Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XL. — Truyện Thuần-Vu-Khôn

XL. — TRUYỆN THUẦN-VU-KHÔN.

Thày Khổng nói:

— Sáu Kinh đối với việc trị dân, cũng là một. Lễ dùng để giữ gìn người ta. Nhạc dùng để gây vui. Thư để dẫn việc. Thi để đạt tấm lòng. Dịch để thay đổi. Xuân-Thu để dạy nghĩa-vụ.

Ông Thái-Sử nói:

— Đạo trời lồng-lộng, to biết bao nhiêu! Lời nói hơi trúng, cũng đủ giải được những chuyện rắc-rối...

Thuần-Vu-Khôn là con rể gửi của vua Tề. Mình cao không đầy bẩy thước[1], bông-lơn khéo nói, thường sang sứ Chư-Hầu, chưa từng chịu khuất-nhục.

Vua Tề khi ấy là Vệ-vương thích nói lóng, ham dâm-dật, uống rượu suốt đêm, say-sưa ly-bì, chính sự mặc bọn Khanh, Đại-phu. Trăm quan biếng nhác bậy bạ. Chư-hầu đều lấn đánh. Thế nước nguy, mất, chỉ trong sớm tối. Các quan hầu không ai dám can.

Thuần-Vu-Khôn dùng cách nói bóng để thuyết vua rằng:

— Trong nước có con chim lớn, đậu ở giữa sân nhà vua, ba năm nay nó không bay cũng không gáy. Nhà vua có biết con chim ấy làm sao như vậy không?

Nhà vua nói:

— Con chim ấy không bay thì thôi, bay là tung trời! Không gáy thì thôi, gáy là người khiếp oai!

Nói thế rồi đòi các viên lệnh-trưởng các huyện vào chầu, tất cả bẩy mươi hai người. Thưởng một người, giết một người... Cất quân xông ra đánh, Chư-Hầu đều hoảng-sợ, trả lại các đất lấn của Tề trước. Oai vua lừng lẫy ba mươi sáu năm.

Đến đời Uy-vương, năm thứ tám, nước Sở đem đại-quân đánh Tề. Vua Tề sai Thuần-Vu-Khôn sang Triệu xin quân cứu-viện, đem đi trăm cân vàng, mười cỗ xe bốn ngựa. Khôn ngửa mặt lên trời cả cười, đứt cả giải mũ!

Vua hỏi:

— Tiên-sinh chê ít sao?

Khôn nói:

— Thưa đâu dám thế?

— Thế cười là có chuyện gì!

— Thưa, sớm nay tôi từ phương Đông lại đây, thấy bên đường có kẻ cầu cho ruộng tốt, đem bầy một chén rượu, một chiếc chân giò lợn mà khấn rằng: « Ruộng cao đầy gánh! Ruộng thấp đầy xe! Nếp, tẻ được lớn! Đầy nhà ê-hề! » Tôi thấy nó đưa lễ thì ít, mà lòng muốn thì quá nhiều, cho nên phải tức cười.

Tề Uy-vương liền cho đem thêm nghìn cân vàng, mười đôi ngọc bích trắng, trăm cỗ xe bốn ngựa.

Khôn từ biệt ra đi. Sang Triệu, vua Triệu cho sang nghìn cỗ xe trận, mười vạn tinh-binh. Vua Sở nghe tin, đêm đem quân trốn về.

Uy-vương cả mừng, đặt rượu ở hậu-cung, vời Khôn cho uống rượu, hỏi rằng:

— Tiên sinh uống được bao nhiêu rượu thì say?

— Tôi có thể uống một đẩu cũng say, một hộc cũng say!

Uy-vương nói:

— Tiên sinh uống một đẩu đã say, uống thế nào được một hộc! Câu đó nghĩa thế nào, có thể nói cho nghe được không?

Khôn nói:

— Cho rượu uống ở trước mặt Đại-Vương, quan Chấp-pháp đứng bên cạnh; quan Ngự-sử nấp sau lưng, Khôn sợ hãi cúi đầu phủ-phục mà uống, chẳng qua một đẩu, say quách rồi! Đến như cha, mẹ có khách quý, Khôn vén áo, quỳ gối, hầu rượu ở trước mặt, bưng chén chúc thọ, chốc lại ban cho ít giọt rượu thừa... Ngồi xuống đứng lên luôn! Uống thế chẳng qua hai đẩu, say quách rồi! Còn như bè bạn chơi bời, lâu không gặp nhau, bỗng rưng họp mặt, mừng rỡ kể chuyện cũ, thân-thiết truyện trò... Uống có thể được năm, sáu đẩu, sai quách rồi! Duy có những ngày hội ở nhà quê, trai, gái ngồi lẫn lộn, kẻ đưa rượu giằng-giai! nào đánh đầu hồ, nào deo xúc-xắc, kéo nhau từng bọn một! Nằm tay cũng không phạt! Đưa mắt cũng không cấm! Đàng trước có hoa đánh rơi! Đàng sau có trâm bỏ xót! Khôn trộm lấy thế làm vui, uống được tám đẩu mà say hai lần! Trời chiều tiệc vãn, dồn chén ngồi kề; trai, gái chung chiếu; giầy dép lộn-xộn; mâm chén bỏ ghềnh, trên thềm tắt nến.. Chủ-nhân tiễn khách ra mà lưu Khôn lại, áo là cởi bỏ, thoáng thấy mùi nước hoa... Trong như lúc ấy, Khôn rất nức lòng, có thể uống được một hộc!.. Cho nên sách dậy rằng: « Rượu quá hóa nhảm! Vui quá hóa buồn! » Muôn việc đều thế cả! Cũng như nói chớ nên nói quá! Nói quá sinh đau đớn! Phải liệu lời mà can-ngăn...

Vua Tề nói:

— Hay!

Bèn bãi tiệc uống đêm, cho Khôn chủ trương việc tiếp các khách Chư-Hầu. Các tôn-thất đặt tiệc rượu, Khôn thường ngồi một bên...

  1. Thước ngày xưa, ngắn, chừng bằng 5 tấc ta.