80 — HOẠN-THƯ GHEN

Vốn dòng họ Hoạn danh-gia,
Con quan Lại-bộ tên là Hoạn-Thư.
Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều giàng-buộc thì tay cũng già!
Từ nghe vườn mới thêm hoa[1],
Miệng người đã lắm, tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Giận người đen-bạc ra lòng trăng-hoa:
« Ví bằng thú-thật cùng ta,
« Cũng dong kẻ dưới, mới là lượng trên!
« Dại chi chẳng giữ lấy nền,
« Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
« Lại còn bưng-bít giấu quanh,
« Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
« Tính rằng cách mặt khuất lời,
« Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!
« Lo gì việc ấy mà lo!
« Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
« Làm cho nhìn chẳng được nhau!
« Làm cho đầy-đọa cất đầu chẳng lên!
« Làm cho trông thấy nhỡn-tiền,
« Cho người thăm ván bán thuyền[2] biết tay! »
Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin, ý cũng liệu bài tân công,
Tiểu-thư nổi giận đùng-đùng:
« Gớm tay thêu dệt, ra lòng trêu ngươi!
« Chồng tao nào phải như ai,
« Điều này hẳn miệng những người thị-phi! »

Vội-vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ[3] răng.
Trong ngoài kín mít như bưng,
Nào ai còn dám nói-năng một lời!
Buồng đào khuya sớm thảnh-thơi,
Ra vào một mực, nói cười như không.

GIẢNG-NGHĨA. — Kiều mắc lận Sở-Khanh phải ra ở thanh-lâu ba năm. Sau gặp chàng Thúc-sinh mua về làm thiếp. Nhưng Thúc có người vợ cả ở nhà nghe tin ấy sinh lòng ghen. Đoạn này tả nỗi ghen của Hoạn-Thư, thuộc về thể văn vẽ người (portrait). Hoạn-Thư là một vai đàn-bà ghen trong truyện Kiều. Nhưng ghen cũng ba bảy đường: có thứ ghen nóng-nẩy vội-vàng, có thứ ghen nham-hiểm độc-địa. Hoạn-Thư vào hạng thứ hai này.

I. Nói về dòng-dõi và tâm tính Hoạn-Thư (6 câu trên). — a) Nàng là con nhà danh-giá nền-nếp: con quan Lại-bộ, gặp duyên may (duyên Đằng là duyên may-mắn gặp nơi sung-sướng; theo câu thơ cổ: « Thời lai phong tống Đằng-vương các » gặp vận may gió đưa vào gác vua Đằng) lấy chàng Thúc đã lâu.

b) Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều giàng buộc thì tay cũng già!

Cả cái tâm-tính Hoạn-Thư là thu lại trong hai câu ấy. Cứ đấy thì nàng không phải là người tầm-thường hèn-hạ mà là một người khôn-ngoan đến điều, đanh-thép có một: biết đường ăn nói, biết điều phải chăng, mà thao-lược cũng có, mưu-mô cũng nhiều.

II. Nói về tính-tình chí-ý nàng lúc bấy giờ (17 câu dưới). — Nhưng cái tâm-tính ấy nếu cứ ở cảnh thường thì cũng không lúc nào biểu-lộ ra được, tất phải gặp một cảnh biến mới phát-hiện ra, nghĩa là có gặp việc mới biết người vậy. Cảnh biến của Hoạn-Thư đây là gì? Là chồng có dan-díu với một người tình-nhân (vườn mới thêm hoa là ý ấy) mà giấu không cho mình biết.

a) Con người như thế, gặp việc như thế thì tính-tình tư-tưởng ra làm sao?

Lửa tâm càng dập càng nồng,

Nỗi căm-tức thật nồng-nàn lắm, cố nén cũng không được.

Nhưng Hoạn-Thư là một người vừa khôn vừa ngoan, nên dù máu ghen sôi-nổi đến đâu cũng không làm cho nàng mất trí phán-đoán quên điều nghĩa-lý lẽ phải chăng được, nàng vẫn biết rằng làm thân đàn-bà không nên chuốc lấy tiếng ghen vào mình mà giá chồng thú thật niềm riêng thì mình cũng dong-thứ cho kẻ dưới.

b) Bởi khôn ngoan nên thâm-hiểm, thâm-hiểm mới nghĩ ra cái mưu độc-địa giết người không dao. Mưu ấy là mưu gì?

Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho.

· · · · · · · · · · · · · · · ·

Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy-đọa cất đầu chẳng lên,
Làm cho trông thấy nhỡn-tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.

Mấy câu đó thật cực tả nỗi hờn giận của nàng và cái mưu hiểm-độc nàng sắp ra tay thi-hành để cho bõ cơn ghen ấy. Đọc mấy câu ấy ta cũng đoán trước được cách nàng hành-động sau này mà đem các công việc nàng trù tính xếp đặt về sau đối-chiếu với mấy câu đó thật hợp với nhau như hệt.

III. Nói về cách nàng cử-chỉ. (14 câu cuối). — Đã nghĩ ra cái mưu nham-hiểm độc-địa ấy mà muốn thi hành cho đến được, tất cách cử-chỉ cũng phải khôn khéo khác người. Giá một người đàn bà có tính nóng-nẩy thấy người đến mách chuyện chồng mình tất hớn-hở chào mời, vui lòng chịu chuyện, rồi máu ghen sôi sục, bao nỗi hờn giận căm tức đem ra mà thổ-lộ cùng người cho hả lòng hả dạ. Nàng thì không thế:

Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.

Mưu càng thâm càng phải giữ kín. Có kín-đáo việc mới thành, nếu thổ lộ ra việc tất hỏng. Bởi thế có người đả-động đến chuyện chồng thì mắng át đi, không những mắng át đi, lại ra oai trị tội để làm gương cho kẻ khác, thành thử:

Trong ngoài kín mít như bưng,
Nào ai còn dám nói năng một lời!
Buồng đào khuya sớm thảnh-thơi,
Ra vào một mực nói cười như không.

Trong lòng như lửa cháy, trong trí như máy móc mà người ngoài chẳng ai biết tới, chính mình vẫn ung-dung như không. Thật nham-hiểm thay! thâm độc thay!

Đoạn văn tả người này thật là rất khéo. Văn tiểu-thuyết là cốt kể sự hành-động của một người hoặc nhiều người mà muốn hiểu cách hành-động của các vai trong truyện, phải thuộc tâm lý của các vai ấy, nên nhà tiểu-thuyết phải tả các vai chủ-động hay tả người phụ-động. Tả người để cho hiểu việc: mục-đích và phạm-vi lối văn tả người trong tiểu-thuyết là thế. Cụ Nguyễn-Du tả nàng Hoạn-Thư trong đoạn này thật là rạch-ròi chí-lý, khiến cho ta đọc nốt quyển truyện đến những chỗ kể việc của nàng, nào khi sai Khuyển, Ưng bắt Kiều, nào lúc bắt Kiều ra mời rượu gẩy đàn (đờn) trước mặt Thúc-sinh, lại khi bắt gặp chồng với tình-nhân ở « gác viết kinh », cả đến lúc đối đáp với nàng Kiều để gỡ tội, một cách hành-động nào, một sự thi-thố nào của nàng mà đem cái tâm-lý cụ đã khám phá trong đoạn này soi vào thì đều thấy sáng rạng minh-bạch cả. Tả người đến thế thật là tuyệt-diệu.

   




Chú thích

  1. Bông
  2. Ghe
  3. Khẻ.