Vũ trung tùy bút/Chương LI
Bà Võ Thái phi nguyên người làng Mi Thữ, huyện ta, tổ tiên trước là người Tử Dương, huyện Thượng Phúc. Cha đi ăn trộm, bị người làng đem giết đi. Khi ấy, bà mới ba bốn tuổi, mẹ xuống tỉnh Hải Dương làm thợ cấy thuê ở nhà Võ công làng Mi Thữ. Võ công một hôm ra ngoài ruộng, bấy giờ mùa hè đương nắng. Phi theo mẹ đứng trên bờ ruộng, hễ đứng chỗ nào thì có đám mây theo che rợp đất, không sai bước nào. Võ công lấy làm lạ, bảo người mẹ cho phi làm con gái nuôi. Được ít lâu, người mẹ đi làm thuê nơi khác và chết, phi mới đổi theo họ Võ. Khi phi lớn lên, được vào hầu chúa Trịnh là Hi Tổ Nhân Vương (Trịnh Cương) đẻ ra được hai người con gái là Dụ Tổ (Trịnh Giang) và Nghị Tổ (Trịnh Doanh). Dụ Tổ sau tiến phong cho bà là Thái phi. Bà Thái phi về sau dẹp yên được nội loạn, lập chúa Nghị Tổ, bà lại được gia phong tôn hiệu. Bấy giờ, họ hàng bà ở làng Tử Dương không còn ai cả, nên mới nhận họ Võ ở làng Mi Thữ làm họ quốc thích. Em nghĩa đệ là Bính Trung Công[1] lại có công phù lập nhà chúa, tước vị đến cửu phẩm[2]. Con cháu họ hàng ỷ thế làm càn, bắt dân đi phu lấy đá về làm nhà từ đường. Tất cả bốn phủ thuộc tỉnh Hải Dương phải đi cung cấp phu dịch khiêng vác, hễ anh đi thì em mới được về. Ba huyện ở phủ Thượng Hồng phải chịu phu dịch rất nặng, dân không thể kham được. Về sau, người Ninh Xá huyện Chí Linh là con ông Nguyễn Mại[3] tức là Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển thừa thế làm loạn, ghép tre làm nón dấu[4], vót nứa làm giáo, kéo quân đến đốt phá nhà từ đường ngoại phủ ở làng Mi Thữ. Ấy chính là hồi loạn khoảng năm Canh Thân - Tân Dậu (1740 - 1741). Nay tòa nhà đá từ đường ấy đã nứt nẻ ra, sụt cả xuống đất, gần chấm mái, khi nào mưa to thì nước chảy rót vào trong, gần đây vẫn còn trông thấy mái nhà. Hồi loạn năm Canh Thân, Tân Dậu, tỉnh Hải Dương ta chịu hại về việc binh đao đến mười tám năm, ruộng đất hầu thành rừng rậm. Giống gấu chó, lợn lòi sinh tụ đầy cả ngoài đồng. Những người dân sống sót phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột đồng mà ăn. Mỗi một mẫu ruộng chỉ bán được một cái bánh nướng. Tổng Minh Luân ta có một bà cụ góa mà giàu, người làng bầu cụ làm hậu thần[5]. Vì tiền của bà cụ chất như núi, nên tục gọi là bà "hậu núi". Gặp năm mất mùa, nhà hết cả thóc ăn, bà mang năm bao bạc đi đổi thóc không được, phải chết đói ở bên xóm chùa Bình Đê. Bấy giờ, làng ta bỏ hoang rậm rạp ngập mắt. Đến khi loạn lạc đã yên, người làng mới từ chốn kinh đô lục tục kéo về, chặt tranh phá cỏ,đi tìm nhận lấy nền nhà cũ, thu nhặt những xương tàn đem chôn. Nay ở phía nam đầu làng vẫn còn có một khu nghĩa trang, hàng năm cứ đến rằm tháng bảy, người làng đem cỗ bàn ra cúng viếng.
Các cụ nhà nho làng ta ngày xưa, như ông nho sinh Phạm Diên Bá, thường nói chuyện với ta rằng, đương lúc loạn lạc, ông đi đường về tỉnh Đông, có vào nghỉ nhà hàng cơm bên đường, thấy mùi thịt rất tanh, trên mặt nước bát canh thịt nổi sao lên như hình bán nguyệt. Hỏi người hàng cơm thì họ nói đó là thịt lợn lòi. Khi ăn đến nửa chừng, thấy có con rận chết ở trên mặt bát, mới biết là thịt người, vội vàng chạy ra móc cổ thổ ra. Ôi ! Đời xưa bảo rằng "thú ăn thịt người" cũng chưa đến nỗi quá tệ như thế !
Sau loạn, người làng ta mới trở về, phải lấy lửa đốt sạch ngoài đồng, trông ra man mác. Trong làng chưa kịp làm nhà ở, phải cùng nhau quây quần chung quanh nền đình miếu, kết kẻ sơ làm người thân, cùng trông nom giúp đỡ lần nhau, ốm đau cùng phù trì, tử táng cùng viếng thăm. Về sau, cứ theo thói ấy thành ra một họ Bình Ninh (tục gọi là họ Nghè), cũng theo được cái ý cổ nhân ra vào giúp đỡ lần nhau. Cuối năm Cảnh Hưng, trong làng người già đã chết, trai tráng đã già, còn những kẻ thiếu niên mới lớn lên, lại sinh ra thói trá ngụy, cái ước cũ ấy mới bỏ đi. Gần đây cũng có người muốn kết phường họp bạn với nhau, nhưng hoặc thấy lợi mà tranh nhau, hoặc tức khí mà đánh nhau, vừa họp lại tan ngay. Thế thì lời nói đã không giữ trung tín, nết làm đã không giữ ngay thẳng, làm sao mà thi hành ở chốn làng xóm được. Bậc thánh nhân dạy như thế là phải lắm.
ta thường thấy các cụ tôn trưởng họ Bình Ninh nói chuyện rằng làng ta chỉ nền đình là cao nhất, thứ hai đến nền thổ sơn, sau nữa mới đến nền đống thổ. Ta vẫn lưu ý nghiệm xem thì quả nhiên không sai. Từ đời Chiêu Thống năm Kỷ Dậu (1789) trở về sau, ta phải đi kiếm ăn bốn phương, mãi đến năm Đinh Tị (1797) mới trở về làng, ra tản bộ quanh ngoài đồng, thì thấy thổ sơn, đống sơn càng ngày càng thấp, nền đình cũng vậy, mà xứ Đồng Lạc, mả Nôm so với cũ lại cao gấp mấy. Mới biết địa mạch cũng có khi thay đổi bất thường.
Ngoài đồng làng ta có cái quán Độ Tử, truyền rằng từ năm Canh Thân (1740) đời Cảnh Hưng trở về trước, người làng ai chết nơi khách địa, đưa ma về thì không được đưa vào trong làng, phải để áo quan ngoài quán ấy mà làm ma, nhân thế mới thành tên là quán Độ Tử. Sau khi loạn lạc đã yên, tục ấy mới bỏ đi. Quan Thiêm sự là Lê Đình Tốn liền quyên tiền sửa sang lại làm nơi cho người đi cày cấy nghỉ ngơi, bỏ chữ tử đi, chỉ để chữ độ, thành tên là quán Độ. Quán ấy chính ở về phía tây nhà ta, mỗi khi mặt trời gần xế chiều, lũ mục đồng đuổi đàn trâu trở về, nghỉ chơi ở đó, tiếng hát tiếng địch véo von nghe cũng thú vị. Ta nhân lúc thong thả cũng ra chơi quán ấy, đi dạo trên cánh đồng mông mênh, tâm hồn cũng được phóng khoáng thảnh thơi. Nay cái quán ấy đã đổ nát, ta thì còn phải lưu lạc chưa trở về làng, đất khách quê người, đêm khuya ngẫm nghĩ, khôn xiết bồi hồi !
Chú thích
- ▲ Vũ Tất Thận
- ▲ Câu này xét ra vô nghĩa. Cửu phẩm là phẩm cấp thấp nhất trong hệ thống chín phẩm của quan lại thời phong kiến, thấp hơn là cả Tri huyện. Phải chăng là cực phẩm mà bản dịch in nhầm là cửu phẩm chăng ?
- ▲ Nguyễn Mại (1655 - ?) người xã Ninh Xá huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nhân Huệ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lễ, sau vâng mệnh trấn thủ Sơn Tây, ban tước nam và được cử đi sứ. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Lễ, tước Quận công. Sau, vì Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ binh khởi nên cả họ phải tru di.
- ▲ Nón dấu là nón của lính
- ▲ Những người không có con đem ruộng nương của cải cúng vào đình chùa để được dân làng thờ cùng sau khi chết. Cúng vào đình gọi là hậu thần, cúng vào chùa gọi là hậu phật