Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XLI. — Bài tựa truyện Hóa-thực

XLI. — BÀI TỰA TRUYỆN HÓA-THỰC[1]

Thày Lão nói:

— Đời thịnh-trị đến rất mực, thì các nước trông nhau, nghe thấy tiếng gà, chó của nhau; dân đều được ăn ngon, mặc đẹp; yên với tục, vui với nghề; đến già, đến chết cũng không đi lại với nhau. Tất phải lấy thế làm việc cần thiết. Các đời gần đây, che lấp tai mắt dân, chuyện ấy cơ-hồ không làm.

Ông Thái-Sử nói:

— Từ đời Thần-Nông trở về trước, ta không biết được rồi. Đến như Thi, Thư thuật lại, từ Ngu, Hạ đến giờ, tai, mắt muốn cùng cái đẹp của tiếng và mầu; miệng muốn cùng những vị ăn uống; mình muốn yên vui, rỗi-rãi, mà lòng thì hợm-hĩnh cái vẻ vang của thế-lực, tài giỏi. Tục ấy dần thấm vào dân đã lâu.. Tuy đem những lời phải mà bảo từng nhà, cũng không sao hóa được.

Cho nên người giỏi thì nhân đó; thứ thì lợi đạo; thứ nữa thì dậy dỗ; thứ nữa thì sắp đặt lại; kém nhất thì tranh dành với dân. Phải đợi người làm ruộng mới có của ăn; người coi rừng mới có của ra; người thợ mới làm nên đồ dùng; người buôn mới đem nó chỗ nọ qua chỗ kia. Cái đó nào phải có chính, giáo mở mang, hứa hẹn đâu! Ai nấy đều dùng tài mình, hết sức mình, để cầu cái mình muốn. Cho nên hàng-hóa rẻ lắm rồi sẽ đắt, đắt lắm rồi sẽ rẻ. Ai nấy đều chăm nghề mình, vui việc mình, như nước xô xuống chỗ trũng, không có lúc nào ngừng, nghỉ. Há chẳng phải là chứng-cớ hợp với đạo tự-nhiên đó sao!

Chu-Thư dậy rằng: « Kẻ làm ruộng không ra công thì thiếu cái ăn; kẻ làm thợ không ra công thì thiếu đồ dùng; kẻ đi buôn không ra công thì ba món bán hết; kẻ coi rừng không ra công thì của cải thiếu, của cải thiếu vì chầm, núi không mở mang »!

Bốn cái đó là gốc ăn mặc của nhân-dân. Gốc lớn thì giầu; gốc nhỏ thì ít. Trên thì làm giầu nước; dưới thì làm giầu nhà. Đạo giầu, nghèo, chẳng ai cướp hay cho họ, thì kẻ khéo có thừa mà kẻ vụng không đủ. Cho nên Thái-Công-Vọng phong ra Doanh-Khâu, đất chua, mặn; nhân-dân ít. Thế là Thái-Công khuyến khích việc nữ-công, mở mang các nghề khéo; cho buôn bán các món cá, muối. Người và của theo về, ngựa, xe lũ-lượt! Cho nên đai, mũ, giầy, áo của Tề, tốt nhất Thiên-hạ! Trong khoảng từ bể vào núi Thái, đều khép áo sang chầu... Về sau nước Tề giữa chừng sa sút, thày Quản sửa sang lại, đặt ra chín kho và các thứ tiền nặng, nhẹ. Vì đó mà Hoàn-Công nên nghiệp Bá, họp tập Chư Hầu, dựng dõi lại thiên-hạ, mà họ Quản cũng có đài Tam-Quy, ở ngôi bồi thần mà giầu hơn vua các nước. Từ đó nước Tề giầu mạnh mãi đến đời Uy, Tuyên. Cho nên nói rằng: « Kho đụn đầy, lễ tiết mới hay; áo, cơm đủ, vinh, nhục mới rõ »! Lễ sinh ra vì có của, mà bỏ xó vì không! Vậy nên người trên giầu thì thích làm điều hay; dân dưới giầu để thỏa thuê sức mình... Vực sâu mà cá sinh-sôi; núi sâu mà muông tìm đến; người ta giầu mà nhân nghĩa nẩy theo! Kẻ giầu khi được thể thì lừng lẫy lắm, đến khi thất-thế thì bạn-hữu không còn biết đi đâu! Vì thế mà không vui. Ở dân Mọi-rợ lại càng tệ! Tục-ngữ nói: « Con nhà nghìn vàng, không chịu chết ở chợ! »[2] Câu ấy không phải nói hão đâu! Cho nên nói rằng: « Người đời ngấp nghến, đều vì lợi mà đến! Người đời trít-trị, đều vì lợi mà đi! Các vua có nghìn xe, các hầu coi muôn nhà, các chúa lấy thuế trăm hộ, còn có kẻ lo nghèo, huống chi là hạng thất-phu!...

  1. Hóa-Thực cũng như nói « sinh lợi »
  2. Chết chém.