XIII

Thiên Dụng Gián

Tào Công Lý Thuyên rằng: Gián là phải dùng gián điệp để biết tình thực của bên địch.

Trương Dự rằng: Muốn biết rõ địch tình, phi dùng gián điệp không thể được, nhưng sự dùng gián điệp, nên phải kín nhiệm cho lắm, cho nên thiên này ở dưới thiên Hỏa-công.


Tôn-tử nói: Phàm dấy quân mười vạn ra binh nghìn dặm, trăm họ tốn phí, nhà chúa cung phụng, ngày tốn nghìn vàng, trong ngoài tao động, lại dọc đường vất vả không làm việc, bẩy mươi vạn nhà.

Tào Công rằng: Đời xưa tám nhà là một lân, một nhà tòng quân thì bẩy nhà phải cung phụng. Nói dấy một đạo quân 10 vạn thì 70 vạn nhà không được cầy cấy.

Trương Dự rằng: Phép tỉnh-điền cứ tám nhà là một lân, một nhà tòng quân thì bẩy nhà phải cung phụng, dấy quân mười vạn thì bỏ cầy cấy đến bẩy mươi vạn nhà. Hoặc có người hỏi: Đất nặng thì cướp, sao lại còn phải vận tải vất vả ở dọc đường là cớ làm sao? Nói rằng: không phải là chỉ vận lương mà thôi, còn cung những khí dụng nữa. Vả hành binh quý ở cướp của bên địch, là bảo vào sâu đất địch, nên phòng thiếu thốn, cho nên phải cướp để giữ cho kế tiếp, chứ không phẩi chỉ chuyên trông vào sự lấy của bên địch. Cũng có chỗ đất xương xẩu, không có lương đâu có thể lấy được thì không vận tải đi sao được?


Giữ nhau mấy năm, để tranh lấy sự thắng một ngày, thế mà tiếc tước lộc, trăm vàng, để không biết tình hình bên địch, là bất nhân rất mực.

Đỗ Mục rằng: Nói không biết đem món lợi to để sai gián điệp.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Giữ nhau mấy năm thì 70 vạn nhà tốn kém rất nhiều, thế mà lại tiếc cái nhỏ nhặt tước lộc bạc vàng, không sai gián điệp đi dò địch tình để đánh mà lấy thắng, đó là kẻ bất nhân rất mực.


Không phải là tướng của người ta.
Không phải là tá của vua chúa.
Không phải là chủ của sự thắng.

Trương Dự rằng: Nói không biết dùng gián điệp thì không thể làm tướng, không thể giúp chúa, không thể làm người đứng chủ để nên công thắng trận. Nói đi nói lại như thế là có ý phàn nàn.


Cho nên vua minh tướng giỏi, sở dĩ hễ cử động là phải thắng, thành công vượt hơn mọi người là bởi vì biết trước.

Lý-Thuyên rằng: Tại dùng gián điệp.

Đỗ-Mục rằng: Biết tình hình bên địch.

Họ Hà rằng: Theo trong Chu-quan, chức sĩ-sư giữ việc gián điệp của nước tức là để dò xét việc của nước khác. Cho nên binh gia có bốn cơ hai quyền, rằng sự cơ. rằng trí quyền, đều là nói sự khéo dùng gián điệp, cho nên những sự động tĩnh của bên địch đều biết trước được. Vì Hiếu-Khoan làm chức Phiêu-Kỵ Đại-tướng-quân, trấn ở Ngọc-Bích. Hiếu-Khoan giỏi việc võ về coi quản, rất được lòng người, sai quân gián điệp sang Tề, người nào cũng hết sức; cũng có người Tề được tiền bạc của Hiếu-Khoan, xa thông giấy má, cho nên sự động tĩnh của Tề, triều đình đều biết trước được cả. Bấy giờ có viên chủ súy Hứa-Bồn, Hiếu-Khoan vẫn đem lòng ruột mà tin cậy, giao cho trấn giữ một thành. Bồn bèn đem thành quy phụ vào với Tề, Hiến Khoan giận, sai gián điệp giết, chẳng mấy chốc họ đã lấy được đầu Bồn đem lại, ấy thu được lòng người đến thế. Lại Lý-Đạt làm Đô-đốc các việc quân ở Nghĩa-châu, Hoằng-nông 21 đồn phòng, thường hậu đãi những người ngoài cõi khiến làm gián điệp, động tĩnh bên địch đều biết trước cả, đến nỗi có người để lộ chuyện bị giết mà cũng không oán, ấy được lòng người đến như vậy.


Muốn biết trước không nên lấy ở quỷ thần.

Trương Dự rằng: Quỷ thần nhìn không thấy, nghe không biết, không nên đảo cầu để dò hỏi.


Không nên bằng ở tượng loại.

Đỗ Mục rằng: Nói không nên lấy việc khác để suy ra việc này.

Trương Dự rằng: Nói không nên lấy cái việc giống nhau mà suy cầu một cách tưởng tượng.


Không nên nghiệm ở độ số.

Lý Thuyên rằng: Này dài ngắn, rộng hẹp, xa gần, nhớn nhỏ, thì có thể nghiệm ở độ số, nhưng sự thực dối của người thì không thể nghiệm như thế được.


Tất phải lấy ở người để biết tình hình của bên địch.

Mai Nghiêu Thần rằng: Cái tình quỷ thần, có thể dùng bói toán mà biết, cái vật hình khí, có thể lấy tượng loại mà tìm, cái lẽ giời đất có thể lấy độ số mà nghiệm, duy cái tình của bên địch, tất phải do gián điệp rồi mới biết được.


Cho nên dùng gián có năm: có nhân gián, có nội gián, có phản gián, có tử gián, có sinh gián.

Trương Dự rằng: Ấy là tên của năm thứ gián. Nhân-gián là hương-gián mới phải, bởi dưới nói hương-gián có thể được mà khiến.


Năm gián đều dùng, kẻ địch chẳng biết đường lối nào, ấy là cương kỷ của thần linh, báu trọng của vua chúa đó.

Tào Công rằng: Đồng thời dùng cả năm cách gián.

Đỗ Mục rằng: Năm cách gián đều làm kẻ địch không biết cái đường lối tiết lộ tình hình bởi đâu, ấy là cương kỷ của quỷ thần, báu trọng của tướng đó.

Giả Lâm rằng: Nói kẻ địch đều không biết ta làm thế nào mà biết được, tưởng như suốt được đường lối quỷ thần.


Nhân-gián là dùng người quê của kẻ địch.

Đỗ Hựu rằng: Nhân người quê hương của địch, có thể biết được tình hình trong ngoài hư thực, bèn dùng ngay họ để khiến dò xét.

Đỗ Mục rằng: Dùng người quê hương của bên địch, hậu đãi để khiến làm gián điệp. Thứ-sử Dự-châu nhà Tấn là Tổ Địch trấn ở Ung-khâu, yêu người trọng sĩ, dù kẻ sơ giao, kẻ tiện dịch cũng đều lấy ân lễ mà hậu đãi, những đồn đóng bên sông của rợ Hồ, đều ngầm giao thông với cả, thỉnh thoảng sai quân sang cướp vờ để tỏ những đồn ấy không quy phụ gì với mình. Các đồn cảm mến thấy rợ Hồ có sự mưu tính gì lại mật báo cho biết, những sự thắng tiệp trước sau đều bởi đó cả. Tây Ngụy Vi Hiếu Khoan sai người Tề chém Hứa Bồn đem lại, cũng là nghĩa ấy.


Nội gián là dùng quan thuộc của kẻ địch.

Đỗ Hựu rằng: Dùng những người làm quan mà mất chức, những con cháu của người bị giết cùng là những nhà phải phạt, nhân có hiềm khích, bèn lấy mà dùng.

Đỗ Mục rằng: Quan chức bên địch, có người hay mà mất chức, có người lỗi mà bị hình, cũng có người được yêu mến mà lại tham tiền của, có người phải lún ở ngôi thấp, có người không được cất dùng, có người nhân khi táng bại, muốn tìm nơi để trổ cái tài năng của mình, có người dáo dở biến trá thường cầm hai lòng, những viên quan như thế đều có thể ngầm thông thăm hỏi, hậu tặng vàng lụa mà giao kết, nhân dò cái tình hình trong nước và xét xem họ định mưu tính gì mình, lại làm chia rẽ vua tôi khiến không hòa đồng với nhau được.


Phản gián là dùng gián-điệp của địch.

Đỗ Hựu rằng: Địch sai gián-điệp đến dò ta, ta biết thóp, lại tặng hậu cho nhiều để trái lại, lại làm gián-điệp cho ta Tiên Thế Hàm nói: Nói bên địch sai người đến dò ta, ta vờ không biết, phô trương ra những sự không đúng, kỳ hẹn hành động thì nói dịch lên trước hoặc nói lùi lại sau, khiến về mà bảo với nhau, ấy là phản gián.

Đỗ Mục rằng: Bên địch có lén (gián) đến nhòm ta, ta phải biết trước, hoặc đút lót cho nhiều để dụ làm lén cho ta, hoặc vờ như không biết, phô bầy những sự giả dối rồi để cho về, như vậy lén của địch lại thành ra làm việc cho ta.


Tử-gián là làm sự dối trá ra ngoài, khiến gián điệp của ta biết, bảo với bên địch.

Đỗ Hựu rằng: Làm sự dối trá ở bên ngoài, vờ để tiết lậu, khiến gián-điệp của ta thấy, khi gián-điệp của ta sang bên địch, bị họ bắt được, tất đem cái việc dối trá đã thấy nói với bên địch, địch theo mà phòng ngừa, sau ta làm không đúng như thế thì gián-điệp của ta phải chết. Lại rằng: Gián-điệp của bên địch đến, nghe thấy việc dối của ta thì đem về, nhưng sự thực thì không dùng. Hai hạng gián-điệp đều không thể biết được sự tối mờ sâu kín, cho nên gọi là tử-gián. Tiêu Thế Hàm nói: Bắt được quân địch, cùng là những quân lính lẩn trốn có tội nặng, cố ý tha ra, dặn không được nói hở chuyện gì, vờ không giấu diếm, để cho gián-điệp của bên địch nghe biết, rồi nhân thả lỏng cho trốn được, tất trốn về bên địch mà đem tin về, sau việc không đúng thì sẽ phải chết, cho nên gọi là tử-gián (lén chết).

Họ Hà rằng: Như đời Chiến-quốc, Trịnh Vũ-công muốn đánh xứ Hồ, trước đem con gả sang xứ ấy. Nhân hỏi quần thần rằng: Ta muốn dùng binh, vậy nên đi đánh đâu? Đại-phu Quan Tư-Kỳ nói: Nên đánh xứ Hồ. Vũ-công giận mà giết đi, nói: Hồ với ta là nước anh em, ngươi lại bảo ta đánh là cớ làm sao? Vua Hồ nghe nói, cho là Trịnh thân với mình, không phòng bị Trịnh nữa, rồi Trịnh đánh úp mà chiếm lấy. Ấy là cái kiểu dùng tử-gián đó. Lại Ban Siêu đem quân Vu-điền các nước đi đánh hai nước Sa-xa, Quy-Tư, nói phao lên là binh ít không thể địch nổi, sẽ phải giải tán, rồi ngầm thả kẻ tù-binh về mách bảo. Vua Quy-Tư mừng rỡ mà không phòng bị, Siêu bèn lén đem quân vào nước Sa-xa, cả phá hạ được. Ấy cũng cùng cái kiểu dùng tử-gián đó. Lại Lý Tĩnh đi đánh chúa Hiệt-Lợi rợ Đột-quyết nhân Đường Kiệm trước ở Đột-quyết sai sang kết hòa thân, Đột-quyết nhân thế không đề phòng, Tĩnh úp nhân đánh phá được.


Sinh gián là gián-điệp trở về trình báo.

Đỗ-Hựu rằng: Chọn người hiền tài trí năng của mình, có thể giao thiệp được với người thân quý bên địch, xét xem động tĩnh, dò biết những công việc của họ định làm, khi đã biết được sự thực rồi thì về trình báo với ta, vì thế gọi là sinh gián (lén sống).

Lý-Thuyên rằng: Những sứ giả đi lại.

Đỗ-Mục rằng: Nói những người đi lại thông báo. Sinh gián tất phải dùng người trong sáng ngoài ngu hình tồi bụng giỏi, nhanh nhẹn cứng mạnh, quen với những việc bỉ tiện, có thể nhịn đói rét, chịu nhuốc nhơ thì mới làm được.

Họ Hà rằng: Như Hoa-Nguyên lên giường Tử Phản mà về. Lại như Đạt-Hề-Vũ nhà Tùy làm chức thứ-sử ở Đông-Tấn, bấy giờ Tề Thần-Võ ruổi đến Sa-uyển, Thái-tổ sai Vũ đi dò thăm. Vũ đi cùng ba quân kỵ, đều mặc quần áo của quân địch, đến tối, cách trại mấy trăm bước, xuống ngựa đi lên để nghe, biết được quân hiệu, nhân lên ngựa về dinh y như là lính đi tuần đêm, thấy người lính nào không đúng phép thì nọc ra đánh, biết hết tình trạng của bên địch, đem về trình với Thái-Tổ, Thái-Tổ rất khen ngợi, bèn phá vỡ được quân của Tề-Thần-Võ.

Trương-Dự rằng: Tuyển những kẻ sĩ trí năng đi dò tình hình bên địch rồi trở về trình báo với ta, như là Lân-Kính biết Hung-nô mạnh trở về báo cáo với Cao-tổ chẳng hạn Nhưng việc của sinh gián cũng nhiều, hoặc mình muốn lui, mà bảo địch rằng chiến, hoặc mình muốn chiến mà bảo địch rằng lui. Như chức Hành nhân nhà Tần đêm đến bảo với quân Tấn rằng: « Ngày mai xin Tương-Kiến », Du-Biền nói: « Sứ-giả mắt chao mà nói ngông, chính là họ sợ ta đấy ». Quân Tần quả trốn ngay đêm ấy. Lại Lã Diên đánh Khất-Phục Càn-Quy, cả phá được. Càn-Quy bèn sai gián điệp sang nói là mình chạy sang Thành Kỷ ở phía đông, Diên tin là thực mà đuổi theo, Cảnh Trĩ nói: « Người nói nhìn cao mà vẻ động, tất có gian kế », Diên không nghe, bèn đi đánh bại.


Cho nên người thân của ba quân không ai thân bằng gián điệp.

Đỗ-Hựu rằng: Nếu không thân cận vỗ về và hậu thưởng tước lộc, thì họ sẽ lại làm việc cho bên địch, tiết lậu sự tình của ta.

Trương-Dự rằng: Người trong ba quân tuy đều phải thân cận vỗ về, nhưng riêng những người gián điệp, thì lấy lòng ruột mà ủy thác, cho nên lại càng thân mật hơn.


Thưởng không ai hậu bằng gián điệp.

Mai Nghiêu Thần rằng: Tước lộc vàng lụa, ta không tiếc gì.

Trương Dự rằng: Phi tước cao lộc hậu, không thể sai dùng được gián điệp. Trần Bình nói: xin bỏ ra vàng tốt 40 vạn cân để ly gián vua tôi nước Sở


Việc không gì kín bằng gián điệp.

Đỗ Hựu rằng: Việc gián điệp không kín thì hại đến mình.

Trương Dự rằng: Duy tướng cùng gián điệp được nghe công việc chẳng kín mà như thế ư?


Phi bực thánh trí không thể dùng được gián điệp.

Đỗ Mục rằng: Trước phải lượng biết cái tính của kẻ gián là người thành thực khôn ngoan, rồi sau mới có thể dùng được; mặt rắn tình sâu, hiểm như sông núi, phi thánh nhân không thể biết được.

Trương Dự rằng: Thánh thì hiểu suốt mọi việc, trí thì biết trước mọi cơ, rồi mới có thể làm được gián điệp. Hoặc bảo thánh trí thì biết được người.


Phi người nhân nghĩa thì không thể dùng được gián điệp.

Họ Mạnh rằng: Thái công nói: Nhân nghĩa tỏ rệt thì người hiền theo về, người hiền theo về thì gián điệp có thể dùng được.

Trần Hạo rằng: Người nhân thì có nhân tới người, người nghĩa thì làm việc phải cách. Chủ tướng đã hay lấy nhân mà kết, lấy nghĩa mà khiến, thì kẻ gián điệp hết lòng mà dò xét, vui vẻ làm việc cho mình.


Phi người tinh vi thì không thể được cái thực của gián điệp.

Đỗ Mục rằng: Gián điệp cũng có khi chỉ cốt lấy được tiền của, không dò được cái tình thực của bên địch, chỉ đem lời hão để ứng phó với sự ước hẹn cùng ta, vậy ta phải dụng tâm tính liệu, mới có thể xét biết được sự thật dối, hư thực.

Mai Nghiêu Thần rằng: Phòng gián điệp lại bị quân địch sai khiến, cho nên phải suy nghĩ tinh vi thấu đáo.


Kín nhiệm vậy thay, không cái gì không dùng gián điệp.

Đỗ Mục rằng: Nói việc gì cũng nên dùng gián điệp để biết trước.


Việc gián chưa phát mà đã nghe trước, kẻ cáo cùng kẻ gián đều chết.

Đỗ Mục rằng: Kẻ cáo nếu không dụ kẻ gián thì không thể nghe lỏm được chuyện, giết đi là phải.

Mai Nghiêu Thần rằng: Giết kẻ gián, vì ghét thói tiết lậu, giết kẻ cáo, để lấp miệng phao truyền.

Trương Dự rằng: Việc phản gián bên địch, mưu định mà chưa làm, chợt có người nghe được đến mách với mình, tất phải cùng với kẻ gián điệp đều giết, một để trị tội tiết lộ một để diệt miệng phao truyền. Nước Tần đã phản gián nước Triệu không dùng Liêm-Pha, Tần bèn lấy Bạch-Khởi làm tướng, truyền lệnh trong quân rằng: « Kẻ nào tiết lậu việc Vũ-an-Quân (tức Bạch Khởi) làm tướng sẽ chém. Ấy là việc đã phát hiện rồi còn không muốn hở huống là việc chưa phát hiện ư?


Phàm quân muốn đánh, thành muốn chiếm, người muốn giết, tất trước phải biết tên họ của tướng giữ tả hữu, yết giả, môn giả, xá nhân, khiến kẻ gián điệp của ta phải tìm biết kỳ được.

Đỗ Hựu rằng: Tướng giữ là người có cái chức nhiệm trấn giữ; yết là cáo, người giữ việc trình cáo công việc; môn giả là người giữ cửa; xá nhân là người giữ nhà. Phải nên biết trước những người ấy kết tình thân cựu để khi cần cấp thì gọi tên sẽ không bị mắng nói, cũng nhân thế mà biết được tình hình bên địch.

Đỗ Mục rằng: Phàm muốn công chiến tất nên biết những người của bên địch dùng, hiền hay ngu, vụng hay khéo, để lượng tài mà ứng phó. Hán-vương sai Hàn-Tín, Tào-Tham, Quán-Anh đánh Ngụy-Báo hỏi rằng: « Đại-tướng của Ngụy là ai? ». Thưa rằng: « Bách Trực ». Hán-vương nói: « Gã ấy thì miệng còn hơi sữa, không thể đương được với Hàn-Tín. Thế tướng kỵ binh là ai? » Thưa rằng: « Phùng Kính ». Hán-vương nói: « Gã ấy là con viên tướng Tần là Phùng Vô-Trạch, tuy giỏi, nhưng không thể đương được Quán-Anh. Thế tướng bộ binh là ai? » Thưa rằng: « Hạng Đà ». Hán-vương nói: « Gã ấy thì không thể đương được Tào Tham, ta không lo gì ».

Trương Dự rằng: Tướng giữ là tướng giữ quan nhiệm chức; yết giả là viên tướng coi việc tân khách, môn giả là kẻ lại coi cửa; xá nhân là người giữ cửa nhà. Phàm muốn đánh quân, muốn chiếm thành, muốn giết người, tất trước phải biết tên họ của những người tả hữu ấy mới được. Muốn lén vào trong quân thì gọi tên họ những người ấy mà vào. Như Hoa-Nguyên đêm lên giường của Tử-Phản để kể sự nguy khốn của nước Tống, Đỗ Nguyên-Khải chú dẫn văn này, bảo Nguyên dùng thuật ấy mà vào lọt được, đó. Lại Hán Cao-Tổ vào chỗ nằm của Hàn Tín lấy ấn, cũng gần như thế này.


Tất tìm kẻ lén của bên địch đến làm việc lén ở ta trao cho cái lợi, mời về nhà ở.

Đỗ Hựu rằng: Sai người đem lợi lớn mà tặng cho họ lại mời về ở nhà, như vậy có thể khi về nước sẽ nói khác đi.


Cho nên phản gián có thể mà dùng được.

Đỗ Hựu rằng: Cho nên có thể lấy được kẻ lén của bên địch để làm việc cho mình.

Vương Tích rằng: Đó là lưu kẻ lén của bên địch lại để dò hỏi tình hình. Tất phải mời đến một chỗ ở cẩn thận, dùng lời biện thuyết, tỏ tình thân ái, rồi sau lấy lợi to mà cho, đem phép lớn mà dọa, phi người chí trung với chúa, tất sẽ đến làm việc cho ta.


Nhân đấy mà biết, cho nên hương-gián, nội-gián có thể mà khiến được.

Đỗ Hựu rằng: Nhân khiến kẻ lén bên địch đi làm việc trái lại mà mình biết được địch-tình, hương-gián nội-gián mình sẽ đều có thể do đó mà khiến được.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Người nước định ai có thể khiến được, quân bên địch ai có thể dùng được, đều nhân kẻ phản gián mà biết.

Trương Dự rằng: Nhân kẻ phản gián ấy, mà biết dân bên địch ai là kẻ tham lợi, quan bên địch ai là người có hiềm, sẽ dụ mà khiến.


Nhân đấy mà biết, cho nên làm việc dối trá cớ thể khiến tử-gián bảo với bên địch.

Trương Dự rằng: Nhân kẻ phản-gián ấy mà biết bên địch có thể lừa dối được, sai tử gián đến bảo.


Nhân đấy mà biết, cho nên sinh-gián có thể khiến đúng kỳ.

Đỗ Mục rằng: Có thể khiến đi về đúng kỳ.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Khiến kẻ gián của ta lấy sự dối trá bảo với kẻ địch phải nhân kẻ phản-gián mà biết kẻ địch có thể dối được; sinh-gián lấy lợi hại dò xét địch tình, phải nhân kẻ phản-gián mà biết kín hở, thì có thể đi được sự thực mà về đúng kỳ hẹn.


Việc năm cách gián, chủ tất phải biết.

Lý Thuyên rằng: Tôn Tử ân cần với năm cách gián, người là chủ rất cần phải biết.


Biết được là do ở phản-gián, cho nên phản-gián không nên không hậu đãi.

Đỗ Hựu rằng: Đứng nhân-chủ nên biết cách dùng năm hạng gián, phải cho họ lộc hậu, tiền nhiều: mà phản gián là gốc của năm hạng gián, là cốt yếu của công việc, cho nên cần phải hậu đãi.

Đỗ Mục rằng: Hương-gián, nội-gián, tử-gián, sinh-gián bốn hạng này, đều nhân phản gián biết được địch tình mà có thể dùng được, cho nên phản-gián cần nhất, không nên không hậu đãi.


Ngày xưa nhà Ân dấy lên, Y-Chí ở nhà Hạ.

Tào-Công rằng: Y-Chí tức là ông Y Doãn.


Nhà Chu dấy lên, Lã Nha ở nhà Ân.

Tào-Công: Lã Nha là Thái-công.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Y Doãn, Lã-Nha không phải là phản nước, chỉ vì nhà Hạ không biết dùng mà nhà Ân biết dùng, nhà Ân không biết dùng mà nhà Chu biết dùng, làm thành công lớn là chỉ vì dân vậy.

Họ Hà rằng: Y, Lã, là người thuộc về bậc thánh-nhân, há có làm gián-điệp cho ai. Nay Tôn-Tử dẫn ra, chỉ là nói sự dùng năm hạng gián, phải là người ở bậc thượng trí, như cái tài trí của Y, Lã, mới có thể dùng gián-điệp được, ấy là nói tỏ sự hệ trọng vậy.

Trương Dự rằng: Y Doãn là bầy tôi nhà Hạ, sau về nhà Ân, Lã Vọng là bề tôi nhà Ân, sau về nhà Chu. Y, Lã, giúp hai vua Thang, Vũ lấy binh mà định thiên-hạ, thuận với giời mà ứng với người, không giống như Bá-Châu-Lê chạy sang Sở, Miêu-Bí-Hoàng đi sang Tấn, Hồ Dung ở Ngô, Sĩ Hội ở Tần vậy.


Cho nên duy có bậc minh-quân hiền-tướng, biết lấy bậc thượng trí làm gián, tất nên công to, ấy là cái chết của việc binh, ba quân trông cậy vào đó mà hành động vậy.

Lý-Thuyên rằng: Tôn-Tử bàn về việc binh, đầu ở kế mà cuối ở gián, đó là không lấy đánh làm chủ, người làm tướng há không nên thận trọng ư?

Đỗ-Mục rằng: Không biết địch tình, quân không thể động, muốn biết địch tình, phi gián không thể, cho nên nói rằng: ba quân trông cậy vào đó mà hành động. Lý Tĩnh nói: Này chiến mà muốn thắng, há phải cầu ở giời đất đâu, chỉ nhân ở người mà thành được đấy thôi. Trải xem sự dùng gián-điệp của người xưa, tài khéo không phải một đường, có khi gián vua, có khi gián người thân, có khi gián người hiền, có khi gián người tài, có khi gián người giúp, có khi gián nước bạn, có khi gián tả hữu, có khi gián mưu sĩ, cho nên bọn Tử Cống, Sử Liêu, Trần Chẩn, Tô Tần, Trương Nghi, Phạm Thư đều nhờ đó mà được thành công. Vả cách gián có năm, có khi nhân người quê, khiến ngầm dò xét mà tỏ bảo; có khi nhân quan chức, khiến đem tình trạng mà phô bầy; có khi nhân sứ-giả bên địch, uốn sai việc đi để họ đem tin về; có khi chọn lấy người hiền năng, khiến dò biết sấp ngửa hư thực của bên kia mà về báo cáo; có khi vờ tha tội lỗi, hơi hở cái sự giả, kế dối của ta, khiến họ trốn đi mà đưa tin. Năm cách gián ấy, đều cần phải giấu kỹ, thưởng cho thật hậu, kín mà lại kín, mới có thể làm được. Nếu kẻ địch có người thân yêu, coi như lòng ruột, ta nên sai gián, biếu đồ quý báu, họ muốn gì ta cũng không tiếc, rồi ở bên cạnh mà dỗ dành. Kẻ địch có người trọng-thần thất thế, không được toại chí ta tặng cho lợi lớn, vờ cùng thân thiết để dò lấy tình thực đem về. Kẻ địch có những người tả hữu thân quý, hay nói huênh hoang, thích bàn lợi hại, thì sai gián-điệp lựa chiều tôn rước, biếu nhiều vàng ngọc, lần xem cách gián của họ mà làm cách phản gián. Kẻ địch nếu sai sứ đến giao thiệp với ta, ta mời sứ mà giữ lại, khiến người ở chung với, ân cần săn sóc, vờ cùng thân mật, sớm tối chuyện trò thiết đãi trọng hậu, xem nhời nói sắc mặt mà dò xét, thể nào rồi sứ cảm lòng của chủ nhân, cũng có lúc trộm bàn tâm sự, ta nhân thế mà biết tình hình bên địch. Vả lại mình dùng gián để gián người, người cũng dùng gián để gián mình, mình lấy kín mà đi, người cũng lấy kín mà đến, vậy mình phải riêng xét ở lòng, tham hợp với việc thì sẽ không lầm lỗi. Nếu kẻ địch đến dò hư thực của ta xét động tĩnh của ta, biết được mưu kế mà làm cách gián. ta nên vờ như không biết, mời đến nhà ở mà thiết đãi ân cần, hơi tỏ những lời giả việc dối của ta với họ, những kỳ định làm mọi việc, nói dịch lên hoặc nói lùi lại, thế là nhân họ làm gián mà ta lại làm phản gián, họ nếu cho việc hư của ta làm thực, ta sẽ nhân đó mà hành động có thể đắc chí. Này nước có thể chở thuyền, cũng có thể nhân nước mà chìm đắm, gián có thể thành công, cũng có thể nhân gián mà thất bại. Nếu người bó tóc thờ chúa, nghiêm chính sắc mặt mà đứng ở trong triều, lấy điều trung để tận tiết, lấy điều tín để kiệt thành, không dối giả tự dung, không xốc nổi ham lợi, thì tuy có kẻ tài nghề gián điệp đến dâu, cũng chẳng làm gì nổi.

Trần Hạo rằng: Bá Châu-Lê nước Tấn chạy sang nước Sở, Miêu Bí-Hoàng nước Sở chạy sang nước Tấn. Đến khi Tấn. Sở đánh nhau ở Yên-lăng, Miêu Bí-Hoàng đứng cạnh Tấn-hầu. Bá Châu-Lê hầu bên Sở-vương, hai người đều nói về tình hình hay dở của nước cũ mình. Thế mà rồi Tấn thắng, Sở bại là tại cớ sao? bởi ở hai gã có kẻ hơn người kém. Vậy biết cái cách dùng gián điệp, há chẳng nên chọn người cho kỹ, xét lời cho tinh hay sao? Cho nên trên kia nói: « phi bậc thánh trí không dùng được gián điệp ». Này thánh trí biết người, người ta quy phụ; kẻ hiền giả được người biết đến, sẽ đem hết sức để báo đền. Người không phải thánh không phải trí thì hay ghét hay ngờ, đạo công không mở, nhân nghĩa không ra, thì nghĩa-sĩ hiền-nhân đem lòng căm tức. Viên tướng như thế thì trên trời không giúp, mà trong cõi âm u thì có quỷ-thần, dù không có cái biến bởi nhân-sự, sợ cũng có cái vạ bởi âm-tru, còn mong gì có kẻ sĩ thượng trí đến làm việc cho nữa. Cho nên trên này nói: « phi người nhân nghĩa không khiến được gián điệp ». Thế thì Thang, Vũ là bậc thánh, Y, Lã nên làm việc cho. Y, Lã được dùng, tất phải nên việc. Thánh hiền một hội, giao thái vừa kỳ, đạo hợp càn khôn, công đầy hoàn vũ. Đương khi là bác thợ cầy giữa cánh đồng, làm anh câu cá trên bến Vị, lòng riêng hẳn nghĩ: biết ta này có ai?

Giả-Lâm rằng: Quân không có năm hạng gián điệp, như người không có tai mắt.

Trương Dự rằng: Cái gốc của việc dùng binh ở chỗ biết tình hình bên địch, cho nên nói rằng, ấy là cái chốt của việc binh. Chưa biết địch tình thì quân không thể khởi động được, cho nên nói rằng, ba quân trông cậy vào đó mà hành động. Nhưng thiên Gián lại ở cuối 13 thiên, bởi vì nó không phải sự thường của việc dùng binh. Như Kế, Chiến, Công, Hình, Thế, Hư-thực v.v. binh khởi động phải dùng đến ngay, còn Hỏa-công và Gián thì chỉ dùng có lúc.