VII

Thiên Quân tranh

Tào-Công rằng: Hai quân tranh thắng.

Lý Thuyên rằng: Tranh là giành lấy mối lợi. Hư thực đã định rồi mới có thể cùng người tranh lợi.

Trương Dự rằng: Lấy quân tranh làm tên là bảo hai quân đối nhau để cùng tranh lợi. Trước biết rõ hư thục của người và ta, rồi sau mới có thể cùng người tranh thắng, cho nên thiên này ở dưới thiên Hư-thực.


Tôn-tử nói: Phàm phép dùng binh, tướng chịu mệnh ở vua.

Lý Thuyên rằng: Chịu mệnh ở vua là vâng theo sự trù toán ở chốn miếu-đường, để kính làm sự trừng phạt của giời.

Trương Dự rằng: Chịu mệnh của vua, đánh kẻ bạo nghịch.


Hợp quân tụ chúng.

Tào-Công rằng: Tu người nước, kết hàng ngũ tuyển bộ khúc, lập trại làm trận quân.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Tụ người trong nước, hợp để làm quân.

Vương Tích rằng: Nước lớn ba quân, cả thẩy là 3 vạn 7 nghìn 5 trăm người; nếu gọi tất cả số quân ra thì cả thẩy 7 vạn 5 nghìn người, đó gọi là hợp quân tụ chúng.

Trương Dự rằng: Hợp người nước để làm quân, tụ binh chúng để làm trận.


Giao hòa mà đóng.

Tào-Công rằng: Cửa quân là cửa hòa, những cửa tả hữu là cửa cờ, lấy xe làm trại gọi là cửa viên, lấy người làm trại gọi là cửa người, hai quân đối nhau gọi là giao hòa.

Lý Thuyên rằng: Giao là xen, hòa là trộn. Sau khi hợp quân, khỏe yếu, mạnh nhát, hơn kém, trái thuận, đem trộn lộn vào, hợp thành dinh lũy, cùng quân địch tranh chọi.


Không gì khó bằng cuộc quân tranh.

Tào-Công rằng: Từ lúc mới chịu mệnh đến lúc giao hòa, việc quân tranh thật là khó lắm.

Đỗ-Hựu rằng: Từ lúc mới chịu mệnh đến lúc giao hòa, việc quân tranh khó lắm. Cửa quân gọi là cửa hòa, hai quân tranh giành, đối cửa mà đóng, trước phải chiếm cứ lấy cái đất tiện thế, cái điều rất khó là cách nhau gần gặn, hơi một tý là sinh biến hóa.


Cái khó của cuộc quân tranh là lấy cong làm thẳng, lấy hại làm lợi.

Đỗ Mục rằng: Nói muốn tranh đoạt trước phải lấy đường cong xa làm đường gần, lấy thế có hại làm thế có lợi, để lùa dối quân địch khiến họ coi thường, rồi sau mình mới gấp vội ruổi đến.

Trần Hạo rằng: Nói hợp quân tụ chúng, giao hòa mà đóng, đều có phép cũ, duy việc quân tranh là rất khó. Nếu không biết lấy cong làm thẳng, lấy hại làm lợi, thì không thể cùng đich tranh chọi được.

Mai Nghiêu Thần rằng: Nói biến cong làm gần, chuyển hại làm lợi là một sự khó.

Họ Hà rằng: Bảo cái nước mà mình đi đánh, đường do núi hiểm, cong queo mà xa, sắp muốn tranh lợi thì nên chia binh xuất kỳ, theo chân hướng đạo, do đường thẳng thừa lúc họ không phòng bị mà đánh gấp, tuy có cái lo hãm hiểm nhưng được lợi cũng chóng. Như Chung Hội đánh Thục mà Đặng-Ngải xuất kỳ đến xứ Thục trước, Thục không phòng bị mà phải hàng. Cho nên ở dưới này nói: Không được hướng đạo thì không thể được địa-lợi đó.


Cố làm đường vòng và lấy lợi mà nhử, đi sau người, đến trước người, ấy là biết kế cong thẳng đó.

Đỗ Mục rằng: Trên kia nói lấy cong làm thẳng ấy là tỏ với bên địch rằng đường cong xa, bên địch đã trễ nải rồi, lại lấy mối lợi mà nhử họ khiến lòng họ không chuyên, rồi sau mình mới gấp đường đi giấn, xuất kỳ bất ý, cho nên có thể đi sau đến trước mà tranh chiếm được chỗ yếu hại. Nước Tần đánh nước Hàn, quân đến thành Át-dư, vua Triệu sai Triệu Xa đi cứu. Ra khỏi Hàm-đan 30 dặm, Triệu Xa ra lệnh trong quân rằng: Ai can ngăn gì về việc quân sẽ phải xử tử. Quân Tần đến đóng ở phía tây Vũ-an, họ hò la ngừng quân, làm cho ngói nóc nhà cũng phải rung chuyển. Trong quân có một người nói nên kíp cứu Vũ-an, Xa liền đem chém, rồi đóng bền 28 ngày không đi, lại đắp thêm lũy. Quân gián-điệp của Tần đến. Xa thết tử tế rồi cho về. Gián-điệp về báo Tần. Tướng Tần cả mừng nói: Này ra khỏi thành 30 dặm mà quân không đi, lại đắp thêm lũy, vậy Át-dư không phải là đất của Triệu nữa. Thả gián-điệp của Tần về rồi, Xa bèn cuốn giáp kéo đi, chỉ hai ngày một đêm đã đến, sai những quân thiện-xạ đóng cách Át-dư 50 dặm. Người Tần nghe tin đem hết quân lại. Có một tên quân nói: Chiếm trước được Bắc-sơn thì thắng. Xa sai một vạn người đến chiếm, người Tần tới tranh không được. Xa nhân thả quân ra cả phá được quân Tần, vòng vây của thành Át-dư được cổi thoát.

Giả Lâm rằng: Đường quân địch đến vốn gần, ta biết làm cho họ phải đi vòng xa mới đến, hoặc lấy quân gầy yếu, hoặc lấy mối lợi nhỏ, nhử ở đường khác, khiến họ không đến mau để tranh giành được.

Trương Dự rằng: Nói cái đất hình thế, hễ tranh được thì thắng. Phàm muốn tranh lấy cái đất tiện lợi ở gần, trước phải dẫn quân đi xa, lại lấy lợi nhỏ mà nhử giặc, khiến họ không ngờ rằng ta tiến đến, lại tham mối lợi của ta, cho nên ta có thể đi sau mà đến trước, ấy gọi là lấy cong làm thẳng, lấy hại làm lợi đó. Triệu Xa chiếm Bắc-sơn mà phá được quân Tần. Quách Hoài giữ Bắc-nguyên mà đuổi được Gia-Cát, chính là thế đó. Có thể đi sau mà đến trước được, là hiểu rõ độ số, biết cái mưu lấy cong làm thẳng vậy.


Cho nên quân tranh là lợi, quân tranh là nguy.

Tào-Công rằng: Khéo thì lợi, không khéo thì nguy

Giả-Lâm rằng: Quân ta đến trước, được chỗ tiện lợi thì là lợi, để quân địch đến trước, chiếm mất chỗ ấy, ba quân của ta mới ruổi đến tranh giành, thì địch nhàn ta nhọc, là cái đạo nguy.

Họ Hà rằng: Đây lại nói về sự ra quân hành-binh ruổi số ba quân, cùng kẻ địch đua-đuổi để tranh sự thắng một ngày, được thì là lợi, mất thì là nguy, không nên khinh-động.


Đem hết quân đi tranh lợi thì không kịp.

Tào-Công rằng: Chậm-chạp không kịp.

Lý-Thuyên rằng: Đồ tri-trọng đi chậm.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Đem hết cả những cái gì có của một đoàn quân mà đi, thì chậm chạp.

Trương-Dự rằng: Đem toàn thể ba quân mà tiến thì đi chậm mà không thể kịp cái lợi.


Bỏ lại quân mà tranh lợi thì đồ tri-trọng mất.

Tào-Công rằng: Để đồ tri trọng lại thì sợ mất mát.

Đỗ Hựu rằng: Bỏ lại những đồ kho tàng để đem quân nhẹ nhõm mà đi, nếu quân địch thừa hư mà đến, cướp chẹn đàng sau, thì những đồ tri trọng của mình đều mất mát cả.

Đỗ Mục rằng: Đem tất cả đồ vật của một đạo quân mà đi, thì nặng nề, chậm chạp, không kịp để chiếm phần lợi; thế mà để những đồ tri trọng, nhẹ binh tiến gấp thì sợ những đồ ấy nhân thế mà mất.


Ấy cho nên cuốn giáp mà ruổi, ngày đêm không nghỉ, gặp đường đi mau, xa trăm dặm để tranh mối lợi thì bị bắt ba tướng quân.

Đỗ Hựu rằng: Nếu không tính hai việc trên, muốn đi mau chóng, bó gươm cuốn giáp, kéo quân cất lẻn đi đêm, nhỡ mà quân giặc biết tình, đón đường để đánh, thì tướng của ba quân tất bị bắt về tay giặc, như chúa Tần đánh úp nước Trịnh, ba viên súy đều bị bắt đó.


Khỏe mạnh đến trước, mỏi mệt đến sau, mười người chỉ kịp tới được một.

Đỗ Hựu rằng: Trăm dặm đi tranh lợi là sự không phải, ba tướng quân đều bị bắt cả. Mạnh yếu không chờ đợi nhau, binh mười người chỉ đến được một người.

Lý Thuyên rằng: Một ngày đi 120 mươi dặm là gấp đường đi ròng[1]. Đi như thế thì người khỏe mạnh đến trước, người mỏi mệt đến sau, người khỏe có ít, người mỏi thì nhiều, mười người mới có thể đến trước được một, còn thì trụt lại đàng sau cả. Như thế mà gặp quân địch, tài nào mà ba tướng chẳng phải bị bắt. Ngụy Võ đuổi Lưu Bị, một ngày một đêm đi ba trăm dặm, Gia-cát-Lượng cho là cuối tầm nỏ cứng, không thể xuyên thủng được vải Lỗ, tức bảo là không có lực vậy, vì thế nên có trận thua ở Xích-bích; Bàng Quyên đuổi Tôn Tẫn, chết ở Mã-lăng cũng là nghĩa ấy.

Mai Nghiêu Thần rằng: Quân mỗi ngày đi 30 dặm lại phải đóng lại, nay ngày đêm không nghỉ, đi đến trăm dặm, cho nên ba tướng quân bị bắt. Tại sao thế? Bởi vì đi đường xa vất vả, kẻ mạnh thì ít, kẻ mỏi thì nhiều, trong mười người mới được một người đi đến. Ba tướng quân là tướng súy của ba quân.


Năm mươi dặm mà tranh lợi thì què thượng tướng quân, quân đến được nữa.

Đỗ Hựu rằng: Què tức là thua, tướng tiền quân đã bị quân địch đánh thua.

Lý Thuyên rằng: Trăm dặm thì mười người đến một, năm mươi dặm thì mười người đến năm. Chỉ gẫy quân uy chứ không đến nỗi phải bắt, nói vì đường gần không đến nỗi mỏi mệt.

Giả Lâm rằng: Thượng cũng như tiên, viên tướng đi trước.

Trương Dự rằng: Đường không xa mấy mà trong mười người được có năm người đến, quân oai còn bị bẻ nhụt, huống chi là những trăm dặm ư? Thượng tướng là trỏ vào viên tướng tiền quân đi trước. Hoặc có người hỏi: Đường Thái-tông đánh Tống Kim-Cương, một ngày một đêm đi hơn hai trăm dặm mà cũng thắng được là cớ làm sao? Đáp rằng: Việc đó hình thì cùng mà thế thì khác. Vả Kim-Cương đã bại, lòng quân cùn nhụt, dồn đuổi mà diệt thì Hà-đông bình định được ngay, nếu để trì hoãn thì giặc tất sinh kế. Bởi vậy Thái-tông không kể gì mỏi nhọc mà cố đuổi riết. Tôn-tử nói về cách tranh lợi, cùng với việc của Đường Thái-tông khác hẳn.


Ba mươi dặm mà tranh lợi thì quân đến được hai phần ba.

Tào-Công rằng: Đường gần đến được nhiều, cho nên không có sự chết sự thua.


Ấy cho nên quân không có tri trọng thì chết, không có lương thực thì chết, không có chứa đựng thì chết.

Tào-Công rằng: không có ba thứ ấy là cái đạo chết.

Lý Thuyên rằng: không có tri trọng thì không có cái dùng. Viên Thiệu có quân 10 vạn, Ngụy Võ dùng kế của Tuân Du, đốt cháy tri trọng của Thiệu rồi đánh bại Thiệu ở Quan-độ. Không có lương thực thì tuy có thành vững cũng không thể làm gì được. Khổng phu-tử nói: đủ lưong, đủ quân, thì dân tin cậy. Cho nên đời Hán, Xích-My có trăm vạn quân mà không có lương, vua tôi đều phải chịu trói ở Nghi-dương. Cho nên người giỏi dùng binh thì trước cầy rồi sau mới chiến. Không có chứa đựng thì của cải thiếu dùng, như Hán Cao-Tổ không có Quang-Trung, Quang-Võ không có Hà-nội, Ngụy Võ không có Duyện-châu, quân thua mình trốn, dễ mà chấn khởi lên được đâu.

Trần Hạo rằng: đây nói cái khó của sự bỏ quân lại mà đi tranh lợi.

Mai Nghiêu-Thần rằng: ba thứ ấy không thể không thì không thể bỏ quân lại mà đi tranh lợi.

Vương Tích rằng: chứa đựng là trỏ vào những thứ củi muối rau dưa. Quân phải nhờ vào ba thứ ấy để sống, vậy không thể khinh dị mà rời bỏ được.

Trương Dự rằng: không có tri trọng thì lấy đâu đồ dùng, không có lương thực thì lấy đâu quân ăn, không có chứa đựng thì lấy đâu của nả, đều là cái cách nguy vong cả. Ba cái ấy là nói sự bỏ quân-đoàn lại để đi tranh lợi.


Cho nên không biết cái muu của chư hầu, không thể dự bị sự giao kết.

Tào-Công rằng: không biết cái mưu của bên địch thì không thể kết giao.

Mai Nghiêu-Thuần rằng: không biết cái mưu của nước địch thì không thể dự bị kết giao với nước láng giềng để làm thế viện trợ.


Không biết cái hình hiểm trở lầy lội của núi rừng, không thể hành quân.

Tào-Công rằng: không biết trước chỗ quân đóng và hình của núi sông thì không thể hành quân được.


Không dùng hướng-đạo thì không thể được cái địa lợi.

Đỗ Hựu rằng: không dùng người quê ở vùng ấy để dẫn đường cho quân thì không thể được những đường sá tiện lợi.

Lý Thuyên rằng: vào cõi địch, sợ núi sông hiểm nghèo, đất cát lầy lội, giếng suối bất lợi, vậy phải sai người đưa đường để được cái địa lợi.


Cho nên việc binh lấy trá mà thành.

Đỗ-Mục rằng: dối trá bên địch khiến không biết tình thực của mình, rồi mới có thể làm nên sự thắng được.

Vương-Tích rằng: bảo lấy cong làm thẳng, lấv hại làm lợi đó.

Trương-Dự rằng: lấy biến trá làm gốc khiến quân địch không biết kỳ, chính của ta ở đâu, thì ta mới có thể làm nên chuyện được.


Lấy lợi mà động.

Đỗ-Mục rằng: thấy có lợi rồi mới cử động.

Trương-Dự rằng: thấy lợi sẽ động chứ không phát động xằng. Truyện nói: ba quân lấy lợi mà động.


Lấy chia hợp làm biến hóa.

Đỗ-Mục rằng: chia hợp là hoặc chia hoặc hợp để làm hoặc kẻ địch, xem cái hình ứng lại vói ta thế nào, rồi sau mới có thể biến hóa để lấy phần thắng.

Trương-Dự rằng: hoặc chia tan cái hình ra, hoặc tụ họp cái thế lại; đều nhân sự động tĩnh của bên địch mà làm ra sự biến hóa. Hoặc nói: biến là bảo kỳ chính biến hóa khiến quân địch không biết đâu mà lường, cho nên Binh-pháp của Vệ-công nói rằng: binh tan thì lấy hợp làm kỳ, binh hợp thì lấy tan làm kỳ, ba lần ra lệnh, năm lần nhắc rõ, ba lần tan, ba lần hợp, lại trở về với chính.


Cho nên nhanh nhẹn như gió.

Lý-Thuyên rằng: nói sự tiến thoái, đến thì không có vết mà lui thì rất nhanh.

Mai Nghiêu-Thần rằng: đến không có hình tích.

Trương-Dự rằng: sự đến nhanh nhẹn, tới đâu lướt đấy.


Thong thả như rừng.

Tào-Công rằng: khi không thấy mối lợi.

Họ Mạnh rằng: nói khi đi thong thả cũng phải có hàng lối như rừng để phòng sự đánh úp.

Trương-Dự rằng: khi đi thong thả thì như cây trong rừng, hàng lối râm rắp, nói khi chưa thấy cái lợi. Úy-liêu-tử rằng: nặng thì như núi như rừng, nhẹ thì như pháo như đuốc.


Lấn cướp như lửa.

Đỗ-Hựu rằng: Nói sự mãnh liệt.

Lý-Thuyên rằng: Nói như lửa đốt đồng không còn một cái cỏ sót.

Trương-Dự rằng: Kinh Thi nói: Như lửa bừng bừng, không ai dám cản, nói cái thế mạnh như lửa bốc, không ai dám cản trở ta cả.


Bất động như núi.

Đỗ-Hựu rằng: Nói khi giữ, không tin sự dối lừa của bên địch, yên vững như núi.

Lý-Thuyên rằng: Nói khi đóng quân.

Đỗ-Mục rằng: đóng lũy vững vàng, không thể lay động.

Trương-Dự rằng: Ấy cách trì trọng đó. Thiên Nghị-binh của Tuân-tử nói: Ở tròn mà vuông ngay thì như cái bàn đá vậy. húc vào thì gẫy sừng. Nói cái khi bất động, như đá núi không di chuyển được, phạm vào thì phải gẫy sừng ngay.


Khó biết như mây rậm.

Đỗ-Hựu rằng: Không thể lường biết như mây đen trên giời khiến không thấy trăng sao gì cả.

Lý-Thuyên rằng: Cái thế không thể lường được như đám mây rậm làm cho không trông thấy muôn tượng trên giời.


Dậy động như sấm sét.

Đỗ-Hựu rằng: Nhanh chóng không thể ứng kịp. Cho nên Thái-Công nói: Sấm nhanh không kịp bưng tai, chớp nhanh không kịp nhắm mắt.

Đỗ-Mục rằng: Nói như từ trên không đánh xuống không biết lối nào mà tránh.

Vương-Tích rằng: Bất thình lình mà đến.

Họ Hà rằng: Giấu mưu để vùng dậy như thế.


Cướp làng chia bọn.

Đỗ-Mục rằng: Những làng xóm của bên địch, không có quân giữ, chứa nhiều của cải, thóc lúa, dễ sự cướp bóc, nên chia phiên mà lần lượt đi, để ai nấy đều được đi cả, chứ không nên đi một mình, như thế thì nhớn nhỏ mạnh yếu, ai cũng đều muốn cùng bên địch tranh lợi.

Trần Hạo rằng: Những hương ấp thôn xóm chẳng phải chỉ có một nơi, xét thấy không có phòng bị, chia binh đi mà cướp.

Họ Hà rằng: Nói cướp được mọi vật thì chia cho mọi người trong bọn.

Trương Dự rằng: Cái đạo dùng binh, đại khái cốt nhờ lương bên địch, nhưng dân hương ấp chứa đựng không nhiều, tất phải chia binh đi các nơi mà cướp thì mới đủ dùng.


Mở đất chia lợi.

Đỗ Mục rằng: Mở mang được cõi đất thì nên chia cắt cho người có công. Hàn-Tín nói vói Hán-vương rằng: Hạng-vương dùng người, kẻ có công đáng phong tước, đã khắc ấn rồi mà lại tiếc, không chịu cho. Nay đại-vương nếu làm trái lại lấy thành ấp trong thiên hạ, phong cho công thần, thì việc lấy thiên hạ chẳng khó gì cả. Sách Tam Lược nói: Được đất thì rạch ra mà chia.

Trần Hạo rằng: Nói được đất cát, thì đóng binh trồng tỉa, để chia cái lợi của bên địch.

Trương Dự rằng: Mở mang cõi đất bình-dị tất chia binh mà giữ lấy lợi, không để cho kẻ địch chiếm được. Hoặc có người bảo đây nói được đất thì chia thưởng những người có công, nay xem các lời ở trên dưới thì e rằng không phải định nói như vậy.


Bắc cân mà động.

Tào Công rằng: Lượng tính bên địch rồi mới cử động.

Đỗ-Mục rằng: Mắc cán cân mà treo quả lên, cân lường đã xong rồi mới cử động.

Trương Dự rằng: Như bắc cân lên, lường biết nặng nhẹ rồi sau mới động. Úy-liêu-tử nói: Cân giặc xét tướng rồi sau cử động, nói cân lường sự nặng nhẹ của địch, xét rõ sự hiền ngu của tướng rồi mới cử động.


Trước biết cái kế cong thẳng thì sẽ thắng, ấy là cái phép quân tranh đó.

Đỗ Mục rằng: Nói việc quân tranh, trước phải tính đường xá xa gần cong thẳng, rồi sau mới có thể làm nên thắng được. Sự lường tính kỹ như là treo quả lên cân. không sai mảy may, rồi mới có thể cử động mà thủ thắng được, ấy là cái phép tranh thắng của nhà binh đó.

Trương Dự rằng: Phàm tranh lợi với người tất trước phải suy tính đường xá cong thẳng, xét kỹ rồi mới cử động, thì không có cái nạn vất vả đói rét mà tiến thoái chóng chậm, không lỡ cơ, cho nên thắng vậy.


Sách Quân-chính nói.

Mai Nghiêu Thần rằng: Sách cũ về việc quân.

Vương-Tích rằng: Sách quân đời xưa.


Nói không cùng nghe, cho nên làm trống chiêng.

Vương Tích rằng: Dùng những tiếng trống chiêng để sự ngồi đứng tiến lui, nhanh chậm thưa mau, đều có tiết độ.


Nhìn không cùng thấy, cho nên làm cờ phướn.

Đỗ Hựu rằng: Xem sự chỉ huy để làm chừng cho mắt.

Vương Tích rằng: Để làm tiêu biểu cho bộ khúc đều được ngay hàng thẳng lối.


Này chiêng trống cờ phướn là để duy nhất tai mắt của mọi người.

Đỗ Hựu rằng: Làm cho đều-đặn sự trông nghe của tai mắt mọi người. Khiến biết cái chừng-mực tiến thoái.

Lý Thuyên rằng: Trống tiến, chiêng lui, phướn thưởng, cờ phạt, tai nghe chiêng trống mắt trông phướn cờ, cho nên không loạn. Kẻ mạnh người nhát không thể riêng tiến riêng lui, là do cờ trống bắt bẻ vậy.

Trương Dự rằng: Này dùng binh đã nhiều, chiếm đất tất rộng, đầu cuối cùng xa, tai mắt chẳng tiếp cho nên đặt ra tiếng chiêng trống để cùng nghe chung, dựng ra hình cờ phướn để cùng nhìn chung, trông nghe đều nhau thì tuy trăm vạn quân, cùng tiến thoái như một. Cho nên nói rằng « Trọi đông như trọi vắng, bởi vì đã có hình-danh ».


Người đã chuyên nhất, thì người mạnh không được riêng tiến, người nhát không được riêng thoái, ấy là cái phép dùng binh.

Đỗ Hựu rằng: Lấy phép mà so giỗ cho bằng, khiến kẻ mạnh người yếu không thể qua vượt nhau được.

Đỗ Mục rằng: Phướn để ra lệnh, cờ để ứng hiệu, bởi cờ tức là cái cờ tin ngày nay. Quân-pháp nói rằng: Nên tiến chẳng tiến, nên lui chẳng lui thì chém. Ngô Khởi cùng người Tần giao chiến, cuộc chiến chưa bắt đầu, có một tên quân mạnh dạn, xông sang chém được hai thủ cấp, mà về. Ngô Khởi sai chém, viên quân-lại tiến lên can rằng: Đó là một người có tài không nên chém. Ngô Khởi nói: Quả là người có tài thật, nhưng mà trái lệnh. Bèn chém đầu.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Duy nhất tai mắt của mọi người là bảo khiến sự trông nghe đều nhau mà không loạn. Đánh trống thì tiến, khua chiêng thì lui, vẫy sang bên hữu thì hữu, vẫy sang bên tả thì tả. không thể vì mạnh nhát mà riêng tiến lên trước.


Cho nên ba quân có thể đoạt khí.

Tào Công rằng: Thọ tả nói một lần trống thì khí bừng lên, hai lần thì suy, ba lần thì kiệt.

Lý Thuyên rằng: đoạt khí là đoạt khí mạnh hăng hái. Nước Tề đánh nước Lỗ, giao chiến ở Trường-quân. Người Tề đánh một hồi trống, chúa nước Lỗ toan đánh, Tào-Quệ nói: chưa nên. Người Tề đánh đến hồi thứ ba. Quệ nói: nên rồi đấy. Bèn cùng giao chiến, quân Tề phải bại. Chúa Lỗ hỏi cớ, Quệ nói: nay sự đánh nhau là đánh bằng dũng-khí, một hồi trống thì khí bừng lên, hai hồi thì suy, ba hồi thì kiệt. Họ kiệt ta đầy, cho nên phải được. Ấy là đoạt cái khí của ba quân vậy.

Trương Dự rằng: khí là cái phải cần trông cậy trong sự chiến đấu, này những giống sinh vật trong cuộc tranh-chiến, thường đến chết mà không chịu thôi, ấy là bởi cái khí nó khiến như vậy. Cho nên cái phép dùng binh nếu khiêu-khích tưóng-sĩ khiến cho trên dưới cùng nổi tức giận, thì mũi nhọn không ai cản nổi. Bởi vậy, quân địch mới đến với cái khí hăng-hái, ta không nên giao chiến vội, để nó phải cùn đi, chờ khi nó đã suy quyện, rồi ta hãy đánh, cho nên cái nhuệ-khí của họ có thể đoạt được. Úy Liêu-Tử bảo khí đầy thì đấu, khí đoạt thì tẩu, tức là thế đó. Tào Quệ nói: một hồi trống thì khí bừng lên, tức là nỏi khi mới đến cái khí đương thịnh, hai lần mà suy, ba lần mà kiệt, là bảo trận càng lâu thì người càng mỏi. Lại Lý Tĩnh nói sự giữ không phải là giữ lũy cho bền, giữ trận cho vững mà thôi, tất phải giữ cái khí của ta để đợi dùng đến. Gọi là giữ khí, tức là thường giữ cái khí của ta khiến được mạnh-mẽ, thịnh mà không suy, rồi sau mới có thể đoạt được cái khí của người.


Tướng quân có thể đoạt lòng.

Lý Thuyên rằng: trêu cho mà tức tối, khuấy cho mà rối ren, gièm cho mà xa lìa, lún cho mà ngông hợm, như thế thì cái lòng của họ có thể đoạt được.

Đỗ Mục rằng: lòng là lòng của tướng-quân, trong quân phải dựa vào đấy mới vững vàng được. Đời Hậu Hán, Khấu Tuân đi đánh Ngỗi Hiêu, tướng Hiêu là Cao Tuấn giữ đạo quân thứ nhất ở Cao-bình, Tuấn sai tướng quân Hoàng phủ-Văn đến yết kiến Tuân. Văn đến, nói năng bướng bỉnh, Tuân giận đem chém và đuổi người phó về. Tuấn sợ hãi, lập tức mở cửa thành ra hàng. Các tướng nói: Dám hỏi tại sao giết chết sứ-giả mà lại khiến cho thành phải hàng? Tuân nói: Hoàng-phủ-Văn là người tâm phúc của Tuấn, mưu kế ở đấy mà ra cả. Nay đến đây nói năng ngạo xược, tất là không có bụng hàng, để yên thì Văn sẽ đắc kế; nay giết đi thì Tuấn phải mất mật, vì thế nên hắn phải hàng.


Ấy cho nên khí buổi sớm thì nhọn sắc.

Họ Mạnh rằng: Sách Tư-mã-Pháp nói: khí mới thắng khí cũ; khí mới tức là khí buổi sớm.

Trần Hạo rằng: Cái khí buổi sớm, đương sắc mạnh, đừng cùng tranh giành.


Khí buổi trưa thì trễ biếng.

Vương Tích rằng: lâu dần thì hơi trễ biếng.


Khí buổi tối thì ngóng về.

Họ Mạnh rằng: Khí buổi sớm là khí mới, khí buổi trưa là cái khí dậy lại, khí buổi tối là cái khí suy kiệt.

Mai Nghiêu Thần rằng: Sớm là nói lúc ban đầu, trưa là nói lúc giữa chừng, tối là nói lúc cuối cùng, bảo binh lúc mới thì sắc mạnh, lâu thì trễ biếng mà muốn về, cho nên nên đánh.


Cho nên người giỏi dùng binh thì tránh cái khí nhọn sắc, đánh cái khí trễ biếng muốn về, ấy là trị khí đó.

...rằng: trận lâu người mỏi thì cái khí nó suy mòn đi, cho nên người giỏi dùng binh, đương khi bên địch sắc mạnh, nên giữ bền để cố tránh, đợi khi họ trễ biếng muốn về, bấy giờ sẽ ra binh mà đánh, đó gọi là khéo trị cái khí của mình để đoạt cái khí của người đó. Tướng Tiền Triệu là Du-Tử-Viễn đánh bại Y-Dự-Khuông, trong năm Vũ-Đức nhà Đường, Thái-tông phá đánh Đậu-Kiến-Đức, đều dùng thuật ấy.


Lấy trị đợi loạn, lấy tĩnh đợi rộn, ấy là trị lòng đó.

Lý Thuyên rằng: đợi cho bên địch biến động rồi mới đè làn.

Đỗ Mục rằng: Sách Tư-mã-Pháp nói: bản tẫm vững, là bảo sự liệu định chế thắng, bản tâm đã định, nhưng cũng phải lo điều trị nó, khiến được yên tĩnh vững vàng, không để cho việc nó quấy rối, không để cho lợi nó mờ hoặc, đợi bên địch họ loạn, chờ bên địch họ rộn, sẽ ra quân đánh.

Trần Hạo rằng: chính lệnh bất nhất, thưởng phạt không minh là loạn, cờ phướn lộn xộn, hàng ngũ xôn sao là rộn, khi thấy rõ bên địch như thế thì đem quân đánh.


Lấy gần đợi xa, lây nhàn đợi nhọc, lấy no đợi đói. ấy là trị sức đó.

Đỗ Hựu rằng: lấy sự gần của ta, đợi sự xa của địch, lấy sự nhàn rỗi của ta, đợi sự nhọc mệt của địch, lấy sự no đầy của ta, đợi sự đói vơi của địch, ấy là trị sức người vậy.

Lý Thuyên rằng: nói cái thế khách chủ.

Trương Dự rằng: gần để đợi xa, nhàn để đợi nhọc, no để đợi đói, nhử để đợi đến, nặng để đợi nhẹ, ấy gọi là khéo trị sức mình để làm khốn sức người.


Đừng đón cái cờ chính chính, đừng đánh cái trận đường đường, ấy là trị biến đó.

Tào Công rằng: chính chính là tầy tặn, đường đường là lớn lao.

Đỗ Mục rằng: đường đường là không sợ. Việc binh phải tùy bên địch mà biến đổi, địch có như thế thì đừng đánh, ấy là biết trị sự biến hóa. Đời Hậu Hán, Tào Công vây thành Nghiệp, Viên Thượng đến cứu, Công nói: Thượng nếu từ đường lớn đến thì nên tránh, bằng do lối Tây-sơn đến thì ta bắt sống. Thượng quả do lối Tây-sơn đến, đón đánh cả phá được.

Trương-Dự rằng: chính chính là nói hình danh tề chỉnh, đường đường là nói hàng trận rộng lớn, bên địch như thế, há nên khinh chiến. Sách Quân-Chính nói: thấy nên mà tiến, thấy khó mà lui; lại rằng: mạnh thì phải tránh, nói nên biết cách biến thông, đó bảo là khéo trị cái đạo biến hóa để ứng phó với bên địch vậy.


Cho nên cái phép dùng binh, đồi cao chớ nghển, gò dựa chớ đón.

Họ Mạnh rằng: quân địch dựa vào gò đống để bầy trận, không có cái lo đằng sau, thì nên dẫn quân ra đất phẳng chứ đừng đón đánh.

Đỗ Mục rằng: nói quân địch ở chỗ cao, không nên ngẩng lên mà đánh nhau với họ, quân địch dựa dưới gò núi mà khiêu chiến với mình. không nên đón mà đánh nhau với họ. Bởi từ dưới thấp mà đánh lên cao thì sức đuối, từ trên cao mà đánh xuống thấp thì thế thuận, cho nên không nên nghển và đón.

Họ Hà rằng: nước Tần đánh nước Hán, chúa Triệu sai Triệu Xa đi cứu. Người Tần nghe tin, đem hết quân tới. Viên quân-lại là Hứa Lịch can Triệu-Xa rằng: người Tần không ngờ quân Triệu đến đây khí thế của họ chắc là mạnh mẽ, tướng quân phải lập trận cho dầy, nếu không tất hại mất. Nay có một cách giữ trước được Bắc-Sơn thì thắng, đến sau thì bại. Xa nghe theo, liền đem một vạn người đến chiếm. Quân Tần đến sau, tranh núi không lên được. Xa thả quân xuống đánh cả phá được quân Tần. Nước Hậu-Chu sai tướng đi đánh nước Cao-Tề, vây thành Lạc-dương. Tướng Tề là Đoàn Thiều chống giữ, lên gò Mang-bản, nhân muốn xem hình thế quân Chu, đến hang Thái-hòa thì gặp, bèn sai đi báo với các trại, cùng các tướng kết trận để đợi. Quân Chu để bộ binh đằng trước, lên núi đón đánh. Thiều nghĩ họ quân bộ mình quân kỵ, vừa lui vừa nhử đợi khi họ mỏi, mới sai quay ngược lại dồn đánh, đao ngắn tiếp xúc, quân Chu cả vỡ, phải chạy trốn cả.

Trương Dự rằng: quân địch dàn trận ở chỗ cao, không nên ngẩng đánh, vì người ngựa ruổi giong, tên đạn bắn phóng đều không tiện cả. Cho nên Gia-Cát Lượng nói: đánh nhau ở chỗ đồi núi, không nên ngẩng cao lên, quân địch từ cao kéo xuống, không nên đón đánh, bởi thế không thuận tiện. Nên nhử họ đến chỗ đất bằng rồi sẽ hợp chiến.


Vờ thua chớ đuổi.

Giả-Lâm rằng: quân địch khí thế chưa suy, chợt quay đầu chạy, tất có ẩn phục để đón đánh quân ta, phải nghiêm vén tướng sĩ, đừng cho theo đuổi.

Họ Hà rằng: như đời Chiến-quốc, quân Tần đánh Triệu, con Triệu Xa là Triệu Quát thay Liêm Pha làm tướng, chống với quân Tần ở Trường-bình. Tần ngầm sai Bạch Khởi làm thượng tướng-quân, Triệu ra quân đánh Tần, quân Tần giả thua mà chạy, đặt sẵn kỳ binh để chụp đánh, quân Triệu đuổi giấn, đến sát lũy Tần, lũy bền không thể phá vào được mà toán kỳ binh của Tần 2 vạn 5 nghìn người đã chẹn đàng sau lại, một toán nữa 5 nghìn quân kỵ chẹn ở bên lũy Triệu, quân Triệu phải tách ra làm hai, đường lương bị đứt, mà Tần lại đem toán khinh binh tới đánh. Quân Triệu đánh nhau bất lợi nhân đắp lũy giữ bền để chờ quân cứu. Tần nghe Triệu đứt đường lương, chúa Tần liền từ Hà-nội đem quân đón chẹn quân cứu và lương thực của Triệu. Quân Triệu không có ăn 46 ngày, phải ngầm giết lẫn nhau mà ăn, Quát thì trúng phải tên mà chết. Lưu Biểu xứ Thục sai Lưu Bị lên lấn đất bắc, đến thành Nghiệp, Tào-Công sai Hạ-hầu-Đôn, Lý Điển chống cự. Một buổi sớm Bị đốt đồn mà kéo đi, Đôn sai các tướng đuổi đánh, Điển nói: Giặc vô cố tháo lui, ngờ tất là có mai phục; đường nam chật hẹp, cỏ cây rậm rạp, ta không nên đuổi. Đôn không nghe. Rồi bọn Đôn quả vào chỗ có quân phục, Điển đem quân cứu. Bị thấy đã có quân cứu, bèn rút lui về.

Trương-Dự rằng: quân địch lui chạy, tất phải xét kỹ thực giả, nếu cờ trống dịp dàng, hiệu lệnh như một thì tuy họ lui chạy, không phải là thua, tất có kỳ binh, không nên theo đuổi. Bằng cờ lướt xe loạn, người kinh, ngựa sợ thì thực là thua lui.


Quân sắc đừng đánh.

Đỗ Mục rằng: nói nên tránh chỗ đầy chắc. Chúa Sở đánh Tùy, bầy tôi nước Tùy là Quý Lương nói: người Sở ưa bên tả, chúa họ tất ở bên tả, đừng nên chạm trán với chúa họ mà hẵng nên đánh ở bên hữu, bên hữu không có tướng giỏi, tất phải thua, hễ thua một bên rồi thì còn bên kia cũng phải núng. Thiếu-sư nước Tùy nói: không đối địch với chúa họ thì sao phải là tay cứng. Bèn không nghe theo. Quân Tùy quả nhiên phải thua.


Mồi nhử chớ ăn.

Đỗ Hựu rằng: Họ lấy lợi nhỏ để nhử quân sĩ mình, mình đừng có lấy.

Đỗ-Mục rằng: quân địch chợt bỏ đồ ăn uống mà đi, trước nên nếm thử đừng vội ăn ngay vì sợ bị trúng độc. Đời vua Văn-đế nhà Hậu Ngụy, Khố mạc-Huề vào xâm nhiễu, chiếu sai Tế ẫm-vương Tân-Thành đem quân đi đánh, vương nhân làm nhiều rượu độc khi giặc áp bức đến gần, truyền quân sĩ bỏ dinh mà đi, giặc đến mừng rỡ đua nhau uống rượu, rượu say độc phát, vương tuyển quân khinh kỵ đến đánh, bắt sống hàng vạn.


Quân về chớ cản.

Họ Mạnh rằng: người ta mong mỏi muốn về tất chịu tử chiến, vậy không nên ngăn cản mà đánh.

Lý Thuyên rằng: Tào-Công đi đánh Trương-Tú ở đất Nhượng, Lưu-Biểu sai binh cứu Tú chẹn sau quân Tào. Tào-Công sắp kéo về, bị quân Tú đuổi mà quân không về được, Biểu cùng Tú lại hợp binh chẹn giữ chỗ hiểm. Quân của Công trước sau thụ địch, Công bèn nhân đêm đào con đường hầm, để đưa hết xe truy trọng đi, đặt kỳ binh sẵn, đến sáng bọn Biểu bảo Công đã trốn rồi đem hết quân để đuổi theo, Công thả kỳ binh ra ập đánh, cả phá được. Công bảo với Tuân văn-Nhược rằng: Giặc cản đường quân về của ta, lại dành cho ta cái đất chết, vì thế ta biết là tất thắng.

Trương Dự rằng: Binh lính ở ngoài, người người nhớ về, đón đường mà đánh tất đến tử chiến. Hàn Tín nói: theo đám quân tưởng nhớ về đông, gì mà không thắng. Tào-Công đã phá Lưu Biểu, bảo Tuân Vực rằng: giặc cản quân về của ta, ta biết rằng ta tất phải thắng. Lại Lã Hoành đánh Đoàn Nghiệp không thắng, sắp chạy về đông, Nghiệp muốn đuổi đánh, có người can rằng: quân về chớ cản đó là điều răn của nhà binh, chẳng bằng thả cho họ đi rồi sẽ lại mưu tính. Nghiệp không nghe, đem quân đuổi theo, bị Hoành đánh bại. Việc người xưa như thế nhiều lắm, không thể kể hết.


Vòng vây tất hở.

Tào-Công rằng: Sách Tư-mã-pháp nói: Vây ba mặt bỏ khuyết một mặt, để tỏ cho họ có con đường sống.

Đỗ-Hựu rằng: Nếu vây giặc ở chỗ bình địa, tất bỏ không một mặt tỏ sự đơn-hư, cố ý khiến họ đánh giữ không bền, mà có bụng dùng dằng nửa đi nửa ở. Nếu quân địch lâm nguy cứ hiểm, lại có quân cứu mạnh ở ngoài, thì nên kiên cố mà giữ chứ không cần bỏ hở. Đó là cái phép dùng binh.

Đỗ Mục rằng: Tỏ cho họ có đường sống, khiến họ không có bụng liều chết, nhân thế rồi mình mới đánh.

Trương-Dự rằng: nói vây ba mặt mở một góc, để cho họ có một đường sống, khiến không bền lòng mà chiến đấu. Đời Hậu Hán, Chu Tuấn đánh tướng giặc Hàn-Trung ở đất Uyển, đánh gấp mãi mà không hạ được, nhân bảo với viên quân lại rằng: giặc vì bên ngoài vây kín cả cho nên cố chết mà đánh, nếu ta giải vây, họ tất tự ra, đã ra thì ý tan, đó là cái cách dễ phá. Rồi quả như nhời. Lại Tào-Công vây Hồ-quan, bảo rằng: thành vỡ thì sẽ chôn hết. Rồi đánh mãi cũng không hạ được. Tào Nhân bảo Công rằng: này vây thành tất phải mở cho họ một con đường sống, nay Minh-công dọa sẽ chôn chết họ khiến họ cố giữ, đó không phải là kế hay. Công nghe theo, bèn hạ được thành.


Giặc cùng chớ bách.

Đỗ-Mục rằng: Đời Xuân-thu, nước Ngô đánh nước Sở, quân Sở thua chạy đến Thanh-phát, Hạp Lư toan lại đánh, Phù-Khái-Vương nói: con thú đến lúc cùng khốn còn biết quật lại, huống chi là người ư? Nếu họ biết là không thoát khỏi mà liều chết đánh lại ta thì ta tất phải thua với họ. Nên đợi lúc họ sang sông nửa chừng rồi sẽ đánh thì hơn. Hạp Lư nghe theo rồi lại đánh thua được quân Sở. Đời Hán Tuyên-đế, Triệu Sung-Quốc đi đánh Tiên-linh-Khuông. Khuông thấy đại quân bỏ cả các đồ tri trọng, muốn qua sông Hoàng, vì đường chật hẹp, Sung Quốc đuổi một cách thủng thỉnh. Có người nói: đuổi giặc mà đi chậm thì ăn thua gì. Sung Quốc nói: Đó là giặc cùng không nên bức bách. Mình đuổi thong thả thì chúng chạy mải miết, mình đuổi cấp bách thì chúng sẽ quay lại liều chết với mình. Các tướng khen phải. Giặc quả xô xuống đò, chết đuối đến hàng mấy vạn; bèn cả phá được.

Trần Hạo rằng: chim cùng thì đánh, thú cùng thì cắn.


Ấy là cái phép dùng binh.

   




Chú thích

  1. Đi ròng rã không nghỉ.