Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XXXIX. — Tựa truyện Du-hiệp

XXXIX. — TỰA TRUYỆN DU-HIỆP

Thày Hàn nói: « Nhà nho đem văn mà quấy rối phép! Bọn hiệp lấy võ mà phạm vào cấm!... » Hai hạng đó đều bị chê cả. Mà kẻ học giả thì phần nhiều dẫn lời ấy ra với đời. Đến như dùng thuật để lấy ngôi Khanh, Tướng, Đại phu, giúp đỡ các vua đương thời, công danh đều chép vào sách sử, không thấy ai nói gì cả... Kìa xem Quý-Thứ, Nguyên-Hiến, người ở nơi quê mùa, đọc sách, giữ nết, theo đạo-đức bậc quân-tử, nghĩa không cẩu-hợp với đời, mà đời cũng cười chê!... Cho nên Quý-Thứ, Nguyên-Hiến trọn đời nhà rỗng, cổng giây, mặc vải, ăn rau, cho mãi đến lúc chết! Đã hơn bốn trăm năm, mà học trò còn nhớ mãi không mệt... Này bọn du-hiệp, đức nết tuy không theo vào chính nghĩa, nhưng lời họ nói đúng mực, việc họ làm quả quyết, trọng lời hứa, thực lòng giúp, không tiếc tính mạng gỡ người ta ra khỏi nơi khốn khổ! Đã còn được kẻ mất, sống được kẻ chết, vậy mà không khoe tài mình, thẹn kể ơn mình, xem ra cũng có điều đáng khen. Vả chăng hoãn cấp là chuyện ta thường có!... Ông Thái-Sử nói: Ngày xưa Ngu-Thuấn quẫn ở kho, giếng; Y-Doãn nấp bên vạc, thớt; Phó Duyệt náu hình ở Phó-Nham; Lã-Thượng khốn khổ ở Cức-Tân; Di-Ngô mang gông; Bách-Lý chăn trâu; Trọng-Ny sợ hãi ở Khuông, xanh-xao ở Trần, Sái... Ấy đều là những người mà kẻ học-giả gọi là hạng nhân-nhân có đạo-đức đấy! Vậy mà còn gặp những tai nạn ấy! Huống chi lấy hạng trung tài mà ở vào dòng cuối đời loạn, bị hại biết là bao nhiêu! Người nhà quê có câu rằng: « Biết đâu nhân nghĩa, làm lợi cho ta là kẻ có ơn! » Cho nên Bá-Di cho nhà Chu là xấu, chịu chết đói ở núi Thú Dương; vậy ma Văn, Vũ chẳng vì cớ đó kém vẻ vang! Chích, Cược ngang ngược, mà đồ đệ nhớ nghĩa vô cùng! Do đó mà coi: « Ăn trộm lưỡi câu thì chết chém! Ăn trộm nước người thì phong hầu! Cửa nhà hầu, nhân nghĩa thiếu gì đâu! »[1] Thật không phải là nói ngoa! Nay kẻ học đạo câu-nệ, có khi ôm gang-tấc nghĩa xưa, cô-độc mãi ở đời... Sao bằng hạng bàn lẽ thấp, theo thói thường, chìm nổi với đời mà kiếm lấy tiếng khen! Vậy mà bọn áo vải, đặt ra lệ hứa, hẹn, lấy cho; trong nghìn dậm đều khen là nghĩa, vì chết chẳng tiếc đời! Kể họ cũng có chỗ sở-trường, nào phải chỉ hão huyền thôi đâu! Cho nên kẻ sĩ lúc cùng quẫn có nơi mà nương thân... Đó há chẳng phải là hạng mà người đời gọi là hiền-hào đó sao? Ví phỏng cho bọn hiệp ở chỗ làng xóm, cùng Quý-Thứ, Nguyên-Hiến đọ tài, thi sức, lập công với đời, thì đành không cùng ngày mà nói được!.. Đến như kể về công thấy rõ, nói là đúng,, thì cái nghĩa của hiệp khách, có chê sao được! Các tay hiệp áo vải đời xưa, ta không còn được nghe tiếng nữa rồi! Gần đây bọn Duyên Lăng, Mạnh-Thường, Xuân Thân, Bình-Nguyên, Tín-Lăng, đều vì là thân-thuộc của các vua, nhờ cái giầu-có ở đất phong cùng ngôi Khanh, Tướng, chiêu tập các người giỏi trong đời, lừng tiếng với Chư-Hầu, không thể bảo là không giỏi... Khác nào thuận chiều gió mà gọi, không phải tiếng có to thêm, thế nó gấp đó thôi... Đến như bọn hiệp ở nơi làng xóm, sửa nết, rèn danh, tiếng để đời ai cũng khen giỏi, như thế ấy mới là khó... Thế nhưng bọn nhà Nho, nhà Mặc đều gạt ra không chép. Từ Tần trở về trước, hạng hiệp thất phu, đều vùi lấp không ai biết, tôi rất lấy làm giận! Cứ điều tôi nghe, từ khi nhà Hán lên, có bọn Chu-Gia, Điền-Trọng, Vương-Mạnh, Kịch-Mạnh, Quách-Giải tuy đôi lúc có vướng vào « lưới văn » của đương thời, nhưng đức riêng thẳng, sạch, nhũn nhặn, cũng có điều đáng khen. Tiếng lành không được hão! Kẻ sĩ chẳng phụ xằng! Đến như hạng bè đảng với kẻ mạnh, đặt cách cho vay lãi, đục khoét người nghèo, bắt nạt đứa yếu, hoang-toàng tự sướng lấy mình, thì dù hạng du-hiệp cũng cho là xấu-xa!.. Tôi buồn cho thế-tục không xét đến ý-chí người ta, thường cho Chu-Gia, Quách-Giải là cùng loài với bọn cường-hào, rồi cùng chê cười cả....

  1. Đón coi « Nam-Hoa Kinh » của Trang-Chu, bản dịch của Nhượng-Tống. Tân việt đương in.