Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
129 — Thế nào gọi là kịch của Phạm Quỳnh

129 — THẾ NÀO GỌI LÀ KỊCH

Thế nào gọi là kịch? Kịch là một cái việc mạnh hơn việc thường trong đời người ta, hoặc là cái kết quả của cả một cuộc đời chung đúc lại một lúc, hoặc là sự ngẫu hợp của hai việc trái ngược nhau bỗng xung đột nhau trong giây phút mà sinh ra cái tình trạng hoặc đáng vui, hoặc đáng buồn, hoặc ghê, hoặc thảm; nói rút lại là việc phi thường ở trong việc thường mà sinh ra, là cái tia điện sáng bật ra giữa lúc âm dương điện gặp nhau, cái tia sáng ấy vẫn là điện mà phải có sự xung đột mới nẩy ra được. Đời người ta cũng có thể ví như cái điện lúc bình-thường khi nào có hai luồng trái nhau chợt đến xung đột thì mới nẩy ra tia sáng: tia sáng ấy tức gọi là cái việc phi thường trong việc thường mà ra, tức gọi là một cái « kịch » vậy. Diễn kịch ấy là lấy những lúc có cái việc phi thường trong một đời ấy mà diễn tả ra, vụ lấy hiển-nhiên như lúc việc đương hành động vậy. Nói phi thường không phải là việc hoang đường quái đản gì đâu: phi thường là sánh với việc thường mà nói, có việc phi thường thời mới thành « kịch » được; đời người trong lúc bình thường thì đời tôi đây với đời bác láng-giềng kia có khác gì nhau mà thành chuyện Cô Kiều nếu không gặp gia biến thì sao thành truyện Kiều! Sự gia-biến đó tức là sự phi-thường, tức là một cái « kịch » vậy

Nhà soạn « kịch » khéo phải diễn thế nào cho cái kịch ấy xuất-hiện ra hiển-nhiên như thực, hình như trung đúc cả sự sinh-hoạt một đời vào trong lúc đó, khiến cho cái « kịch » ấy nên được kịch-liệt, mà người xem phải cảm-động. Sự cảm-động tức là cái hiệu-quả của nghề diễn-kịch: bài kịch mà cảm-động được người ta nhiều, ấy là bài kịch hay. Vì người ta lúc bình-thường mấy khi gặp những sự phi-thường, có người cả đời không có chuyện gì đáng kỷ-niệm, vậy đến nơi kịch-trường là muốn cho cái tấm lòng mình phải kích-thích phải lay chuyển, phải cảm động ra một cách khác thường. Cho nên nhà diễn-kịch phải diễn cái việc gì tuy kịch-liệt khác thường mà cũng là ở trong lẽ thường, khiến cho người coi có thể tưởng-tượng rằng việc ấy cũng có ngày xẩy vào mình được, lắm khi nhà diễn-kịch khéo thì người xem mê đến nỗi tự coi mình như người hành động trong truyện, như thế thì sự cảm-động lại càng sâu và mạnh lắm. Diễn-kịch mà đến được bực ấy là tuyệt khéo vậy.

(Giở lên 3 bài, trích ở bài Một tháng ở Nam-kỳ, trong Nam-phong)

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — Bài này về thể văn gì? Tác-giả định giải-thích điều gì?

2. Thế nào gọi là kịch? Tác-giả dùng điều tỉ-dụ gì để giải-thích chữ kịch?

3. Diễn-kịch thế nào là khéo? Diễn-kịch chia làm mấy lối? So sánh lối tuồng ta với cái quan-niệm về sự diễn-kịch nói trong bài này.

II. Lời văn. — 1. Nghĩa những chữ kết-quả, ngẫu-hợp, phi-thường. — Thế nào là những việc hoang-đường quái-đản. — Gia-biến là gì? Đây nói về việc gì trong cuộc đời nàng Kiều? — Cảm-động, cảm-xúc, cảm-tình, cảm giác: khác nghĩa nhau thế nào? — Kịch-trường: nghĩa; kể mấy chữ kép trong có tiếng trường.

2. Lời văn bài này có gẫy gọn rõ ràng không?