Thử dịch Tùy Viên thi thoại

Thử dịch Tùy Viên thi thoại  (1931) 
của Viên Mai, do Phan Khôi dịch

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6475 (Phụ trương văn chương số 9, thứ bảy 27. 6. 1931). Phan Khôi dịch Tùy Viên thi thoại, quyển 12, tiết 86.

Thi thoại là sách nói về chuyện làm thơ. Đại để nó là một thứ sách thuộc về loại sách phê bình văn học. Trong các sách thi thoại xưa nay của người Tàu không phải tinh là phê bình thơ mà thôi, cũng có bao hàm cả các chuyện khác, như là nhắc lại những dật sự của thi nhân, hoặc nêu ra những điển cố trên văn đàn; nhưng tóm lại thì cái tánh chất phê bình nhiều hơn, nên người ta cho vào loại sách phê bình.

Ở bên Tàu bắt đầu từ đời Đường đã có thi thoại; rồi kế sau các đời, đời nào trong rừng văn cũng sản xuất những sách thi thoại rất nhiều. Gần đây như một đời nhà Thanh kể hết có mấy trăm bộ thi thoại. Bộ nào cũng đặt tên cách giống nhau: để chữ hiệu người tác giả lên trên, rồi để chữ thi thoại ở dưới. Như Tùy Viên thi thoại hay là Vương Ngư Dương thi thoại.

Bên Tàu sở dĩ đời nào cũng nhiều sách thi thoại như vậy là tại đời nào cũng có nhiều người làm thơ. Người làm thơ của họ thì chuyên nghề làm thơ, cho nên họ làm ra được nhiều lắm, ai nhiều nhứt có đến mấy chục ngàn bài trong một đời mình.

Hễ thơ nhiều thì tự nhiên có tài liệu nhiều cho nhà làm thi thoại. Sách thi thoại được nhiều là nhờ những tài liệu ấy được nhiều.

Xứ ta đây, người ta biết làm thơ chữ Hán từ hồi nhà Lý nhà Trần. Song le từ đó đến giờ chưa hề có ai làm một bộ thi thoại nào bằng chữ Hán hết. Ấy là theo như tôi biết. Hoặc giả có bộ nào mà tôi chưa thấy chăng. Nhưng nếu có thì cũng chỉ một hay vài bộ là cùng. Mà có lẽ không bộ nào hết, bởi vì nếu có thì tuy tôi chưa thấy chớ cũng nghe, có lẽ nào không nghe trơn.

Năm trước có người viết ra Nam âm thi thoại mà đăng trong Nam phong, trong Đông Pháp thời báo, trong Phụ nữ tân văn, ấy là ông Chương Dân. Nhưng tiếc thay, lâu nay không thấy đăng tiếp nữa! Trong nước ta, phải kể bộ thi thoại nầy ra đời lần thứ nhứt, và mới chỉ có một mình nó mà thôi. Tác giả để tên là Nam âm thi thoại mà không để Chương Dân thi thoại, là vì chỉ có mình nó, không sợ lộn với của ai hết![1]

Xứ ta, thi thoại bằng chữ Hán đã không có, mà còn bằng chữ Việt cũng mồ côi, ấy chẳng có cớ gì lạ hơn là xứ ta có ít thơ, không đủ tài liệu cho người muốn làm thi thoại.

Thấy ông Chương Dân, người viết Nam âm thi thoại, phàn nàn rằng kiếm tài liệu khó quá. Lâu lắm mới kiếm ra được một bài thơ đáng truyền hay là luôn với bài thơ ấy có sự tích gì đáng truyền. Muốn cho có tài liệu về mục ấy đủ đăng lấy một kỳ báo, cũng phải kiếm một tháng mới ra. Song lại có khi cả năm kiếm không được một mảnh tài liệu nào hết, thành ra lâu ngày sanh chán.

Vì thấy vậy, tôi có khi muốn dịch thi thoại của Tàu ra Quốc ngữ. Tôi biết sự muốn ấy là vô lý. Bởi vì, thi ta với thi Tàu tuy có hơi giống nhau, nhưng có một điều khác nhứt là những điển cố dùng trong thi, có nhiều cái không thể dịch ra được. Huống chi, dịch thi thoại thì phải dịch luôn những bài thơ trong thi thoại ra. Mà việc dịch thơ là một việc tất cả ai cũng phải kêu là khó, thì mình làm thế nào được? Thế nhưng vì tôi nghĩ cho thi thoại là thứ sách có ích cho nghề làm thơ lắm, nên từng đã đánh bạo mà làm.

Năm kia, khi vô sự, tôi đem dịch thử ít bài trong Tùy Viên thi thoại ra. Bộ thi thoại nầy của Viên Mai, hiệu Tùy Viên, bộ thi thoại có tiếng nhứt đời Thanh, nhiều người đọc và ưa nó lắm. Tôi làm việc nầy là việc điên điên ngồ ngộ, xin chớ ai cười và cũng chớ ai làm như tôi!

*

* *

Tôi dịch thử một tắc ở cuốn 12, theo bổn in thạch bản, mỗi trương 20 hàng, vào trương 22, như vầy:

"Năm mậu dần, tháng hai, tôi[2] qua chơi một cái chùa, thấy trên vách có bài thơ rằng:

Dưới hoa người về con cái reo,
Vợ già đem rượu thách thơ nghèo,
Nói rằng hôm trước hoa vừa nở,
So với năm xưa nhánh lại nhiều.
Hương sắc ban đêm nhìn vẫn đẹp;
Gió mưa cơn sáng chịu làm sao!
Phải chi về sớm ba ngày trước.
Hàm tiếu, coi còn thích biết bao!

Dưới bài ghi đề rằng: "Cùng vợ nhà ngắm hoa mẫu đơn", chớ không có tên họ gì cả.

Có kẻ chê bài thơ nầy dối dá, làm qua cho rồi bài, chớ không hay ho chi. Tôi nói rằng: Tuy vậy mà cả bài lộ cái tánh linh ra, e là tay hay thơ lắm mới làm được, chớ đừng nói... Rồi tôi chép lấy và gặp ai cũng hỏi, mà không ai biết hết.

Cách hai năm, có quan thái thú Vương Mạnh Đình đến ngắm mẫu đơn. Nhơn đó tôi nói đến bài thơ nầy, nhờ quan Vương Thái thú tôi mới biết là của ông Cố Dữ Trị, một bậc di lão hồi quốc sơ đã làm. Khi ấy tôi mới tự phụ là mình có con mắt!

Vương Thái thú nhơn nói cùng tôi rằng: Các bực tiền bối hồi quốc sơ, không chịu ra làm quan, ở nhà với vợ già, hôm sớm đối nhau, thường nẩy ra được những bài thanh diệu. Rồi đọc luôn bài "Chúc thọ vợ nhà" của ông Ngô Dã Nhân cho tôi nghe rằng:

Vất vả vườn quê hai chục thu,
Ra tay rau cháo đỡ đần nhau.
Ngày không giờ rảnh hòng soi kiếng;
Năm mất mùa luôn đến bạc đầu!
Én liệng cửa ngoài hơi biển lạnh;
Nhà như xuồng nhỏ bóng khe chao.
Chúc mình, mà tớ không mua rượu;
Vẫn cứ chìa tay: mẹ hắn nào!

Tôi ngâm đi ngâm lại bài nầy, thấy lại còn có phong thú hơn bài trên nữa".

*

* *

Đó, công việc tôi đã làm trong năm đêm trường mà chỉ như vậy đó. Làm rồi, tôi bắt ngán: nếu muốn dịch cho xong bộ Tùy Viên thi thoại, phải chịu mất thì giờ ba bốn chục năm là ít. Cũng chưa chắc là dịch ra được hết; mà dịch được hết, phỏng có ích gì cho văn học ta chăng? Nghĩ như thế rồi tôi không làm nữa.

Trong độc giả, ông nào thích thơ chữ Hán, xin mở bộ Tùy Viên thi thoại, theo như số trương tôi chỉ trên kia mà xem, chắc là ông ấy cũng phải nhìn công khó cho tôi, chớ không đến nỗi sổ toẹt![3]

D. C.

   




Chú thích

  1. Đoạn này khi đưa vào Chương Dân thi thoại (Nhà in Đắc Lập, Huế, 1936) được sửa như sau: “Trước đây tôi có viết Nam âm thi thoại mà đăng trong Nam phong, trong Đông Pháp thời báo, trong Phụ nữ tân văn. Nhưng lâu nay tôi không có thể viết mà đăng tiếp nữa. Sự thực, trong nước ta phải kể bộ thi thoại nầy ra đời lần thứ nhứt, và mới chỉ có một mình nó mà thôi. Tôi để tên nó là Nam âm thi thoại mà không để Chương Dân thi thoại là vì chỉ có một mình nó, không sợ lộn với của ai hết”. (tr. 122)
  2. Chữ "tôi" đây là ông Tùy Viên xưng mình. Những chữ tôi sau nầy cũng vậy (nguyên chú).
  3. Bài này ký tên D.C., lại nói đến Chương Dân và Nam âm thi thoại như một người khác, vì vậy cho phép nghĩ rằng không phải bài của Phan Khôi. Song sang năm 1932, ở bài Dịch "Tùy Viên thi thoại", chính P.K. lại nhắc đến bài cũ này và nhận là của mình.


   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)