Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XLVIII. — Truyện Tướng-quân Lý-Quảng

XLVIII. — TRUYỆN TƯỚNG-QUÂN LÝ-QUẢNG

Tướng-quân Lý-Quảng người ở Thành-Kỷ, thuộc Lũng-Tây. Tổ-tiên là Lý-Tín, tức là người làm tướng đời Tần mà đuổi bắt được Thái-tử Đan nước Yên. Vốn ở Hoè-Lý dời sang Thành-Kỷ. Nhà-Quảng đời đời học bắn. Năm thứ mười bốn, đời vua Hiếu-Văn; Hung-Nô cất đại-quân vào Tiêu-Quan; Quảng lấy tư-cách con nhà tử-tế, theo quân đánh giặc, dùng ngựa giỏi, bắn giết được nhiều tướng giặc, được làm chức Trung Lang nhà Hán. Em họ Quảng là Lý-Sái, cũng làm quan Lang, đều sung chức Võ-Kỵ-Thường-thị, luơng tám trăm hộc. Thường theo vua đi chơi, có lúc xung đột, bẻ được cửa, bắt sống được thú-dữ. Vua Hiếu-Văn nói:

— Tiếc thay người chẳng gặp thời! Ví phỏng người sinh vào đời Cao-đế, thì tước Hầu vạn hộ nào có chi đáng kể!

Kịp khi vua Hiếu-Cảnh mới lên ngôi, Quảng làm Đô-Uý ở Lũng-Tây, đổi làm Kỵ-Lang-Tướng. Lúc Ngô, Sở nổi loạn, Quảng làm Kiêu-Kỵ Đô-Uý, theo quan Thái-Uý Á-Phu đánh quân Ngô, Sở, cướp cờ, nổi công-danh ở dưới Xương-Ấp. Vì cớ Lương-Vương cho Quảng quả ấn Tướng-quân, nên lúc về không được hành thưởng, và đổi sang làm Thái-Thú Thượng-Cốc, hằng ngày giao-chiến với Hung-Nô. Quan Điển-Thuộc-Quốc là Công-Tôn-Hồn-Da, khóc nói hộ với nhà vua rằng:

— Tài, khí Lý-Quảng, trong đời không có hai, tự phụ mình giỏi, đánh nhau mãi với giặc, e rằng sẽ chết mất!

Vị thế đổi sang làm Thái-Thú Thượng-Quận. Sau Quảng sang làm Thái-Thú Biên-quận, rồi lại về Thượng-quận. Từng làm Thái-thú các quận Nhạn-Môn, Đại-quận, Vân-Trung, ở miền Bắc Lũng-Tây, đều nổi tiếng là đánh-khỏe.

Hung-Nô cất đại-quân vào Thượng-Quận, nhà vua sai một Trung Quý-nhân[1] đi theo Quảng, dục rèn quân để đánh Hung-Nô. Trung-Quý-nhân đem vài chục quân Kỵ đi chơi dong, thấy ba người Hung-Nô, liền giao chiến. Ba người bắn trả lại, Trung-Quý-nhân bị thương. Và giết gần hết cả các quân Kỵ. Trung-Quý-nhân chạy về với Quảng. Quảng nói:

— Đó tất là bọn săn chim điêu!

Quảng bèn đem theo trăm quân Kỵ, đi đuổi ba người. Ba người mất ngựa đi bộ. Đi vài mươi dậm, Quảng sai quân Kỵ dàn ra làm tả, hữu-dực, còn chính Quảng thì bắn ba người kia, giết chết hai người, bắt sống được một người, quả là bọn săn chim điêu ở Hung-Nô. Đã trói lên ngựa rồi, trông thấy bên Hung-Nô có mấy nghìn quân Kỵ. Chúng thấy Quảng, cho là quân ra đánh dử đều giật mình rút lên núi, bầy trận. Trăm quân Kỵ theo Quảng đều cả sợ, muốn chạy trở về. Quảng nói:

— Ta đi cách với đại-quân vài mươi dậm. Nay như thế này, đem trăm ngựa mà chạy, quân Hung-Nô đuổi theo bắn ta chết hết ngay! Nếu ta ở lại, Hung-Nô cho là ta đi dử chúng cho đại-quân, tất không dám đánh ta!

Quảng liền ra lệnh cho các quân Kỵ rằng:

— Tiến!

Tiến chưa đến trận của Hung-Nô, còn cách chừng hai dậm, lại ra lệnh rằng:

— Xuống cả ngựa, cởi yên ra!

Các quân Kỵ nói:

— Giặc gần mà nhiều, nếu có việc gấp, biết làm thế nào?

Quảng nói:

— Giặc chúng nó cho là ta chạy. Nay đều cổi yên, tỏ ý không chạy, để cho vững ý nó!

Vì thế quân Hồ không dám đánh. Có viên tướng cỡi ngựa trắng ra bảo-hộ cho quân giặc. Lý Quảng lên ngựa, cùng hơn mười quân Kỵ, xô ra bắn chết viên tướng cưỡi ngựa trắng của bên Hồ, rồi lại trở về, vào giữa đám quân Kỵ cổi yên, ra lệnh cho quân-lính đều thả ngựa mà nằm. Khi ấy trời chiều, quân Hồ vẫn lấy làm quái không dám đánh. Lúc nửa đêm, quân Hồ cũng cho là Hán có phục quân ở bên, muốn đêm sang đánh họ, nên tướng Hồ đều rút quân đi. Sáng rõ, Lý-Quảng mới về với đại-quân của mình. Đám đại-quân ấy không biết Quảng đi đâu nên không theo.

Lâu năm sau, vua Hiến-Cảnh mất; Vũ-đế lên ngôi. Các quan hầu cho Quảng là bậc tướng có danh-tiếng, nên Quảng đương làm Thái-Thú Thượng-Quận, được cất làm Vệ-Úy cung Vị-Ương, mà Trình-Bất-Thức cũng về làm Vệ-Úy cung Trường-Lạc. Nguyên Trình-Bất-Thức cùng Lý-Quảng đều là Thái-Thú ở ngoài biên, kiêm đóng vai Tướng-Quân. Khi ra đánh giặc Hồ, quân của Quảng không chia ra bộ, ngũ; không bầy thành hàng trận; đóng đốn gần những nơi sẵn nước, sẵn cỏ, ai nấy đều cho tùy tiện; đêm không đánh cồng để tự vệ; trong đại-doanh giảm bớt các giấy tờ, sổ-sách. Vậy mà nhiều khi kéo đi đánh xa, cũng chưa hề bị hại. Trình-Bất-Thức thì trong quân chia ra bộ, khúc, hàng, ngũ; đóng dinh, bầy trận phân minh; đêm đánh cồng; các viên lại coi sổ sách các lính rất rõ-ràng. Lính không được nghỉ-ngơi. Thế nhưng cũng chưa hề bị hại. Bất-Thức nói:

— Quân của Lý-Quảng rất là giản-dị. Thế nhưng quân giặc phạm vào, thì không lấy gì ngăn-cấm nổi. Có điều quân-lính họ sung-sướng, đều vui lòng chết cho tướng. Quân của ta tuy rằng phiền-nhiễu, thế nhưng giặc không phạm nổi ta.

Khi ấy ở ngoài biên nhà Hán, Lý-Quảng, Trình-Bất-Thức đều là những tướng nổi tiếng. Thế nhưng Hung-Nô sợ mưu-lược của Lý-Quảng; quân lính cũng phần nhiều vui lòng theo Lý-Quảng, mà khó chịu với Trình-Bất-Thức.

Trong đời vua Hiếu-Cảnh, Trình-Bất-Thức vì đem lời thẳng can-gián luôn, được thăng Thái-Trung Đại-phu. Trình là người đứng đắn, cẩn-thận về văn phép.

Về sau Hán đem thành Mã-Ấp dử Thiền-Vu (vua Hung-Nô), sai đại-quân nấp ở các hang bên Mã-Ấp, mà Quảng thì làm Kiêu-Kỵ tướng-quân, đứng đầu các tướng Hộ-Quân. Khi ấy Thiền-Vu biết mưu bỏ đi, quân Hán đều không công.

Sau đó bốn năm, Quảng lấy chức Vệ-Úy, làm Tướng ra ải Nhạn-Môn đánh Hung-Nô. Quân Hung-Nô nhiều quá, đánh vỡ quân Quảng, bắt sống được Quảng. Thiền-Vu vốn nghe Quảng giỏi, ra lệnh rằng:

— Bắt Lý-Quảng phải bắt được sống!

Quân Kỵ của Hồ bắt được Quảng. Quảng khi ấy bị thương khá đau. Chúng đặt Quảng vào giữa hai con ngựa, ràng giây ở giữa để đựng cho Quảng nằm. Đi hơn mười dậm, Quảng giả vờ chết, liếc coi bên cạnh có một thằng giặc cưỡi con ngựa hay. Quảng liền nhẩy vút lên ngựa của thằng giặc, đẩy thằng giặc ngã ngựa, lấy cung của nó, quất ngựa dông về phương Nam vài mươi dậm, lại tìm được đám quân còn sót của mình, nhân đem chúng về trong cửa ải. Bọn quân kỵ bắt Quảng của Hung-Nô gồm có vài trăm, cùng đuổi theo Quảng. Quảng vừa đi vừa lấy cung của thằng giặc bắn giết các quân kỵ đuổi theo, vì thế được thoát.

Khi ấy về Hán, Hán giao Quảng cho các quan xét án. Các quan luận người và ngựa mà Quảng đánh mất, phần nhiều bị giặc bắt sống, theo luật đáng chém, nhưng cho chuộc tiền làm dân!

Ở nhà mấy năm. Nhà Quảng gần với nhà cháu Dĩnh-Âm-Hầu xưa. Hai người đều lánh đời về ở nhà-quê, phía Nam Lam-Điền, thường cùng nhau vào trong núi săn bắn. Có lần đêm đem theo một tên cưỡi ngựa, đi uống rượu với người ta ở giữa đồng. Khi về đến đình Bá-Lăng, viên Uý Bá-Lăng quát Quảng dừng lại. Tên cưỡi ngựa theo Quảng nói:

— Quan tướng họ Lý hồi trước đây mà!

Viên Uý nói:

— Quan tướng ngay giờ cũng không được phép đi đêm, nữa là quan tướng hồi trước!

Giữ Quảng phải ngủ lại dưới đình.

Không bao lâu, Hung-Nô kéo vào giết quan Thái-Thú Liêu-Tây, đánh cho Hàn Tướng-quân phải thua. Hàn Tướng-quân sau đổi đi Hữu-Bắc-Bình. Vì thế nhà vua bèn vời Quảng cho làm Thái-Thú Hữu-Bắc-Bình. Quảng liền xin cho viên Uý Bá-Lăng cùng đi, tới quân liền chém chết!

Quảng ở Hữu-Bắc-Bình, Hung-Nô nghe tin, gọi là Phi Tướng-quân (viên tướng biết bay) của Hán, lánh mặt mấy năm không dám kéo vào Hữu-Bắc-Bình.

Quảng ra đi săn, thấy tảng đá ở trong cỏ, cho là con hổ, liền dương cung bắn, trúng vào đá ngập hẳn mũi tên! Xem lại thì là tảng đá, nhân lại bắn nữa, nhưng không sao cắm vào đá được nữa!

Quận Quảng ở, nghe nói có hổ, thường khi tụ bắn lấy. Đến khi ở Hữu Bắc-Bình, bắn hổ, hổ vồ Quảng bị thương. Vậy mà Quảng cũng bắn chết được.

Tính Quảng rất liêm; được tiền thưởng thường chia cho người dưới. Ăn uống chung với các quân-lính. Trọn đời Quảng làm chức quan ăn hai nghìn hộc lương hơn bốn mươi năm. Nhà không có của thừa, mà vẫn không nói đến chuyện gia-sản.

Quảng là người cánh tay dài như vượn, khéo bắn cũng là tự tính trời. Dù con, cháu hay người khác tập bắn, không ai bằng được Quảng.

Quảng mắt lời, ít nói. Ở với ai thì vẽ đất làm trận-địa, thi bắn rộng, hẹp, để uống rượu. Cho đến lúc chết, thường lấy việc bắn làm trò chơi.

Khi Quảng đem quân đi, gặp những nơi thiếu thốn, trông thấy nước, quân lính chưa uống hết lượt thì Quảng không gần với nước; quân lính chưa ăn hết lượt, thì Quảng chưa bao giờ ăn. Rộng-rãi không bắt ngặt, vì thế quân lính đều vui lòng để cho dùng.

Phép bắn của ông, thấy giặc gấp, phi ở trong tầm vài mươi bước, liệu không trúng thì không bắn. Đã bắn thì chết lăn ngay dưới tiếng giây cung! Vì thế, khi đem quân thường bị khốn khổ, nhục-nhã; khi bắn thú rữ cũng thường bị chúng vồ cho bị thương.

Ở ít lâu, Thạch-Kiến mất, nên Nhà-Vua triệu Quảng làm Lang-Trung-Lệnh thay Kiến.

Năm thứ sáu niên-hiệu Nguyên-Sóc, Quảng lại làm Hậu-Tướng-quân, theo Đại-Tướng-quân đem quân ra Định-Tương đánh Hung-Nô. Các tướng phần nhiều bắt được tướng giặc, có công được phong Hầu, riêng quân của Quảng là không được công.

Sau đó bốn năm, Quảng lấy chức Lang-Trung-Lệnh đem bốn nghìn quân Kỵ ra Hữu-Bắc-Bình. Bác-Vọng-Hầu là Trương-Khiên đem một vạn quân Kỵ cùng đi với Quảng nhưng khác đường. Đi được vài trăm dậm, Tả-Hiền-Vương của Hung-Nô đem bốn vạn quân Kỵ vây Quảng. Quân lính Quảng đều sợ. Quảng bèn sai con là Cảm xông vào đánh. Cảm chỉ đem theo vài chục quân Kỵ, xông vào suốt trận quân Kỵ của Hồ, theo phía tả, phía hữu mà về, thưa với Quảng rằng:

— Giặc Hồ xoàng-xĩnh lắm!

Quân-sĩ mới yên lòng, Quảng bầy trận tròn quay ra phía ngoài. Quân Hồ gấp đánh ngay, tên sang như mưa, quân bên Hán chết quá nửa, mà tên bên Hán thì gần hết! Quảng bèn ra lệnh cho các quân cứ dương cung chứ đừng bắn. Rồi Quảng thân cầm nỏ đại-hoàng bắn các tỳ-tướng của giặc, giết được vài người, quân Hồ càng nản. Gặp trời chiều, quan, lính đều không còn máu mặt, mà Quảng ý-khí như thường, đánh càng hăng! Trong quân từ đó phục Quảng là người can-đảm! Hôm sau lại cố đánh, rồi quân của Bác-Vọng-hầu cũng tới. Quân Hung-Nô bèn giải vây rút đi. Quân Hán mệt không sao đuổi được. Khi ấy quân của Quảng gần mất hết, phải giải-tán trở về. Theo phép nhà Hán, Bác-Vọng-hầu rùi gắng đến sau ngày hẹn, tội đáng chém, nhưng cho chuộc tội làm dân. Còn quân của Quảng dù có công cũng không được thưởng!

Nguyên trước, Quảng cùng em họ là Lý-Sái cùng thờ vua Hiếu-Văn. Đời Cảnh-Đế, Sái tích công-lao, lương được đến hai nghìn hộc. Đời vua Hiếu-Vũ, làm tướng nước Đại. Năm thứ năm niên hiệu Nguyên-Sóc làm Khinh-Xa Tướng-quân, theo Đại-Tướng-quân đánh Hữu Hiền-Vương, có công, theo lệ được phong làm Lạc-An-Hầu. Năm thứ hai hiệu Nguyên-Thú, thay Công-Tôn-Hoằng làm Thừa-Tướng, Sái là người vào bậc trung, danh tiếng kém Quảng nhiều lắm. Vậy mà Quảng không được phong tước, cho thực-ấp: làm quan chẳng qua đến bậc Cửu-Khanh! Còn Sái thì được phong Hầu, ngôi lên đến Tam-Công! Ngay đến các quan lại, quân lính dưới quyền Quảng cũng có người được phong Hầu! Một hôm Quảng nói bỡn với người thày tướng là Vương-Sóc rằng:

— Từ khi Hán đánh Hung-Nô, không lúc nào là Quảng không ở trong quân. Trong các bộ, ngũ, từ Hiệu-Úy trở xuống, tài-năng kể không kịp bậc trung, vậy mà nhờ quân-công về việc đánh Hồ, được phong Hầu có đến vài chục người. Quảng thì chẳng hề chịu kém ai, vậy mà không được lấy tấc, thước công để được phong, được ấp, là cớ làm sao? Hay tướng tôi không đáng phong Hầu chăng? Âu cũng là số-mạnh!

Sóc nói:

— Tướng-quân thử tự-nghĩ, hoặc-giả từng có điều gì ân-hận chăng?

Quảng nói:

— Tôi từng làm Thái-Thú Lũng-Tây. Dân rợ Khương làm loạn, tôi dụ chúng hàng. Chúng hàng hơn tám trăm người. Tôi lừa chúng giết cả trong một ngày! Tới nay chỉ có việc đó rất là ân-hận mà thôi!

Sóc nói:

— Tai-vạ không gì to bằng giết kẻ đã hàng mình rồi! Ấy Tướng-quân sở-dĩ không được phong Hầu là vì thế!

Sau đó hai năm, Đại-Tướng-quân và Phiêu-Kỵ Tướng-quân đem đại-quân sang đánh Hung-Nô. Quảng tự xin đi. Nhà-vua thấy Quảng già không cho, mãi rồi mới ưng, cất làm Tiền-Tướng-quân. Năm ấy là năm thứ-tư hiệu Nguyên-Thú. Quảng theo Đại-Tướng-quân là Vệ-Thanh đi đánh Hung-Nô. Khi đã ra ngoài ải, Thanh bắt được giặc, hỏi biết nơi Thiền-Vu đóng, bèn tự đem tinh-binh xông đánh, mà sai Quảng cùng với Hữu-Tướng-quân đem quân qua lối phía Đông. Lối phía Đông hơi quanh-co xa, mà đại-quân thiếu cỏ, nước, thế không thể đi đông được.

Quảng bèn tự xin rằng:

— Chức tôi là Tiền-Tướng-quân. Sao nay Đại-Tướng-quân lại đổi cho tôi sang đường phía Đông? Vả chăng tôi kết tóc đánh nhau với Hung-Nô, trận này mới được đối-địch với Thiền-Vu! Tôi xin đi tiên-phong giết Thiền-Vu trước!

Đại-Tướng-quân Thanh đã thầm nghe Vua dặn, cho là Lý-Quảng tuổi già, số xấu, chớ để đối-địch với Thiền-Vu, sợ không được như điều mình muốn! Mà khi ấy Công-Tôn-Ngao vừa mất tước Hầu, làm Trung-Tướng-quân, đi theo Đại-Tướng-quân. Đại-Tướng-quân muốn cùng Ngao cùng sang đánh Thiền-Vu, cho nên mới đổi Tiền-Tướng-quân Quảng vào việc khác. Khi ấy Quảng biết chuyện, cố nói năng với Đại-Tướng-quân. Đại-Tướng-quân không nghe, sai viên Trưởng-Sử phong thư đưa sang dinh của Quảng, nói rằng: « Mau mau phải đem quân đi, theo như lệnh trong thư »! Quảng không thèm từ-giã Đại-Tướng-quân, đứng rậy đi, xem ý rất là tức-giận. Rồi đó đến bộ-ngũ, đem quân họp với Hữu-Tướng-quân là Tự-Cơ, kéo ra lối phía Đông. Quân không người hướng-đạo có khi lạc cả lối, nên đi không kịp Đại-Tướng-quân. Đại-Tướng-quân đánh nhau với Thiền-Vu. Thiền-Vu trốn chạy, không bắt được mà trở về. Nam qua bể-cát, gặp Tiền-Tướng-quân và Hữu-Tướng-quân. Quảng trông thấy Đại-Tướng-quân, vội lui vào trong giữa trận. Đại-Tướng-quân sai viên Trưởng-Sử đem rượu và lương khô cho Quảng, nhân hỏi Quảng và Tự-Cơ về chuyện lạc lối. Thanh muốn dâng thư về Nhà-Vua, kể việc quân lạc nhau. Quảng chưa kịp trình, Đại-Tướng-quân lại sai Trưởng-Sử đòi ngay bọn giúp việc của Quảng sang để lấy cung!

Quảng nói:

— Các quan Hiệu-Úy không có tội. Lạc lối tự ta! Ta sẽ sang cho mà lấy cung!

Tới dưới trướng, Quảng bảo các tỳ-tướng rằng:

— Quảng này kết tóc đánh nhau với Hung-Nô, lớn, nhỏ hơn bẩy mươi trận. Nay may theo Đại-Tướng-quân đi, gặp được quân của Thiền-Vu. Vậy mà Đại-Tướng-quân lại đổi bắt Quảng phải đem quân đi lối vòng xa, rồi lại lạc mất đường! Đó há chẳng phải tại trời sao! Vả chăng Quảng ngoài sáu mươi rồi, dù sao cũng không thể nhìn mặt bọn lại đao-bút được!

Bèn rút dao ra tự đâm cổ! Các sĩ, đại-phu, tất cả một toán quân của Quảng đều khóc! Trăm họ nghe chuyện, người quen, người không quen, già, trẻ đều vì Quảng sa nước mắt! Riêng Hữu-Tướng-quân thì giao cho các quan xét án, đáng tội chết, cho chuộc làm dân.

Con Quảng ba người, là Đương-Hộ, Tiêu và Cảm, đều làm quan Lang. Nhà-Vua đùa với Hàn-Yển. Yển hơi hỗn. Đương-Hộ đánh Yển phải chạy. Vì thế Nhà-Vua cho là dũng-cảm. Đương-Hộ chết sớm, nên cho Tiêu làm Thái-Thú Đại-quận. Hai người đều chết trước Quảng. Đương-Hộ có người con sót trong bụng (Khi cha chết còn ở trong bụng mẹ). tên là Lăng.

Khi Quảng chết ở trong quân, Cảm theo Phiêu-Kỵ Tướng-quân.

Quảng chết rồi, năm sau, Lý-Sái đang làm Thừa-Tướng mắc tội xâm-lấn vào khu đất gần lăng vua Hiếu-Cảnh, đáng giao tòa-án xử. Sái cũng tự-sát chẳng chịu để cho người hỏi cung! Nước phong (Thực-ấp) bị xóa!

Lý-Cảm làm Hiệu-Úy theo Phiêu-kỵ Tướng-quân, đánh Tả-Hiền-Vương của bên Hồ. Cố sức đánh cướp cờ, trống của Tả-Hiền-Vương, chém nhiều đầu, được cho tước là Quan-Nội-Hầu, thực-ấp gồm hai trăm hộ, thay Quảng làm Lang-Trung-Lệnh. Ít lâu, Cảm oán Đại-Tướng-quân Thanh làm cho cha mình phải mang hận, bèn đánh Đại-Tướng quân bị thương. Đại-Tướng-quân giấu kín chuyện ấy. Không bao lâu, Cảm theo Vua lên đất Ung. Tới cung Cam-Tuyền, nhân lúc đi săn, Phiêu-kỵ Tướng-quân là Khứ-Bệnh thân với Thanh, liền bắn chết Cảm. Khứ-Bệnh khi ấy đương được Vua yêu, nói dối là Cảm bị hươu húc chết! Hơn năm sau, Khứ-Bệnh chết, mà Cảm thì có con gái, hầu Thái-Tử, được Thái-Tử yêu. Con trai Cảm là Vũ cũng được lòng Thái-Tử, nhưng ham lợi. Thế là họ Lý dần-dà sa-sút.

Lý-Lăng khi đã lớn, được kén làm Giám quân Kiến-Chương, coi các quân kỵ; tài bắn, biết thương các quân lính. Nhà-vua nghĩ họ Lý đời đời làm Tướng, bèn cho coi tám trăm quân kỵ. Có lần vào sâu đất Hung-Nô hơn hai nghìn dậm, qua Cư-Duyên, trông địa-thế chẳng thấy giặc đâu cả, liền trở về, được thăng làm Đô-Úy quân kỵ, đem hơn năm nghìn người ở Sở, ở Đan-Dương, dậy bắn ở Tửu-Tuyền, Trương-Dịch, để đóng lại phòng-bị giặc Hồ.

Qua vài năm, tới mùa Thu năm thứ hai hiệu Thiên-Hán, Nhị-Sư Tướng-quân là Lý-Quảng-Lợi, đem ba vạn quân kỵ đánh Hữu-Hiền-Vương của Hung-Nô ở Kỳ-Liên, Thiên-Sơn. Mà sai Lăng đem quân bộ cùng lính thiện-xạ năm nghìn người qua phía Bắc Cư-Duyên chừng hơn nghìn dậm. Ý muốn chia sức quân Hung-Nô, không để cho xô cả vào đánh Nhị-Sư.

Khi Lăng đã đến hẹn về, thì Thiền-Vu đem tám vạn binh vây đánh quân của Lăng. Quân Lăng có năm nghìn người, tên bắn đã hết, lính chết quá nửa, mà giết hại được quân Hung-Nô cũng hơn vạn người! Vừa chạy vừa đánh chiến-đấu luôn tám ngày, về còn cách Cư-Duyên chừng hơn trăm dậm, Hung-Nô chặn đứt lối đường hẻm. Quân Lăng thiếu ăn mà cứu-binh không tới. Giặc đánh gấp và dụ Lăng hàng. Lăng nói:

— Chả còn mặt mũi nào về nhìn Bệ-Hạ nữa!

Bèn hàng với Hung-Nô. Đám quân ấy mất hết! Còn thừa tan tác trốn được về Hán hơn bốn trăm người!

Thiền-Vu đã được Lăng rồi, vốn nghe tiếng nhà Lăng, khi đánh trận lại giỏi, bèn đem con gái gả cho Lăng, và cất làm quan sang. Vua Hán nghe tin, giết mẹ và vợ, con Lăng. Từ đó về sau, họ Lý mất tiếng. Những người Lũng-Tây từng làm môn-hạ đều lấy thế làm xấu hổ.

Thái-Sử-Công nói: Sách dậy rằng: « Thân mình mà chính, không đợi lệnh cũng làm! Thân mình mà không chính, dù ra lệnh cũng không ai theo! » Đó là chuyện Lý-Tướng-quân. Tôi xem Lý-Tướng-quân cục-mịch như người nhà quê, miệng nói chẳng nên lời! Kịp khi chết, trong thiên-hạ quen hay không quen, đều hết lòng thương xót. Ấy là vì lòng trung-thực được các sĩ, đại-phu tin yêu Tục ngữ có câu: « Đào, mận không nói! Dưới gốc tự-nhiên đi lại ói! » Câu ấy tuy nhỏ, có thể hiểu ra lẽ lớn vậy...

  1. Hạng Hoạn-quan được vua yêu.