XII

Thiên Hỏa công

Tào-Công rằng: Dùng lửa đánh người, nên chọn ngày giờ.

Trương Dự rằng: Dùng lửa đánh quân địch nên sai quân gian tế lén đi đường, đất xa gần, hình thế hiểm dễ, nên phải biết trước mới có thể đi được, cho nên thiên này ở dưới thiên cửu-địa.


Tôn-Tử nói: Phàm hỏa công có năm cách đốt, một rằng đốt người.

Lý Thuyên rằng: Đốt dinh trại để giết những quân lính.

Đỗ Mục rằng: Đốt những dinh trại, nhân để đốt những quân sĩ. Ngô Khởi nói: Phàm quân ở đầm hoang, cỏ cây nhớp nháp, nên đốt mà diệt, Thục Tiên-chúa đánh Ngô, tướng Ngô là Lục Tốn chống ở Di-lăng. Ban đầu Tốn đánh một trại không lợi, các tướng nói: Chỉ uổng mất binh lính mà thôi. Tốn nói: Ta đã hiểu cái cách phá quân địch rồi. Bèn truyền cho quân lính mỗi người cầm một nắm cỏ gianh, dùng chước hỏa công mà đánh, chém được bọn Trương Nam, Phùng Tập cùng Hồ-vương Sa-ma-Kha, phá được hơn 40 dinh trại, khiến quân Thục phải chết đến hơn 1 vạn, Lưu Bị phải nhân đêm chạy trốn, quân tư khí giới mất mát gần hết, bèn thổ huyết ra mà chết.


Hai rằng đốt lương.

Đỗ Mục rằng: Lương là thóc gạo rơm cỏ. Cao-tổ giữ nhau với Hạng Vũ ở Thành-cao, bị Vũ đánh thua, qua sông sang bắc, được quân của Trương-Nhĩ, Hàn Tín bèn đóng lại ở Tu-Vũ, sâu hào cao lũy; sai Lưu Giả đem hai vạn người, mấy trăm quân kỵ, qua bến Bạch-mã vào đất Sở đốt những lương thực xúc tích, làm cho quân Sở phải thiếu ăn. Đời Tùy Văn-Đế, Cao-Cảnh dâng kế lấy nước Trần, nói Giang-nam đất xấu nhà đều gianh tre, sự xúc tích đều không để hầm dưới đất nên mật sai người nhân gió phóng lửa, đợi họ làm lại ta lại đốt nữa, như thế mấy năm tự nhiên của nả sức lực họ phải hết cả. Vua Tùy nghe theo kế ấy do đó mà người Trần ngày càng suy sút.


Ba rằng đốt xe, bốn rằng đốt kho.

Đỗ Hựu rằng: Đốt xe tri trọng và khiến người vào trại giặc đốt kho nhà binh.

Đỗ Mục rằng: Khí giới của cải, cùng những quần áo của quân sĩ, còn chất ở trên xe chở đi là xe tri trọng, những thứ ấy đã chứa vào một chỗ ở trong dinh trại thì gọi là kho; trên xe tri trọng và trong kho đều đựng chung những thứ ấy cả. Cuối đời Hậu Hán, tướng của Viên-Thiệu là Hứa Du hàng Tào Công, nói với Công rằng: Nay xe tri trọng của Viên-Thiệu đồn đóng không nghiêm, nếu ta đem khinh binh đánh úp thình lình ập đến, đốt cháy hết những đồ dành chứa chẳng qua ba ngày thì họ Viên phải bại. Công cả mừng, tuyển 5 nghìn quân khinh kỵ, đều dùng hiệu cờ của họ Viên, người ngậm tăm, ngựa buộc miệng kéo đi theo con đường hẻm, mỗi người tay ôm một bó đóm. Dọc đường ai hỏi thì nói: Viên-công sợ Tào-công cướp ở hậu quân, nên sai quân quay lại để phòng bị. Người nghe đều tin làm thực không quan tâm gì cả. Lúc đã kéo đến, dàn ra vây đồn phóng lửa mà đốt khiến trong đồn sợ hãi hoảng loạn, bèn cả phá được, đốt cháy hết những xe tri trọng.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Đốt cháy tri trọng để của cải phải quẫn, đốt cháy kho đạn để súc tích phải rỗng.


Năm rằng đốt đội.

Đỗ Mục rằng: Đốt cháy hàng ngũ để nhân loạn mà đánh.

Giả Lâm rằng: Đội là đường, đốt chặn đường lương và cuộc chuyển vận.

Trương Dự rằng: Đốt những gươm mác ở trong đội ngũ, khiến quân không có khí cụ, cho nên nói rằng: khí giới không sắc thì khó mà ứng địch.


Làm cuộc đốt tất phải có nhân.

Tào Công rằng: Nhân kẻ gian.

Đỗ Hựu rằng: Nhân kẻ gian lại nhân gió hanh mà đốt.

Trương Dự rằng: Đánh hỏa công phải nhân khi giời nắng ráo, dinh trại gianh tre, lương thực chứa chất gần chỗ rơm cỏ, mình mới nhân gió mà đốt.


Đồ để đốt, tất phải sắm sẵn.

Đỗ Mục rằng: Những đồ củi đóm, lau lách, dầu mỡ chẳng hạn, cần phải sắm sẵn để phòng lúc dùng đến. Binh-pháp có những thứ hỏa tiễn, hỏa liêm, hỏa hạnh, hỏa binh, hỏa thú, hỏa cầm, hỏa đạo, hỏa nỗ, đều là thứ dùng được cả.

Trương Dự rằng: Những đồ đựng lửa, những vật dẫn lửa, thường phải sắm sẵn phòng lúc phải dùng.


Phát hỏa có lúc, khởi hỏa có ngày.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Không nên làm nhăng.


Lúc là lúc giời khô ráo.

Tào Công rằng: Khô ráo là giời nắng lâu.

Trương Dự rằng: Khi giời nắng ráo thì lửa dễ cháy.


Ngày là khi mặt trăng đóng vào phận các sao Cơ, Bích, Dực, Chẩn. Phàm trăng đóng vào chỗ những sao ấy, là ngày có gió nổi.

Đỗ Hựu rằng: Mậu Dực-Sâm nói: Ngày trăng đóng những chỗ sao ấy, thì có gió nổi. Tiêu Thế-Hàm nói: Xuân thì bính, đinh, hạ thì mậu, kỷ, thu thì nhâm, quý, đông thì giáp, ất, những ngày ấy có mưa to gió lớn.

Trương Dự rằng: Bốn sao này ưa gió, hễ trăng đỗ vào thì gió nổi, nên suy tính triền độ, biết ngày nào trăng đỗ vào, sẽ đánh hỏa công.


Phàm hỏa công, tất nhân sự biến đổi của năm cách đốt mà ứng tiếp.

Mai-Nghiêu-Thần rằng: Nhân sự đốt biến đổi mà lấy binh tiếp ứng.


Lửa phát ở trong thì sớm ứng ở ngoài.

Đỗ Hựu rằng: Nói lấy binh mà ứng, sai người lén vào phóng lửa ở trong trại địch, nên mau tiến để đánh ở ngoài.

Đỗ Mục rằng: Phàm lửa là để khiến bên địch kinh sợ rối loạn, nhân đó mà đánh, chứ không phải bảo chỉ lấy lửa không mà đánh bại được bên địch. Nghe lửa mới bùng thì đánh ngay, nếu để lửa vạc người yên rồi mới đánh thì vô ích, bởi vậy bảo phải sớm ứng.


Lửa bùng mà binh lặng, đợi mà đừng đánh.

Trương Dự rằng: Lửa tuy bốc mà binh không loạn là bên địch đã có phòng bị, phải phòng sự biến chuyển mà không nên đánh.


Hết sức của lửa, nên theo thì theo, không nên theo thì thôi.

Tào Công rằng: Thấy nên thì tiến, biết khó thì lui.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Khi lửa cháy đã hết mực mạnh, đợi đến bấy giờ mà thấy biến thì đánh, không biến thì đừng.

Họ Hà rằng: Như Mãn Sủng nước Ngụy sang đánh nước Ngô, dặn các tướng rằng: « Đêm nay gió rất mạnh, giặc tất đến đốt trại ta, phải nên phòng bị ». Chư quân đều thức nhắc. Nửa đêm giặc quả đên đốt trại, Sủng ập đánh phá được.


Lửa có thể đốt ở ngoài, không đợi ở trong, cần cho phải lúc.

Đỗ Mục rằng: Trên nói năm cách đốt, biến nên phát ra ở trong. Nếu kẻ địch ở chỗ đầm hoang cỏ rậm, hoặc chỗ dinh trại có thể đốt được, thì nên đốt cho phải lúc, bất tất phải đợi ở trong phát tác rồi sau ngoài mới ứng, sợ địch họ tự đốt cỏ đồng thì mình nổi lửa cũng vô ích. Đời Hán, Lý Lăng đánh Hung-nô, thua trận, bị Thiền Vu đuổi theo, đến cái đầm lớn. Hung nô ở đầu gió phóng lửa, Lăng cũng phóng lửa trước đốt hết sậy lác để cắt đứt thế lửa.

Trần Hạo rằng: Nổi lửa phải lúc như khi giời nắng ráo và khi trăng đỗ chỗ bốn sao.

Trương Dự rằng: Lửa cũng có thể nổi ở ngoài bất tất phải đợi nổi ở trong, cốt là hễ tiện thì đúng lúc mà nổi. Giặc khăn vàng Trương Giốc vây tướng Hán là Hoàng-phủ-Tung ở Trương Xã, giặc dựa cỏ lập trại, Tung sai nhuệ sĩ lén ra ngoài dinh, phóng lửa hô lớn, trên thành cũng đốt lửa ứng theo, Tung nhân xông xáo vào trận, giặc phải kinh hãi rối loạn, rồi thua chạy.


Lửa đốt ở đầu gió, đừng đánh ở cuối gió.

Đỗ Mục rằng: Đốt vào phía đông quân địch, ta cũng theo mà đánh vào phía đông. Nếu lửa phát đàng đông, ta đánh đàng tây, thì cùng với bên địch cùng chịu. Cho nên không đánh ở cuối gió. Thí dụ một phía đông, suy ra mà biết các phía khác.

Mai Nghiêu Thần rằng: Đón thế lửa mà đánh không tiện, quân địch tất cố chết đánh lại.

Vương Tích rằng: Hoặc đánh vào hai bên tả hữu là phải.


Ngày gió lâu, đêm gió tắt.

Mai Nghiêu Thần rằng: Phàm ngày gió tất đêm ngừng, đêm gió tất ngày ngừng.


Phàm quân tất biết có cái biến của năm cách đốt, lấy số mà giữ.

Mai Nghiêu Thần rằng: Tính cái độ số sao đi, để biết ngày có gió, nhưng đốt lửa cũng nên đề phòng có biến.

Trương Dự rằng: Không nên chỉ biết lấy lửa đốt người, cũng nên phòng người đánh mình, suy độ số của bốn sao, biết ngày gió nổi thì phòng bị nghiêm cẩn.


Cho nên lấy lửa giúp cho sự đánh thì rõ.

Đỗ Hựu rằng: Lấy được phần thắng rõ lắm.

Mai Nghiêu Thần rằng: Rõ ràng dễ thắng.


Lấy nước giúp cho sự đánh thì mạnh.

Đỗ Hựu rằng: Nước xói dữ vào cho nên mạnh.

Trương Dự rằng: Nước có thể chia được quân địch thế họ chia thì thế ta mạnh.


Nước có thể tuyệt, không có thể đoạt.

Tào Công rằng: Dùng lửa giúp sức, lấy được phần thắng rõ lắm. Dùng nước giúp sức, chỉ có thể tuyệt được đường địch, chia được quân địch, chứ không thể cướp được súc tích của địch.

Trương Dự rằng: Nước đọng chỉ có thể cách tuyệt được quân địch, khiến cho trước sau không đi kịp nhau, lấy cái sự thắng một thời, nhưng không bằng lửa có thể đoạt được sự chứa đựng của địch khiến họ phải diệt vong. Hàn Tín tháo nước chém tướng Sở Long Thư, ấy là sự thắng một thời; Tào Công đốt tri trọng của Viên Thiệu, Thiệu nhân thế mà phải thua, ấy là khiến cho diệt vong đó. Nước không bằng lửa, cho nên nói tường về lửa mà nói lược về nước.


Này chiến thắng, tranh lấy, mà không xét định công lao là sự chẳng lành, gọi là « công cốc »

Đỗ Mục rằng: Chiến đã thắng được, tranh đã lấy. được, nếu không biên ghi người có công mà làm sự ban thưởng thì ba quân không vâng theo lệnh, sẽ có điều dữ, chỉ uổng dềnh dang, tốn phí, chứ không nên được công chuyện gì.

Vương Tích rằng: Chiến thắng tranh lấy mà không làm sự thưởng công thì người ta không được khuyến khích, người không được khuyến khích thì chỉ tổ tốn của già quân, là sự tai hại vậy.


Cho nên nói rằng: Minh chúa phải nghĩ, lương tướng phải làm.

Giả Lâm rằng: Minh chúa nghĩ việc, lương tướng làm công.

Trương Dự rằng: Vua nghĩ cái việc công chiến, tướng làm cái công thắng tiệp.


Phi lợi thì không động.

Lý Thuyên rằng: Vua hiền tướng giỏi, phi thấy lợi, thì không khởi binh.


Phi được thì không dùng.

Đỗ Mục rằng: Phải nhìn thấy trước là có thể được cái gì của bên địch, sau mới dùng binh.


Phi nguy thì không chiến.

Mai nghiêu Thần rằng: Phàm dùng binh, phi nguy cấp thì không nên gây chiến, vì phải cẩn trọng cái đồ dữ.

Trương Dự rằng: Binh là việc dữ, chiến là việc nguy, phải phòng họa bại, không nên khinh cử, bất đắc dĩ rồi sau mới dùng.


Chúa không nên vì giận mà dấy quân.

Vương Tích rằng: Không nên dấy quân chỉ vì giận như Tức-Hầu sang đánh Trịnh vậy.

Trương Dự rằng: Nhân giận mà dấy quân thì không diệt vong ít lắm. Như Tức-Hầu chỉ vì Trịnh-Bá có một sự trái lời mà đi đánh Trịnh, quân tử nhân thế biết rằng nước Tức sắp phải mất.


Tướng không nên vì tức mà tiến chiến.

Trương Dự rằng: Vì tức mà giao chiến, ít khi không thua, như Điêu-Tương tức Phù-xiên, Hoàng-My bầy trận sát gần lũy mình, nhân ra đánh, bị Hoàng-My đánh thua đó.


Hợp với lợi thì động, không hợp với lợi thì đừng.

Trương Dự rằng: Không nên nhân sự mừng giận của mình mà dấy quân, phải nhìn vào điều lợi điều hại. Úy-Liêu-tử nói: Binh khởi lên không có thể vì sự tức giận, thấy thắng được thì dấy, không thắng được thì thôi.


Giận có thể lại mừng, tức có thể lại vui.

Trương Dự rằng: Tỏ ra sắc mặt là mừng, thỏa ở trong lòng là vui.


Nước mất thì không thể lại còn, người chết thì không thể lại sống.

Đỗ Hựu rằng: Phàm chúa giận mà dấy quân đánh người, không sành mưu sáng kế thì sẽ phải tan vỡ tướng tức mà thẳng thốt kéo ra giao chiến thì chết hại tất nhiều; tức giận rồi có thể lại vui mừng nhưng nước đã mất không thể lại còn, người đã chết không thể lại sống, nói phải nên cẩn thận.

Vương Tích rằng: Mừng giận không thường thì uy tín phải mất.


Cho nên minh quân phải thận trọng, minh chúa phải răn dè, ấy là cái đạo yêu nước vẹn quân đó.

Trương Dự rằng: Chúa nên thận trọng sự dùng binh thì có thể yêu nước, tướng nên răn dè sự khinh chiến, thì có thể toàn quân.