47. — TRÀNG PHÁO

Nguyễn-hữu-Chỉnh

TIỂU DẪN. — Ông Chỉnh người Nghệ-an, thuở bé đã thông minh; tục truyền lúc lên 9 tuổi, nhân năm mới đến mừng thầy học. Thầy cầm một tràng pháo bảo vịnh một bài thơ. Ông liền ứng khẩu đọc bài này, thật là khẩu khí tự nhiên, xem có thể đoán được sự nghiệp ông sau này. Quả nhiên năm 16 tuổi đậu hương-cống, năm 18 tuổi đậu khoa võ, có tiếng là văn võ toàn tài. Chí muốn làm to; bấy giờ về cuối đời Lê, ngoài Bắc thì vua Lê chúa Trịnh, trong Nam thì Tây-Sơn đương tung hoành, thoạt tiên thì ông theo chúa Trịnh, sau bỏ vào trong Nam xui Tây-Sơn ra đánh Bắc-Hà, phù Lê diệt Trịnh; khi Tây-Sơn về, ông được ở lại giữ Nghệ-an. Sau đảng Trịnh lại nổi lên, vua Lê triệu ông ra phá tan đảng Trịnh, được phong tước Bằng quận-công, cầm binh quyền, giữ quốc-chính, thiệt là phỉ chí ao ước bấy lâu. Nhưng Nguyễn-Huệ nghe tin ấy ra đánh bắt được ông đem giết, thiệt là ứng với câu: kêu lắm lại càng tan xác lắm.

Xác không, vốn những cạy tay người,
Khôn khéo làm sao, đốt cũng rời[1]
Kêu lắm, lại càng tan xác (tác) lắm,
Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

   




Chú thích

  1. Có bản chép: Bao nả công trình, tạch cái thôi!