Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
57. — Cuộc phong-trần của Cao Bá Quát

57. — CUỘC PHONG-TRẦN

Chẳng lưu lạc dễ trải mùi trần-thế,
Còn trần-ai 1 khôn tỏ mặt công hầu 2.
Ngất-ngưởng thay con Tạo khéo cơ-cầu,
Muốn đại thụ 3 hẵng gìm cho lúng-túng.
Thân hệ bang gia chung hữu dụng,
   身 係 邦 家 終 有 用
Thiên sinh hào-kiệt bất ưng hư 4!
   天 生 豪 傑 不 應 虛

Hẵng bền lòng chớ chút oán vưu,
Thời chí hĩ, ngư long biến hóa 5.
Thôi đã biết cùng thông 6 là mệnh cả,
Cũng đừng đem hình dịch 7 lại cầu chi.
Hơn nhau cũng một chữ thì!

Cao-bá-Quát

Ông người làng Phú-thụy, huyện Gia-lâm, tỉnh Bắc-ninh, đậu cử-nhân năm Minh-Mệnh thứ 12 (1831), làm chức giáo-thụ. Đến đời vua Tự-Đức, vì ông cậy mình có tài văn-học mà công-danh không bằng người, ông mới tìm một người dòng-dõi nhà Lê, tôn làm minh-chủ, rồi nổi loạn, tục gọi là giặc châu-chấu. Được ít lâu ông bị thua chết.

Văn ông rất hay: Vua Tự-Đức đã có câu thơ khen rằng: « Văn như Siêu Quát vô Tiền-Tấn » ý nói so với văn ông Siêu (tức là quan phó-bảng Nguyễn-Siêu hiệu Phương-Đình) và ông Quát thì văn hay nhà Tiền-Tấn bên Tàu cũng không vào đâu: đương thời cũng có câu rằng: « Thần Siêu thánh Quát ». Ông có tập thơ chữ nho (Cao-chu-Thần thi-tập; Chu-Thần là tên hiệu ông) để lại. Văn nôm cũng hay lắm, còn nhiều bài hát nói truyền-tụng đến giờ.

CHÚ THÍCH. — 1. Là bụi bậm; ý nói hàn-vi — 2. Ý cả câu: Lúc chưa gặp thời thì chưa tỏ được tài chí của mình. — 3. Là trao cho việc lớn. Hai câu này ý nói: trời thường thử người có tài, muốn cho mình làm nên sự-nghiệp lớn, hẵng bắt phải gian-truân cực khổ đã. — 4. Nghĩa là: thân mình vốn của nước của nhà, tất là có việc dùng; trời kia sinh ra người tài giỏi há lại bỏ không ru? — 5. Nghĩa là: thời mà đến thì cá hóa rồng; ý nói: lúc gặp thời hẳn đem tài ra thi-thố mà làm nên công-danh được. — 6. Nghĩa là cùng mãi đến lúc thông, bĩ mãi đến lúc thái. — 7. Nghĩa là đem thân-hình ra mà chịu sai khiến, chịu vất vả.