Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
82 — Thúc-sinh gặp Kiều ở nhà Hoạn-Thư của Nguyễn Du

82 — THÚC-SINH GẶP KIỀU Ở NHÀ HOẠN-THƯ

TIỂU DẪN. — Hoạn-Thư đã bắt được Kiều rồi, đổi tên là Hoa-Nô ép làm thị-tì. Khi Thúc-sinh về thăm nhà, gọi nàng ra hầu hạ bắt mời rượu, bắt gẩy đàn (đờn). Đoạn này là nói lúc hai người, Thúc-sinh và Thúy-Kiều mới trông thấy nhau. Đọc đoạn văn này đủ rõ cái thủ-đoạn nham-hiểm của Hoạn-Thư.

Trạnh niềm, nhớ cảnh gia-hương,
Nhớ quê, chàng lại tìm đường thăm quê.
Tiểu-thư đón cửa dã-dề 1.
Hàn-huyên 2 vừa cạn mọi bề gần xa.
Nhà hương (lan) cao cuốn bức là,
Buồng trong, truyền gọi nàng ra lạy mừng.
Bước ra một bước một dừng,
Trông xa, nàng đã tỏ chừng nẻo xa:
« Phải rằng nắng quáng đèn lòa,
« Rõ-ràng ngồi đấy chẳng là Thúc-sinh?

« Bây giờ tình mới tỏ tình,
« Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai!
« Chước đâu có chước lạ đời!
« Người đâu mà lại có người tinh ma!
« Rõ-ràng thật lứa đôi ta,
« Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi!
« Bề ngoài thơn-thớt nói cười,
« Mà trong nham-hiểm, giết người không dao!
« Bây giờ đất thấp trời cao!
« Ăn làm sao nói làm sao bây giờ! »
Càng trông mặt càng ngẩn-ngơ,
Ruột tầm đòi đoạn như tơ rối bời.
Sợ uy dám chẳng vâng lời,
Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều.
Sinh đà phách lạc hồn xiêu:
« Thương ôi! chẳng phải nàng Kiều ở đây!
« Nhân làm sao đến thế này!
« Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi! »

CHÚ THÍCH. — 1. Là có ý âu-yếm ân-cần — 2. Nghĩa đen là lạnh, ấm; chỉ những câu thăm hỏi về sự mạnh yếu lúc hai người mới gặp nhau.