Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
83 — Hoạn-Thư đối đáp gỡ tội của Nguyễn Du

83 — HOẠN-THƯ ĐỐI ĐÁP GỠ TỘI

TIỂU DẪN. — Thúy-Kiều gặp Hoạn-Thư phải nhiều nỗi cực-khổ, sau trốn đi, lại mắc vào tay Bạc-Bà phải ở thanh-lâu lần thứ hai. Sau gặp một người tướng giặc là Từ-Hải lấy làm vợ; nàng nhân dịp ấy lục chuyện cũ ra nói với Từ để xin báo ân báo oán. Trong đoạn này là đến lượt Hoạn-Thư ra chịu tội, thế mà nàng tài chống chế gỡ được tội mà thoát nạn, đủ biết cái tài ăn nói của nàng cũng không kém gì cái ngón mưu thuật của nàng vậy.

Dưới cờ gươm tuốt nắp ra,
Chính-danh thủ-phạm tên là Hoạn-Thư;
Thoắt trông nàng đã chào thưa:
« Tiểu-thư cũng có bây giờ đến đây!
« Đàn bà dễ có mấy tay,
« Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!

« Dễ dàng là thói hồng-nhan,
« Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều! »
Hoạn-Thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca.
Rằng: « Tôi chút dạ đàn bà,
« Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
« Nghĩ cho khi gác viết kinh,
« Với khi khỏi cửa, dứt tình chẳng theo.
« Lòng riêng, riêng vẫn kính yêu,
« Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai?
« Trót lòng gây việc chông gai,
« Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng! »
Khen cho: « Thật cũng nên rằng:
« Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời.
« Tha ra thời cũng may đời,
« Làm ra thời cũng ra người nhỏ-nhen.
« Đã lòng tri quá thời nên! »
Truyền quân-lệnh xuống tiền tha ngay.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Đoạn này về thể văn gì? — 2. Kiều lấy lẽ gì khép án Hoạn-Thư? — 3. Hoạn-Thư viện lẽ gì gỡ tội mình? Lời cãi của nàng có hợp lý và thuận tình không? Nàng viện những chuyện cũ nào để chứng rõ lòng mình? Nàng làm thế nào mà dẹp nỗi căm tức của nàng Kiều? — Nàng Kiều vì lẽ gì mà tha Hoạn-Thư? — 4. Một câu « Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời » có đủ vẽ được tâm tính Hoạn-Thư không? So câu ấy với câu « Nói điều giàng buộc thì tay cũng già » ở đoạn Hoạn-Thư ghen, trang 89.

II. Lời văn. — 1. Cắt nghĩa những chữ: gươm tuốt nắp, thủ-phạm. — Tiểu-thư là nói ai? — Câu thứ 4 ngụ ý nói gì? — Oan trái nghĩa là gì? — Hai câu 7, 8 người ta có hay dẫn đến không? Trong truyện Kiều có nhiều câu như thế không? — Hồn lạc phách xiêu nghĩa là gì? — Gác viết kinh, khi khỏi cửa: nói qua những chuyện này. — Ai chiều cho ai: Hai chữ ai này chữ trên nói ai chữ dưới nói ai? — Gây việc chông gai: ý nói gì? — Cắt nghĩa chữ lượng bể. — Làm ra: ý nói gì? — Nghĩa chữ tri quá.

2. Văn đoạn này có hợp với các vai chủ-động không? Giọng mỗi người nói ra thế nào?