Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XXIX. — Khoái-Thông thuyết viên lệnh Phạm-Dương cùng Vũ-Tín Quân

XXIX. — KHOÁI-THÔNG THUYẾT VIÊN LỆNH PHẠM-DƯƠNG CÙNG VŨ-TÍN QUÂN

Khoái-Thông nói:

— Trộm nghe ông sắp sửa chết cho nên đến viếng! Tuy-nhiên, lại mừng ông được Thông thì sống!

Viên lệnh Phạm-Dương nói:

— Sao mà viếng à?

Đáp rằng:

— Luật Tần nặng! Ngài làm lệnh Phạm-Dương mười năm rồi!... Giết cha người ta! Côi con người ta! Chặt chân người ta! Chổ mặt người ta! Không thể đếm xiết! Vậy mà cha hiền, con hiếu không ai dám đâm dao vào bụng ông, là sợ luật Tần đó thôi! Nay đời loạn to! Luật của Tần không thi-hành! Thế là cha hiền, con hiếu, họ sắp đâm dao vào bụng ông để lấy tiếng với đời! Tôi sở-dĩ viếng ông là vì thế! Nay Chư-Hầu dở mặt với Tần rồi, quân của Vũ-Tín-Quân sắp tới. Vậy mà ông cố giữ Phạm Dương, bọn trẻ tuổi đều tranh nhau giết ông để ra hàng Vũ-Tín-Quân! Ông sai ngay tôi sang ra mắt Vũ-Tín-Quân! Lúc này là lúc đổi dữ làm lành đó!

Viên lệnh Phạm Dương bèn sai Khoái-Thông sang ra mắt Vũ-Tín-Quân. Nói rằng:

— Ngài chắc phải đánh được rồi mới cướp đất, phá vỡ rồi mới chiếm thành? Tôi trộm nghĩ như thế mệt quá! Nếu thực biết nghe kế của tôi, có thể không phá mà chiếm được thành! Không đánh mà cướp được đất! Truyền tờ hịch đi đủ bình-định được hàng nghìn dậm! Có hơn không?

Vũ-Tín-Quân hỏi:

— Thế là thế nào?

Khoái-Thông nói:

— Nay viên lệnh Phạm-Dương đáng lẽ phải chỉnh đốn quân lính để giữ hoặc đánh! Nhưng nhát mà sợ chết! Tham mà trọng giầu sang! Cho nên muốn hàng trước Thiên-hạ! Chỉ sợ ông cho hắn là quan của Tần đặt ra, chém giết cũng như mười thành trước... Lại còn bọn trẻ tuổi ở Phạm-Dương cũng đương định giết viên lệnh, tự đem thành chống với ông... Sao ông không đưa tôi quả ấn phong hầu cho viên lệnh Phạm Dương? Viên lệnh Phạm-Dương sẽ đem thành hàng với ông. Bọn trẻ tuổi cũng không dám giết viên lệnh... Cho viên lệnh Phạm-Dương cưỡi cỗ xe riềm vẽ hoa, bánh sơn đỏ, bảo dong ruổi ở cánh đồng Yên, Triệu... Bọn quan ở Yên, Triệu trông thấy hắn, đều nói: « Đó là viên lệnh Phạm Dương ra hàng trước đấy! » Thế là họ mừng! Các thành ở Yên, Triệu có thể không cần đánh mà hàng cả. Ấy tôi nói đưa hịch đi mà bình-định được hàng nghìn dậm là thế!...