Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
58. — Đời người thấm-thoắt của Cao Bá Quát

58. — ĐỜI NGƯỜI THẤM-THOẮT

Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ 1,
Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày?
Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay,
Sực nhớ chữ cố-nhân bỉnh chúc 2.
Cao sơn lưu thủy thi thiên trục,
   高 山 流 水 詩 千 軸
Minh nguyệt thanh phong tửu nhất thuyền 3.
   明 月 清 風 酒 一 船

Giang tay người tài-tử khách thuyền-quyên,
Chén rượu thánh câu thơ thần thích chí.
Thành-thị ấy mà giang-sơn ấy,
Đâu chẳng là tuyết nguyệt phong hoa?
Bốn mùa xuân lại thu qua,
Đời người thấm thoắt như là con thoi.
Cho hay kẻ thế người đời!

Cao-bá-Quát

CHÚ THÍCH. — 1. 人 生 天 地 間 一 逆 旅: Người ta sống trong trời đất như người đi dọc đường; ý nói đời người ngắn ngủi. — 2. 古 人 秉 燭: Người đời xưa cầm đuốc (đi chơi đêm vì nỗi ban ngày ngắn quá). — 3. Nghĩa là: núi cao nước chảy thơ nghìn cuốn, trăng trong gió mát rượu một thuyền (ghe).

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Bài này cốt nói ý gì?

2. Các tư-tưởng của các cụ về cuộc đời thế nào? Cái tư-tưởng ấy trong văn Tàu và văn Tây (thơ ông Musset, ông Lamartine, v. v.) có thường nói đến không?

3. Cách chơi bời tiêu-khiển của các cụ ngày xưa thế nào? Ta có những thành-ngữ gì để tóm tắt các cuộc tiêu-khiển của các cụ?

4. Trong câu kết tác-giả có ý mỉa những hạng người nào?

II. Lời văn. — Cắt nghĩa những chữ: thoi đưa, bóng sổ, gang tay. Thế nào gọi là người tài-tử, khách thuyền-quyên? — Rượu thánh, thơ thần là thế nào? — Xuân lại, thu qua: ý nói gì?

2. Văn bài này có giọng phóng khoáng không? Giọng văn ấy có hợp với ý-tưởng trong bài không?