Quốc văn trích diễm/130
NGUYỄN-BÁ-TRÁC 阮 伯 卓
130 — ĐI HƯƠNG-CẢNG
Từ Bangkok đến Hồng-công đường đi phải mười ngày. Bấy giờ vừa tiết đầu hạ, sóng bể còn êm, tầu ra khơi được vài ngày, cứ hướng đông mà chạy. Mỗi khi sương sớm vừa tan, cứ đi thủng-thỉnh trên mặt tầu, rộng con mắt, hả tấm lòng, tưởng sinh-bình chưa bao giờ gặp cái cảnh ấy. Tuy nhiên, trông ngang trông ngửa, trời bể một mầu, lại sinh ra vô cùng cảm-khái, mênh-mang bể thẳm trời cao, cố-hương nào biết đâu đâu mà nhìn....
Hương-cảng là một cái cù-lao nhỏ ở ngoài cửa sông Châu-giang, thuộc về tỉnh Quảng-đông, cách tỉnh thành chừng 75 dặm. Chu-vi có 30 dặm dài, diện-tích có 40 dặm vuông, trước là một nơi tụ-họp những quân giặc bể. Tự năm 1842 (Đạo-quang năm thứ 22), Trung-quốc cắt nhượng cho nước Anh, đặt quan cai-trị, từ đó mới thành ra một nơi đô-hội.
Đối diện cái cù-lao ấy là thành-phố Cửu-long, giữa cách một cái vụng vừa rộng vừa sâu, tầu buôn các nước ra vào đậu được, hai bên có những tầu nhỏ đi lại như mắc cửi, những thuyền[1] nhỏ ghé lại bên tầu lớn như đàn kiến bám vào con sâu, có nhiều tầu nhỏ đi lại lườn-lượt làm cho mặt nước nổi sóng lên cả ngày.
Trên đất những nhà liền như úp bát, từ bên Cửu-long trông sang, không biết cơ-man là lâu-đài chồng-chất, từ mé bể cho đến chót núi, hình như một cái ổ tò-vò muôn gian nghìn nóc, còn những cây cổ-thụ xung quanh chỉ như mấy chậu hoa để dưới nhà lầu vậy.
Dưới nước thì tầu hỏa, trên bộ thì nhà máy, phun khói như mây cả ngày, từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối, không một lúc nào trên không-khí mà được quang được tĩnh.
Chú thích
- ▲ Ghe