XI

Thiên Cửu-địa

Tào Công rằng: Cái đất muốn đánh có chín.

Lý Thuyên rằng: Cái đất thắng được kẻ địch có chín, cho nên ở dưới thiên Địa-hình.

Vương Tích rằng: Cái đất dùng binh, lợi hại có chín.

Trương Dự rằng: Cái đất dùng binh có chín thế, đây bàn về địa thế cho nên ở dưới địa-hình.


Tôn-tử nói: Phép dùng binh, có đất tan, có đất nhẹ, có đất tranh, có đất giao, có đất thông, có đất nặng, có đất lội, có đất vây, có đất chết.

Tào Công rằng: Ấy là tên của chín đất.


Đánh nhau ở chính trong đất mình là đất tan.

Tào Công rằng: Lính tráng ham luyến quê nhà đường gần dễ tan.

Đỗ-Hựu rằng: Đánh nhau ở trong cõi đất mình, binh lính ý chí không chuyên, có lòng tan vỡ, cho nên gọi là đất tan.

Đỗ Mục rằng: Binh lính gần nhà, tiến không có lòng liều chết, lui có sẵn chỗ thụt về.

Họ Hà rằng: Đất tan là binh lính cậy ở đất nhà, ham luyến vợ con, hễ thấy nguy thì tan chạy, ấy là đất tan. Hoặc bảo đất không có then khóa, quân lính dễ tan chạy, ở chỗ ấy không nên thường đánh. Lại bảo là khoảng đất không có những chỗ yếu-bại, chí-ý không bền mà dễ lìa, cho nên gọi là đất tan. Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Đất tan quân lính để ý ở nhà, không thể dùng đánh nhau được, thì nên bền giữ không ra. Nếu kẻ địch đánh vào thành nhỏ của ta, cướp đồng ruộng ta, cấm củi rác ta, lấp đường cốt yếu của ta, đợi khi ta trống rỗng rồi đến đánh gấp thì làm thế nào? » Vũ nói: « Kẻ địch vào sâu cõi ta, qua nhiều thành ấp, binh lính lấy quân làm nhà; chuyên chí quyết đấu; binh ta ở nước, mến quê, ham sống, bầy trận thì không bền, đánh nhau thì không thắng, nên tụ người họp lính, dành thóc chứa lụa, giữ thành phòng hiểm, sai khinh binh cắt đứt đường lương. Họ khiêu chiến không được, vận tải không đến, đồng không nội trống, ba quân đói khát, bấy giờ ta mới lừa nhử, có thể nên công. Nếu muốn đánh nhau ở đồng, thì phải nhân thế, dựa hiểm, đặt phục, không có chỗ hiểm thì ẩn vào khí-giời, như là bóng tối sương mờ, nhân lúc bất ý, đánh úp vào khi họ trễ nải có thể nên công. »


Vào đất người mà không sâu là đất nhẹ.

Tào Công rằng: Binh lính đều trở về một cách nhẹ-nhàng.

Đỗ Hựu rằng: Vào đất người chưa sâu, bụng còn chưa chuyên, chạy về nhẹ-nhàng, gọi là đất nhẹ.

Họ Hà rằng: Đất nhẹ là nhẹ nhàng, sự lui; vào cõi địch chưa sâu, đi nhẹ về dễ, không nên dừng nghỉ, tướng không được thường làm nhọc binh. Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Ta đến đất nhẹ chưa vào cõi địch, quân lính nhớ về, khó tiến dễ lui, chưa qua hiểm trở, ba quân sợ hãi, đại-tướng muốn tiến, quân-sĩ muốn lui, trên dưới khác lòng; bên địch giữ gìn thành lũy, sửa sang xe ngựa, hoặc cản trước ta, hoặc đánh sau ta, thì như thế nào? » Vũ nói: Quân đến đất nhẹ binh sĩ chưa chuyên, lấy tiến vào làm cốt, không lấy chiến làm cần, đừng gần thành lớn, đừng do đường thẳng, đặt ngờ giả hoặc, vờ như sắp đi, rồi tuyển quân kỵ mạnh mẽ ngậm tăm vào trước, cướp lấy trâu ngựa lục súc, ba quân thấy được, tiến sẽ không sợ, chia toán quân giỏi ngầm phục một nơi kẻ địch hễ đến, đánh ngay đừng ngờ, nếu mà không đến, bỏ đó mà đi » Lại rằng: « quân vào cõi địch, kẻ địch bền lũy không đánh, quân lính nhớ về, muốn lui hơi khó, gọi là đất nhẹ, nên kén quân kỵ mạnh mẽ. phục ở con đường cốt yếu, ta bị địch đuổi, thì đổ ra đánh.


Ta được thì lợi, kẻ kia được cũng lợi, là đất tranh.

Đỗ Hựu rằng: Bảo cái chỗ núi sông ách yếu, có lợi hiểm-cố, hai bên địch đều phải cần tranh.

Lý-Thuyên rằng: Ấy là chỗ chẹn họng thủ hiểm, ai đóng trước thì thắng, ấy là đất tranh.

Đỗ Mục rằng: Cái đất tất tranh là đất hiểm yếu. Hồi nhà Tiền Tần, Lã-Quang đi đánh xứ Tây-vực về đến Nghi-hòa, Thứ-sử Lương-châu là Lương-Hy mưu chống lại. Thái-thú Cao-xương là Dương-Hàn nói: Lã-Quang mới định xong được nước Tây-vực, binh cường khí mạnh, mũi nhọn khó đương nếu đi ra phía Lưu-sa, thì cái thế khôn lường được. Cửa hang Cao-ngô hiểm yếu, nên đến giữ trước, chẹn cướp lấy nước, họ đã khốn kiệt, tự nhiên phải ném giáo đầu hàng. Nếu cho là xa không muốn đến, thì cứ giữ cửa ải Y-ngô cũng có thể chống cự được. Nếu bỏ hai chỗ ách yếu ấy thì khó lòng tính kế gì nữa. Đất có chỗ phải cần tranh, chính là dịp này. Hy không theo, sau rồi quả bị Quang diệt mất.

Họ Hà rằng: Đất tranh là cái đất tiện lợi, ai chiếm được trước thì thắng, vì thế cần phải tranh. Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Địch nếu đến trước, chiếm chỗ hiểm yếu, giữ chỗ tiện lợi, tuyển binh, luyện lính, hoặc ra hoặc giữ, để phòng sự xuất kỳ của ta, thì làm thế nào ». Vũ nói: Cái phép đất tranh, giữ trước là lợi. Quân địch đã chiếm được chỗ mình rất chớ nên đánh, giả cách kéo quân chạy đi, dựng cờ khua trống, đến cái chỗ mà họ báu trọng, kéo giong tung bụi, làm mờ hoặc tai mắt của họ, chia một toán quân giỏi của ta, ngầm phục một chỗ, địch tất ra cứu, người muốn ta cho, người bỏ ta lấy, ấy là cái đạo tranh trước. Nếu ta đến giữ được trước mà địch dùng cách ấy thì tuyển số quân mạnh, giữ vững lấy chỗ, sai toán khinh binh đi đuổi theo, chia đặt phục ở chỗ hiểm trở, quân địch quay lại đánh thì quân phục ở cạnh nổi lên, ấy là cái đạo toàn thắng. »

Trương Dự rằng: Cái lợi hiểm trở, người hay ta chiếm được, đều có thể lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, ấy là cái đất tất phải tranh, Đường Thái-Tông lấy 3 nghìn người giữ chỗ hiểm ở Thành-cao, làm khốn cho 10 vạn quân của Đậu Kiến-Đức đó vậy.


Ta có thể đi, địch có thể lại, đó là đất giao.

Tào Công rằng: Đường xen lẫn vào nhau.

Đỗ Hựu rằng: đất giao có mấy đường đi lại, giao thông không dứt.

Đỗ Mục rằng: Sông rộng đất phẳng, đi được lại được, đủ để giao chiến đối lũy.

Trần Hạo rằng: Giao lẫn vào nhau, nói đường vắt ngang, người và ta có thể đi lại. Cái đất như thế thì nên binh sĩ đầu đuôi không dứt, cần phải hết sức đề phòng. Cho nên ở dưới nói: Đất giao ta nên giữ cẩn nghĩa, đó đủ thấy vậy.

Họ Hà rằng: Đất giao là cái đất bình nguyên giao thông. Một nói là phải nên giao kết, không nên ngừng đứt, ngừng đứt thì sinh ra hiềm khích. Lại nói là đất ấy giao thông ra bốn bề xa, không nên cản rứt. Ngô-vương nỏi Tôn-Vũ rằng: « Đất giao, ta sẽ ngăn tuyệt quân địch khiến không lại được, truyền cho nơi biên thành của ta sửa việc thủ bị, ngăn cản đường thông, giữ vững yếu ải. Nếu không đồ trước, quân địch đã phòng, họ có thể đến được, ta không thể đi được, số người nhiều ít lại đều nhau thì làm thế nào? » Vũ nói: « Đã mình không thể đi được, họ có thể đến được, ta chia quân ẩn giấu, tỏ ra không có năng lực gì. Quân địch kéo đến, ta đặt phục, giấu lều đánh lúc bất ý, có thể nên công được. »


Đất Chư-hầu thuộc về ba nước.

Tào Công rằng: Ta cùng với kẻ địch kề bên đất ấy mà ở bên cạnh lại có nước khác nữa.

Họ Mạnh rằng: Như là nuóc Trịnh tiếp cõi ba nước Tề, Sở, Tấn.


Đến trước mà được binh chúng thiên-hạ là đất thông.

Đỗ Hựu rằng: Đến trước đất ấy, giao kết với binh chúng Chư-hầu để nhờ giúp sức.

Lý Thuyên rằng: Bên cạnh nước địch, có một nước khác giúp đỡ, mình đến trước mà thông với họ, sẽ thu được binh chúng.

Đỗ Mục rằng: Đất thông là cái đất tiếp giáp ba bề, ta nên đến trước chỗ xung yếu, chiếm giữ hình thế, kết với nước bên cạnh. Thiên-hạ cũng như nói Chư-hầu.

Họ Hà rằng: Đất thông là cái đất yếu xung, thông đi mấy đường, chiếm trước được đất ấy thì mọi người tất phải theo, cho nên được đó thì yên, mất đó thì nguy. Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Đất thông tất phải đến trước, nếu ta đường xa đi sau, dù giong xe ruổi ngựa cũng không đến trước được thì làm thế nào? » Vũ nói: Đất thuộc ba bề, đường thông bốn lối, ta cùng kẻ địch tương đương mà bên cạnh đó có nước khác, gọi là đến trước, tất phải lễ biện cho hậu, sứ đi cho nhanh, ước hòa với nước bên cạnh, giao thân kết ân, binh tuy đến sau nhưng người ở đấy đã thuộc về mình. Ta có sức giúp của người mà kẻ kia thì mất phe đảng, cùng nhau ỷ giốc, khua trống cùng đánh, quân địch kinh khủng, không biết đàng nào mà chống lại.

Trương-Dự rằng: Cái đất thông lộng bốn bề, kẻ địch của ta ở về một mặt, mà cạnh đó có ba nước láng giềng liên tiếp vào nhau, nên đến kết hợp với họ để làm thế viện trợ cho mình. Đến trước là bảo sai sứ đến trước, lấy lễ hậu mà ước hòa với nước bên cạnh, binh tuy đến sau, cũng đã được sự giúp của những nước ấy rồi.


Vào sâu đất người, cách xa thành ấp là đất nặng.

Tào-Công rằng: Cái đất khó về.

Đỗ-Mục rằng: Vào cõi nước người đã sâu, qua những thành ấp của người đã nhiều, cầu cống đều bị giữ, yếu xung đều bị chẹn, về quân quay cờ, không thể nào được.

Mai-Nghiêu-Thần rằng: Thừa hư mà vào, vượt đất đã sâu, qua thành đã nhiều, các chỗ trọng yếu đều bị lấp chẹn, cho nên gọi là đất nặng khó.

Họ Hà rằng: Đất nặng là vào bên đất địch đã sâu, lương thực của nước nhà khó cung cấp đủ, tướng sĩ không cướp thì lấy vào đâu. Ngô-Vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Ta dẫn binh vào sâu đất nặng, qua vượt đã nhiều, đường lương bị đứt, giả thử muốn về, thế không thể qua, muốn ăn của bên địch, cầm binh vững chắc thì như thế nào? ». Vũ nói: « Phàm ở đất nặng, quân lính liều lĩnh, chuyển vận không thông thì cướp lấy lương ăn, dưới được thóc lúa đều cống lên trên, ai cướp được nhiều thì có thưởng, quân không có bụng nghĩ đến sự về. Nếu mà định về thì phải phòng ngừa nghiêm cẩn, sâu hào cao lũy, tỏ với địch là định ở lâu. Địch ngờ đường thông, ngầm trừ diệt những lối yếu hại, bèn sai Khinh binh ngậm tăm mà đi, làm tung cát bụi và lấy trâu ngựa để nhử mồi, quân địch nếu ra, khua trống mà theo, ngầm phục quân ta cùng nhau đúng kỳ, trong ngoài ứng hợp đủ biết là có thể đánh bại được họ ».


Đi chỗ núi rừng hiểm trở lầy lội, phàm đường khó đi, là đất lội.

Mai-Nghiêu-Thần rằng: Bị nước hủy phá, đi cũng còn khó huống chi là đánh giữ ư?

Họ Hà rằng: Đất lội là cái đất ít sự bền vững, không thể làm thành lũy hào ngòi, nên chóng đi cho khỏi. Ngô-vương hỏi Tôn-Vũ rằng: « Ta vào đất lội, đường lối những núi sông hiểm trở khó đi, đi lâu quân mỏi, địch ở phía trước ta lại phục đàng sau ta, trại ở phía tả ta lại giữ ở phía hữu ta, xe tốt ngựa khỏe đón chẹn những con đường hẻm, thì như thế nào? » Vũ nói: « Trước cho xe nhẹ tiến đi cách quân 10 dặm, cùng địch chờ đón tại chỗ hiểm trở, hoặc chia đi sang tả, hoặc chia đi sang hữu, đại tướng ngắm trông bốn bề, chọn chỗ trống không mà đánh lấy, đều họp lại cả ở trung đạo, đến mỏi thì thôi ».


Con đường để đến thì hẹp, con đường để về thì cong, họ ít có thể đánh được ta nhiều, là đất vây.

Đỗ Hựu rằng: Đường sang thì hóc hiểm, đường về thì xa xôi, đóng lâu thì lương thiếu, cho nên quân địch có thể lấy ít mà đánh ta nhiều, ấy là đất vây.

Mai Nghiêu Thần rằng: Núi sông vây bọc, vào thì chật hẹp, về thì cong queo.

Họ Hà rằng: Đất vây vào thì hẹp hiểm, về thì cong queo, tiến lui khó khăn, tuy đông cũng chẳng làm trò gì. Có thể làm những cách kỳ biến thì đất ấy có thể dùng được. Ngô-vương hỏi Tôn Vũ rằng: Ta vào đất vây, trước có giặc mạnh, sau có hiểm nan, quân địch tuyệt đường lương của ta lọi thế chạy của ta, hò reo không tiến để xem cái năng lực của ta, thì làm thế nào? » Vũ nói: « Ở trong đất vây, tất lấp chỗ khuyết, tỏ rằng sẽ không đi đâu, như thế binh lính sẽ lấy quân làm nhà, muôn người cùng lòng, ba quân hợp sức, thổi cơm đủ ăn luôn mấy ngày để không thấy khói lửa gì cả, cố làm ra cái hình rối loạn hèn yếu. Bên địch thấy thế phòng bị tất là hững hờ. Mình sẽ khuyến khích quân lính, khiến họ tức giận, phục những lính giỏi ở các chỗ hiểm trở hai bên tả hữu, rồi đánh trống mà kéo ra. Quân địch nếu cản trở, mình sẽ đánh thật mau và mạnh, đàng trước đánh nhau mà đàng sau mở lối, làm thế ỷ-giốc với hai bên tả hữu ». Lại hỏi rằng: « Quân địch ở trong đất vây của ta, náu núp mà có mưu sâu, nhử ta bằng mối lợi, buộc ta bằng ngọn cờ, rối ren như loạn, không biết là họ đi đâu, thì làm thế nào? Vũ nói: « Nghìn người cầm cờ, chia dàn ra ở những con đường trọng yếu, sai toán khinh binh ra khiêu chiến, bầy trận mà đừng đánh, tiếp xúc mà đừng bỏ, đó là cách phá mưu của họ ».

Trương Dự rằng: Cái đất trước hẹp sau hiểm, một người trấn giữ muôn người khôn qua, thì có thể thắng bằng cách dùng quân kỳ quân phục.


Đánh mau thì sống, không đánh mau thì chết, là đất chết.

Tào Công rằng: Trước có núi cao, sau có sông lớn, tiến thì khó khăn, lui thì trở ngại.

Đỗ Mục rằng: Vệ-Công Lý Tĩnh nói: Có khi tiến quân hành binh, không nhờ hướng đạo, hãm vào nguy bại, bị địch chèn chế, tả hang hữu núi, đường gập ghềnh bó ngựa treo xe, sau tuyệt trước cùng, lối len lỏi hàng nhạn xâu cá, binh bầy chưa chỉnh mà giặc mạnh đã kéo đến nơi, tiến không chỗ nghỉ ngơi, lui không chỗ giữ vững, muốn chiến chẳng được, tự giữ không yên, ở im thì ngày tháng lữa lần, cử động thì đầu đuôi thụ địch, đồng không cỏ nước, quân thiếu tư lương, ngựa mỏi người chồn, trí cùng sức kiệt, một người giữ ải, muôn kẻ khôn qua, các chỗ yếu hại, địch đã chiếm rồi, các chỗ tiện lợi, ta đã mất cả, dù có binh khỏe gươm sắc, dễ hồ mà làm gì được đâu! Nếu ở vào chỗ đất chết, đánh mau thì sống, không đánh mau thì chết, phải nên trên dưới cùng lòng, gồm khí hợp sức, rút ruột vắt máu, chỉ nhìn vào một cái chết ở trước mặt, nhân hại làm công, chuyển họa làm phúc, ấy là thế đó.

Trần Hạo rằng: Người ở đất chết như ngồi trên thuyền thủng, núp trong nhà cháy.

Giả Lâm rằng: Tả hữu núi cao, trước sau suối tật, ngoài vào thì dễ, trong ra thì khó, lầm ở đất ấy, mau liều chết mà đánh thì sống, nếu đợi quân lính nhụt khí, lương thực lại không, mà giữ lâu, không chết thì còn đợi gì nữa!

Họ Hà rằng: Đất chết đánh giấn thì sống, giữ lâu thì chết. Ngô-vương hỏi Tôn Vũ rằng: « Quân ta ra khỏi cõi, đóng ở trên đất kẻ địch, địch kéo ùa đến, vây ta mấy vòng, muốn xông mà ra, bốn bề lấp chẹn, muốn khích lệ quân sĩ, khiến họ liều mình phá vây thì làm thế nào? » Vũ nói: « Sâu hào cao lũy, tỏ sự giữ gìn phòng bị, yên tĩnh đừng động để giấu cái năng lực của ta. Truyền cho ba quân, tỏ bất đắc dĩ, giết trâu đốt xe, khao thưởng quân sĩ, thiêu hết lương thực, sau lấp giếng bếp, cắt tóc vất mũ, dứt bỏ lòng sống, tướng không mưu khác, quân có chí chết. Đó rồi chuốt giáp mài dao, gồm khí hợp sức, hoặc đánh hai cạnh, thúc trống hò reo, quân địch cũng sợ, không thể đương nổi, chia toán binh mạnh, đánh gấp đàng sau, ấy là lỡ đường mà tìm sống. Cho nên nói rằng: « Khốn mà không mưu thì cùng, cùng mà không đánh thì chết. » Ngô-vương nói: « Nếu ta vây địch thì như thế nào? » Vũ nói: « Núi cao hang hiểm, khó bề vượt qua, gọi là giặc cùng. Phương pháp đánh phá, núp quân giấu lều, mở cho lối đi, tỏ cho đường chạy, ham sống tìm ra, tất họ không có chí chiến đấu, bấy giờ sẽ đánh, tuy đông cũng có thể phá được. Binh pháp lại rằng: Nếu kẻ địch ở đất chết, quân lính mạnh mẽ, cái cách đánh họ, thuận mà đừng chống, ngầm giữ chỗ lợi, cắt đứt đường lương, sợ có kỳ binh, ẩn mà đừng hiện, khiến tay cung nỏ, đều giữ yên chỗ.


Ấy cho nên đất tan thì không thể đánh nhau được.

Đỗ Hựu rằng: Quân lính luyến nhà, không nên khinh chiến.

Giả Lâm rằng: Đất không cổng cửa, quân dễ tan chạy, ở chỗ đất ấy, không nên thường đánh. Cái thuyết địa hình, chỉ là lý thuyết của một nhà, nếu hiệu lệnh nghiêm minh, quân lính mến phục chết còn chẳng tiếc, khi nào lại tan.

Mai Nghiêu Thần rằng: Quân ta ở nước, luyến quê ham sống, bầy trận chẳng bền, đánh nhau không thắng, cho nên không thể đánh nhau được.


Đất nhẹ thì không dừng.

Đỗ Hựu rằng: Chí chưa bền, không nên gặp quân địch.

Đỗ Mục rằng: Binh-pháp gọi là đất nhẹ, là bảo ra quân hành binh, mới vào cõi địch, chưa qua chỗ hiểm yếu, quân lính muốn được về, khó tiến dễ lui, lấy vào làm khó. Cho nên đất nhẹ phải tuyển lấy quân tinh nhuệ, ngầm phục một chỗ, quân địch thốt đến, đánh ngay đừng ngờ, nếu họ không đến, vượt mà tiến gấp.

Mai Nghiêu Thần rằng: Mới vào cõi địch, chưa qua hiểm trở, lòng quân chẳng chuyên, đừng nên đánh nhau, đừng gần thành to, đừng đi đường lớn, lấy tiến mau làm lợi.


Đất tranh thì không đánh.

Tào Công rằng: Không nên đánh, nên đến trước là lợi.

Lý Thuyên rằng: Kẻ địch đã đến trước chỗ điạ hiểm thì không nên đánh.

Đỗ Mục rằng: Không đánh là bảo kẻ địch đã đến trước đất ấy thì không nên đánh.


Đất giao thì không rứt.

Tào Công rằng: Phải cùng nối tiếp.

Đỗ Mục rằng: Sông rộng đất bằng, bốn mặt giao chiến, nên xe ngựa bộ ngũ đầu đuôi nối tiếp, không nên khiến cho đoạn tuyệt, sợ kẻ địch len vào đánh ta.

Giả Lâm rằng: Đối với cái nước nên giao kết, không nên dứt đứt, dứt đứt sẽ sinh hiềm khích.

Mai-Nghiêu-Thần rằng: Đường đã xen len, sợ kẻ đón chẹn, phải khiến bộ ngũ đi kịp nhau, không nên dứt quãng.


Đất thông thì hợp giao.

Tào Công rằng: Nói giao kết với Chư-hầu.

Họ Mạnh rằng: Được giao thì yên, mất giao thì nguy.

Mai-Nghiêu-Thần rằng: Đất ở chỗ thông, đi bốn ngả, làm thế nào để được thiên-hạ giúp đỡ, nên lấy hậu lễ mà hợp giao.


Đất nặng thì cướp.

Tào Công rằng: Cướp để xúc tích lương thực.

Lý Thuyên rằng: Vào sâu cõi địch, không nên làm sự phi nghĩa để mất lòng người, như Hán-Cao-Tổ vào nhà Tần, không phạm đến phụ-nữ không lấy những của cải, cốt để được lòng người vậy. Vì thế nên Thuyên này cho rằng chữ cướp trên đây là chữ không cướp.

Mai Nghiêu Thần rằng: Bỏ nước đi xa, qua nhiều thành ấp, đường lương tất tuyệt, phải cướp những kho xúc tích để kế tiếp cho lương.


Đất lội thì đi.

Tào Công rằng: Không nên dùng dằng ở đất ấy.

Lý Thuyên rằng: Không nên lập hào lũy, nên đi gấp.


Đất vây thì mưu.

Tào Công rằng: Phải nghĩ nẩy ra cái mưu lạ.

Đỗ Mục rằng: Chỗ đất hiểm trở, cùng địch giữ nhau, nên dùng kế kỳ hiểm quỷ quyệt.

Mai Nghiêu Thần rằng: Trước có đường hẹp, sau có lối hiểm, đường về lại quanh vòng, nên nghĩ nẩy ra mưu kế để mà thủ thắng.


Đất chết thì đánh.

Tào Công: Liều chết mà đánh.

Trần Hạo rằng: Hãm ở đất chết, thì trong quân người nào cũng tự lo chiến đấu, cho nên nói rằng đặt ở đất chết rồi mới sống.

Giả Lâm rằng: Cố đánh hoặc sống ngồi giữ thì chết


Gọi là người giỏi dùng binh đời xưa hay khiến cho kẻ địch trước sau không kịp nhau.

Mai Nghiêu Thần rằng: Đặt quân kỳ để đánh tạt ngang.


Nhiều ít không tựa nhau.

Mai Nghiêu Thần rằng: Làm cho kinh nhiễu.


Sang hèn không cứu nhau.

Mai Nghiêu Thần rằng: Làm cho toán loạn.


Trên dưới không giúp nhau.

Mai Nghiêu Thần rằng: Làm cho bàng hoàng.


Quân lìa mà không hợp, binh hợp mà không đều.

Họ Mạnh rằng: Làm nhiều sự ngờ, ra đông hiện tây, đánh nam nhử bắc, khiến họ rối ren tan tác mà không tụ tập được.

Đỗ Mục rằng: Đặt nhiều sự biến trá, để làm rối kẻ địch, hoặc xông trước úp sau, hoặc kinh đông đánh tây, hoặc lập hình giả, hoặc bầy thế lạ, hoặc hợp chiến một cách vô hình, để kẻ địch phải phòng bị mà chia quân ra, họ sẽ nớp sợ ly tán, trên dưới hoang mang, không thể hòa hợp, không được tề tập, đó là sự khéo dùng binh.

Trương Dự rằng: ra lúc bất ý, úp chỗ vô bị, binh mạnh lính giỏi, thốt nhiên chợt đánh, họ cứu trước thì lo sau, ứng tả thì hở hữu, khiến phải bàng hoàng toán loạn, không biết đàng nào mà chống cự, tướng sĩ binh lính không thể ứng tiếp được với nhau, lính đã tan không thể lại họp, binh tuy hợp không được duy nhất.


Hợp với lợi thì động, không hợp với lợi thì ngừng.

Tào Công rằng: Làm cho họ ly tán, cho họ không đều, rồi động binh mà đánh.

Trương Dự rằng: Tuy họ kinh nhiễu, nhưng mình cũng nên có lợi thì động, không lợi thì thôi.


Dám hỏi quân địch nhiều mà tề chỉnh sắp đến, mình nên đối đãi thế nào?

Tào Công rằng: Lời hỏi của một kẻ hoặc giả nào đó.

Trương Dự rằng: Trên này nói là kể quân sĩ bằng nhau, mới có thể làm được, cho nên đây kẻ hoặc hỏi nếu quân địch có nhiều hơn ta, mà lại tề chỉnh thì ta nên đối đãi thế nào?


Đáp rằng: Trước cướp lấy cái yêu quý của họ, họ sẽ phải nghe mình.

Tào Công rằng: Cướp lấy cái lợi gì mà họ chắc cậy, như là chiếm trước lấy cái đất thuận lợi, thì ta muốn gì tất phải được.

Lý Thuyên rằng: Tôn-tử cố đặt ra lời hỏi này bởi đó là điều bi yếu vậy. Gọi là cái yêu quý, tức là những cái cần yếu của bên địch, hoặc của cải, người vật, ta trước làm cho họ khốn nhục thì họ tiến lui đều phải nghe theo mình.

Trương Dự rằng: Vũ nói những cái quân địch yêu quý là đất tiện và lương thực, ta cướp lấy trước thì chẳng cái gì họ chẳng phải theo kế của ta.


Tình của binh chủ ở nhanh chóng, thừa lúc người ta không kịp, do con đường không ngờ, đánh vào chỗ không phòng.

Tào Công rằng: Tôn-tử ứng lời vấn nạn để bầy lại binh tình.

Đỗ Mục rằng: Đây nói chung về cái tình trạng việc binh, nên nhân khe kẽ của quân địch, do con đường không ngờ, đánh vào chỗ không phòng, ấy là tình sâu của binh mà việc tột của tướng đó.


Phàm cái đạo làm khách, vào sâu thì chuyên, chủ nhân không thắng được.

Đỗ Mục rằng: Nói đại phàm cái đạo công phạt, nếu vào sâu trong đất bên địch, quân sẽ có cái chí liều chết, lòng được chuyên nhất, chủ nhân không thể thắng ta nổi.

Trương Dự rằng: Vào sâu cõi địch, quân lính lòng chuyên, thì bên chủ không thể thắng ta được bởi khách ở đất nặng, chủ ở đất nhẹ vậy. Cho nên Quảng-võ-quân nước Triệu bảo Hàn-Tín dời khỏi nước đi đánh xa, mũi nhọn của hắn không thể đương được, là thế.


Cướp ở đồng tốt, ba quân đủ ăn.

Vương Tích rằng: Đồng tốt nhiều thóc lúa.


Nuôi cẩn thận mà đừng khiến họ vất vả, gồm khí chứa sức, vận binh tính mưu, làm cái việc không ai lường được.

Đỗ Mục rằng: Đây nói vào sâu trong cõi đất người, nên cướp lúa đồng, khiến ta đủ ăn, rồi sau đóng lũy lại mà giữ, đừng khiến vất vả để cho được khí toàn sức thịnh, mật đánh thì thắng, động dụng biến hóa, khiến kẻ địch không lường ta được.

Trần Hạo rằng: Cánh đồng mình đóng cần phải cần tiện cỏ nước, tích xúc đầy đủ, đi lại cẩn thận, vỗ về khôn khéo. Vương-Tiễn đi đánh Sở, người Sở khiêu chiến, Tiễn không ra, chăm việc vỗ về, gồm binh hợp sức, khi nghe quân lính ném đá làm trò đùa, biết là quân mạnh thích sự đánh nhau, bấy giờ mới dùng, chỉ một trận diệt được nước Sở. Nhưng chỉ khi vào sâu đất địch, chưa thấy cái thế chưa có thể đánh thắng được, mới dùng kế ấy.


Ném vào chỗ không đi đâu được, chết cũng không chạy.

Đỗ Mục rằng: Ném vào chỗ không đi đâu được là bảo trước sau lui tới đều không có lối nào đi, quân như thế sẽ đều cố đánh, tuy chết không chạy.

Trương Dự rằng: Đặt vào đất nguy, tả hữu trước sau đều không có lối nào đi, sẽ cố đánh đến chết mà không chạy.


Chết, gì mà chẳng được.

Đỗ Mục rằng: Nói quân lính liều đánh lấy chết có lẽ nào mà lại không thắng.

Trương Dự: Quân sĩ cố chết mà đánh, sao lại chẳng đắc trí. Úy-liêu-Tử nói: Một tên giặc cầm gươm đánh ở chợ, hàng muôn người đều phải tránh cả; không phải là một người khỏe, muôn người yếu, chỉ vì quyết chết với không quyết chết hai đàng khác nhau xa đó thôi.


Tướng sĩ hết sức.

Vương Tích rằng: Người ở đất chết há không hết sức.

Trương Dự rằng: Cùng ở cái đất nguy nan, sao được chẳng cùng mang hết sức ra đánh.


Binh lính rất nguy thì không sợ.

Đỗ Mục rằng: Hãm vào cái chỗ nguy hiểm, thế không chết một mình, ba quân cùng lòng cho nên không sợ.

Vương Tích rằng: Hãm vào đất khó thì không sợ, không sợ thì chí chiến đấu được bền vững.


Không đi đâu được thì bền, vào sâu thì buộc.

Đỗ Mục rằng: Nói vào sâu cõi địch, chạy không đường sống, thì lòng người kiên cố như là trói buộc.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Ném vào chỗ không đi đâu được thì tự nhiên lòng bền, vào sâu thì tự nhiên chí chuyên.


Bất đắc dĩ thì chiến đấu.

Tào Công rằng: Người cùng thì cố chết chiến đấu.

Đỗ Mục rằng: Bất đắc dĩ là mọi người đều thấy mình hãm vào cái đất chết tất không sống được, phải lấy chết để cứu chết, cùng bất đắc dĩ cả thì ai nấy hết sức chiến.


Ấy cho nên binh sĩ không sửa mà răn, không tìm mà được, không ước mà thân, không lệnh mà tin.

Đỗ Mục rằng: Đây nói quân ở đất chết, trên dưới cùng lòng, không đợi sửa uốn mà tự răn sợ, không đợi tìm bới mà thấy lòng dân, không đợi ước lệnh mà tự thân tín.

Mai Nghiêu Thần rằng: Không sửa mà mình tự răn, không tìm mà tình tự thấy, không ước mà chúng tự thân, không lệnh mà người tự tín, đều là vì hãm vào trong bước nguy nan nên ba quân đồng lòng vậy.


Cấm gở bỏ ngờ, đến chết không đi đâu.

Tào Công rằng: Cấm những lời gở lạ, bỏ những kế ngờ hoặc.

Đỗ Mục rằng: Hoàng Thạch-công nói: Cấm thầy đồng thầy bói, để không được bói toán dữ lành cho các tướng-sĩ, vì sợ loạn lòng quân. Nói đã bỏ con đường ngờ hoặc, thì quân lính đến chết không có chí khác.

Mai Nghiêu Thần rằng: Những truyện điềm triệu không dấy lên, những lời ngờ hoặc không dựa vào thì quân sĩ tất không loạn, đến chết mới thôi.

Trương Dự rằng: Muốn cho quân sĩ cố chết mà đánh thì cấm chỉ những kẻ Quân lại không được bầy những chuyện quái gở dị đoan sợ làm mờ hoặc lòng chúng, bỏ những kế ngờ vực, thì đến chết họ cũng không nghĩ gì khác. Sách Tư-Mã-pháp nói « Diệt lệ tường », tức là thế đó. Nếu quân sĩ chưa có cái lòng quyết chiến, thì cũng có khi phải mượn chuyện dị đoan để sai khiến người, như là Điền-Đan giữ ở Tức-mặc, sai một người quân làm thần, mỗi khi ra vào và truyền hiệu lệnh, tất xưng là thần, bèn phá được nước Yên đó vây.


Quân ta không có của thừa, không phải ghét của, không có mạng thừa, không phải ghét thọ.

Tào-Công rằng: Đốt cháy tài vật, không phải ghét vì nhiều của cải, bỏ của, liều chết, chỉ là sự bất đắc dĩ.

Trương Dự rằng: của và thọ, người ta ai cũng yêu, sở dĩ dứt vất của cải, cắt bỏ tính-mệnh, không phải là ghét của, chỉ là bất đắc dĩ vậy.


Cái ngày ra lệnh, quân lính người ngồi thì nước mắt ướt vạt áo, người nằm thì nước mắt chảy xuống cằm.

Lý Thuyên rằng: Bỏ của cùng mạng, có cái chí quyết chết, cho nên cảm động mà sa nước mắt.

Đỗ Mục rằng: Quân sĩ đều lấy chết mà ước thề. Cái ngày chưa tử-chiến, ra lệnh trưóc ngày, cái việc ngày nay ở cả chuyến này, nếu không nghe mệnh thân lầy nội cỏ, bị giống chim muông nó ăn thịt.

Trương Dự rằng: Vì cảm kích nên sa nước mắt. Ngày xuất chiến, ra lệnh trước rằng: « Cái việc ngày nay, ở một chuyến này, nếu không nghe mệnh, thân lầy nội cỏ, bị chim muông nó ăn thịt ». Hoặc nói: Phàm cuộc khao quân, uống rượu rồi tuốt gươm đứng múa, húc trán vào nhau, đánh trống reo hò, để làm cho phấn khí, nếu để ứa nước mắt khóc, chẳng cũng làm nhụt lòng hăng-hái đi ư?. Đáp rằng: Trước phải quyết cái tử-lực, sau phải quyết cái nhuệ-khí, thì tất phải thắng. Nếu không có lòng quyết chết thì khí tuy thịnh cũng không thể thắng được. Như Kinh-Kha cùng mọi kẻ sĩ ở Dịch-thủy, đều ứa nước mắt khóc cả; đến lúc lại cất tiếng khảng-khái thì đều trợn mắt dựng tóc đẩy cả mũ lên đó vậy.


Ném vào chỗ không đi đâu được sẽ có cái mạnh của Chư, Quệ.

Lý Thuyên rằng: « Này thú cùng thì đánh, chim cùng thì mổ, lệnh ra cấp bách, sẽ có cái mạnh của Chuyên-Chư, Tào-Quệ.

Trương Dự rằng: Người ta đã quyết chí chết thì bước tới đâu đều có cái mạnh của Chuyên-Chư, Tào-Quệ. Chuyên-Chư là người mà Công-tử Quang nước Ngô sai đâm giết Ngô-vương-Liêu. Chữ Quệ là chữ Mạt mới phải, Tào-Mạt là người có sức mạnh, thờ vua Lỗ Trang-Công, từng cầm thanh trủy thủ hiếp Tề Hoàn-công.


Cho nên người giỏi dùng binh ví như là con xuất-nhiên.

Mai-Nghiêu-Thần rằng: Nói tương ứng một cách dễ dàng.


Xuất-nhiên là con rắn Thuờng-sơn,[1] đánh đầu thì đuôi quặp lại, đánh đuôi thì đầu quặp lại, đánh giữa thì đầu đuôi đều quặp lại cả.

Trương-Dự rằng: Xuất cũng như tốc, nghĩa là nhanh chóng, hễ đánh thì nó ứng lại một cách nhanh chóng, đây nói ví về trận-pháp. Bát trận-đồ nói rằng: « Lấy sau làm trước, lấy trước làm sau, bốn đầu tám đuôi, chỗ một là thủ, địch xông vào giữa, đầu đuôi đều cứu ».


Dám hỏi việc binh có thể khiến như con xuất-nhiên đuợc không?

Mai-Nghiêu-Thần rằng: Nói có thể khiến việc binh, đầu đuôi cứu ứng nhanh-nhẹn như một tấm thân chăng.


Nói rằng: Có thể. Này người Ngô cùng người Việt ghét nhau, đương khi cùng thuyền qua sông mà gặp gió, cứu nhau như tay tả tay hữu.

Mai-Nghiêu-Thần rằng: Cái thế nó khiến vậy.

Trương Dự rằng: Ngô Việt là hai kẻ cừu thù, cùng ở trong nước nguy nan, thì cùng cứu nhau như hai tay, huống chi những kẻ không phải cừu thù, há lại không ứng cứu nhau như con xuất-nhiên ư?


Ấy cho nên buộc chân ngựa chôn bánh xe, chưa đủ chắc cậy.

Đỗ Mục rằng: Buộc chân ngựa chôn bánh xe, khiến cho lập trận mà không động, tuy thế cũng chưa đủ chắc cậy là thật vững vàng, cần phải dùng cách quyền biến, đặt quân vào cái chỗ tất chết, khiến người nào cũng cố chiến đấu, cùng cứu giúp nhau như hai tay, ấy mới là cái đạo giữ bền, tất thắng, mà đủ chắc cậy được.

Trần Hạo rằng: Người thù ghét nhau, không ai hơn Ngô Việt, thế mà cùng thuyền gặp bão còn cứu giúp nhau, vì sao? cái thế nó khiến như vậy. Này cái đạo dùng binh, nếu đem hãm vào chỗ tất chết, khiến phải mang cái lo tất chết, thì đầu đuôi sau trước, không thể không cùng cứu nhau. Có cái thù ghét nhau như người Ngô Việt, mà còn cứu giúp như hai tay, huống hồ không có sự thù ghét như Ngô Việt ư! Đó là nói quý ở đặt cách quyền biến mà sai khiến, thì lòng mạnh nhát hợp nhất vậy.

Trương Dự rằng: Trên kia lần lượt nói sự đặt quân ở đất chết, khiến lòng người chuyên nhất mà giữ bền, nhưng tuy thế cũng chưa đủ là cách tốt. Tuy đặt vào đất nguy, cũng cần phải có quyền trí để khiến người, làm cho họ cứu nhau như là tay tả tay hữu thì tất thắng. Cho nên nói rằng: Tuy buộc ngựa chôn xe, cũng chưa đủ cậy bền mà chắc thắng, điều đáng chắc cậy, là cốt khiến quân sĩ cùng ứng cứu nhau như trong một thân-thể.


Sức mạnh khiến đều nhau, là cái đạo của quân chính.

Đỗ Mục rằng: Làm cho sự dũng cảm đều nhau, ba quân như một đó là việc làm của người coi quân chính.

Trần Hạo rằng: Chính lệnh nghiêm minh thì kẻ mạnh không được riêng tiến, kẻ nhát không được riêng lui, người trong ba quân như một vậy.

Trương Dự rằng: Đã đặt vào đất nguy, lại khiến phải cùng cứu, thì trong ba quân đều sức cùng mạnh như một người, ấy là đúng cái đạo về quân chính đó.


Cứng mềm đều được dùng, là cái lẽ của địa hình.

Tào Công rằng: Mạnh yếu đều cùng một thế.

Lý Thuyên rằng: Cứng mềm được dùng, nhân cái thế của đất.

Vương Tích rằng: Cứng mềm cũng như mạnh yếu, nói người trong ba quân, mạnh yếu đều được dùng là do cái địa lợi khiến vậy.

Trương Dự rằng: Được cái địa lợi, thì tên quân mềm yếu cũng có thể đánh được giặc, huống chi là tên quân cứng mạnh ư? Cứng mềm đều được sự dùng là do địa thế nó khiến vậy.


Cho nên người giỏi dùng binh, như cầm tay mà khiến một người, chẳng được đừng vậy.

Đỗ Mục rằng: Nói sai khiến binh sĩ ba quân như cầm tay của một người, ai nấy đều chẳng được đừng mà thuận theo mệnh lệnh của ta.

Giả Lâm rằng: Cầm tay sai khiến, tiện sự xoay chuyển, lấy sau làm trước, lấy trước làm sau, lấy tả làm hữu, lấy hữu làm tả, cho nên đám đông trăm vạn chỉ như là một người.


Việc của tướng quân, lặng mà sâu, ngay mà trị.

Tào Công rằng: Nói thanh tĩnh, u thâm, bình chính.

Mai Nghiêu Thần rằng: Lặng mà sâu thẳm, người không thể lường, ngay mà tự trị, người không thể quấy.

Trương Dự rằng: Mưu sự thì yên lặng mà sâu thẳm, người không thể lường, coi dưới thì công chính mà gọn gàng, người không dám man.


Làm ngu tai mắt của quân sĩ, khiến họ không biết.

Lý Thuyên rằng: Mưu tính chưa kỹ, không muốn cho quân sĩ biết, chỉ nên cho họ vui khi đã thành, không nên để cho biết từ lúc mới, vì thế phải làm cho họ mờ tai lóa mắt không thấy biết gì.

Đỗ Mục rằng: Nói khiến cho quân sĩ, ngoài mệnh lệnh của tướng quân, như đui như điếc không biết gì hết.


Đổi việc thay mưu, khiến người không biết.

Đỗ Mục rằng: Cái việc mình làm, cái mưu mình có, không nên khiến cho người biết đầu mối, hiểu duyên do.

Mai Nghiêu Thần rằng: Đổi các việc đã làm, biến cái mưu đã bầy, khiến không ai biết.

Trương Dự rằng: Việc đã làm trước, mưu đã dùng cũ, đều biến đổi đi, khiến người người không thể biết được. Như Bùi Hành-Kiệm, truyền cho quân sĩ xuống trại xong, chợt lại bảo dời lên đồi cao, ban đầu tướng sĩ đều không bằng lòng, đêm hôm ấy chợt có mưa gió ầm ầm, cái trại lập trước, nước sâu hơn trượng, tướng sĩ đều phải kính phục. Họ nhân hỏi rằng: Tại sao tướng quân lại biết có mưa gió? Hành Kiệm cười mà bảo: « Từ nay chỉ nên nghe theo tiết chế của ta, cần gì phải hỏi tại sao mà ta biết ».


Đổi chỗ, quanh đường, khiến người không hiểu.

Trần Hạo rằng: Phàm tướng súy làm việc, hết thảy đều cong ngoẹo đi, để khiến người không lường tính được.

Trương Dự rằng: Chỗ đóng thì bỏ chỗ hiểm mà đóng chỗ dễ, đường đi thì bỏ đường gần mà theo đường xa, người ta ban đầu không hiểu ý, đến khi thắng rồi họ mới phục. Thái Bạch sơn-nhân nói: Việc binh cần ở dối trá: không phải dối kẻ địch mà thôi, cũng dối cả binh sĩ của mình nữa, khiến họ noi theo mà không cho được biết duyên cớ thế nào.


Dẫn chúng đi, như lên cao mà bỏ thang.

Đỗ Mục rằng: Khiến lòng không nghĩ đến sự lui về nữa, như Mạnh Minh đất thuyền vậy.


Dẫn chúng đi, vào sâu trong đất Chư-hầu mà nẩy cơ.

Trần Hạo rằng: Nẩy cái tâm cơ.

Giả Lâm rằng: Nẩy động cơ quyền, tùy việc ứng biến.

Vương Tích rằng: Đều là khích lệ cái chí quyết chiến. Cơ đã nẩy, không thể lại về. Giả Hủ khuyên Tào-Công rằng: Phải quyết cái cơ, là thế đấy.

Trương Dự rằng: Bỏ thang đi, có thể tiến mà không thể thoái, nẩy cơ ra, có thể đi mà không thể về, đại loại như Hạng Võ qua sông mà dìm thuyền đó.


Đốt thuyền đập nồi, như xua đàn dê đi, xua đàn dê về chúng không biết lối nào.

Mai Nghiêu Thần rằng: Chỉ hiền lành theo sự xua dồn, không biết cái gì khác.

Họ Hà rằng: Quân đi lại, theo mệnh của tướng như đàn dê theo người đi săn.


Họp đám ba quân, ném vào chỗ hiểm, ấy gọi là việc của tướng quân.

Mai Nghiêu Thần rằng: Đặt ba quân vào chỗ hiểm nan mà lấy sự thắng, ấy là việc của tướng quân.

Trương Dự rằng: Bỏ thang nẩy cơ, đặt binh vào chỗ nguy hiểm mà lấy thắng, ấy là việc của tướng quân.


Cái biến của chín đất, cái lợi của co duỗi, cái lẽ của tình người, không nên không xét.

Tào Công rằng: tình người thấy lợi mà tiến, thấy bại mà lui.

Đỗ Mục rằng: Nói cái lợi hại của co duỗi, cái lẽ thường của nhân tình, đều nhận chín đất mà biến hóa; vì muốn dưới đây lại nhắc đến chín đất, cho nên ở đây bắt đầu khơi gợi ra.

Trương Dự rằng: Cái phép chín đất không nên câu nệ, nên biết biến thông, đáng co thì co, đáng duỗi thì duỗi, chỉ cốt nhìn rõ xem thế nào là lợi mà thôi. Đó là lẽ thường của nhân tình không nên không xét.


Phàm cái đạo làm quân khách, sâu thì chuyên, nông thì tan.

Mai Nghiêu Thần rằng: Sâu thì chuyên vững, nông thì tan về. Đây trở xuống lại nói đến chín đất, Tôn-Tử săn sóc đến chín biến như vậy.


Bỏ nước vượt cõi mà hành quân, ấy là đất tuyệt

Mai Nghiêu Thần rằng: Tiến không tới đất nhẹ lui không tới đất tan, ở vào giữa khoảng hai đất ấy.

Vương Tích rằng: Đây nói vượt sang cõi của nước láng giềng, ấy là cái đất lân-tuyệt, nên mau quyết việc như Ngô-vương đánh Tề là gần giống. Nhưng trường hợp này rất ít cho nên không liệt vào cái số chín đất.

Trương Dự rằng: Ra khỏi nước mình, vượt qua cõi người mà hành quân, ấy là cái đất nguy tuyệt, như quân Tần qua đất nhà Chu mà đánh úp nước Trịnh đó. Đây là nói ra ngoài cái số chín đất, thời Chiến-quốc gián hoặc cũng có.


Chạy suốt bốn ngả là đất thông

Mai Nghiêu Thần rằng: Đường chạy bốn ngả, kẻ địch ở một mặt.


Vào sâu là đất nặng.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Quân sĩ lấy quân làm nhà, cho nên lòng không tán loạn.


Vào nông là đất nhẹ.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Về nước còn gần, lòng không chuyên được.


Sau hiểm trước hẹp là đất vây.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Lưng dựa vào hiểm cố, mặt tiếp vào ách tắc.

Trương Dự rằng: Trước hiểm sau hẹp, lui tới bị người ta khống chế.


Không có lối nào đi, là đất chết.

Trương Dự rằng: Trước sau tả hữu cùng kiệt không có lối nào đi.


Ấy cho nên đất tan, ta sẽ khiến một chí.

Đỗ Mục rằng: Giữa chí, đánh thì dễ tan.

Trương Dự rằng: Họp người, tụ thóc, một chí bền giữ, dựa hiểm đặt phục, đánh lúc bất ý.


Đất nhẹ ta sẽ khiến nối tiếp.

Đỗ Mục rằng: Bộ ngũ dinh lũy, gần gặn liên tiếp, bởi vì cái đất nhẹ tan, một thì phòng sự lẩn trốn, hai thì sợ quân địch đến, phải gần nhau để dễ cứu giúp.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Đi thì đội ngũ nối nhau, đóng thì dinh lũy liền nhau, nhỡ có giặc đến, không phải tan tác.


Đất tranh ta sẽ ruổi đi sau.

Tào Công rằng: Đất tiện lợi ở đàng trước, phả kíp tiến ở đằng sau.

Đỗ Hựu rằng: Đất lợi ở đằng trước, ta phải tiến ở đàng sau. Đất tranh chiếm trước thì thắng không được thì thua, cho nên phải gấp đuổi theo sau để cho được kịp.


Đất giao ta sẽ giữ cho cẩn.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Giữ vững đồn lũy, cắt đứt đường thông.

Trương Dự rằng: Không nên cản trở đường lối chỉ nên nghiêm lũy bền giữ, đợi họ đến thì đặt quân phục mà đánh.


Đất thông ta sẽ kết cho chặt.

Đỗ Mục rằng: Kết giao chư-hầu, khiến cho bền chặt.

Trương Dự rằng: Đem tiền của cho họ được lợi, dùng minh-thệ cho họ phải tin, bền vững không thay lòng, thì tất sẽ giúp đỡ cho ta.


Đất nặng ta sẽ nối lương thực.

Đỗ Hựu rằng: Sẽ cướp của bên địch. Vào sâu đất người, phải kế tiếp lương thực, không nên để cho cạn kiệt.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Đường đã xa cách, không nên về nước lấy lương, phải cướp của địch để nuôi quân.


Đất lội ta sẽ tiến lên đường.

Tào Công rằng: Đi khỏi cho mau.

Mai Nghiêu Thần rằng: Không có thể để nương tựa.


Đất vây ta sẽ lấp chỗ khuyết.

Tào Công, Lý Thuyên rằng: Để cho duy nhất lòng quân sĩ.

Họ Mạnh rằng: Ý muốn xông vây, phải giả vờ là quyết giữ bền.

Đỗ Mục rằng: Theo binh-pháp, vây bọc quân người phải để chỗ khuyết, tỏ cho họ có một đường sống khiến họ không có chí liều chết, rồi mới công kích. Nay nếu mình ở đất vây, bên địch mở đường sống để nhử quân mình, mình lại tự lấp đi, khiến quân sĩ đều có cái lòng quyết chết. Cuối đời Hậu-Ngụy, Thần-Vũ nhà Tề khởi nghĩa-binh ở Hà-bắc bị bọn Nhĩ Chu Triệu, Thiên Quang, Độ Luật, Trọng-Viễn bốn tướng hợp ở Nghiệp-nam, binh mã tính cường nói là 20 vạn, vây Thần-Võ ở núi Nam-lắng. Bấy giờ Thần-Võ có ngựa hai nghìn, bộ quân không đầy ba vạn, bọn Triệu bao vây không kín, Thần-Võ sai dem buộc những trâu lừa để lấp chỗ hở lại. Nhân thế tướng sĩ cố chết mà đánh, bốn mặt hăng-hái, cả phá được bọn Triệu bốn tướng.


Đất chết ta sẽ tỏ ra rằng không sống.

Đỗ Hựu rằng: Đó là để kích-lệ quân sĩ. Đốt tri trọng, bỏ lương thực, lấp giếng san bếp, tỏ ra là định không sống, tất ai nấy đều cố chết mà đánh.

Đỗ Mục rằng: Tỏ rằng tất chết, khiến ai nấy hăng hái để tìm đường sống.


Cho nên cái tình của binh, vây thì chống.

Lý Thuyên rằng: Quân địch vây thì mình chống lại.

Đỗ Mục rằng: Nói quân ở đất vây, ai nấy đều có cái lòng chống kẻ địch giữ phần thắng.


Bất đắc dĩ thì đấu.

Trương Dự rằng: Thế bất đắc dĩ phải hết sức mà chiến-đấu.


Quá thì theo.

Tào-Công rằng: Hãm vào cái bước quá lắm thì phải theo kế.

Trương Dự rằng: Hãm sâu vào đất nguy nan, thì chẳng ai là chẳng theo kế, như Ban Siêu ở xứ Thiện-thiện, muốn cùng bộ hạ mấy chục người giết sứ giả của nước Rợ, bèn khuyến dụ họ thì họ nói:

« Nay ở cái đất nguy vong, sống chết xin theo quan Tư-mã », đó vậy.


Ấy cho nên không biết cái mưu của Chư hầu không thể dự-giao, không biết cái hình núi rừng hiểm trở lầy lội, không thể hành quân, không dùng hướng đạo, không thể được địa lợi.

Mai Nghiêu Thần rằng: Đã giải ở trong thiên Quân-tranh, đây lại nói lại ba điều ấy, vì bảo tình trạng của địch, lợi hại của đất, cần phải biết trước.

Trương Dự rằng: Biết ba việc ấy, rồi mới có thể hiểu được lợi hại của chín thế đất nên phải nhắc.


Bốn năm cái ấy, mà có một không biết, không phải là quân của bá vương.

Trương Dự rằng: Bốn và năm là chín, bảo cái lợi hại của chín đất, có một cái không biết, chưa thể toàn thắng.


Này quân của bá vương, đánh nước lớn thì bọn lũ không thể tụ tập, oai tới kẻ địch thì sự kết giao không hợp thành.

Mai Nghiêu Thần rằng: Đánh nước lớn chia được bọn lũ của họ thì quyền sức có thừa, quyền sức có thừa thì oai tới kẻ địch, oai tới kẻ địch thì nước bên cạnh phải sợ, nước bên cạnh phải sợ thì sự giao kết của nước địch không thể hợp thành được.


Ấy cho nên không tranh sự giao với thiên hạ, không nuôi cái quyền với thiên hạ, cứ duỗi cái ý riêng của mình, oai ra tới kẻ địch, cho nên thành có thể hạ, nước có thể phá.

Giả Lâm rằng: Chư hầu đã sợ, không được tụ tập, không dám kết hợp, trí mưu uy lực của ta có thừa Chư hầu sẽ phải theo về, không cần phải tranh giao, nuôi quyền gì cả.


Ban cái thưởng mà phép không định sẵn, treo cái lệnh mà chính không đặt sẵn.

Tào Công rằng: Nói pháp lệnh của quân không nên ra sẵn, treo sẵn. Sách Tư-mã-pháp nói: Thấy giặc lập thề, xem công ban thưởng, tức là thế đó.

Trương Dự rằng: Pháp không ra trước, chính không bảo trước, đều là lâm sự lập phép để khích lệ lòng quân. Sách Tư-mã-pháp nói: Thấy giặc lập thề, xem công ban thưởng.


Dùng binh chúng trong ba quân, như khiến một người.

Tào Công rằng: Nói thưởng phạt công minh, tuy sai dùng số đông cũng chỉ như sai dùng một người.

Trương Dự rằng: Thưởng công không qua lúc, phạt tội không dời hàng, thưởng phạt đã minh và nhanh thì sai dùng số đông cũng như số vắng.


Sai dùng lấy việc, đừng ngỏ ra lời.

Mai Nghiêu Thần rằng: Chỉ dùng vào chiến đấu, không bảo rõ mưu lược.

Trương Dự rằng: Chỉ dùng vào chiến đấu, đừng cho biết quyền mưu, như Bùi Hành Kiệm không bảo cho quân lính biết cái cớ dời dinh đó.


Sai dùng lấy lợi, đừng bảo sự hại.

Tào Công rằng: Đừng cho họ biết sự hại.

Mai Nghiêu Thần rằng: Dùng họ chỉ nên cho biết cái lợi mà đừng cho biết cái hại.

Trương Dự rằng: Tình người cứ thấy lợi thì tiến, thấy hại thì tránh, cho nên đừng bảo cho họ biết cái hại.


Ném vào đất mất rồi mới còn, hãm vào đất chết rồi mới sống.

Tào Công rằng: Như thế tất phải cố chết mà đánh, ở đất mất không có sự thua. Tôn Tẫn nói: Binh sợ không ném vào đất chết.

Họ Hà rằng: Như Hán Vương sai tướng là Hàn Tín đánh Triệu, chưa đến cửa Tỉnh hình còn cách 30 dặm đóng trại, nửa đêm truyền quân phát hành, kén hai nghìn quân khinh kỵ, mỗi người cầm một cây cờ đỏ, theo đường hẻm núp vào núi mà xem quân Triệu, dặn rằng: « Triệu thấy ta chạy, tất bỏ không lũy mà đuổi theo, lũ ngươi nên đi mau vào lũy Triệu, hạ cờ Triệu xuống, dựng cờ Hán lên. » Ra lệnh cho người tỳ tướng coi việc cơm nước rằng: « Hôm nay phá Triệu xong rồi mới ăn cơm. » Tín bèn sai một vạn người đi trước bầy cái trận xoay lưng xuống nước. Quân Triệu xa trông thấy cả cười. Sáng sớm, Tín dựng cờ trống Đại tướng quân đi ra cửa Tỉnh hình, Triệu mở cửa lũy ra đánh. Đại chiến hồi lâu, Tín bèn kéo quân trên nước chạy, Triệu bỏ không lũy mà đuổi Tín, quân Tín quay lại đều cố chết mà đánh. Đám 2 nghìn quân kỵ ruổi vào lũy Triệu nhổ hết cờ Triệu mà dựng cờ đỏ của nhà Hán lên.

Quân Triệu đánh Tín không được, quay trở về lũy, trông thấy cờ Hán cả kinh, bèn rối loạn chạy trốn đó rồi quân Hán ập đánh, cả phá được quân Triệu chém Trần Dư ở trên sông Trì, bắt đươc Triệu Vương, các tướng nhân hỏi Tín rằng: « Binh pháp dạy phía hữu và sau lưng gò núi, đằng trước và phía tả sông đầm, nay tướng-quân sai lũ chúng tôi bầy trận xoay lưng xuống nước, và bảo phá xong quân Triệu mới ăn cơm, chúng tôi đều không phục cả, nhưng rút lại thì lại thắng trận, đó là bởi ở thuật gì? » Tín nói: « Đó chính là có trong Binh-pháp chẳng qua các ông không xét đó thôi. Binh-pháp chả nói « hãm vào đất chết rồi mới sống, đặt vào đất mất rồi mới còn» đấy ư?. Vả Tín vốn chưa luyện tập những đám quân sĩ này, thật không khác xua một đám người phố chợ ra trận đánh nhau, thế không thể không đặt vào đất chết, khiến ai nấy đều lo chiến đấu; nếu đặt vào đất sống, ai nấy đều chạy, thì còn có thể làm nên được trò gì! » Các tướng đều phục mà nói: « Vậy thì chúng tôi không thể theo kịp được ».


Này quân có hãm vào bước nguy hại mới có thể làm được thắng bại.

Mai Nghiêu Thần rằng: Chưa hãm vào nguy nan thì lòng quân lính không chuyên, đã hãm vào mới có thể thắng, thắng bại chỉ ở người mà thôi.


Cho nên làm việc binh, ở chỗ thuận theo ý quân địch.

Đỗ Mục rằng: Thuận ý quân địch là nói ta muốn đánh họ, chưa thấy có khe kẽ gì đánh được, thì ẩn hình náu vết, họ làm gì thì mình thuận theo chứ không kinh động. Giả như họ lấy sức mạnh để lấn ta, ta tỏ sự nhát mà ẩn núp và thuận theo cái mạnh của họ để họ hợm hĩnh, đợi khi trễ nải rồi mới đánh; giả như họ muốn lui mà về, thì mở vây để cho họ thuận cái ý họ muốn lui, khiến không có chí chiến-đấu rồi nhân đó mới đánh, ấy đều là thuận ý của quân địch đó.

Trương Dự rằng: Họ muốn tiến thì nhử cho họ tiến, họ muốn lui thì nới cho họ lui, thuận theo ý họ rồi mới đặt quân kỳ, quân phục mà đánh. Hoặc nói rằng: Quân địch ước muốn cái gì, thì thuận theo ý để làm cho họ ngông, rồi sẽ mưu đồ về sau. Như rợ Đông Hồ sai sứ bảo Mặc Đặc rằng: Muốn được con ngựa thiên-lý Đầu-man, Mặc Đặc trao cho; lại sai sứ bảo rằng: Muốn được một nàng cung nhân xinh đẹp, Mặc Đặc lại trao cho, đến khi họ đã ngông-hợm, mới đem quân đánh, bèn diệt được Đông-Hồ, đó vậy.


Gồm sức hướng vào quân địch, nghìn dặm giết tướng.

Tào Công rằng: Gồm binh hướng vào quân địch, tuy nghìn dặm cũng có thể bắt được tướng.

Vương Tích rằng: Thuận ý kẻ địch, theo hình kẻ địch, đến khi họ trống rỗng và không ngờ, bấy giờ mới gồm binh một sức mà hướng vào có thể lật đổ được quân, giết chết được tướng, như là việc Mạc Đặc giệt Đông-hồ đó.


Ấy gọi là khôn khéo thì nên được việc.

Tào Công rằng: Đó là nên việc bởi ở khôn khéo. Có bản là, ấy gọi là khéo đánh thì nên việc.

Mai Nghiêu Thần rằng: Biết thuận ý quân địch mà chiếm lấy phần thắng, ấy là khôn khéo.


Ấy cho nên cái ngày binh chính cử hành san lấp ải quan, bẻ gẫy phù tín, không thông sứ nữa.

Tào Công rằng: Mưu đã định rồi thì đóng ải quan bẻ phù tín[2] khiến không ai được vào bàn ngang, sợ hoặc lòng quân sĩ.

Đỗ Mục rằng: Sự không thông sứ là sứ giả của bên địch chăng? Nếu là sứ giả của bên địch thì cứ không tiếp nhận là xong, cần gì phải hủy cửa quan, bẻ phù tín rồi mới không thông với họ được? Đáp rằng: Hủy cửa quan bẻ phù tín là để không cho người trong nước ra vào, bởi sợ bên địch có gián điệp lẻn vào, hoặc ẩn hình náu vết, qua nguy vượt hiểm, hoặc trộm ấn cắp dấu, giả thác họ tên mà đến dòm ngó ta. Không thông sứ là kẻ địch dù có sứ đến cũng không tiếp nhận, sợ có những kẻ sĩ trí năng như Trương Mạnh Đàm, Lâu Kính, nhìn cái mờ ở ngoài mà biết được cái tỏ ở trong, sẽ lường biết hết được tình hình hư thực của mình. Đó là khi hình binh chưa thành, sợ kẻ địch biết trước mà chèn chế ta vậy. Hình binh đã thành, sau khi ra khỏi cõi thì sứ giả cũng ở trong đó, ấy là thể cách của đời xưa.

Trương Dự rằng: Miếu toán đã định, quân mưu đã thành thì phá hủy quan ải, bẻ gẫy phù tín, đừng thông sứ mệnh, sợ tiết lộ công việc của ta. Họ có sứ đến thì mình phải nhận, cho nên ở dưới nói: « Kẻ địch mở đóng thì kíp thu vào ».


Răn dè ở trên chỗ lăng miếu để làm công việc.

Trương Dự rằng: Binh là việc lớn, không nên bàn tính một cách khinh dị, phải răn dè trên chỗ miếu đường để làm việc một cách kín đáo cốt để mưu không lộ ra ngoài.


Kẻ địch mở đóng thì kíp thu vào.

Trương Dự rằng: Mở đóng là bảo kẻ gián-sứ, bên địch có gián-sứ đến thì nên kíp nhận. Hoặc nói: Đó là bảo kẻ địch hoặc mở hoặc đóng, ra vào không thường tiến thoái chưa quyết thì nên kíp đè làn!


Trước nhằm chỗ yêu.

Tào Công rằng: Chiếm cứ lấy chỗ tiện lợi.

Đỗ Mục rằng: Phàm những chỗ kẻ địch yêu báu ỷ cậy trong việc quân thì trước phải cướp lấy.

Mai Nghiêu Thần rằng: Trước phải xét những chỗ tiện lợi yêu tiếc của họ.


Hơi tỏ kỳ hẹn.

Trần Hạo rằng: Ta nếu cướp trước được chỗ đất tiện mà quân địch không đến thì cũng không dùng lam gì được, vì thế muốn lấy cái chỗ yêu báu, tất trước phải hỏi cùng kẻ địch tỏ cái kỳ hẹn để khiến cho họ tất phải đến.

Trương Dự rằng: Việc binh yêu chuộng nhất là chỗ tiện lợi, ta muốn chiếm trước nên hơi tỏ ý, cùng hẹn với họ, họ ruổi đến, ta bèn đi sau mà mau chân đến trước sở dĩ để họ khởi hành trước là sợ mình đến mà họ không đến. Cho nên nói rằng: « Đất tranh ta sẽ ruổi đi sau ».


Giữ khuôn mực, theo kẻ địch để quyết chiến sự.

Đỗ Mục rằng: Nói ta thường phải giữ khuôn mực phép tắc, theo cái hình của kẻ địch, nếu có cái thế có thể đánh được thì ra mà quyết chiến.

Vương Tích rằng: Theo đúng binh pháp như cái dây mực, rồi mới có thể thuận theo kẻ địch mà quyết thắng.


Ấy cho nên ban đầu như cô gái thơ, bên địch ngỏ cửa, rồi sau như con thỏ sổng, địch không kịp cự.

Tào Công, Lý Thuyên rằng: Gái thơ thì yếu ớt, thỏ sổng thì nhanh nhẹn.

Mai Nghiêu Thần rằng: Ban đầu như gái thơ, nói sự giữ gìn phép tắc, về sau như thỏ sổng, nói sự ứng địch quyết chiến.

Vương Tích rằng: Gái thơ là nói thuận theo giặc, ngỏ cửa là nói không đề phòng, thỏ sổng là nói nhanh, như Điền Đan giữ Tức-mặc mà phá quân Yên đó.

   




Chú thích

  1. Núi Thường-Sơn ở Cối-kê, có một thứ rắn, hễ đụng vào nó, trúng đầu thì đuôi quặp lại, trúng đuôi thì đầu quặp lại, trúng lưng thì đầu đuôi đều quặp lại cả, gọi là con xuất-nhiên (theo sách Thần-dị-Kinh).
  2. Quả ấn, quả dấu.