Dịch Tùy Viên thi thoại

Dịch Tùy Viên thi thoại  (1932) 
của Viên Mai, do Phan Khôi dịch

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6673 (Phụ trương văn chương số 44, thứ bảy 5. 3. 1932). Phan Khôi dịch Tùy Viên thi thoại, quyển 3, tiết 40.

Việc nầy năm ngoái tôi có làm qua trong Trung lập một lần rồi. Việc rất khó. Rõ là việc rất khó.

Khó thì làm mà làm gì? Bởi thấy là có ích mới làm.

Năm ngoái tôi có dịch thử mấy bài, tưởng là làm một việc mà công cán đổ xuống sông xuống biển, không ngờ té ra cũng có ảnh hưởng ít nhiều.

Bấy giờ có một vài ông đọc qua mấy bài dịch đó rồi viết thơ cho tôi mà hỏi đến nguyên văn. Một vài ông ấy đều tỏ ý khen phục lắm. Không phải phục gì dịch giả. Nhưng phục cho những tác giả của mấy bài ấy khéo đem cái thiên thú mà tả vào vận văn. Họ nói, trong thơ Nôm ta thật ít khi có ai tả được đến như thế. Bởi vậy họ cho việc làm của tôi là có ích.

Tôi cũng thấy chỗ đó. Quả là những thi nhân ta hay rập theo cũ quá. Bài nào cũng cứ những là bóng ác chinh chinh, gió vàng hiu hắt, canh khuya trằn trọc, v.v... chớ ít ai chịu khó lấy cái biệt thú cùng cái chơn tình của mình mà tả ra cho mặn mà một chút.

Thơ như vậy thì bảo hay làm sao được? Phàm thơ hay là tả tình tả cảnh cũng đều phải cho chơn, có chơn mới thấy hay. Cái nầy, họ cứ rập theo những chữ sẵn có, những cú điệu tầm thường, thành ra nhiều khi cái cảnh họ trải qua không có như vậy, cái tình họ ôm ấp không có như vậy, mà họ cũng cứ nói như vậy, thì nó lấy gì mà hay được chớ?

Bởi vậy tôi đọc thơ họ mà bắt sợ! Không sợ gì, chỉ sợ họ phỉnh mình! Họ nói bóng ác chinh chinh, mà không biết hồi đó có phải hồi mặt trời xế không? Họ nói gió vàng hiu hắt, chỉ về mùa thu, nhưng hoặc giả nó là mùa hạ mùa đông cũng chưa biết được. Họ nói canh khuya trằn trọc, nhưng tôi ròng những sợ lúc đó chính là lúc họ ngủ khì!

Như thế thì nên làm sao cho có một mớ thơ tả tình tả cảnh cho thiệt chơn để đem ra làm khuôn làm mẫu thì có lẽ hay lắm. Song có ở đâu bây giờ! Muốn có, tưởng chỉ phải ra công mà dịch thơ Tây thơ Tàu cho nhiều mới có.

*

* *

Tôi muốn dịch, là muốn dịch những thơ chuyên tả tánh linh ấy kia. Song tôi đã nói trên kia, nó là việc khó quá mà! Bởi vậy hôm nay tôi phải lánh nặng tìm nhẹ dịch mấy bài về lối khác.

Mấy bài tôi sẽ dịch đây có quan hệ với sử liệu (document historique), bởi vậy nó cũng có ích mà ích về đàng khác.

*

* *

Những tôi ngay, con thảo đời xưa, đều là nhờ một chữ "tình" mà làm cho họ nên ngay nên thảo. (Người mà đã không có tình thì thôi, còn làm được gì?)

Ông Hồ Trung Giản (hồi nhà Tống), dâng sớ hạch tội Tần Cối (gian thần) rồi bị đày qua Lãnh Nam. (Qua ở Lãnh Nam, ông Hồ gá nhân tình với một ả đầu kêu là Lê Tiến). Đến lúc được tha về, bận bịu cùng nàng ấy mà không nỡ về.

Việc ông Hồ đó cũng giống với việc Tô Võ, khi bị cầm ở Hung Nô, cưới vợ Hung Nô. Vì (xưa nay) những người cô cao, làm theo ý mình thì thường không giữ gìn những việc nhỏ mọn. Khổng Tử có nói: "Xem điều lỗi thì biết người nhân", tức là những người như thế.

Vậy mà thầy Châu Tử (Châu Hy ở nhà Tống, có tiếng là đại nho) lại làm bài thơ chê rằng:

Thập niên phù hải nhứt thân khinh,
Quy đối Lê oa cáp hữu tình.
Thế thượng vô như nhân dục hiểm,
Kỷ nhân đáo thử ngộ bình sinh!

Dịch:

Mười năm vượt biển chiếc thân phao,
Về, đối nàng Lê bận bịu sao!
Cái dục trên đời nguy hiểm nhứt,
Hư thân vì nó biết là bao!

(Thầy Châu Tử cũng ở đời ấy và thầy cũng làm quan tại trào như ông Hồ. Gặp khi Tần Cối lộng quyền, thầy cũng có thảo sớ tính dâng vua để đàn hạch. Nhưng thầy còn nghi ngờ gì đó nên chưa dâng. Thầy bèn bày ra bói thử kiết hung thế nào. Bói gặp quẻ xấu, thầy bèn nín luôn không dâng sớ).

(Bởi vậy) Ông Cao Thủ Thôn họa theo vần bài thơ thầy Châu Tử mà chế lại thầy ấy như vầy:

Phê lân nhứt sớ tử sanh khinh,
Vạn tử đầu hoang thượng hữu tình.
Bất học Độn ông bồng thi thảo,
Cam tâm kìm khẩu tự du sinh!

(Bài hoạ nầy móc đến ruột ông Châu Tử, khó chịu lắm! Tôi nghĩ hoài mà dịch không ra. Huống chi lại càng khó hơn nữa. Vả, nếu dịch ra thơ thì nhiều chữ không thể rõ nghĩa được. Vậy tôi xin dịch ra tản văn. Ấy là việc cực chẳng đã lắm chớ tôi có muốn làm lỡ dở như vậy đâu).

Một bài sớ dâng lên, như rờ ngược vảy rồng, coi sự chết sống là nhẹ.
Muôn phần chết (chỉ có một phần sống) bị đày ra chốn cùng hoang mà còn có tình.
Không thèm bắt chước Độn ông (thầy Châu Tử) (hai tay) bưng cỏ thi mà bói.
Đành lòng, khép kín miệng mà ăn trộm sự sống

(Rờ vảy ngược con rồng (phê long chi nghịch lân) là nói sự nguy hiểm lắm. Đời xưa có dùng cỏ thi mà bói, cũng như bói bằng rùa. Mình không đáng sống nữa mà cố lì để sống, kêu là ăn trộm sự sống: du sanh).

*

* *

Nhẫn lên là một tắc trong Tùy Viên thi thoại, về cuốn 3, tờ 20, phía sau (mỗi tờ hai phía). Trong đó, những chữ nào câu nào có dấu ngoặc ( ) là do tôi lấy sự biết của mình mà thêm vào. Vì ông Tùy Viên làm sách, theo trình độ những người đọc sách của ổng, không nói kỹ làm chi, nói như ổng là đủ hiểu. Nhưng đến khi dịch ra, để y vậy, sợ độc giả không quen thì không hiểu, cho nên tôi phải thêm.

Đọc đoạn đó thì thấy cái lý học của Tống Nho chẳng qua là vậy vậy! – Nàng Lê Tiến má núng đồng tiền, cho nên kêu là Lê oa, – Oa nghĩa là chỗ hũng.[1]

P. K.

   




Chú thích

  1. Sau này, khi đưa vào sách Chương Dân thi thoại, tác giả bỏ câu chú về từ Lê oa, và thêm câu: "Chuyện là chuyện làm thơ mà thật là một cái tài liệu tốt để phê bình lý học của Tống Nho". (Phan Khôi, Chương Dân thi thoại, Huế, 1936: Nhà in Đắc Lập, tr. 130).


   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)