Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây Trọng

Lời bình của Lâm Tây Trọng

Tô, Trương vốn không có thực tài. Cái thuật dùi-mài học của Quỷ-Cốc, chỉ là đoán-phỏng tâm-địa các vua đương thời, liệu chiều đưa đón để kiếm-chác chút giầu sang, mà đỡ ngoài bằng lối « bẻm mép »! Điều mà các vua đương-thời muốn bàn xét, phi « hợp tung » thì là « liên-hành » (Đem nước Tần gồm nuốt các nước). Đến như đem thế mạnh-yếu mà so-sánh, thì « hợp tung » khó mà « liên-hành » dễ: Tô cùng Trương đổi địa vị thì đều thế vậy! Trương đã cầm quyền ở Triệu, thì đành là phải làm cái khó. Thế nhưng sau khi hiệp-ước hợp-tung đã thành, có cấm sao được nước Tần không ra quân đánh-rẹp? Mà một khi nuớc Tần đã ra quân đánh-rẹp, có giữ sao được Chư-Hầu phải theo đúng hiệp-ước mà không có chuyện lật lường? Trừ phi được một người đồng-tâm, cho vào Tần để chủ-trương ngầm chuyện ấy, thì lời-thề trên sông Hằng-thủy chưa quanh-gót đã có kẻ nuốt lời rồi! Trương tuy là bạn Tô, ví phỏng có đủ tiền vào Tần để cất mình lên địa-vị Khanh, Tướng, thì không có lẽ gì là không phá vỡ thuật của Tô cả! Như Bàng-Quyên với Tôn-Tẫn Lý-Tư với Hàn-Phi, trước đều cùng học một thày. rồi đó hoặc chặt chân nhau, hoặc cho nhau uống thuốc độc! Phong-khí đời Chiến-quốc đều như thế cả, nào có lạ gì đâu! Cái khéo của Tô là ở chỗ ngoài mặt thì làm cho xỉ-nhục mà ngấm-ngầm thì giúp đỡ cho. Đem cái khổ-tâm của mình, mượn miệng tên người nhà vanh-vách kể lại... Làm cho Trương đã cảm Tô tử-tế, lại phục Tô khôn ngoan, thế tất không giúp Tô không được! Xem lời Trương tạ lại Tô, nào là « đương thời ông Tô... »; nào là « ông Tô còn đó... »; rõ-ràng là nói sau đời Tô sẽ vạch rõ cái kém của Tô ra! Ông Thái-sử lấy câu « lừa lọc lẫn nhau » để làm lời đoán cho hai người, thật là giản-dị và đích-xác. Đến như Trương khi bị đòn bảo vợ xem lưỡi, và khi viết hịch dọa Tướng Sở, cũng là tự-phụ mình có những khóe lừa lọc, sẽ có phen làm nên mà báo được thù xưa! Thế nhưng ở người quân-tử coi ra, thì chẳng qua là những ngón của bọn « chân-giường cạp-liếp » mà thôi! Trong chuyện những chỗ kể chuyện xen thêm vào, chỗ nào cũng khéo cả.