Quốc văn trích diễm/113
II
113 — ÔNG NGUYỄN-VĂN-DANH
Ông Nguyễn-văn-Danh người huyện Bình-sơn thuộc về tỉnh Quảng-ngãi, thi đậu tú-tài. Thờ cha có hiếu. Nhà ở gần núi. Có một ngày cha ông ấy đi thăm ruộng, phải cọp bắt được. Ông ấy xốt lòng đem người nha qua tìm được thây cha; nhân xét dấu cọp, thấy một chân sau nhỏ, lấy dây đo để làm dấu. Đã mà đem thây cha về chôn, bèn làm bẫy đào hầm, ngày đêm chỉ lo về việc bắt cọp, đến nỗi quên ngủ quên ăn. Bắt được cọp cũng nhiều, nhưng chưa được con nào giống vết chân ấy; về sau bắt được một con, chân sau hơi thọt, giống như là cái dấu ông ấy đã đo trước. Tức thì mổ ruột con cọp đem tế mả cha, tế xong nhai ăn cho hết, bởi thế mà sinh ra chứng đau bụng, có ai đến thăm thời ông ấy thét nhẩy lên như là trạng con cọp, một lúc rồi mới tỉnh ra. Việc ấy chép ở Đại-Nam liệt truyện.
⁂
Sách có nói rằng: « Thù cha chẳng chung đội trời » Thế thì làm con mà không lo báo thù cho cha, không phải là đạo người vậy.
Nhưng lấy người mà thù với người, còn có thể mà gặp, lấy người mà thù với thú dữ, âu khó dễ mà tìm. Thế mà ông Nguyễn-văn-Danh, ngày đêm chỉ lo bắt cọp, cho đến bắt được thì mới thôi, khi đã bắt được thì nhai ăn cho hết, dẫu thân này có hóa làm loài khác, nhưng lòng này vẫn giữ lấy máu cha.
Than ơi! cái sự báo thù ấy bởi sự đền ơn, không như thế thì không hết đạo làm con vậy.