Tôn Ngô binh pháp/Thân thế Tôn Tử

Tôn Ngô binh pháp
Tôn VũNgô Khởi, do Ngô Văn Triện dịch
Thân thế và trứ tác của Tôn Tử

Thân-thế và trứ-tác
của Tôn-Tử

(Sinh về thế kỷ thứ 6 và thứ 5 trước Gia-Tô)

Sách Sử ký nói: Tôn-Tử tên là Vũ, người nước Tề, vì có soạn ra sách Binh-pháp, được vào yết kiến vua Ngô là Hạp-Lư. sau vua dùng làm tướng.

Sách Ngô Việt Xuân Thu nói: Vua Ngô lên đài, hướng vào ngọn gió nam mà hò la, một lúc rồi than thở, các quan chẳng ai hiểu ý vua thế nào. Tử-Tư biết lòng vua băn khoăn, bèn tiến Ngô-Tử lên vua. Tôn-Tử là người nước Ngô, giỏi về binh pháP ở ẩn lánh trong bóng tối, người đời chẳng ai biết rõ tài.

Xét Ngô Tử vốn người nước Tề, sau chạy sang Ngô, cho nên sách Ngô Việt Xuân-Thu bảo là người Ngô. Sách Tính thị biện chứng của Đặng Danh-Thế nói rằng: cháu năm đời của Kính-Trọng nước Tề tên là Thư làm quan đại-phu nước Tề, đi đánh nước Cử có công, vua Cảnh-công ban cho họ Tôn, cho ấp ăn lộc ở Nhạc-án. Thư sinh ra Phùng, làm quan khanh nước Tề. Phùng sinh ra Vũ, tự là Trường-khanh. Vì bọn mấy họ Điền, Bão mưu làm loạn, Vũ phải chạy sang Ngô rồi làm tướng quân.

Sách Sử ký chép: Hạp Lư nói: có thể tạm thử về cách nghiêm quân không? Thưa rằng: có thể. Hạp-Lư nói: có thể thử bằng những đàn bà không? Thưa rằng: có thể. Bèn cho đem thử xem. Lấy những mỹ nhân trong cung ra cả thẩy được 180 người, Tôn-tử chia ra làm hai đội, lấy hai người thiếp yêu nhất của vua đặt làm đội trưởng, đều bắt phải cầm kích, ra lệnh rằng: Các nàng biết trái tim, tay tả, tay hũu cùng lưng của nàng không? Bọn đàn bà nói: Biết rồi. Tôn-tử nói: Đàng trước thì trông vào tim, bên tả thì trông vào tay tả, bên hữu thì trông vào tay hữu, đàng sau thì trông vào lưng. Bọn đàn bà vâng lời. Ước thúc đã xong, bèn đặt cái phù cái việt, ba lần ra lệnh và năm lần nhắc lại, rồi giục họ đi về phía hữu. Bọn đàn bà cả cười. Tôn-tử nói: Ước thúc không rõ, hiệu lệnh không tỏ là tội của người làm tướng. Bèn lại ba lần ra lệnh, năm lần nhắc lại, rồi giục họ đi về phía tả. Bọn đàn bà lại cả cười. Tôn-tử nói: Ước thúc không rõ, hiệu lệnh không tỏ là tội của người làm tướng, nhưng đã tỏ rõ mà không theo đúng phép là tội của binh lính. Bèn muốn chém hai người tả hữu đội trưởng. Vua Ngô ở trên đài trông xuống, thấy Vũ sắp chém những người thiếp yêu của mình, cả sợ, vội sai người xuống truyền lệnh rằng: Quả nhân đã biết tướng quân giỏi sự dùng binh rồi. Quả nhân không có hai người thiếp ấy thì ăn không biết gì là ngon, xin đừng nỡ chém. Tôn-tử nói: Thần đã chịu mệnh làm tướng, tướng ở trong quân, có khi mênh vua cũng không cần nghe theo. Bèn đem chém hai người đội trưởng rồi nhắc người vai dưới lên thay, lại ra mệnh lệnh. Bọn đàn bà bấy giờ, tả hữu trước sau quỳ đứng, đều đúng vào khuôn phép mực thước, không ai dám ho he tiếng gì. Tôn-tử bấy giờ sai sứ báo với vua rằng: Quân đã chỉnh tề, nhà vua có thể thử xuống coi, rồi tùy nhà vua muốn dùng vào việc gì thì dùng, dẫu bắt họ giẫm vào nước vào lửa cũng có thể được. Vua Ngô nói: Thôi tướng quân hãy lui về nghỉ, quả nhân không muốn xuống xem. Tôn-tử nói: Thế là nhà vua chỉ thích nghe nói suông chứ không biết dùng sự thực. Hạp-Lư mới biết Tôn-tử là người giỏi sự dùng binh, sau cùng dùng làm tướng. Nước Ngô sở dĩ phía tây phá được nước Sở mạnh vào tận Dĩnh-đô, phía bắc làm cho nước Tề nước Tấn phải sợ, nức tiếng gọi với chư hầu, là có sức của Tôn-tử dự vào đấy.

Sử ký lại rằng: Tôn Vũ lấy tập binh pháp để vào kiến vua Ngô Hạp-Lư, Hạp-Lư nói: mười ba thiên của nhà ngươi, ta đã xem hết cả rồi.

Xét sách Sử-ký chỉ nói lấy binh pháp vào kiến Hạp-Lư, không nói rõ 13 thiên ấy làm vào hồi nào. Xem ở bài tựa của vua Ngụy-Võ (Tào-Tháo) rằng: Vì tướng Ngô Tôn Vũ làm ra 13 thiên binh-pháp đem thử vào đám đàn bà, rồi sau được dùng làm tướng; vậy thì 13 thiên ấy làm ra, cốt để cần Hạp-Lư biết đến mà dùng. Nay xét ở thiên đầu nói rằng: sẽ nghe kế của ta, dùng binh tất phải thắng, ta ở lại; sẽ không nghe kế của ta, dùng binh tất phải bại, ta bỏ đi, ấy là những lời cần dùng đó. — Lại xét ở Thiên Hư thực nói rằng: Quân lính của người Việt tuy nhiều, nhưng có ích gì trong sự thua sự được, ấy là lời vì Hạp Lư mà nói ra đó. Thiên Cửu địa nói: Người Ngô cùng người Việt ghét nhau, khi đi cùng một chiếc thuyền mà gặp gió bão thì cứu giúp nhau như tay tả tay hữu vậy, cũng là lời nói đối với Hạp Lư đó. Cho nên Ngụy Võ bảo là vì vua Ngô Hạp Lư mà làm ra, lời nói ấy đúng đấy.

Sách Ngô-Việt xuân-thu nói: Vua Ngô với Tôn-Tử hỏi về binh pháp, mỗi khi trình bầy được một thiên, vua tắc tỏm ngợi khen luôn miệng.

Vua Ngô hỏi Tôn-Vũ rằng: «Đất tan[1] quân lính để ý ở nhà, không thể dùng đánh nhau được, thì nên bền giữ không ra. Nếu kẻ địch đánh vào thành nhỏ của ta, cướp đồng ruộng ta, cấm củi rác ta, lấp đường cốt yếu của ta, đợi khi ta trống rỗng, rồi đến đánh gấp thì làm thế nào? Vũ nói: « Kẻ địch vào sâu cõi ta, qua nhiều thành ấp, binh lính lấy quân làm nhà, chuyên chí quyết đấu, binh ta ở nước mến quê ham sống, bầy trận thì không bền, đánh nhau thì không thắng, nên tụ người, họp lính, dành thóc chứa lụa, giữ thành phòng hiểm, sai khinh binh cắt đứt đường lương. Họ khiêu chiến không được, vận tải không đến, đồng không nội trống, ba quân đói khát, bấy giờ ta mới lừa nhử, có thể nên công. Nếu muốn đánh nhau ở đồng thì phải nhân thế, dựa hiểm đặt phục, không có chỗ hiểm thì ẩn vào khí-giời như là bóng tối, sương mờ, nhân lúc bất ý đánh úp vào khi họ trễ nải, có thể nên công ».

Ngô-Vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « ta đến đất nhẹ chưa vào cõi địch, quân lính nhớ về, khó tiến dễ lui, chưa qua hiểm trở. ba quân sợ-hãi, đại-tướng muốn tiến, quân sĩ muốn lui, trên dưới khác lòng; bên địch giữ gìn thành lũy, sửa sang xe ngựa, hoặc cản trước ta, hoặc đánh sau ta, thì như thế nào? » Vũ nói: « Quân đến đất nhẹ, binh sĩ chưa chuyên, lấy tiến vào làm cốt, không lấy chiến làm cần, đừng gần thành lớn, đừng do đường thẳng, đặt ngờ, giả hoặc vờ như sắp đi, rồi tuyển quân kỵ mạnh mẽ, ngậm tăm vào trước, cướp lấy trâu ngựa lục súc, ba quân thấy được tiến sẽ không sợ, chia toán quân giỏi, ngầm phục một nơi, kẻ địch hễ đến đánh ngay, đừng ngờ, nếu mà không đến bỏ đó mà đi ».

Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Đất tranh, kẻ địch đến trước chiếm chỗ hiểm yếu, giữ chỗ tiện lợi, tuyển binh luyện lính, hoặc ra, hoặc giữ, để phòng sự xuất kỳ của ta, thì làm thế nào? » Vũ nói: « Cái phép đất tranh, giữ trước là lợi. Quân địch đã chiếm được chỗ thì mình rất chớ nên đánh, giả cách kéo quân chạy đi, dựng cờ khua trống, đến cái chỗ mà họ báu trọng, kéo giong tung bụi, làm mờ hoặc tai mắt của họ, chia môt toán quân giỏi của ta, ngầm phục một chỗ, địch tất ra cứu, người muốn ta cho, người bỏ ta lấy, ấy là cái đạo tranh trước. Nếu ta đến giữ được trước mà địch dùng cách ấy thì tuyển số quân mạnh, giữ vững lấy chỗ, sai toán khinh binh đi đuổi theo, chia đặt phục ở chỗ hiểm trở, quân địch quay lại đánh, thì quân phục ở cạnh nổi lên, ấy là cái đạo toàn thắng ».

Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Đất giao, ta sẽ ngăn tuyệt quân địch, khiến không lại được, truyền cho nơi biên-thành của ta sửa việc thủ bị, ngăn cản đường thông, giữ vững yếu ải. Nếu không đề trước, quân địch đã phong, họ có thể đến được, ta không thể đi được, số người nhiều ít lại đều nhau, thì làm thế nào? » Vũ nói: « Đã mình không thể đi được họ có thể đến được, ta chia quân ẩn giấu tỏ ra không có năng lực gì. Quân địch kéo đến; ta đặt phục, giấu lều, đánh lúc bất ý, có thể nên công được ».

Ngô-vuơng hỏi Tôn-Vũ rằng: Đất thông tất phải đến trước nếu ta đường xa đi sau, dù giong xe ruổi ngựa cũng không đến trước được, thì làm thế nào? » Vũ nói: « Đất thuộc ba bề, đường thông bốn lối, ta cùng kẻ địch tương đương, mà bên cạnh đó có nước khác; gọi là đến trước, tất phải lễ biện cho hậu, sứ đi cho nhanh, ước hòa với nước bên cạnh, giao thân kết ân, binh tuy đến sau, nhưng người ở đấy đã thuộc về mình. Kén binh luyện lính, đóng ở chỗ lợi, việc quân săn sóc, kho lương chứa đầy, khiến xe, ngựa của ta, ra vào xem ngó. Ta có sức giúp của người, mà kẻ kia thì mất phe đảng, cùng nhau ỷ-gióc, khua trống cùng đánh, quân địch kinh khủng, không biết đàng nào mà chống lại ».

Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Ta dẫn binh vào sâu đất nặng, qua vượt đã nhiều, đường lương bị đứt, giả thử muốn về, thế không thể qua, muốn ăn của bên địch, cầm binh vững chắc, thì như thế nào? » Vũ nói: « Phàm ở đất nặng, quân lính liều lĩnh, chuyển vận không thông thì cướp lấy lương ăn, dưới được thóc lụa đều cống lên trên, ai cướp được nhiều thì có thưởng, quân không có bụng nghĩ đến sự về. Nếu mà định về thì phải phòng ngừa nghiêm cẩn, sâu hào cao lũy, tỏ với địch là định ở lâu. Địch ngờ đường thông, ngầm trừ triệt những lối yếu hại, bèn sai khinh binh ngậm tăm mà đi, làm tung cát bụi và lấy trâu ngựa để nhử mồi, quân địch nếu ra, khua trống mà theo, ngầm phục quân ta, cùng nhau đúng kỳ, trong ngoài ứng hợp, đủ biết là có hể đánh bại được họ ».

Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Ta vào đất lội, đường lối những núi sông hiểm trở khó đi, đi lâu quân mỏi, địch ở phía trước ta, lại phục đàng sau ta, trại ở phía tả ta, lại giữ phía hữu ta, xe tốt ngựa khỏe đón chẹn những con đường hẻm, thì như thế nào? » Vũ nói: « Trước cho xe nhẹ tiến đi cách quân 10 dậm cùng địch chờ đón tại chỗ hiểm trở, hoặc chia đi sang tả, hoặc chia đi sang hữu, đại tướng ngắm trông bốn bề, chọn chỗ trống không mà đánh lấy, đều họp lại cả ở trung đạo đến mỏi thì thôi ».

Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Ta vào đất vây, trước có giặc mạnh, sau có hiểm nan, quân địch tuyệt đường lương của ta, lợi thế chạy của ta, hò reo không tiến để xem cái năng lực của ta thì làm thế nào? » Vũ nói: « Ở trong đất vây, tất lấp chỗ khuyết, tỏ rằng sẽ không đi đâu, như thế binh lính sẽ lấy quân làm nhà, muôn người cùng lòng, ba quân cùng sức, thổi cơm đủ ăn luôn mấy ngày để không thấy khói lửa gì cả, cố làm ra cái hình rối loạn hèn yếu. Ben địch thấy thế, phòng bị tất là hững hờ. Mình sẽ khuyến khích quân lính, khiến họ tức giận, phục những lính giỏi ở các chỗ hiểm trở hai bên tả hữu, rồi đánh trống mà kéo ra. Quân địch nếu cản trở, mình sẽ đánh thật mau và mạnh, đàng trước đánh nhau mà đàng sau mở lối, làm thế ỷ-giốc với hai bên tả hữu ». Lại hỏi rằng: « Quân địch ở trong đất vây của ta náu núp mà có mưu sâu, nhử ta vào mối lợi, buộc ta bằng ngọn cờ, rối ren như loạn, không biết là họ đi đâu, thì làm thế nào? » Vũ nói: « Nghìn người cầm cờ chia dàn ra ở những con đường trọng yếu, sau toán khinh binh ra khiêu chiến, bầy trận mà đừng đánh, tiếp súc mà đừng bỏ, đó là cách phá mưu của họ ».

Trở lên đều là di văn của Tôn-tử, thấy ở thông-điển.

Lại rằng: « Quân vào cõi địch, kẻ địch giữ vững thành lũy không đánh, lính tráng nhớ về, muốn lui nhưng khó, gọi là đất nhẹ, nên kén quân kỵ mạnh mẽ, phục ở đường hiểm yếu, ta lui, địch đuổi đến thì ta đánh ».

Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Quân ta ra khỏi cõi đóng ở trên đất kẻ địch, địch kéo ùa đến, vây ta mấy vòng, muốn xông mà ra, bốn bề lấp chẹn, muốn khích lệ quân sĩ, khiến họ liều mình phá vây thì làm thế nào? » Vũ nói: «Sâu hào cao lũy, tỏ sự giữ gìn phòng bị, yên tĩnh đừng động để giấu cái năng lực của ta. Truyền cho ba quân, tỏ bất đắc dĩ, giết trâu đốt xe, khao thưởng quân sĩ, thiêu hết lương thực, san lấp giếng bếp, cắt tóc vứt mũ, rứt bỏ lòng sống, tướng không mưu khác, quân có chí chết. Đó rồi chuốt giáp, mài dao, gồm khí hợp sức, hoặc đánh hai cạnh, thúc trống hò reo, quân địch cũng sợ, không thể đương nổi; chia toán binh mạnh, đánh gấp đàng sau, ấy là lỡ đường mà tìm sống. Cho nên nói rằng: Khốn mà không mưu thì cùng, cùng mà không đánh thì chết ». Ngô vương nói: « Nếu ta vây địch thì như thế nào? » Vũ nói: « Núi cao hang hiểm, khó bề vượt qua, gọi là giặc cùng. Phương pháp đánh phá, núp quân giấu lều, mở cho lối đi, tỏ cho đường chạy; ham sống tìm ra, tất họ không có chí chiến đấu, bấy giờ sẽ đánh, tuy đông cũng có thể phá được. Binh pháp lại rằng: Nếu kẻ địch ở đất chết, quân lính mạnh mẽ, cái cách đánh họ, thuận mà đừng chống, ngầm giữ chỗ lợi, cắt đứt đường lương, sợ có kỳ binh, ẩn mà đừng hiện, khiến tay cung nỏ đều giữ yên chỗ». (Xét họ Hà dẫn đoạn văn này, cũng nói là « Binh pháp nói rằng » thì biết lời vấn đáp cũng ở trong số 82 thiên).

Trở lên thấy ở lời chua của họ Hà.

Xét đây đều là giải thích nghĩa thiên Cửu-địa, lời ý rất tường cho nên thiên, quyển, không thể không nhiều.

Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « quân địch mạnh hung hăng, kiêu mà không sợ, binh nhiều mà khỏe, đồ tính thế nào? » Vũ nói: « chị u khuất mà đợi thuận theo ý họ, đừng khiến họ biết rõ, để càng thêm trễ nải, nhân theo quân địch mà xê dịch, ngầm phục để đợi, đi trước họ không trông, đi sau họ không đoái, mình đánh sấn vào khoảng giữa, tuy họ nhiều mình cũng có thể thắng được, cái cách đánh kẻ kiêu, không nên tranh phong ».

Thấy ở Thông điển.

Vua Ngô hỏi Tôn-Vũ rằng: « quân địch giữ chỗ núi hiểm, chiếm phần lợi thế, lương thực lại đủ, khiêu khích thì không ra, có dịp thì lấn cướp, vậy làm thế nào? » Vũ nói: « chia binh giữ chỗ yếu bại, cẩn phòng đừng trễ nhác, ngầm dò tình y, khẽ đợi lúc họ chểnh mảng, lấy lợi mà nhử, cấm đường kiếm củi, lâu không được gì, tự nhiên biến đổi, đợi lúc họ dời khỏi chỗ vững chắc, sẽ cướp lấy chỗ yêu thích của họ, như vậy kẻ địch dù giữ chỗ hiểm ta cũng có thể phá được ».

Thấy ở Thông-điển và Thái-bình ngự-lãm.

Tôn-Tử nói: « tướng ấy là trí, là nhân, là kính, là tín, là dũng, là nghiêm. Ấy nên trí là để bẻ gẫy kẻ địch, nhân để làm cho người ham theo, kính để chiêu người hiền, tín để đúng lệ thưởng, dũng để thêm khí, nghiêm để nhất lệnh. Cho nên bẻ kẻ địch thì có thể hợp biến, người ham theo thì nghĩ sự cố đánh, kẻ hiền trí họp thì âm mưu lợi, sự thưởng phạt đúng thì quân hết sức, khí dũng thêm thì uy lệnh của quân tăng bội, uy lệnh duy nhất thì tướng muốn sao được vậy.

Tôn-Tử nói: phàm đất nhiều chỗ lõm chỗ vũng gọi là giếng giời.

Tôn-Tử nói: cho nên nói rằng chỗ cỏ rậm um tùm là để ẩn trốn, chỗ hang sâu hiểm-hóc là để đình trú xe ngựa, chỗ núi rừng khuất khúc là để lấy ít đánh nhiều, chỗ đầm hồ mờ-mịt, là để ẩn náu hình tích.

Thấy ở Thông-điển.

Tôn-Tử nói: mạnh yếu dài ngắn đừng lẫn.

Lại nói: xa thì dùng nỏ, gần thì dùng gươm, gươm nỏ cùng bổ trợ cho nhau.

Lại nói: Lấy mười bộ binh để đánh một kỵ binh. Cũng thấy ở Thông-điển.

Đỗ Mục nói: « sách của Tôn-Vũ mấy chục vạn lời, Ngụy-Vũ tước bớt phần rườm rà lọc chép phần tinh túy thành bộ sách này ». Nhưng xét 13 thiên Tôn-tử là do Tôn Vũ tự tay chép nên trong sách Sử-ký có hai lần khen đến, vậy mà Đỗ Mục bảo do Ngụy Vũ bút tước nên là lầm.

Tiều công Võ nói: Lý Thuyên đời Đường cho là Ngụy Vũ chú giải có nhiều chỗ lầm, bèn thu rút pho sử lịch-đại dựa theo phép độn giáp mà chua thành 3 quyển.

Lại rằng: Đỗ Mục đời Đường thấy trong Vũ-thư, đại khái dùng bằng nhân nghĩa, khiến bằng cơ quyền, Tào Công chú giải sơ lược, mười không được một, bởi còn tiếc những điều sở đắc, định dành lại để tự làm ra bộ sách mới, nhân đem chua lại cho đầy đủ. Người đời bảo Mục hăng-hái thích bàn việc binh, muốn thử tài mà không được, sức học có thể nói chuyện được những việc ở thời Xuân-thu, Chiến-quốc rất rộng mà tường, người sành việc binh phải có ý phục.

Lại rằng: Trần Hạo đời đường thấy Tào Công chua thì lờ mờ, Đỗ-Mục chua thì viển vông, bèn làm lời chua lại. Lại rằng: Kỷ Nhiếp đời Đường đem những lời giải của ba nhà đời Đường là Mạnh-thị, Giả-Lâm, Đỗ Hựu mà họp lại.

Âu dương Tu nói: đời truyền rằng 13 thiên Tôn-tử, phần nhiều dùng lời chua của Tào-Công, Đỗ-Mục, Trần-Hạo gọi là ba nhà.

Lại rằng: ba nhà chua Tôn-tử, Hạo là người chua sau cùng thường chê chỗ kém của Mục.

Tiều công Võ nói: Vương Tích thấy bản cổ sửa đổi lầm thiếu nên lại làm lời chua. Triều vua Nhân Tông (Tống) thiên hạ nhân thái bình đã lâu, người nước không tập luyện việc binh. Nguyên-Hiệu làm phản, tướng ngoài biên thường bị thua luôn, triều đình nhân tìm hỏi những người biết về việc binh, thế là sĩ đại phu đua nhau nói việc binh nhiều lắm. Cho nên bản triều chú giải sách của Tôn-Vũ, đại khái đều là người của thời bấy giờ.

Xét sách Tôn-tử tạp chí ngày nay, vốn do Đạo-trạng Hoa-âm[2] lục ra, tức là bộ sách do Cát-thiên-Bảo đời Tống thu góp lời chua của 10 nhà, 10 nhà ấy là: 1•) Ngụy Vũ; 2•) Lý Thuyên; 3•) Đỗ Mục; 4•) Trần Hạo; 5•) Giả Lâm; 6•) Mạnh Thị; 7•) Mai nghiêu-Thần; 8•) Vương Tích; 9•) Hà diện Tích; 10•) Trương Dự.

Trong bản 10 nhà lại có Đỗ Hựu Quân-Khanh chua nữa. Xét Đỗ Hựu là người làm ra sách Thông-điển, dẫn lời của Tôn-Tử mà giải thích chứ không phải là chua. Sách Thông-điển dẫn lời Tôn-Tử rằng: « lợi để câu nhử, thân để chia lìa » chua rằng lấy lợi câu nhử, khiến năm cách gián[3] đều lọt vào, kẻ biện sĩ đi du thuyết làm thân với vua tôi bên kia, rồi làm chia lìa hình thế của họ ra, cũng như nước Tần sai kẻ phản gián sang nói với nước Triệu, khiến bỏ Liêm Pha mà dùng con Triệu Xa đó. Xét hai câu « lợi để câu nhử, thân để chia lìa » nguyên văn của Tôn tử vốn không liền nhau, sách Thông điển trích dẫn lại lầm lời chua, tìm đến ý nghĩa, hầu thành ra một việc, khác hẳn với lời Tôn-tử, nghĩa hai câu không dính gì với nhau cả.

Lại xét lối chua của Đỗ-Hựu thường trước dẫn lời chua của họ Tào, dưới phụ ý mình cho nên lời trước với lời sau có chỗ không giống nhau.

Lại về sự chua của Đỗ-Hựu, ngoài sự dẫn dụng lời chua của họ Tào, thỉnh thoảng cũng dùng lời của họ Mạnh nữa.

Lại xét mười nhà chua[4], sau Ngụy-Võ thì kế đến họ Mạnh, nhận thấy ở Tùy-thư Kinh-tịch-chí; nguyên bản đặt họ Mạnh ở sau Trần-Hạo, Giả-Lâm là lầm, nay cải chính. Tiều công-Võ cho họ Mạnh là người Đường, cũng lầm. Lại xét Đỗ Hựu tuy không phải là làm lời chua sách Tôn-tử, nhưng đã dẫn dụng lời văn không nên đặt ở sau Giả Lâm và ở trước Mạnh-thị, nay đổi đặt ở dưới Mạnh-thị. Lại xét Đỗ Mục là cháu của Hựu, nguyên bản đặt Mục ở trước là sự lầm lớn.

Lại sách Tôn-tử, nguyên bản của Đạo-Tạng đề là tập-chú, bản của họ Chu ở Đại-hưng đề là chú-giải, nay đổi là « Tôn-tử thập gia chú » là theo sách Tổng-chí.

Lược dịch tập Tôn tử tự lục

của Tất-Dĩ-Tuân

   




Chú thích

  1. Đất tan đất nhẹ v.v. là những hình thế đất trong việc hành-binh, xin xem thiên Cửu-Địa dưới này sẽ rõ ».
  2. Kho sách của đạo gia ở đất Hóa-âm.
  3. Xem ở thiên Dụng-gián dưới này.
  4. Xin độc-giả chú ý: những lời chua của mười nhà dưới đây, dịch-giả chỉ chọn lựa mà địch, cốt cho được sáng nghĩa của chính-văn thì thôi, chứ không dịch tất cả, sợ phiền nhũng mà không có ích mấy.