Vũ trung tùy bút/Chương IL
Ông Nhữ Công Tung người làng Nhữ Xá huyện ta, đỗ Tiến sĩ đời nhà Mạc, đến đời Lê Trung hưng lại theo về Lê, có đi hỗ tụng chúa Trịnh lên đối khám trên Nam Quan, sau lại sang sứ Trung Hoa, làm quan đến Thượng thư. Nguyên nhà cũ ở trước xóm chùa làng ấy, rộng chừng tám chín mẫu, giữa có một cái gò mộ ông chôn ở đấy. Khoảng năm Bính Ngọ, Đinh Mùi (1786 - 1787) có ông Nhữ Công Chân, người Hoạch Trạch, thường đến chơi làng Nhữ Xá, qua nền nhà cũ của Nhữ Công Tung, có bài thơ rằng
- Cổ tự môn tiền thập mẫu ôi
- Truyền văn thừa tướng cựu đình đài
- Vô danh dã thảo mai u kính
- Bất phẫn nhàn hoa lạc vãn đài
- Lễ bộ tam triều công đẩu tuấn
- Nam Quan lưỡng độ sứ thiều hồi
- Công danh phú quí kim hà tại
- Tịch mịch thu phong thổ nhất đôi
Dịch
- Mười mẫu quanh chùa đất rộng thay
- Nhà quan tướng cũ đấy là đây
- Nghĩ vùi cỏ nội nào ai biết
- Rêu lấp hoa tàn nọ kẻ hay
- Bộ Lễ ba triều ngôi chót vót
- Cửa quan hai độ sứ xa khơi
- Công danh phú quí còn đâu nữa
- Hiu hắt hơi may nhuốm[1] cỏ dày
Bài thơ ấy cũng có ý cảm khái. Ôi ! Như ông Nhữ Công Tung gặp buổi thịnh thời, cùng làm quan với ông Đỗ công người Đoàn Tùng, cùng coi việc giấy tờ ngoại giao, khiến cho Nam Bắc lại được hữu nghị với nhau, thế là giúp nước thành công. Nay đọc những tập văn chép ở Châu tư túy bang lục thì thấy những áng văn chương ấy đã làm rạng rỡ cho nước nhà. Thật đáng khen. Chỉ có điều, ông ta làm quan với họ Mạc, cũng như viên ngọc bạch bích có tì vết, khá tiếc thay. Còn như Nhữ Công Chân ở Hoạch Trạch, gặp lúc loạn, giả cách rồ dại để giữ cho sạch mình, không ra làm quan, nhơ mất giá trị, thì cũng là phải. Nhưng đến lúc tuổi tác đã già, lại muốn cầu cạnh lấy một danh mệnh của Tây Sơn, chẳng hay sau khi xuống suối vàng, Nhữ Công Chân có gặp Nhữ Công Tung thì nghĩ sao ?
Chú thích
- ▲ Bản dịch in "nuốm", xét thấy vô nghĩa, "nhuốm" thì đúng hơn