nhân lạc địa ủy kim điều.

nghĩa là

Giai nhân đày đọa rụng bông vàng

Lại có câu

Tằng hướng tiêu phòng khoa yểu điệu,
Khước lai sơn tự bạn không thiền.

nghĩa là

Phòng tiêu thuở trước từng khoe đẹp,
Chùa núi sau này tựa cảnh không.

Bài thơ ấy toan đem đi khắc bia để chôn trước mộ, nhưng sau lại thôi. Ta tiếc rằng không nhớ được toàn bài.

   




Chú thích

  1. Huyền Quang là một vị thiền sư đắc đạo. Vua Trần Anh Tôn sai nàng Điểm Bích đến thử ông. Điểm Bích là một cung nhân. Thị Bích đến chùa, xin ở lại tu hành, tối tìm cách chọc ghẹo ông, nhưng không được. Cuối cùng, nghĩ ra kế lấy được nén vàng nhà vua ban cho ông, rồi trở về tâu đã cám dỗ được ông. Sau mới biết được sự thật. Sách Tam tổ thực lục có chép bài thơ nôm nàng Điểm Bích làm ghẹo ông
    Vằng vặc trăng mai ánh nước,
    Hiu hiu gió trúc ngân sinh.
    Người hòa tươi tốt cành hòa lạ
    Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình.