Ông Đỗ Uông người làng Đoàn Tùng, huyện Trường Tân, khi xưa có bà ngoại, góa chồng sớm, nhà nghèo, mở ngôi hàng nước ở bên đường. Một hôm, có người Hoa kiều đi đào của về, vào nghỉ, bỏ quên một gói bạc. Một lát, trở lại, bà lão đem đủ số bạc trả cho. Người Hoa kiều chia một số bạc đền ơn, bà không nhận. Người Hoa kiều ấy cảm cái cao nghĩa mà bảo rằng "Chỗ này có một ngôi đất, đời đời có người làm nên chức công khanh. Tôi muốn lấy ngôi đất đó đền ơn bà". Bà lão bùi ngùi mà rằng "Thân già này có con cái gì đâu, chỉ còn sót đứa cháu ngoại ba đời, còn mong công khanh gì nữa". Người ấy nói rằng "Cháu ngoại cũng được, duy phát không được lâu dài mà thôi". Bèn cố nài xin để bằng đường cho bà ngôi đất ấy. Sau Đỗ Uông vào thi đình, đỗ Bảng nhãn, làm quan nhà Mạc đến chức Thị lang. Đời Lê Trung hưng, ông lại về với nhà Lê, cùng với Nhữ Công Tung, người làng Nhữ Xá ở huyện ta, coi giữ việc giấy tờ ngoại giao, lấy chức văn quan đi theo lên Nam Quan đối khám bờ cõi, giao thiệp với Trung Hoa, đều làm quan đến Thượng thư. Được ít lâu, quân nhà Mạc lại khởi lên, vùng Tứ Tuyên[1] không được yên, chúa Trịnh muốn rước vua Lê về An Tràng[2]. Đỗ Uông cố can, xin lưu lại để cố thủ. Chúa Trịnh sinh nghi, tay cầm giáo vàng đâm chết. Về sau, ông được truy phong làm phúc thần. Ta thường đến làng Đoàn Tùng, nhân xem cái ngôi mộ phát tích, thấy một khu đất lớn thủy hình[3] vòng quanh vài mươi mẫu, trên vùng đất ấy, chỗ lồi, chỗ lòm, chỗ mở, chỗ khép, hình thế cũng đẹp, chính giữa nổi lên một gò kim hình[4], chừng độ hơn mười bước, có một ngòi nước hình chữ nhật chảy ngang, rồi chảy vòng lại hình như chữ ất Kiểu đất Cao Vương[5] nói "Thủy loan ất tự" (nghĩa là nước chảy vòng hình chữ ất) chính là đất này chăng ? Ôi ! Mượn thế đất phát công khanh mà ghép vào cho người cháu ngoại, cái mẹo của người Hoa kiều ấy làm đất cũng kỳ thật ! Nhưng mà Đỗ công sau bị tai vạ, con cháu cũng suy, không có tiếng tăm gì, thế thì cái mẹo của con người không bằng cái lẽ tự nhiên của tạo hóa. Các thầy địa lý hay đi bốc mả cho người, xem đó cũng nên tỉnh ngộ. Tuy thế, trong khoảng năm Diên Thành, Quang Hưng[6], những việc giấy tờ về ngoại giao quan hệ không phải nhỏ, trời mới sinh ra người ấy để làm cho xong cái việc đối khám bờ cõi ở trên cửa Nam Quan, vậy thì ông ấy sinh ra là bởi tự đâu lại, mà chết là bởi tự đâu đi, chứ không phải cái thuật nhà địa lý có thế xoay chuyển được.

   




Chú thích

  1. Tức bốn trấn xung quanh kinh thành Thăng Long : Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây
  2. Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hóa là nơi hành tại của chúa Trịnh bên Nam triều trong suốt 70 năm chiến tranh Lê - Mạc
  3. Gò đất có nhiều cạnh góc
  4. Gò đất tròn
  5. Tiết độ sứ An Nam Cao Biền thời cuối Đường, truyền rằng rất giỏi phong thủy
  6. 1578 - 1599. Diên Thành là niên hiệu của Mạc Mậu Hợp dùng từ năm 1578 đến năm 1585 còn Quang Hưng là niên hiệu của Lê Thế Tông dùng từ năm 1578 đến năm 1599