Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
81 — Kiều bị Khuyển, Ưng bắt của Nguyễn Du

81 — KIỀU BỊ KHUYỂN, ƯNG BẮT

TIỂU DẪN. — Hoạn-Thư là người thâm độc, máu ghen sôi nổi mà không hề hé môi, nhân dịp chồng là Thúc-sinh về thăm nhà, âm mưu sai người nhà là Ưng, Khuyển đi bắt Thúy-Kiều về để hành hạ. Đoạn này kể lúc nàng Kiều phải bắt; thuộc về thể văn tự-sự.

Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời 1;
Nén hương đến trước Phật-đài,
Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân-vân.
Dưới hoa dậy lũ ác-nhân,
Ầm-ầm khốc-quỉ kinh-thần 2 mọc ra!
Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,
Thất kinh nàng chửa biết là làm sao?
Thuốc mê đâu đã tưới vào,
Mơ-màng như giấc chiêm-bao biết gì!
Vực ngay lên ngựa tức thì,
Phòng đào viện sách bốn bề lửa giong;
Sẵn thây vô chủ bên sông,
Đem vào để đó lộn sòng 3 ai hay?
Tôi đòi phách lạc hồn bay,
Xông-pha bụi cỏ gốc cây ẩn mình.
Thúc-ông nhà ở gần quanh,
Chợt trông ngọn lửa thất kinh rụng rời.
Tớ thầy tốc thẳng đến nơi,
Tơi bời tưới lửa tìm người lao-xao

Gió cao ngọn lửa càng cao,
Tôi đòi tìm đủ, nàng nào thấy đâu!
Hớt-hơ hớt-hoảng nhìn nhau,
Giếng sâu bụi rậm, trước sau tìm quàng!
Chạy vào chốn cũ phòng hương,
Trong gio[1] thấy một đống xương cháy tàn.
Ngay tình ai biết mưu gian,
Hẳn nàng thôi lại có bàn rằng ai!
Thúc-ông sùi-sụt ngắn[2] dài,
Nghĩ con vắng-vẻ, thương người nết-na!
Di-hài, nhặt[3] khắp về nhà,
Nào là khâm-liệm, nào là tang-trai.

CHÚ-THÍCH. — 1. Nguyên trong kinh Thi có câu: « Tuệ bỉ tiểu tinh, tam ngũ tại đông 嘒 彼 小 星。三 五 在 東 » nghĩa là lập-lòe năm ba cái sao nhỏ ở đằng đông, là lời thơ của một người vợ lẽ xúc cảnh sinh tình; đây mượn câu ấy để tả cảnh trăng sao đêm hôm ấy. — 2. Nghĩa đen là như quỉ khóc như thần nạt; ý nói làm rầm-rĩ khiếp sợ. — 3. Là đánh cháo để lừa người khác.

   




Chú thích

  1. Tro. —
  2. Vắn. —
  3. Lặt.