Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây Trọng

Lời bình của Lâm Tây Trọng

Phạm-Thư bị gẫy sườn, sứt răng ở Ngụy. Sái-Trạch thuyết các vua Chư-Hầu mãi không gặp người dùng. Kể khốn-khổ chưa có ai như hai người ấy! Kế đó trước sau vào Tần, đứng nói chuyện mà lấy được ấn Tướng-quốc, danh lừng-lẫy cả Chư-Hầu. Kể vẻ-vang cũng chưa có ai như hai người ấy! Trong lời tán cố-nhiên phải lấy chuyện đó làm án. Chỗ nói về cớ sở-dĩ gặp cùng chẳng gặp, đem thế mạnh yếu của Tần cùng Sáu Nước so-sánh mà phán-đoán. Ý cho rằng giúp nước yếu khó thành-công, mà phù kẻ mạnh thì dễ đắc-lực, chứ không phải hai người ở Sáu-Nước thì dại mà sang Tần thì khôn đâu! Thế nhưng tài-giỏi ở mình mà dùng hay không dùng ở người. Tất phải gặp gỡ trong nhất-thì, bấy-giờ đời mới có thể biết giỏi. Cho nên những kẻ có tài mà chẳng được dùng kể ra nhiều lắm. Tức như hai người, nếu không vì khốn-khổ bức-bách, thì chưa chắc đã biết tức mà sang Tần. Có khi đến trọn đời mà không sao thi-thố được tài mình, e khi cũng khó lòng mà tự-chủ được! Bên trong hàm có ý « cùng, thông là do số-mạnh », cảm-khái vô-cùng!