Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XLVII. — Truyện Biển-Tước

XLVII. — TRUYỆN BIỂN-TƯỚC

Biển-Tước, nguời quận Bột-Hải nước Trịnh. họ Tần, tên là Việt-Nhân. Lúc trẻ, làm chủ-quán cho người ta. Khách của quán là Tràng-Tang-quân qua chơi, Biển-Tước riêng cho là lạ, thường tiếp-đãi rất cẩn-thận. Tràng-Tang-quân cũng biết Biển-Tước không phải là người thường, ra vào hơn mười năm, mới gọi riêng Biển-Tước ngồi chơi, và nói riêng với rằng:

— Tôi có những phương thuốc cấm, tuổi già rồi muốn truyền cho ông, ông chớ nói hở.

Biển-Tước nói:

— Xin vâng!

Tràng-Tang-quân bèn đưa thuốc ở trong bọc ra cho Biển-Tước, nói rằng:

— Uống nó với nước sương, ba mươi ngày sẽ biết sự-vật!

Bèn đem các sách Cấm-phương, cho cả Biển-Tước. Rồi bỗng rưng không thấy nữa, có lẽ không phải là người!

Biển-Tước theo lời, uống thuốc ba mươi ngày, trông thấy người bên kia tường. Vì thế coi bệnh, trông thấy cả năm tạng cùng hòn, báng! Mượn tiếng là xem mạch mà thôi! Làm thuốc khi ở Tề, khi ở Triệu. Ở Triệu thì gọi là Biển-Tước.

Về đời Chiêu-Công nước Tấn, các nhà quan thì mạnh mà họ vua thì yếu. Triệu-Giản-Tử là Đại-phu, chuyên coi việc nước. Giản-Tử ốm, năm ngày mê-man không biết gì, các Đại-phu đều sợ, bèn mời Biển-Tước. Biển-Tước vào coi bệnh rồi, đi ra. Đổng-An-Vu hỏi Biển-Tước. Biển-Tước nói:

— Huyết-mạch làm nên bệnh, không lạ gì! Trước kia Tần-Mục-Công có lần như thế, bẩy ngày mới tỉnh. Hôm tỉnh rậy, bảo Công-Tôn-Chi cùng Tử-Dư rằng: « Tôi lên chỗ Thượng-Đế ở, rất vui. Tôi sở-dĩ ở lâu, là vừa có điều truyền dậy. Thượng-Đế bảo tôi: Nước Tấn sắp loạn to, năm đời không yên. Về sau sẽ có người làm Bá, chưa già mà chết. Con viên Bá ấy sẽ khiến trong nước trai, gái không cách-biệt gì cả. » Công-Tôn-Chi viết mà cất vào sử nước Tần. Nào loạn-lạc đời Hiến-Công; nào nghiệp Bá đời Văn-Công; cho đến Tương-Công đánh được quân Tần ở Hào, rồi về mà hoang-toàng dâm-loạn; đều là điều nhà-thày được nghe cả. Nay bệnh của Chúa-Công, cũng giống thế. Không đầy ba ngày nữa thì thư, thư tất có nói.

Qua hai ngày rưỡi, Giản-Tử tỉnh, bảo các Đại-phu rằng:

— Tôi lên nơi Thượng-đế ở, rất vui. Cùng trăm thần chơi ở Quân-thiên, Quảng-nhạc; chín lần múa bài Vạn, không giống với nhạc của Ba Đời: Tiếng nó nao cả lòng! Có một con gấu chó muốn vồ tôi. Thượng-Đế sai tôi bắn. Bắn trúng gấu chó, gấu chó chết thì gấu ngựa đến. Tôi lại bắn trúng gấu ngựa. Gấu ngựa chết. Thượng-Đế mừng lắm, cho tôi hai cái hòm, cái nào cũng có cái phụ. Tôi thấy con tôi đứng bên Thượng-Đế. Thượng Đế đem một con chó giống Địch giao cho tôi mà bảo: « Bao giờ con my lớn thì cho nó! » Thượng-Đế lại bảo tôi: « Nước Tấn sẽ mỗi đời một suy, bẩy đời mà mất. Họ Doanh sắp đánh cho quân Chu thua lớn ở phía Tây Phạm-Khôi, nhưng cũng không giữ được. »

Đổng-An-Vu chịu lời, chép ra và cất đi. Lại đem lời Biển-Tước nói với Giản-Tử. Giản-Tử cho Biển-Tước bốn vạn mẫu ruộng.

Về sau Biển-Tước đi qua Quắc. Thái-Tử nước Quắc chết. Biển-Tước đến dưới cửa cung nước Quắc, hỏi viên Trung-Thứ-Tử là người thích phương-thuật rằng:

— Thái-Tử bệnh gì? Trong nước chữa-chạy ra sao mà đến nỗi thế? (?).

Viên Trung-Thứ-Tử nói:

— Thái-Tử mắc chứng khí và huyết bất-thần lộn-xộn mà không có chỗ tiết ra. Phát dữ ở ngoài thi sinh hại ở trong; tinh-thần không ngăn nổi tà-khí. Tà-khí chứa chất mà không tiết ra nổi. Vì vậy Dương hoãn mà Âm gấp, cho nên thình-lình giá đi mà chết!

Biển-Tước hỏi:

— Chết lúc nào?

— Lúc gà gáy!

— Hôm nay đã liệm chưa?

— Chưa! Chết chưa được nửa ngày mà!

— Tôi là Tần Việt-Nhân, quê ở Bột-Hải nước Tề, nhà ở nước Trịnh, chưa từng được trông với tinh-quang, hầu thưa ở trước mặt ngài! Nghe tin Thái-Tử không may mà chết, tôi có thể làm cho sống được!

Viên Trung-Thứ-Tử nói:

— Tiên-sinh có khỏi hão-huyền không? Vì sao mà bảo Thái-Tử có thể sống được? Tôi nghe về đời Thượng Cổ, thày thuốc có ông Du-Phủ, chữa bệnh không dùng thang thuốc, châm, chích, nắn bóp, hơ-ủ; xem qua biết bệnh ở đâu; nhân theo vào huyệt « du » của Ngũ-Tạng, rồi cắt da; moi thịt; nắn mạch; buộc gân; nạo tỷ-óc; lật mỡ; cậy màng; gột rửa dạ giầy và ruột; tẩy sạch năm tạng; luyện lại tinh; đổi lại hình! Phương của Tiên-sinh có thể được như thế thì Thái-Tử mới có thể sống được! Không được như thế mà muốn cứu cho Thái-Tử sống. thì chuyện đó nói với đứa trẻ cũng không được!

Trọn ngày, Biển-Tước ngửa mặt lên trời mà than rằng:

— Ngài nói chuyện về phương khác nào lấy ống mà dòm trời! qua kẽ mà xem tranh! Phương của Việt-Nhân đây, không đợi phải xem mạch, trông sắc, nghe tiếng, tả hình; cứ nói cho nghe bệnh ở đâu, nghe phần dương của bệnh, luận ra được phần âm; nghe phần âm của bệnh, luận ra được phần dương. Bệnh ứng hiện ra ở bề ngoài, không sai với lý. Triệu chứng rất nhiều, không thể kể sai được. Ngài cho tôi nói là không thực, xin thử cho vào thăm Thái-Tử, chắc nghe thấy tai kêu và mũi nở; sờ hai đùi lên đến bẹn chắc còn ấm... Viên Trung-Thứ-tử nghe lời Biển-Tước, mắt đờ ra không chớp được! lưỡi đặt ra không thụt được! Bèn đem lời Biển-Tước vào thưa với vua Quắc. Vua Quắc nghe chuyện cả kinh, ra tiếp Biển-Tước ở cửa giữa mà rằng:

— Tôi trộm nghe cao nghĩa đã lâu ngày. nhưng chưa từng được lậy chào ở trước mặt. Nay tiên-sinh qua tiểu-quốc, may mà giúp cho, thì chúng tôi được hân hạnh lắm. Có tiên-sinh thì sống! Không tiên-sinh thì vất bỏ lấp ngòi rạch, thật chết mà không còn trở lại được!

Nói chưa dứt, đã nức-nở hậm hực, thần-hồn ủ rũ, nước mắt chan hòa, chốc chốc lại tràn ra ngoài mý! đau xót không tự cầm được, vẻ mặt đổi khác hẳn đi!

Biển-Tước nói:

— Bệnh của Thái-tử, tức gọi là chứng « thi quyết ». Bởi vì dương vào trong âm, động đến mạch ở quanh dạ-giầy; đường kinh ở giữa, đường lạc của duy, đi riêng xuống tam tiêu và bàng-quang; cho nên mạch dương đưa xuống mạch Âm ganh lên; hội-khí bế mà không thông; âm lên mà dương ở trong đi xuống; trong động mà không trở lên; ngoài tuyệt mà không chịu sai khiến; trên có đường lạc Dương bị đứt; dưới có đường kinh Âm bị vỡ; dương bị đứt, âm bị vỡ cho nên sắc đã hỏng, mạch thì loạn, và xác lặng lẽ như hình chết. Thái-tử chưa chết đâu! Phàm bệnh Dương vào tạng chi-lan của Âm thì sống; Âm vào tạng chi-lan của Dương thì chết. Phàm mấy chứng đó, đều phát lên dữ-dội trong lúc năm tạng bị quyết. Thày hay thì chữa được; thày vụng thì chịu chết!

Biển-Tước bèn sai học trò là Tử-Dương lấy đá mài kim, để châm năm huyệt hội của tam-dương ở ngoài. Một lúc Thái-Tử tỉnh-lại, bèn sai Tử-Báo dùng phép hơ năm phân; lại dùng thuốc bát giảm, đun lại cho vừa, chườm ở dưới hai sườn. Thái-Tử ngồi dậy, âm, dương lại vừa, chỉ uống thuốc hai tuần mà lại như cũ. Cho nên đời hết thẩy đều cho Biển-Tước là làm sống được người chết. Biển-Tước nói:

— Việt-Nhân này không phải làm sống được người chết đâu; đó là những người tự họ đáng sống, Việt-Nhân làm cho họ dậy được đó thôi!

Biển Tước qua Tề, vua Hoàn-hầu nước Tề đãi là khách. Một hôm vào chầu nói rằng:

— Nhà vua có bệnh ở trong thớ thịt, không chữa nó sẽ vào sâu!

Hoàn-Hầu nói:

— Quả-nhân thực không có bệnh.

Biển-Tước ra, Hoàn-hầu bảo các quan hầu rằng:

— Thày thuốc họ ham lợi là thế, muốn chữa cả người không bệnh để lấy công!

Sau năm ngày, Biển-Tước lại vào ra mắt mà rằng:

— Nhà vua có bệnh ở trong mạch máu, không chữa e nó sẽ vào sâu!

Hoàn-Hầu nói:

— Quả-Nhân chả có bệnh gì cả!

Biển-Tước ra, Hoàn-hầu không vui.

Sau năm ngày, Biển-Tước lại vào ra mắt mà rằng:

— Nhà vua có bệnh ở khoảng ruột và dạ-giầy, không chữa đi nó sẽ vào sâu!

Hoàn-Hầu không đáp. Biển-Tước ra, Hoàn-hầu không bằng lòng.

Sau năm ngày nữa, Biển-Tước lại vào ra mắt, trông thấy Hoàn-hầu, lùi mà chạy! Hoàn-hầu sai người hỏi cớ sao? Biển-Tước nói:

— Bệnh ở thớ thịt, hơ nóng có thể tới được; ở mạch máu, châm có thể tới được; ở ruột, dạ giầy, cao, rượu có thể tới được. Đến như ở trong xương tuỷ, thì dù thần Tư-Mạnh cũng chả làm thế nào được! Nay bệnh đã vào xương tuỷ, cho nên tôi không xin chữa gì cả!

Sau năm ngày, Hoàn-hầu thấy mình ốm, sai người triệu Biển-Tước. Biển-Tước đã trốn đi, Hoàn-hầu bèn chết. Ví-phỏng là bậc thánh-nhân biết trước lẽ nhỏ, biết khiến thày thuốc hay được làm việc sớm, thì bệnh có thể khỏi, mình có thể sống! Bệnh tật của người ta thì nhiều, mà cách chữa của thày thuốc thì ít. Cho nên bệnh có sáu chứng không chữa được: Kiêu-ngạo không biết phải trái, đó là một chứng không chữa được; khinh thân, trọng của, đó là hai chứng không chữa được; cơm, áo không được vừa đủ, đó là ba chứng không chữa được; tạng-khí âm dương không nhất định, đó là bốn chứng không chữa được; xác gầy còm không uống được thuốc, đó là năm chứng không chữa được; tin thày cúng, không tin thày thuốc, đó là sáu chứng không chữa được. Có một trong các chứng ấy, thì là nặng mà khó chữa vậy!

Biển-Tước nổi tiếng với thiên-hạ. Qua Hàm-Đan, nghe ở đấy quý đàn-bà, liền làm thày thuốc chữa bệnh đới-hạ; qua Lạc-Dương, nghe người Chu trọng người già, liền làm thày thuốc chữa bệnh tê và các bệnh tai, mắt; vào Hàm-Dương, nghe người Tần yêu trẻ con, liền làm thày thuốc chữa trẻ con; theo tục mà đổi nghề! Quan Thái-Y-Lệnh nước Tần là Lý-Ê tự biết tài mình không bằng Biển-Tước, sai người đâm chết! Tới nay thiên-hạ nói đến mạch, ấy là do Biển-Tước vậy.