Sử ký Tư Mã Thiên/XLII
XLII. — TRUYỆN KINH-KHA.
Kinh-Kha, người nước Vệ. Tổ-tiên người Tề, dời sang Vệ. Người Vệ gọi chàng là chàng Khánh. Khi sang Yên, người Yên gọi là chàng Kinh. Chàng Kinh ham đọc sách, đánh gươm. Đem thuật thuyết Nguyên-quân nước Vệ. Nguyên-Quân không biết dùng. Sau đó Tần đánh Ngụy, đặt Đông-quận, dời các bà con của Nguyên-quân sang Dã-Vương.
Kinh-Kha có lần qua chơi Du-Thứ, nói chuyện phép đánh gươm với Cáp-Nhiếp. Cáp-Nhiếp giận, lườm chàng. Kinh-Kha đi ra. Có người nói muốn lại mời Kinh-Kha.
Cáp-Nhiếp nói:
— Ban nẫy ta nói chuyện kiếm với hắn. Có điều không hợp ý, ta lườm hắn... Thử đi coi! Chắc hắn đi chả dám ở lại nữa!
Sai người đi đến nhà trọ, thì Kinh-Khanh đã đi xe dời khỏi Du-Thứ rồi. Người sai về thưa lại. Cáp-Nhiếp nói:
— Cố-nhiên là hắn đi! Ban nẫy ta đã dọa bằng mắt!
Kinh-Kha sang chơi Hàm-Đan. Lỗ-Câu-Tiễn cùng chàng đánh song lục, ganh nhau nước. Lỗ-Câu-Tiễn giận, quát mắng chàng. Kinh-Kha nín lặng trốn đi, không gặp mặt nhau nữa!
Kinh-Kha đến Yên rồi, bạn với người hàng thịt chó ở Yên, và người giỏi gẩy đàn trúc là Cao-Tiêm-Ly. Kinh-Kha thích rượu, hằng ngày cùng anh hàng thịt chó và Cao-Tiêm-Ly uống ở chợ Yên. Khi nào uống say, Cao-Tiêm-Ly gẩy trúc, Kinh-Kha theo dịp mà hát ở giữa chợ... Vui với nhau rồi khóc với nhau, như không có người ở bên!
Kinh-Kha tuy là người chơi với rượu, song tính thâm trầm thích đọc sách, Khi qua chơi Chư-Hầu, kết bạn với hết cả các bậc hiền-hào các nước. Đến lúc sang Yên, xử-sĩ nước Yên là Điền-Quang tiên sinh cũng tiếp đãi tử-tế, vì biết không phải là người thường.
Gặp khi Thái-tử nước Yên là Đan làm con tin ở Tần, trốn về Yên. Thái-tử Đan nước Yên, trước có lần là con tin ở Triệu. Mà vua Tần là Chính thì đẻ ở Triệu, lúc nhỏ thân với Đan. Kịp khi Chính lên làm vua Tân, Đan làm con tin ở Tần, vua Tần đãi Thái-tử Yên không tử-tế, cho nên Đan giận mà trốn về. Về là tìm cách để báo-thù vua Tần. Nhưng nước nhỏ, sức không làm nổi. Sau đó Tần hằng ngày ra quân mạn Sơn-Đông, đánh Tề, Sở, Tam-Tấn, dần dần « ăn-yến » Chư-Hầu, sắp sửa tới Yên. Vua, tôi Yên đều sợ tai vạ tới nơi. Thái Tử Đan lấy làm lo, hỏi người thày dậy là Cúc-Võ. Võ thưa:
— Đất Tần khắp cả Thiên-hạ, uy hiếp ba nước Hàn, Ngụy, Triệu; miền Bắc có cái hiểm trở của Cam-Toàn, Cốc-Khẩu; miền Nam có khu đất mầu mỡ của Kinh, Vị; số dân đông đúc của Ba, Hán! Bên hữu thì các núi Lũng, Thục; bên tả thì các ải Quan, Hào; người nhiều mà quân mạnh; khí giới lại có thừa! Nếu họ có ý đem quân ra, thì từ Trường-Thành xuống Nam Dịch-thủy lên Bắc (địa phận nước Yên), chưa biết ra làm sao! Tội gì vì cớ khinh nhau, lại muốn trêu vào « vảy ngược »[1] Đan hỏi:
— Vậy thì tính sao?
Thưa rằng:
— Xin vào cung tính việc ấy!
Ít lâu, tướng Tần là Phàn-Ô-Kỳ, mang tội với vua Tần, trốn sang Yên. Thái-tử nhận mà cho ở.
Cúc-Võ can rằng:
— Không được! Đem cái bạo ngược của vua Tần, tích oán vào nước Yên, đã đáng « rét ruột » rồi! Huống chi lại nghe Phàn-Tướng-quân ở đây! Thế tức là « vất thịt ra giữa lối đi của hùm đói! » Tai vạ tất không gượng được! Dù có Quản, Án, cũng không sao tính được việc này! Xin Thái-Tử cho ngày Phàn-Tướng-quân sang Hung-Nô cho yên chuyện. Lại xin mặt Tây hẹn với Tam-Tấn; mặt Nam kết liên Tề, Sở; mặt Bắc mua chuộc Thiền-Vu, bấy giờ mới có thể tính được!
Thái-Tử nói:
— Kế của Thái-Phó, mất nhiều ngày tháng lắm! Lòng tôi tức đã mê! Sợ không đợi được giây lát! Chẳng những thế, Phàn-Tướng-quân là người cùng khổ ở đời, đem mình về ở với Đan. Dù sao Đan cũng chẳng vì sợ nước Tần mạnh mà bỏ rơi người bạn đáng thương! Đuổi sang Hung-Nô thì trừ có lúc Đan này tận số! Xin Thái-Phó nghĩ lại.
Cúc Võ nói:
— Làm điều nguy hiểm mà cầu cho yên; gây nên tai-vạ mà cầu được phúc; mưu kế thì nông mà kết oán thì sâu; gắn bó tình riêng với một người mà không nhìn đến hại lớn của nước nhà; như vậy tức là gây thêm giận dữ mà dục cho mau họa-hoạn! Lấy nắm lông hồng mà đốt trên lò than, còn nói gì nữa! Lấy nước Tần cú-vọ, làm cho hả cơn giận dữ, thôi biết thế nào! Nước Yên này có thày Điền-Quang, là người trí dũng thâm-trầm, có thể bàn đuợc...
Thái-Tử nói:
— Xin nhờ Thái-Phó để làm quen với thày Điền được không?
Cúc-Võ nói:
— Thưa vâng! Ra, đến hầu Điền-Quang, nói:
— Thưa Thái-tử muốn bàn việc nước với thày!
Điền-Quang nói:
— Xin vâng lời dậy!
Bèn tới. Thái-Tử ra đón, đi giật lùi dẫn đường, quỳ xuống mà trải chiếu. Ngồi xong, quanh mình không có ai, Thái-Tử bỏ chiếu đứng dậy mà thưa rằng:
— Yên và Tần không đứng đôi được! Xin thày để ý cho!
Điền-Quang nói:
— Tôi nghe Kỳ, Ký lúc khỏe, một ngày đi hàng nghìn dậm! Đến khi già yếu, đi sau con ngựa hèn! Nay thái-tử nghe chuyện lúc Quang còn khỏe, có biết đâu sức tôi giờ đã tiêu mòn hết rồi! Tuy vậy, Quang dù không tính được việc nước. Có người quen là chàng Kinh có thể sai được!
Thái-Tử nói
— Xin nhớ thày để làm quen với Kinh-Kha được không?
Điền-Quang nói:
— Thưa vâng!
Lập tức đứng dậy bước rảo ra. Thái-Tử tiễn ra cửa dặn rằng:
— Điều Đan thưa, lời thày dậy, đều là việc lớn của nước. Xin thày chớ nói hở!
Điền-Quang cúi đầu cười:
— Vâng.
Lom khom bước ra, gặp Kinh-Kha nói rằng:
— Quang quen với bác, nước Yên ai cũng biết. Nay Thái-Tử nghe chuyện lúc Quang khỏe mạnh, không biết xác tôi đã kém mất rồi! Lại có lòng yêu mà dậy rằng: « Tần với Yên không đứng đôi được, xin thày lưu ý cho. » Quang trộm nghĩ không cho mình là người dưng nói chuyện bác với Thái-Tử. Xin mời bác vào chơi cung Thái-Tử.
Kinh-Kha nói:
— Thưa vâng!
Điền-Quang nói:
— Tôi nghe kẻ người lớn làm việc, không để cho người ta ngờ mình. Nay thái-tử bảo Quang rằng: « Điều chúng ta nói là việc lớn của nước nhà, xin thày chớ nói hở. » Thế là thái-tử ngờ Quang! Làm việc mà để cho người ngờ mình, không phải là hạng hiệp!..
Nhân muốn tự giết mình để khích Kinh-Kha, liền tiếp:
—... Xin bác vào ngay với Thái-Tử, nói là Quang đã chết rồi! Để tỏ ra rằng Quang chả nói hở đâu!
Liền tự đâm-cổ mà chết!
Kinh-Kha bèn vào hầu Thái-Tử, nói Điền-Quang đã chết, thuật lại lời Quang nói, Thái-Tử lậy hai lậy, qùy đi bằng đầu gối, sa nước mắt một lúc rồi mới nói rằng:
— Đan sở-dĩ dặn thày Điền chớ nói là muốn tính cho nên việc lớn. Nay thày Điền chết đi để tỏ mình không nói, nào Đan có ngờ đâu! Kinh-Kha ngồi đã yên, Thái-Tử lìa chiếu, dập đầu mà rằng:
— Thày Điền không biết Đan ngu-dại, cho Đan được đến trước mặt thày, đó là Trời còn thương nước Yên mà không nỡ bỏ đứa con côi của nó... Nay Tần có lòng tham lợi, mà lòng muốn ấy không sao chiều được. Trừ phi hết đất trong Thiên-hạ, các vua trong bốn bể đều phải xưng thần, thì ý họ còn chưa chán! Nay Tần đã bắt vua Hàn, lấy hết cả đất! Lại đem quân Nam đánh Sở, Bắc lấn Triệu! Vương-Tiễn đem quân vài mươi vạn chẹn Chương, Nghiệp; Lý-Tín thì ra Thái-Nguyên, Vân-Trung. Triệu không chống nổi Tần, tất phải vào xưng thần. Họ vào xưng thần thì vạ đến Yên. Yên nhỏ yếu, khổ về chiến tranh luôn. Nay tính ra đem cả nước cũng không đủ sức để chống Tần. Chư-Hầu theo Tần, không ai dám hợp-tung. Ý ngu của riêng Đan này cho là nếu được tay Dũng-sĩ trong đời, sang sứ Tần, dử bằng lợi to, vua Tần tham, thế ấy ta tất được như nguyền! Nếu bắt hiếp được vua Tần, khiến phải trả hết đất lấn của Chư-Hầu, như Tào-Mạt với Tề-Hoàn-công thì hay lắm. Bằng chẳng được thì nhân đó đâm cho chết! Đại-tướng của Tần đem quân ở ngoài mà trong có loạn, vua, tôi tất ngờ nhau. Nhân dịp ấy, Chư-hầu hợp tung được, tất là phá được Tần. Đó là điều mong nhất của Đan, không biết gửi tính-mạnh vào đâu, xin thày Kinh để ý cho.
Giờ lâu, Kinh-Kha mới nói:
— Đó là việc lớn của nước, tôi hèn kém, sợ không đáng sai-khiến.
Thái-tử lại trước dập đầu, cố xin đừng từ-chối, bấy giờ mới nhận lời. Thế rồi tôn Kinh-Kha làm Thượng-Khanh, ở vào nhà sang nhất. Thái-tử hằng ngày tới trước cửa, dâng lễ thái-lao[2], cùng các vật lạ. Thời thường lại đưa ngựa, xe, gái đẹp, tha hồ Kinh-Kha muốn sao được vậy, để chiều-chuộng ý chàng. Đã lâu ngày, Kinh-Kha vẫn chưa có ý muốn đi...
Tướng Tần là Vương-Tiễn phá nước Triệu, bắt vua Triệu, lấy hết cả đất. Tiến quân sang Bắc cướp đất, đến biên-giới phía Nam nước Yên...
Thái-tử Đan sợ hãi, bèn xin với Kinh-Kha rằng:
— Quân Tần sớm tối qua sông Dịch thủy. Tôi dẫu muốn hầu mãi túc-hạ, có dễ được đâu!..
Kinh-Kha nói:
— Thái-tử chẳng nói, tôi cũng định sang hắn! Giờ đi mà không có gì làm tin, thì vua Tần chưa dễ gần được. Kìa Phàn-Tướng-quân, vua Tần treo giải mua: vàng nghìn cân, ấp muôn nhà! Nếu được cái đầu của Phàn Tướng-quân, cùng tấm địa-đồ đất Đốc-Cang của nước Yên, để dâng vua Tần, thì vua Tần tất bằng lòng ra mắt tôi! Tôi mới có cách để đền ơn!
Thái-tử nói:
— Phàn-Tướng-quân cùng-khổ về với Đan, Đan không nỡ lấy việc riêng của mình mà làm đau lòng trưởng-giả, xin túc-hạ nghĩ lại!
Kinh-Kha biết Thái-Tử không nỡ, bèn lén ra mắt Phàn-Ô-Kỳ mà rằng:
— Nước Tần đãi tướng-quân thật là thảm-độc! Cha, mẹ, họ hàng, đều bị giết hết. Nay nghe mua đầu của Tướng-quân vàng nghìn cân, ấp muôn nhà, vậy làm ra làm sao?
Ô-Kỳ ngửa mặt lên trời, thở dài, sa nước mắt mà rằng:
— Ô-Kỳ mỗi khi nghĩ tới, đau đến xương-tủy! Khốn nỗi không biết tính ra làm sao mà thôi!
Kha nói:
— Giờ tôi có một câu nói, có thể giải được nguy cho nước Yên, mà báo được thù cho Tướng-quân... Tướng-quân nghĩ thế nào?
Ô-Kỳ bèn tiến lại mà rằng:
— Làm ra làm sao?
Kha nói:
— Xin Tướng-quân cho tôi cái đầu để dâng vua Tần! Vua Tần tất mừng mà ra mắt tôi Tôi mới tay trái nắm tay áo nó! tay phải đâm vào ngực nó! Thế là trả được thù cho Tướng-quân, trừ được cái nhục hà-hiếp cho nước Yên! Tướng quân có nghĩ thế chăng? Phàn-Ô-Kỳ trầy vai, day tay mà thưa rằng:
— Đó là điều tôi ngày đêm nát ruột nghiến răng! Bây giờ mới được nghe ngài dậy!
Bèn tự đâm cổ!
Thái-tử nghe tin, ruổi ngựa đến khóc rất thảm, nhưng đã không làm thế nào được. Bèn dựng đầu Phàn-Ô-Kỳ vào hòm, niêm phong lại. Khi ấy Thái-tử đã tìm sẵn hạng chủy-thủ[3] sắc ở trong đời, được con chủy-thủ của Từ-Phu-Nhân nước Triệu, mua mất trăm lạng vàng, sai thợ lấy thuốc độc tẩm nó. Đem thử vào người, hơi rớm máu không ai không chết ngay! Bèn sắp hành trang sai Kinh-Kha đi.
Nước Yên có tay dũng-sĩ là Tần-Vũ-Dương, mười ba tuổi đã giết người, người không ai dám nhìn mặt. Bèn sai Tần-Vũ-Dương làm phó-sứ. Kinh-Kha đợi một người, muốn cùng đi với người ấy. Người ấy ở xa chưa tới, đã vội sắp đi. Chốc lát chưa lên đường, Thái-tử cho là trễ, ngờ Kinh-Kha đổi bụng, bèn lại thưa rằng:
— Ngày đã hết rồi! Thày Kinh có bằng lòng không? Đan xin phép cho Tần-Vũ-Dương đi trước. Kinh-Kha giận, quát mắng rằng:
— Sao Thái-tử lại sai đến mày! Đi mà không về là tự thằng nhãi này đó! Cầm một con chủy-thủ, vào nước Tần bất trắc, tôi sở dĩ ở lại, là đợi để cùng đi với bạn tôi! Nay Thái-tử cho là trễ, thôi xin từ biệt!
Bèn đi! Thái-tử cùng các khách biết chuyện ấy, đều mặc áo mũ trắng để tiễn chàng. Đến trên sông Dịch-Thủy, đã lễ lên đường rồi, Cao-Tiêm-Ly gẩy đàn trúc, Kinh-Kha theo dịp mà hát, theo dọng « biến-chủy », mọi người đều xụt xùi sa nước mắt. Lại tiến lên mà hát rằng:
« Gió hiu-hắt chừ, sông lạnh ghê!
« Tráng-sĩ một đi chừ, chẳng lại về!
Lại hát theo dọng « vũ » khảng khái, mọi người đều trợn mắt, tóc đều dựng đứng chọc lên mũ! Thế rồi Kinh-Kha lên xe đi, không hề nhìn trở lại! Bèn sang Tần, đem món lễ vật đáng nghìn lạng vàng, đút đẫy cho kẻ sủng thần của vua Tần là Mông-Gia, làm chức Trung-Thứ-Tử.
Gia nói lót trước vua Tần rằng:
— Vua Yên thực kinh-khiếp oai của Đại-vương, không dám đem quân để đón các tướng, sĩ. Xin đem nước vào làm tôi, ngang với hàng Chư-Hầu, chịu cống chức cũng như một huyện của Tần, mà được giữ tôn-miếu của các vua trước. Nay sợ hãi không dám tự bầy tỏ, kính chém đầu Phàn-Ô-Kỳ, cùng dâng địa đồ đất Đốc-Cang, niêm phong vào hòm. Vua Yên lậy tiễn trước sân, sai sứ sang tâu với Đại-vương. Xin Đại-vương phán cho.
Vua Tần cả mừng, bèn mặc áo chầu, đặt lễ Cửu-Tân, tiếp sứ-giả nước Yên ở cung Hàm-Dương. Kinh-Kha bưng hòm đầu Phàn-Ô-Kỳ, còn Tần-Vũ-Dương thì bưng hòm địa đồ, kẻ tiến trước, người tiến sau. Đến gần bệ, Tần-Vũ-Dương sợ hãi biến cả sắc! Các quan lấy làm lạ. Kinh-Kha quay lại cười Vũ-Dương, rồi tiến lên xin lỗi rằng:
— Dân quê ở đám Mường, Mán phương Bắc, chưa từng trông thấy Thiên-tử, cho nên run sợ. Xin Đại-vương rộng cho ít chút! Để tôi được phép dâng cả lên.
Vua Tần bảo Kha:
— Đưa bức địa-đồ Vũ-Dương cầm lên đây!
Kha lấy địa đồ dâng lên rồi, vua Tần liền rở địa đồ. Địa đồ hết, trật con chủy-thủ ra! Kha liền tay trái nắm tay áo vua Tần, tay phải cầm chủy-thủ chĩa vào. Chưa tới mình, vua Tần hoảng, giằng ra vùng đứng dậy. Tay áo đứt, rút gươm, Gươm dài, nắm lấy vỏ. Bấy giờ vội vàng, gươm chặt, không sao rút được ngay! Kinh-Kha đuổi vua Tần. Vua Tần chạy vùng quanh cột! Các quan đều luống cuống, biến sinh trong lúc chẳng ngờ, mất hết cả vẻ người! Phép nước Tần. các quan hầu trên điện, không được cầm tấc, thước binh khí. Các Lang-Trung cầm binh khí đều đứng sắp dưới điện, không có chiếu gọi, không được lên! Lúc đương gấp, không kịp gọi bọn cầm khí giới ở dưới! Vì thế nên Kinh-Kha đuổi vua Tần, mà rút lại nhà-vua vẫn rối rít không có gì để đánh Kha. Bèn giơ tay lại đỡ. Bấy giờ, viên thày thuốc đứng hầu là Hạ-Vô-Thư bèn lấy túi thuốc cầm trong tay đập Kinh-Kha! Vua Tần vẫn chạy quanh cột, vẫn rối rít không biết làm thế nào! Bọn quan hầu kêu:
— Vua rút gươm qua lưng!
Vua Tần vắt tay qua lưng, quả rút được gươm để đánh Kinh-Kha, chặt đứt vế bên trái. Kinh-Kha què, bèn cầm con chủy-thủ ném Tần-vương, không tin, tin phải cột! Vua Tần lại đâm Kha, Kha bị tám vết, tự biết việc không xong, tựa cột mà cười, ngồi xếp bằng tự mắng mình rằng:
— Việc sở dĩ không xong, chỉ tại muốn bắt sống, lấy được giấy-đoan về để trả lời Thái-tử!
Các quan hầu sấn lại giết Kha. Vua Tần quáng mắt trong lúc lâu. Rồi đó luận công thưởng cho các quan, cùng định tội, đều chia ra từng bậc. Lại cho Hạ-Vô-Thư hai trăm cân vàng mà rằng:
— Vô-Thư yêu ta, lại đem túi thuốc đập Kinh-Kha!
Khi ấy vua Tần cả giận, cho thêm quân sang Triệu, chiếu cho Vương-Tiễn đem quân sang đánh Yên. Mười tháng hạ thành Kế của Yên. Vua Yên là Hỷ, Thái-tử là Đan, đều đem tinh binh chạy sang Đông, giữ đất Liêu-Đông. Tướng Tần là Lý-Tín đuổi đánh vua Yên, nhà-vua rất luống cuống.
Vua nước Đại là Gia, bèn đưa thư cho vua Yên là Hỷ, nói rằng:
— « Tần sở dĩ theo Yên riết là vì cớ Thái-tử Đan! Nếu nhà vua giết Đan mà dâng cho vua Tần, thì vua Tần tất nguôi giận, mà Xã, Tắc may còn được cúng tế về sau... »
Sau đó Lý-Tín đuổi theo Đan, Đan nấp trong sông Diễn. Vua Yên bèn sai người chém Thái-tử Đan, toan dâng sang Tần. Tần lại kéo thêm quân sang đánh. Năm năm sau, Tần diệt hẳn Yên, bắt vua Yên là Hỷ.
Sang năm, Tần gồm cả thiên-hạ, lập hiệu là Hoàng-đế. Khi ấy vua Tần cho lùng những bạn-hữu của Kinh-Kha và Thái-tử Đan. Họ đều trốn biệt! Cao-Tiêm-Ly đổi tên họ, đi làm thuê cho người, nương-náu ở nhà Tống-Tử. Ít lâu, tuy làm ăn khó nhọc, nghe các khách ở trên thềm nhà ấy gẩy đàn trúc, lại vơ vẩn không sao đi được. Thường vẫn nói người nọ gẩy hay, người kia gẩy không hay. Bọn đầy-tớ đem thưa chuyện với chủ rằng:
— Tên người làm kia là tay tri-âm, bàn vụng hay, dở!
Chủ nhà liền sai lại gần gẩy đàn-trúc. Cả tiệc khen hay, cho uống rượu. Cao-Tiêm-Ly nghĩ ẩn thân mãi, sợ-sệt đến bao giờ cho cùng, bèn lui, đem cây đàn trúc cất ở trong hòm ra, cùng áo quần tử-tế, đổi hình dong mà lên trên thềm. Khách trong tiệc đều giật mình, bước xuống làm lễ, tôn làm thượng-khách, bảo gẩy trúc mà hát. Ai nấy đều sa nước mắt mà về. Tống-Tử từ đó nuôi là khách, tâu với Tần-Thủy-hoàng. Tần-Thủy-hoàng vời vào chầu. Có kẻ biết, mách:
— Cao-Tiêm-Ly đấy!
Hoàng-đế nhà Tần tiếc chàng gẩy trúc hay, tha cho khỏi chết, khoét mắt chàng, bảo gẩy trúc, lần nào cũng khen hay. Dần dần ngồi lại gần hơn. Cao-Tiêm-Ly bèn đổ chì vào trong cây đàn. Khi đã được gần hơn nữa, giơ đàn đánh hoàng-đế nhà Tần không trúng. Thế là nhà vua bèn giết Cao-Tiêm-Ly, suốt đời không gần các người ở các nước Chư-Hầu nữa.
Lỗ-Câu-Tiễn khi đã nghe tin Kinh-Kha đâm vua Tần, nói riêng rằng:
— Trời ơi! Tiếc thay hắn không giỏi về phép đánh gươm! Tôi thật là không biết người quá! Xưa kia tôi quát hắn, chắc hắn cho tôi không phải là giống người!