Quốc văn trích diễm/107
107 — CÁC BỰC CAO-SĨ NƯỚC NAM TA
Vua nước Ngụy hỏi Tử-Thuận: ai là người cao-sĩ trong thiên-hạ bây giờ? Tử-Thuận đáp: có ông Lỗ-trọng-Liên. Thời bấy giờ ai cũng lấy làm đích đáng. Thế nào gọi là người cao-sĩ? Đi theo về đường nhân nghĩa, giữ vững lấy nền đạo-đức, lợi lộc không thể dỗ-dành được, uy thế không thể hà-hiếp được, phàm vật trong thiên-hạ không cái gì chuyển động được lòng, như tiết-tháo ông Lỗ-trọng-Liên, 1 thật đáng là bực cao-sĩ. Nước Nam ở về đời nhà Trần có được năm người: ông Chu-An 朱 安 2 dâng sớ lên xin chém kẻ nịnh thần, trong triều ngoài dã sợ khiếp cả, rồi ông chụt mũ cáo quan mà về, không chịu ở trong vòng giàng buộc, trên thời quân-vương tôn kính, dưới thời công khanh khâm phục, thật là bực cao-sĩ hạng nhất; Đặng-Tảo 鄧 藻 thời cho sủng lộc làm cay đắng khó chịu, mà cam tâm ở chốn điền-viên; Trương-Đỗ 張 杜 ba lần can vua không nghe thời bỏ quan mà về ở ẩn; biết họ Hồ chuyên quyền mà chịu náu ở nhà không ra làm quan, như ông Bùi-mộng-Hoa 裴 夢 華; giả cách nghễnh-ngãng để tránh vạ không chịu thờ kẻ thoán-nghịch, như ông Trần-đình-Tham 陳 廷 琛 đều là bực cao-sĩ hạng thứ. Các ông ấy phẩm-hạnh thanh-giới cao-khiết, có cái phong thái người sĩ-quân-tử như đời nhà Tây-Hán bên Tàu, không phải kẻ tầm thường sánh kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi kẻ sĩ thông-dung mà không hẹp hòi, hòa-dị mà có lễ-phép, cho nên nhân-sĩ thời bấy giờ ai cũng tự thụ lập, anh-hào tuấn-vĩ, vượt ra ngoài lưu-tục, làm cho quang vinh cả sử-sách, không thẹn với trời đất, há phải đời sau kịp được đâu.
Từ Lê triều trở xuống đã ít nghe có cái sĩ-phong ấy nữa. Ta thường xét sĩ-phong đời Tiền-Lê, đại để có ba lần biến đổi. Đời Lê-sơ thừa sau lúc nhiễu-nhương 3, các hàng nho-lưu hãy còn thưa-thớt lắm, như là làm nên đến chức thị-tụng mà có cái khí-phách anh-nghị, có cái thói cảm-ngôn như ông Nguyễn-thiên-Tứ, Bùi-cầm-Hổ; ở chốn lâm-tuyền 4, mà có cái tiết-tháo khiết-bạch, không có lòng cầu cạnh phú quí như Lý-tử-Cấu, Nguyễn-thời-Trung, đó là một thời. Đến khoảng năm Hồng-đức 5 (1570-1597), rộng mở đường khoa-mục, để kén kẻ văn tài, học-trò đua tập phù-hoa, chạm vẽ ra từng câu văn-chương, để hi-vọng lấy chức quyền yếu, cái khí tiết khảng-khái đã thấy suy đồi mất rồi. Tuy vậy, đường sủng lộc dẫu mở mà phép khuyến-hóa vẫn nghiêm, người nào điềm tĩnh vẫn được thăng lên làm quan, kẻ nào cầu cạnh vẫn phải ruồng đuổi cách về, cho nên những người ra làm quan còn ít kẻ xôn xao bôn cạnh, mà thiên-hạ còn biết quý danh nghĩa, không đến nỗi tệ cho lắm, đó lại là một thời.
Từ năm Đoan-khánh 6 (1505) trở về sau, lời thanh-nghị rất là suy đồi, thói ủy-mĩ lại càng thậm tệ; người làm quan thời ít giữ được thói thanh-liêm lễ-nhượng, chốn triều-đình thời không nghe thấy lời gián-chánh trực-ngôn; gặp việc thì chỉ dua nịnh mong cho được cẩu-miễn, thấy cơn nguy thì bán nước đi để thoát thân; hiệu là kẻ danh-nho mà cũng điềm-nhiên nhận lấy cái sủng lộc bất-nghĩa; nào là làm ra câu thơ bài hát để tán-tụng khoe-mẽ lẫn nhau, sĩ-tập bại-hoại đến thế là cùng; đó lại là một thời biến, tệ-tập không thể nói xiết được. Xét trong quốc-sử hơn một trăm năm mà chỉ được vài người cao-sĩ như ông Lý-tử-Cấu mà thôi; khá thương thay, những người danh-tiết sao mà hiếm có vậy!
CHÚ THÍCH. — 1. Ông người nước Tàu, gặp lúc nhà Tấn xưng đế, thủ tiết không chịu theo, nhẩy xuống bể chết. — 2. Xem sự-trạng ông ở bài sau. — 3. Lúc loạn-lạc. — 4. Nơi rừng núi suối khe, chỗ ở của người ẩn-dật. — 5. Niên-hiệu vua Lê Thánh-tôn. — 6. Niên-hiệu vua Lê Uy-Mục.
Chú thích
- ▲ Xem tiểu-truyện ông ở tr. 36.