Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XXVIII. — Truyện Khuất-Nguyên

XXVIII. — TRUYỆN KHUẤT-NGUYÊN

Khuất-Nguyên tên là Bình, người cùng họ với vua Sở. Làm chức Tả-Đồ đời Sở Hoài-Vương. Nghe rộng; nhớ khỏe; rõ về lẽ trị, loạn; thạo về các giấy-tờ. Vào thì cùng nhà vua bàn tính việc nước để ra các hiệu lệnh; ra thì tiếp đãi khách-khứa, ứng đối các nước ngoài. Nhà vua rất tin dùng ông. Có viên Thượng-Quan đại-phu cùng ông ngang hàng đem lòng ghen, định làm hại tài ông. Hoài-vương sai Khuất-Nguyên làm hiến-lệnh. Khuất-Bình ráp, bản thảo chưa xong. Thượng-Quan Đại-phu trông thấy muốn cướp lấy. Khuất-Bình không cho. Nhân dèm với vua rằng:

— Nhà vua sai Khuất-Bình làm hiến-lệnh, không ai là không biết. Mỗi khi lệnh ra, Bình lại khoe công mình rằng: « Trừ ta ra, chả ai làm nổi! »

Nhà vua giận, bèn xa Khuất-Bình.

Khuất-Bình bực về nỗi nhà vua nghe chẳng tinh, để lời dèm pha che lấp trí sáng-suốt, kẻ cong vẹo làm hại lẽ công-bằng, mà người vuông thẳng không có chỗ dong thân, cho nên lo buồn, nghĩ-ngợi mà làm ra Ly-Tao[1].

Ly-Tao, nghĩa là buồn ly-biệt. Trời là đầu của loài người. Cha, mẹ là gốc của con người. Người ta cùng thì trở lại gốc. Cho nên khó nhọc, mỏi mệt, không ai không kêu trời! Ốm đau, thảm nhục, không ai không kêu cha, mẹ! Khuất-Bình theo đạo ngay, đi đường thẳng, kiệt lòng trung, hết trí-khôn để thờ vua, bị kẻ dèm-pha làm cho xa cách, có thể gọi là cùng vậy! Tín mà bị ngờ, trung mà bị ton ngót, không oán được sao? Khuất-Bình viết Ly-Tao, là tự oán đời mình vậy! Thơ Quốc-Phong mê sắc mà không dâm. Thơ Tiểu-Nhã oán trách mà không loạn. Như Ly-Tao, thực là gồm được cả hai. Trên kể từ Đế-Cốc, dưới nói đến Tề-Hoàn, giữa thuật chuyện Thang, Vũ, để nói bóng việc đời. Nói rõ bề cao-cả của đạo-đức, các đầu mối của trị-loạn, không chuyện gì là không bầy ra hết. Văn ông gọn. Lời ông dịu. Chí ông sạch. Nết ông cao. Chữ dùng ít nhưng ý rất nhiều. Điển dẫn gần mà nghĩa khá xa. Chí ông sạch cho nên hay nói đến các hoa thơm. Nết ông cao cho nên dù chết cũng không chịu tự buông-thả. Quằn-quại trong vũng lầy, trút-lốt khỏi chỗ nhơ-đục, để cất mình ra ngoài đám bụi trần, chẳng để cho đời dây bửn. Thật là ở bùn mà chẳng lây đen! Suy chí ấy ra, dù thi sáng với mặt trời, mặt trăng cũng được!

Khuất-Nguyên đã bị truất rồi, sau đó Tần muốn đánh Tề, nhưng Tề hợp-tung với Sở... Tần Huệ-Vương lo điều đó, bèn sai Trương-Nghi vờ bỏ Tần, đem nhiều tiền đút-lót, được vào nói với vua Sở rằng:

— Tần rất ghét Tề. Nhưng Tề hợp-tung thân với Sở. Nếu Sở tuyệt giao với Tề, thì Tần xin dâng sáu trăm dậm đất ở Thương-Ô.

Sở Hoài-Vương tham mà tin lời Trương-Nghi bèn tuyệt-giao với Tề, sai sứ sang Tần nhận đất!

Trương Nghi nói dối sứ-giả rằng:

— Nghi hẹn với nhà vua có sáu dậm chứ làm gì có sáu trăm dậm!

Sứ nước Sở giận ra về, nói với Hoài-Vương. Hoài-Vương giận, cất đại-quân đánh Tần. Tần ra quân đánh lại, đại-phá quân Sở ở Đan-Chiết, chém tám vạn đầu; bắt tướng Sở là Khuất-Mang; bèn lấy đất Hán-Trung của Sở, Hoài-Vương bèn đem hết quân trong nước, quyết vào sâu để đánh Tần, bầy trận ở Lam-Điền. Ngụy nghe tin, đánh úp Sở, quân đến Đặng. Quân Sở sợ, bỏ Tần về. Còn Tề thì giận không cứu Sở. Sở khốn to.

Năm sau, Tần cắt đất Hán-Trung để hòa với Sở. Vua Sở nói:

— Không cần được đất! Chỉ cần được Trương-Nghi cho hả lòng!

Trương-Nghi nghe vậy, liền nói:

— Lấy một mình Nghi mà đổi được đất Hán-Trung, tôi xin đi sang Sở!

Sang Sở, lại dùng nhiều của đút cho viên-quan cầm quyền là Ngận-Thượng, bầy cách quỷ-biện với vợ yêu của Hoài-Vương là Trịnh-Tụ. Hoài-Vương nghe lời Trịnh-Tụ, lại tha Trương-Nghi về. Khi ấy Khuất Bình đã xa, không còn ở ngôi cũ. Sang sứ bên Tề, quay về can Hoài-Vương rằng:

— Sao không giết Trương-Nghi?

Hoà Vương hối, cho đuổi theo Trương-Nghi không kịp...

Về sau Chư-Hầu cùng đánh Sở, phá cho thua lớn, giết tướng Sở là Đường-Muội. Bấy giờ Chiêu-Vương nước Tần thông-gia với vua Sở, muốn họp mặt với Hoài-Vương. Hoài-Vương toan đi. Khuất Bình nói:

— Tần là một nước hùm sói, không tin được, đừng đi là hơn! Con nhỏ của Hoài-Vương là Tử-Lan khuyên vua nên đi: « Sao lại để mất lòng vua Tần? » Hoài-Vương bèn đi, vào Vũ-quan. Tần cho phục quân chẹn phía sau, nhân giữ Hoài-Vương lại để đòi cắt đất! Hoài-Vương giận không nghe, trốn sang Triệu. Triệu không chứa, lại về Tần. Sau chết ở Tần rồi đưa về chôn ở Sở. Con trưởng là Khoảnh-Tương vương lên ngôi, lấy em là Tử-Lan làm lệnh-doãn. Người Sở vẫn cho việc khuyên Hoài-Vương sang Tần mà không về là lỗi ở Tử-Lan.

Khuất-Bình cũng vẫn ghét chuyện ấy. Tuy bị duồng đuổi, đoái nhìn nước Sở, bận lòng vì Hoài-vương, không quên việc muốn trở về, vẫn mong vua có một ngày tỉnh, tục có một ngày đổi. Sao cho vua được còn, nước được mạnh, nói đi, nói lại trong một bài để ý đến ba lần. Nhưng rút lại không làm thế nào được, cho nên không sao trở về được... Coi đó đủ thấy Hoài-vương trọn đời không tỉnh-ngộ!...

Người làm vua, không kể dại hay khôn, hay hay dở, không ai là không muốn tìm kẻ trung để đỡ mình, cất kẻ giỏi để giúp mình. Vậy mà chuyện mất nước, phá nhà thì kế-tiếp nhau, mà vua thánh, nước trị thì hàng mấy đời cũng không thấy có! Ấy là vì cái hạng gọi là trung kia không thật trung, mà cái hạng tưởng là giỏi kia không thật giỏi vậy! Hoài-vương vì không biết phân-biệt kẻ trung-thần, cho nên trong bị Trịnh-Tụ mê-hoặc, ngoài bị Trương-Nghi lừa dối, xa Khuất-Bình mà tin Thượng-quan Đại-Phu, Lệnh-Doãn Tử-Lan, quân thua, đất mòn, mất đứt sáu quận, mình chết gửi ở Tần, làm trò cười cho Thiên hạ, đó là cái vạ không biết người! Kinh Dịch dậy rằng: « Giếng sạch chẳng ăn, Lòng ta băn-khoăn! Kín nước được! Vua minh, ai nấy đều nhờ phước! » Vua mà không minh, thì thật là vô-phước vậy!

Lệnh-Doãn Tử-Lan biết chuyện cả giận! Rút lại sai Thượng-quan đại-phu dèm Khuất Nguyên với Khoảnh Tương-Vương. Khoảnh-Tương-Vương giận bèn bắt ông đi đầy. Bèn làm bài « Hoài-sa »[2], lời rằng: vân-vân... Rồi bọc đá tự deo mình xuống sông Mịch-La mà chết. Sau khi Khuất-Nguyên đã chết rồi, nước Sở có bọn Tống-Ngọc, Đường Lạc, Cảnh-Sai, đều thích văn chương mà nổi tiếng về lối « phú ». Song đều bắt chước Khuất-Nguyên, dùng lời lẽ dịu-dàng, vẫn không ai dám nói thẳng. Về sau nước Sở ngày càng hao-mòn, quạ mấy chục năm rồi bị nước Tần diệt hẳn. Lại từ khi Khuất-Nguyên chết chìm ở Mịch-La, sau đó hơn trăm năm, về đời Hán, có chàng họ Giả, làm Thái Phó cho Trường-Sa vương, qua sông Tương, deo thư xuống để viếng Khuất-Nguyên..,.

Ông Thái-Sử nói: Tôi đọc Ly-Tao. Thiên-vấn, Chiếu-Hồn, Ai-Sính,[3] thương chí ông. Sang Trường-Sa, xem quãng sông Khuất-Nguyên tự dìm mình, không lần nào là không sa nước mắt, tưởng như trông thấy ông!... Kịp khi thấy Giả-Sinh viếng ông, lại là cho Khuất-Nguyên lấy tài như thế, sang chơi Chư-Hầu thì nước chả dùng, mà tự khổ chi như thế! Đọc bài phú « Phục điển », coi ngang sống, chết! xem thường đi ở! lòng lại bâng-khuâng tự thấy mình lầm!...

  1. Xem Ly Tao, bản-dịch của Nhượng Tống, Tân-việt xuất-bản.
  2. Xem Ly-Tao, bản dịch của Nhượng-Tống Tân-Việt xuất-bản.
  3. Xem Ly-Tao,