Phật giáo đại quan của Phạm Quỳnh
I. — Phật tổ sự tích

I

Phật-tổ sự-tích

Trước hết xin giải nghĩa chữ phật là gì? Phật là chữ tàu dịch tiếng Ấn-độ « buddha », Phật-đà 佛 陀, Phật-đồ 佛 圖. Phật là một chức, chớ không phải là một tên người, Phật là một bậc, phải qua nhiều bậc dưới mới lên tới đó; lên tới đó rồi thời gọi là thành-phật. Theo trong sách Phật thời người ta muốn thành Phật phải tu-hành công-phu lắm, không những tu-hành một kiếp này, mà lại phải tu-hành tự mấy mươi đời kiếp trước, tích-lũy công-đức trong mấy mươi ức vạn năm, mới mong thành được. Trước khi thành Phật, còn phải qua bốn bậc dưới, tự thấp lên cao: một là bậc « thanh-văn » (聲 聞, tiếng Ấn-độ là sravaka), là người mới được thoát cõi tục, mới được nếm mùi đạo; hai là bậc « la-hán » (羅 漢, arhat), là người tu đã đắc-đạo; ba là bậc « độc-giác » (獨 覺, pratyékabuddha), là người đã đắc-đạo, tự mình sáng-suốt muôn lẽ, nhưng chỉ mong giải-thoát lấy mình, không ra tế-độ cho chúng-sinh; bốn là « bồ-tát » (菩 薩, bodhisattva), là người tu-luyện đã hoàn-toàn, trí-tuệ đã viên-mãn, đáng thành Phật mà chưa chịu thành Phật vội, còn muốn ra tế-độ cho chúng-sinh. Trên bốn bậc ấy là bậc Phật. Trong sách tàu giải nghĩa chữ Phật là: « 佛 者 覺 也. 覺 一 切 衆 智. 復 能 覺 有 情. 如 睡 夢 覺 耳. » Nghĩa là: Phật ấy là tỉnh vậy; tỉnh-ngộ mọi lẽ, lại hay khai-tỉnh cho người đời, như người mê ngủ tỉnh dậy. — Nói tóm lại thời Phật cũng là người như mọi người ta, nhưng là người đã tu-luyện nhiều lắm mà đến được bậc sáng-suốt, tỉnh-ngộ mọi lẽ, có tư-cách ra cứu-tế cho loài người. Phật-tổ đã nói với học-trò: « Ngã dĩ thành Phật, nhĩ đương thành Phật », nghĩa là ta là người đã thành Phật mà các ngươi là người còn đương thành Phật mà thôi; lại nói: « nhất-thiết chúng-sinh, giai hữu Phật-tính », nghĩa là muôn loài muôn giống đều có thể thành Phật được cả, chỉ phải gia công tu-luyện mà thôi. Vậy thời Phật tức là một đấng cứu-thế. Đời kiếp nào cũng có Phật, kiếp trước, kiếp này, kiếp sau đều có Phật cả. Phật kiếp trước và Phật kiếp sau thời không biết đâu mà nói được, và chẳng qua cũng là những sự huyền-không mơ-tưởng cả. Duy có Phật kiếp này là thuộc về lịch-sử, ta kể đây là kể sự-tích Phật kiếp này.

Phật kiếp này là Phật Thích-già-mâu-ni (釋 迦 牟 尼, Sakyamouni), tức là ông giáo-chủ của đạo Phật bây giờ. Theo sách Tàu thời Phật sinh năm thứ 26 đời vua Chiêu-vương nhà Chu, tính vào lịch tây là 1127 trước Gia-tô giáng-sinh, nhưng cứ các ông bác-học Âu-châu đã khảo-cứu rất tinh-tường, đối-chiếu các kinh-sách cũ của Ấn-độ, thời chắc là Phật giáng-sinh vào khoảng 500 năm trước Gia-tô, cũng gần đồng-thời với đức Khổng-phu-tử bên Tàu, tức tới nay là hơn 2400 năm.

Chính tên Phật-tổ là Tất-đạt-đa (悉 達 多, tiếng ấn-độ là Siddharta), nhưng thường gọi thông-hiệu là Thích-già-mâu-ni (ta thường đọc là Thích-ca, nhưng Thích-già mới phải = Sakyamouni), hay là Cồ-đàm Phật (瞿 曇 佛 Gotamabouddha). « Thích-già » là dòng-giống nhà Phật, « mâu-ni » là người tu-hành: « Thích-già mâu-ni » nghĩa là người tu-hành về giống Thích-già. Tên Cồ-đàm mới thật là tên họ của Phật. Phật còn nhiều tên và hiệu khác nữa, như Thế-tôn 世 尊, Như-lai 如 來, Thiện-thệ 善 逝, Thế-gian-giải 世 間 解, v.v., mỗi tên có một nghĩa hay là một tích riêng. Nhưng chỉ có hai tên Thích-già và Cồ-đàm là thông-dụng hơn cả. Đạo Phật chia ra hai tôn lớn: một là Bắc-tôn, hay là Đại-thừa (大 乘, Mahayana), tức là đạo Phật của các nước về phương Bắc, như Bắc-Ấn-độ, Tây-tàng, Tàu, Nhật-bản, Cao-ly và An-nam ta theo; một là Nam-tôn hay là Tiểu-thừa (小 乘, Hinayana), tức là thuộc về các nước phương Nam, như đảo Tích-lan (Ceylan), nước Diến-điện, Xiêm-la, Cao-miên theo. Bắc-tôn thời thường dùng tên Thích-già; Nam-tôn thời thường dùng tên Cồ-đàm. Nam-Bắc hai tôn không những khác nhau thế mà thôi, đến sự-tích Phật, nghĩa-lý đạo, cũng nhiều chỗ trái ngược nhau. Nay tôi thuật đây là châm-chước cả hai tôn, không có thiên về một bên nào.

Theo trong sách Phật thời Phật-tổ Thích-già mấy kiếp trước tu-hành đã đắc-đạo, được lên bậc bồ-tát, thác-sinh ở cõi Đâu-suất-đà (兜 率 陀, Tushita), là nơi các Thiên-thần ở. Có Phật kiếp trước tên là Phật Đĩnh-quang (錠 光, Dipankara) báo-ứng cho Bồ-tát biết rằng kiếp sau sẽ xuống làm người dưới trần-gian, tu-hành mãn-đạo, rồi được thành Phật, để cứu-tế cho muôn loài. Từ lúc còn ở cõi Đâu-suất-đà cho đến lúc xuống trần thành Phật, thời Phật mới[đính chính 1] còn là bồ-tát, vậy ta cứ gọi là bồ-tát. Bồ-tát từ khi được Phật Đĩnh-quang báo-ứng cho thế thời sắp-sửa thác-sinh xuống trần. Trước hết còn phải tìm nhà nào là nhà có phúc-đức ở đời để thác xuống làm con. Tìm mãi chỉ thấy có họ Cồ-đàm, giòng Thích-già, hiện làm vua ở đất Già-tỉ-la (迦 毗 羅, Kapila) là nơi có phúc-đức hơn cả. Vậy bồ-tát định thác-sinh xuống nhà ấy, làm thái-tử con vua. Vua tên là Tĩnh-phạn-vương (淨 飯 王, Sudhodhana), người có đạo-đức lắm; bà vợ tên là Ma-gia-phu-nhân (摩 耶 夫 人, Mayadévi), cũng là người nhan-sắc và hiền-hậu. Một đêm phu-nhân nằm chiêm-bao thấy một ông bồ-tát cỡi con voi trắng sáu ngà tự trên trời xuống, do bên nách tay phải vào trong bụng phu-nhân, phu-nhân tự đó thụ-thai. Thức dậy cho mời đạo-sĩ vào hỏi mộng-triệu thế nào thời đạo-sĩ nói thế là điềm sinh quí-tử. Hoài-thai mười tháng, gần đến ngày sinh-hạ, phu-nhân cùng với thị-tì ra chơi vườn Lam-tỉ-ni (藍 毗 尼, Lumbini) ở ngoài thành, đấy là một nơi cát-địa. Đương khi thơ-thẩn trong vườn, thấy có một cây « ba-la-soa » (sala) cành lá tươi tốt rậm-rạp, phu-nhân giơ tay lên vin cành thời thái-tử ở trong nách rơi ra, bấy giờ trên trời xẩy ra nhiều điềm lành, như đàn sáo vang lừng, hoa thơm rắc khắp. Thái-tử mới lọt lòng đã đi được ngay; nhìn bốn phương trời, đi lại bảy bước, nói to lên như tiếng sư-tử kêu (bởi thế nên về sau Phật thuyết-pháp trong sách thường gọi là Sư-tử-hống 獅 子 吼), nói rằng: « Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, vô-lượng sinh tử, ư kim tận hĩ! » nghĩa là trên trời dưới đất, duy ta là tôn, sống chết không cùng, từ nay là hết. Nói xong lại nằm xuống, nghiễm-nhiên như các trẻ khác. Vua cha được tin mừng, vội-vàng cho xe ngựa đến rước phu-nhân và thái-tử về cung. Vua vui-vẻ lắm, truyền bố-thí tiền của rất hậu cho các thày đạo-nhân, và hạ-lệnh ân-sá cho những người phải tội. Đem thái-tử cho các thày tướng xem thời thày nào cũng lấy làm kinh-dị, thấy trong mình thái-tử có đủ tam-thập-nhị-tướng, và bát-thập-chủng-hảo là tướng những bậc anh-hào ở đời. Thày tướng lại đoán rằng: « Thái-tử sau này ví ra đời trị nước thời nhất-thống thiên-hạ, ví xuất-gia tu-đạo thời đắc-đạo thành Phật. » Lại có ông tiên tên là A-tư-đà (阿 私 陀, Asita), người đã già lắm, ở trên núi xa đi lại, biết thái-tử đã ra đời, xin vào hầu, trông thấy thái-tử, cúi xuống lạy nói rằng: « Thái-tử sau này chắc thành Phật, tu-hành tới bậc cao hơn hết cả, là bậc « A-nậu-đa-la-tam-miểu-tam-bồ-đề », (阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提,) » tiếc rằng mình đã già yếu, không sống được đến bấy giờ để làm tôi Phật ». — Vua cha vốn nhân-từ lắm, cho nuôi thái-tử bằng sữa bò, nhưng không muốn để vắt sữa bò cái nhiều quá, sợ bò con phải đói, bèn truyền cho người nhà lấy thật nhiều bò cái, mỗi con chỉ được vắt qua một lượt mà thôi.

Ma-gia-phu-nhân người vốn yếu-đuối, sinh con được bảy ngày thời thụ bệnh mất, vua bèn truyền cho em gái phu-nhân là bà Ba-đồ-ba-đề 波 闍 波 提, (Prajapati), cũng là một bậc thứ-phi của vua, phải trông nom nuôi-nấng thái-tử, cho khôn lớn thành người. Sách nói rằng bà Ma-gia mất rồi, là tức-khắc thác-sinh lên trời làm thiên-thần ngọc-nữ.

Theo lệ thường, một hôm vua cùng bà Ba-đồ-ba-đề đem thái-tử vào thần-miếu làm lễ, tục như ta gọi là lễ bán khoán cửa Thánh. Nhưng thái-tử chưa bước qua cửa đền thời bao nhiêu tượng thần đứng dựng cả dậy, chắp tay vái. Vua và phu-nhân lấy làm kinh-ngạc, bấy giờ mới biết rằng con mình là một đấng phi-thường.

Thái-tử thủa nhỏ khác các trẻ con khác, mặt bao giờ cũng hòa-bình tươi-tỉnh, không có sắc giận tiếng khóc bao giờ, lại rất là thanh-tịnh sạch-sẽ, không có vấy-vá ra tã-lót bao giờ. Cho đến tám tuổi, thường chơi đùa với các trẻ con khác, đã có ý thông-minh dĩnh-ngộ hơn người.

Thái-tử lên tám tuổi, vua cho tìm khắp trong nước, chọn lấy một ông thày thật giỏi để dạy học. Kén mãi mới được ông Tỉ-sa-bà-mật-đa-la 毗 奢 婆 密 多 羅 (Visvamitra), là người giỏi kinh-luận lắm, cho vào dạy thái-tử học các thư-số. Khi mới vào học, thái-tử hỏi thày rằng: « Thưa thày, phàm các sách tiên sách phạn (sách « phạn 梵 » là sách kinh của Ấn-độ), cả thảy có 64 thứ, nay thày dạy con thứ nào? » Nói xong rồi đọc hết cả 64 thứ, mỗi thứ có những gì. Ông thày lấy làm sợ lắm, vái lạy mà nói rằng: « 64 thứ sách đó, tôi mới biết tên, mà thái-tử đã biết cả trong có những gì, như vậy thời thái-tử là bậc thánh-nhân sinh-tri, tôi xin lui, không dám dạy. » Ấy thái-tử còn nhỏ mà đã có cái tài không học mà biết như thế.

Theo thói thường nhà võ-sĩ, thái-tử văn-nghệ đã tinh, phải tập võ-nghệ. Vua cho mời một ông thày võ giỏi tên là Quần-đề-đề-bà 羼 提 提 婆, (Kshantideva), 29 phép võ đều thông-thạo cả. Cứ người thường thời phải dạy đến mấy năm chưa biết, mà thái-tử chỉ tập có mấy ngày thuộc cả, thày chịu là bậc thiên-tài.

Thái-tử đã đến tuổi thành-niên, theo tục nhà vua làm lễ « quán-đính » (灌 頂, mûrdhaja), nghĩa là lấy nước bốn bể tưới lên đỉnh đầu. Làm lễ rồi vua trao cho ấn thất-bảo, rồi đặt tên cho là Tất-đạt-đa (悉 達 多, Siddharta), nghĩa là vạn-sự như-ý.

Một hôm vua cùng các quan ra ngoài thành xem dân làm ruộng, thái-tử xin đi theo. Trông thấy nông-phu cầy ruộng khó-nhọc đã động lòng thương; lại thấy mỗi lần cầy đất lên, dưới đất lúc-nhúc những sâu cùng bọ, chim muông trên trời liệng xuống mổ ăn, lại càng thấy thương-tâm lắm, tự than trong bụng rằng: « Vậy ra muôn loài trên thế-gian chỉ những ăn thịt lẫn nhau như thế rư? Chỉ những nhọc-nhằn khổ-sở như thế rư? Vậy thời sống ở đời còn có chi là sung-sướng nữa? Ta nên làm thế nào cứu vớt cho quần-sinh. » Thế là thái-tử đã manh-tâm tu-hành từ đấy. Trong khi vua và các quan đi thăm đồng, thời thái-tử vào ngồi dưới gốc cây ngầm-nghĩ: bấy giờ mặt trời đã xế mà bóng cây không dịch, cứ nguyên tròn bóng mà che cho chỗ thái-tử ngồi; vua trở về trông thấy thế lấy làm lạ lắm.

Một hôm vua cha cho mời các công-tử giòng Thích-già đến để cùng với thái-tử thi bắn. Trong các công-tử chỉ có chàng Đề-bà-đạt-đa (提 婆 達 多, Dévadatta) và chàng Nan-đà (陀 難, Ananda) hai người có tiếng là bắn giỏi. Trong trường bắn có đặt sẵn những mảnh sắt tròn gọi là thiết-cổ, phải nhằm bắn cho trúng. Đề-bà-đạt-đa bắn trước, một mũi tên đâm suốt được ba mảnh thiết-cổ. Nan-đà cũng vậy. Đến lượt Thái-tử Tất-đạt-đa thời xét cái cung của mình yếu, đòi lấy cái cung thật mạnh, nhằm bắn một tên đâm suốt bảy mảnh thiết-cổ, mà lại còn dư-lực chạy xa ra ngoài mấy chục thước, khoét thủng đất thành một cái giếng, đời sau gọi là « giếng tên » (箭 井, sarakupa). Thấy thái-tử tài mạnh quá như thế, các công-tử đều khiếp sợ, duy có Đề-bà-đạt-đa vốn là anh em thúc-bá với thái-tử thời từ đấy đem lòng ghen-ghét, sau này thái-tử thành Phật, Đề-bà-đạt-đa hết sức phản-đối, mấy phen chực hại.

Thái-tử tuổi mỗi ngày một lớn, vua cha muốn tìm nơi xứng-đáng cho lập thành gia-thất. Ngỏ ý cùng thái-tử, hỏi muốn lấy người vào hạng nào. Nguyên đời bấy giờ ở Ấn-độ, trong xã-hội chia ra làm bốn hạng người, giai-cấp rất nghiêm: 1º là hạng Bà-la-môn (婆 羅 門, brahman), là những người học-hành thông-thái, tu-luyện đắc-đạo, coi việc cúng tế các thần; 2º là hạng Sái-đế-lị (刹 帝 利, kshatriya), là hạng võ-sĩ, làm vua làm tướng trong nước; 3º là hạng Tỉ-xá (毗 舍, vaisya), là những người buôn bán làm nghề; 4º là hạng Thủ-đà-la (首 陀 羅, sudra), tức là hạng những anh đồ-tể, nghĩa là bậc cùng-dân hèn-hạ hơn nhất. Bốn bậc ấy xa cách nhau lắm, luật nghiêm-cấm không được lấy lẫn nhau, ngày nay ở Ấn-độ vẫn còn thế. Trong bốn bậc duy chỉ có hai bậc trên là sang-trọng, có thể giao-kết lẫn nhau được. Giòng Thích-già là thuộc về hạng Sái-đế-lị, nghĩa là hạng vương-giả và võ-sĩ. Vua cha hỏi thời thái-tử thưa rằng: « Tâu Hoàng-phụ, trong bốn bậc dân, hoàng-phụ kén chọn cho con người bậc nào cũng được, con không có phân-biệt kẻ sang người hèn, miễn là được người nết-na tử-tế thời thôi. » Thái-tử nói câu ấy tức là manh-nha ra cái chủ-nghĩa bình-đẳng là một đặc-sắc của đạo Phật sau này. Các ngài nên biết rằng ở An-độ thời bấy giờ, và ngày nay nữa vẫn còn, người cấp trên mà đi lại, hay là nói-năng, hay là đứng ngồi với người cấp dưới, thời lấy thế làm nhục không gì bằng, cho nên trong xã-hội mỗi hạng người ăn ở cách-biệt nhau, thật là một cái trở-lực to cho sự tiến-hóa. Vậy mà Phật Thích-già là người thuộc về bậc sang-trọng, lại xướng lên cái chủ-nghĩa bình-đẳng như thế, thật như lời các nhà làm sách tây đã nói rằng Phật đã gây ra một cuộc cách-mệnh lớn trong xã-hội Ấn-độ đời bấy giờ.

Vua cha bèn sai các quan đi kén vợ cho thái-tử. Các quan về tâu rằng có một ông trưởng-giả tên là Ma-ha-na-ma, cũng thuộc giòng Thích-già, có người con gái tên là Gia-du-đà-là (耶 輸 陀 羅, Yasodhara), đã tới tuần cập-kê, mà người nết-na nhan-sắc lắm. Vua truyền chọn ngày lành tháng tốt, làm lễ cưới cho thái-tử. Lại dựng cho ba tòa lầu, gọi là tam-thời-điện, để cho thái-tử và bà phi ở, một điện để ở mùa xuân và mùa thu, một điện mùa hạ và một điện mùa đông. Trong cung-điện bày-biện trang-hoàng cực là sa-xỉ, đặt cuộc vui chơi cực là hoan-lạc. Ngày nào đêm nào cũng đàn hát yến tiệc. Mấy trăm mĩ-nữ cung-tần hầu-hạ ở trong, mấy nghìn thị-vệ tráng-sĩ canh giữ ở ngoài; thật là bao nhiêu những cảnh trang-nghiêm hoan-lạc ở đời, không còn thiếu một chút gì. Trong sách Phật gọi đoạn này là đoạn « ngũ-dục-ngu-lạc », nghĩa là năm bụng dục đều được vui sướng.

Song thái-tử sinh-trưởng giữa cuộc phong-lưu phú-quí như thế mà vẫn không vui, cái tính sầu cũ vẫn không tiêu đi được. Từ khi đi thăm đồng, mục-kích cái cảnh vạn-vật tương-tàn, mà trong lòng cứ âm-thầm đau-xót, biết rằng cõi đời là cõi khổ, sự đời là bất-thường, dẫu vui thú đến đâu cũng không khuây-khoả cho được. Chợt xẩy ra bốn việc đi chơi bốn cửa thành, mà cái chí tu-hành của thái-tử quyết từ đó.

Cuộc đi chơi này trong sách gọi là tứ-môn xuất-du. Nguyên từ thủa nhỏ, vua cha không cho thái-tử ra ngoài cửa thành bao giờ, biết rằng thái-tử là người đa-sầu đa-cảm, sợ trông thấy cái cảnh dân-sự lầm-than mà sinh lòng phiền-não. Nhưng ở trong cung-cấm, cũng không thấy sắc vui, lại càng ngày càng u-sầu ủ-dột thêm lên. Một hôm xin phép vua cha ra chơi các cửa thành, vua cha cũng phải chiều lòng cho vậy. Bèn truyền cho dân quét-dọn trang-sức con đường thái-tử sắp ra chơi, rồi truyền gióng một cỗ xe cực đẹp cho thái-tử ngồi. Bữa ấy ra chơi ngoài cửa đông. Đi đến nửa đường thời trông thấy một ông lão già, râu tóc bạc phơ, mình-mẩy gày-còm, lưng cong đầu rạp, lụ-khụ chống cái gậy, bước lên không nổi. Thái-tử xưa nay không trông thấy người già bao giờ, thấy thế lấy làm lạ lắm, hỏi tên đánh xe: « Người này là người chi mà coi dáng tiều-tụy như vậy? » Tên đánh xe thưa rằng: « Người này là người già, tinh-thần sức-lực đã kém cả, không làm được việc gì nữa, chỉ đợi ngày chết mà thôi. » Thái-tử lại hỏi: « Vậy thế chỉ một người này như thế, hay là người nào cũng thế? » Tên đánh xe nói: « Thưa, người ta ai cũng có lúc thế, đã làm người có trai-trẻ thời có lúc già-cỗi, không ai tránh được phép chung. » Thái-tử lại hỏi: « Vậy thế ta đây, rồi có ngày như thế không? » Tên đánh xe thưa: « Thái-tử rồi cũng có ngày như thế. » Thái-tử nghe nói thế, rầu-rầu trong lòng, bảo đánh xe về, không muốn đi chơi nữa. Vừa về vừa thán-tức cho cái cảnh già khốn-khổ.

Lần thứ hai Thái-tử muốn ra chơi cửa Nam. Đi được một thôi thời thấy bên bờ đường có một người nằm rên ầm-ầm, ra dáng đau-đớn vô-cùng, có lúc lại nghẹn tắc như muốn tắt nghỉ. Thái-tử vốn không trông thấy người đau bao giờ, bèn hỏi tên đánh xe: « Người này là người chi, mà hình-dáng thảm-thương như vậy? » Tên đánh xe thưa: « Người này là người đau, bệnh-tật đầy trong mình, nguyên-khí đã mất hết, như cái đèn đã cạn hết dầu, không còn bao lâu nữa thời tắt. » Thái-tử lại hỏi có phải người ta ai cũng có lúc thế, và chính Thái-tử rồi cũng có lúc thế không. Tên đánh xe đáp rằng phải. Thái-tử thở dài, rồi bảo quay xe về, tự nghĩ rằng như vậy thời ở đời có gì là hữu-thường, bây giờ mình mạnh-khỏe trai-trẻ như thế này, mà rồi có ngày cũng đến nằm rên bên vệ đường như người kia, thương thay!

Lần thứ ba, ra chơi cửa tây, lại mục-kích một cái cảnh thảm hơn hai lần trước, là cái xác một người chết, nằm ngang trên đường, người ta chưa kịp đem chôn, ruồi nhặng bay chung-quanh, lại có đàn quạ vừa kêu vừa liệng. Thái-tử không trông thấy người chết bao giờ, hỏi tên đánh xe: « Sao người mà lại nằm yên không động-đậy, để cho chim nhặng bay quanh thế kia? » Tên đánh xe thưa: « Đấy là xác người chết, không phải là người nữa, là một đống thịt thối, cho nên chim nhặng đến ăn; nay mai người ta sẽ đem chôn xuống đất, sâu bọ đục ăn, thịt xương mỗi ngày một uỉ thối, ít lâu rồi cái xác này cũng biến ra đất hết. » Thái-tử lại hỏi: « Vậy thời người ta ai cũng đến thế, và ta đây rồi cũng thành đống thịt nát đó chăng? » Tên đánh xe thưa vâng. Lần này thời cái thảm-trạng ghê quá, thái-tử cầm lòng không được, nức-nở khóc lên, truyền kíp đánh xe về, tự nghĩ rằng nếu ở đời kết-cục ai cũng đến như đống thịt thối đó, thời sống mà làm chi!

Sau ba lần đi chơi ba cửa thành đó thời thái-tử càng ngày càng thêm bụng chán đời, trong lòng đối với mọi sự vui-thú ở đời đã nguội-lạnh hẳn như đống tro tàn, chỉ băn-khoăn có một cái tư-tưởng là làm thế nào cho trước là thân mình thoát được ba cái cảnh già, ốm, chết đó, sau là giải-thoát được cho chúng-sinh muôn loài.

Còn một cửa thành nữa thái-tử chưa ra chơi, là cửa Bắc. Một hôm định đi chơi nốt. Ngang đường gặp một người mặc áo cà-sa, tay cầm tích-trượng, tóc râu cạo nhẵn, dáng-bộ nghiêm-trang, từ-từ mà đi, khoan-thai êm-ái, thái-nhiên như người trong lòng vô-sự, không có nỗi ưu-tư gì. Thái-tử trông thấy lấy làm cảm-phục lắm, nhưng không biết là người gì, mà coi bộ chỉnh-túc ung-dung, khác hẳn người thường như vậy. Bèn hỏi tên đánh xe: « Người này là người gì? » Tên đánh xe đáp: « Đây là một thày sa-môn (沙 門, sramana), nghĩa là người xuất-gia tu-đạo, trong lòng không bận gì đến việc đời nữa, nên coi dáng bộ khoan-thai như thế ». Thái-tử nghe nói lấy làm ưng-ý lắm, truyền dừng xe lại, xuống vái chào thày sa-môn mà nói rằng: « Bạch sa-môn, nghe nói ngài là người xuất-gia tu-đạo; vậy thời xuất-gia tu-đạo được những ích-lợi gì, xin nói cho tiện-nhân biết. » Thầy sa-môn đáp lại rằng: « Tôi thấy người ta ở đời, nào sống, nào già, nào bệnh, nào chết, nhất-thiết vô-thường, đều là những cảnh bại-hoại không yên cả, cho nên tôi bỏ cửa-nhà thân-tộc, một mình ở chỗ không-nhàn, ra sức cầu lấy phương-tiện, để cho khỏi những sự khổ đó. Tôi sở tu-tập là nguyện theo đạo thánh, làm phép chính để trừ cả các ác-căn, mà khởi lấy lòng từ-bi, dẹp được hết bụng dục mà theo con đường bình-đẳng, hộ-niệm cho chúng-sinh, không nhiễm vào thế-tục, để cho vĩnh-viễn được giải-thoát. Ấy đạo xuất-gia có ích-lợi như thế. » Thái-tử càng nghe càng thấy hoan-hỉ trong lòng, nghĩ bụng rằng trong thế-gian này chắc không gì hơn thày sa-môn đó, ta nên quyết chí tu-học đạo này, để trước giải-thoát cho mình, sau giải-thoát cho chúng-sinh.

Từ bữa ấy, đêm ngày thái-tử chỉ nghĩ kế xuất-gia, để làm một thày sa-môn tu-đạo. Một bữa ngỏ lời với vua cha, vua cha nhất-định không nghe, dỗ rằng: « Con cứ ở nhà, lòng sở muốn gì, cha sẽ cho nấy, không việc gì phải ra ở nơi rừng vắng, cho cực khổ đến thân. Vả cha chỉ trông mong con để sau này nối nghiệp trị dân, nếu nay con bỏ cha mà đi thời phiền lòng cho cha quá. » Thái-tử nói: « Con cũng biết thế này là bất-hiếu với cha thật, nhưng con nghĩ sự đời lấy làm chán-ngán quá, không còn có bụng ham muốn gì ở đời nữa, dẫu có ở nhà với cha cũng không được ích-lợi gì cho nhà cho nước. Xin cha cho con đi tu-đạo để sau này siêu-độ cho quần-sinh. » Nói mãi vua cha cũng không thuận, cứ khăng-khăng bảo: « Con ở nhà, con muốn gì, cha cho nấy. » Sau thái-tử phải nói: « Con chỉ nguyện một điều: là từ nay trong thế-gian, không người nào, không giống gì phải già, phải ốm, phải chết cả. Nếu cha làm được như thế, thời con xin ở nhà. » Vua cha thở dài mà nói rằng: « Điều gì chớ điều ấy thời cha cũng không thể sao được. » Từ đấy vua cha biết ý thái-tử đã quyết-chí tu-hành, không sao can được, nhưng mật sai quân lính canh giữ các cửa thành, phòng thái-tử trốn đi mất. Trung-gian bà Gia-du-đà-la sinh được một cậu con trai, đặt tên là La-hầu-la (羅 喉 羅, Rahula), thái-tử được tin không mừng mà lại buồn thêm, nói rằng: « Thế là lại thêm một cái dây buộc với đời, khó lòng dứt cho được. »

Một đêm trong cung có đại-yến, đàn địch múa hát đến quá nửa đêm. Bao nhiêu những danh-ca diệu-kỹ trong nước họp tập cả ở đấy. Thái-tử phải ra dự yến, càng đàn, càng địch, càng múa, càng hát, lại càng chán-ngán buồn tênh. Các quan văn võ, ai nấy say-sưa đằm-thắm, duy có thái-tử là lạnh-nhạt như thường. Tiệc đã tan, ai nấy về nhà, bọn ca-nhi kỹ-nữ cũng vào ngủ cả ở phòng bên cạnh. Thái-tử đi về buồng riêng, phải qua phòng bọn đó nằm. Cái cảnh-tượng trông thấy mà ghê thay! Bọn con hát kia vừa lúc nãy mĩ-miều tráng-lệ biết là bao, mà nay kẻ nằm ngang người nằm dọc, mồ-hôi nhễ-nhại, phấn-sáp lổ-lang, mùi hôi-thối, hơi nồng-nàn, tiếng đàn tiếng hát lúc nãy, bây giờ là tiếng ngáy o-o, điệu cao điệu trầm đủ cả, khác nào như một đàn nhặng kêu quanh một đống thịt hôi! Thái-tử bất-nhẫn nhìn, dảo bước đi mau, ra khỏi cửa đoái trông lại, thở dài mà rằng: « Ôi! có khác gì một phản thịt tanh! Sự đời bất-thường đến thế này là cùng vậy! »

Thái-tử về phòng quyết vượt thành trốn đi, thừa bữa ấy quân-lính say-sưa, canh-phòng không cẩn, có lẽ thi-hành được cái chí bấy lâu nay. Bèn đương đêm xuống gọi tên đày-tớ tin-cẩn tên là Xa-nặc (車 匿, Channa), bảo kíp đánh con ngựa yêu tên là Kiền-trắc (乾 陟, Chandaka), để mau mau ra ngoài thành. Trong khi tên đày-tớ đóng ngựa thời thái-tử muốn vào phòng bà Gia-du-đà-la, hôn cậu con trai, rồi quyết-biệt. Nhưng hé cửa buồng thời thấy cậu con nằm gối đầu vào cánh tay bà Gia-du, nếu ãm ra thời sợ bà thức dậy, khóc-lóc can-ngăn mà việc mình không thành được. Bèn khép cửa lại mà đi. Trong sách nói lúc thái-tử hé cửa trông thấy vợ con nằm ngủ yên như thế, trong lòng sinh cảm-tình vô-hạn, bấy giờ ngõ-hầu như không sao nỡ lòng dứt bỏ cho đang, nhưng cái chí tu-hành còn kiên-nghị hơn, át được lòng luyến-ái.

Ngựa ra đến cửa thành thời quả lính ngủ say, mở cửa ra không biết. Trong sách nói rằng có thần giúp thái-tử, nên tiếng ngựa đi êm như không và giữa lúc ra thời lính canh đương mê ngủ. Thái-tử định đi ra cái rừng gần đấy, gọi là Khổ-hạnh-lâm, là nơi ông tiên Bạt-già (跋 伽 仙 人, Bhagavat) khi xưa tu-hành ở đấy. Đến gần rừng thời xuống ngựa cho tên đày-tớ dắt ngựa về. Lúc quyết-biệt, thái-tử bảo tên Xa-nặc rằng: « Người đời thờ chủ, hoặc có người hình tùy mà tâm không tòng, hoặc có người tâm tòng mà hình không tùy. Như ngươi ở với ta, thật là được cả tâm cả hình. Nay ngươi về báo tin cho Hoàng-phụ ta biết và đưa những đồ tư-trang này cho phu-nhân, xin đừng phiền-não, ta đi tu-hành, bao giờ đắc-đạo sẽ trở về cứu-độ cho. »

Khi Xa-nặc dắt ngựa về thời thái-tử đi vào trong rừng, sẵn cái gươm võ-sĩ đeo bên mình, cắt tóc trên đầu, rồi ném xuống cái suối gần đấy. Giữa lúc bấy giờ thời có một người đi săn vừa đến đấy: người đi săn này lại mặc cái áo cà-sa mùi nâu, như thày đạo-sĩ, thái-tử dừng lại hỏi: « Bác đi săn, sao lại mặc áo cà-sa thế này? » Người đi săn nói: « Tôi mặc áo này mùi nâu giống như mùi đất, để khi nấp trong bụi dình hươu nai chạy qua mà bắn cho dễ. » Thái-tử bèn nói: « Thôi, bác đổi cho tôi tấm áo cà-sa ấy lấy bộ áo gấm-vóc này. Bác mặc áo cà-sa để sát-hại giống vật, xin cho tôi mặc để tôi giải-thoát cho quần-sinh. » Người đi săn thấy bộ áo gấm-vóc của thái-tử đẹp lắm, ưng-ý đổi ngay. Trong sách nói người đi săn ấy chính là thần hiện xuống để đem áo cà-sa dâng thái-tử.

Thế là từ nay ông thái-tử Tất-đạt-đa đã cải-trang mà biến thành thày mâu-ni họ Thích-già rồi. Vậy từ đây ta không gọi là thái-tử nữa, mà gọi là Thích-già-mâu-ni. Trong sách Tàu thời thường xưng là bồ-tát, cho đến khi đắc-đạo thành phật: vậy muốn gọi là bồ-tát cho phân-biệt cũng được.

Bồ-tát Thích-già dầu đã thí-phát, mình mặc cà-sa, bèn đi vào nơi ông tiên Bạt-già tu-hành. Ông tiên trông thấy người diện-mạo khác thường, ra đón. Thích-già hỏi cách tu-hành thế nào, thời ông tiên chỉ cho những phép khổ-hạnh của các học-trò ở đấy, mặc bằng cỏ, đắp bằng lá, ăn bằng quả cây, hoặc ăn một ngày một lần, hoặc ăn hai ngày một lần, hoặc ăn ba ngày một lần, người thì ngồi lặng dưới gốc cây, mưa nắng cũng không dậy, người thì nằm thẳng ở giữa trời, người thì đứng bằng một ngón chân, cứ cả ngày như thế, càng cực-khổ cho thân-thể bao nhiêu, thời càng thanh-thoát cho tinh-thần bấy nhiêu. Thích-già nghe nói xong rồi, hỏi ông tiên: « Vậy thế khổ-hạnh như vậy, mục-đích là để làm gì? » Ông tiên nói: « Mục-đích là để thác-sinh lên cõi trời, được làm bậc thần-thánh. » Thích-già lại nói: « Nhưng làm thần-thánh thời hết kiếp cũng phải chết đi, chết rồi lại sinh kiếp khác, như thế thời vẫn cứ luân-hồi mãi, bao giờ cho hết khổ? Tôi đây là muốn tìm đạo diệt-khổ, cho được vĩnh-viễn-giải-thoát[đính chính 2]. » Ông tiên nói: « Đạo ấy cao quá, chúng tôi không tới kịp. Tôi coi nhân-giả có tướng khác thường, chắc tu được hơn chúng tôi. Gần đây có hai ông Đại-tiên, một ông tên là A-la-la (阿 羅 邏, Alara), một ông tên là Già-lan (迦 蘭, Udraka), nhân-giả nên đến mà luận-đạo với hai ông. »

Theo lời ông tiên Bạt-già mách Thích-già bèn tìm đến nơi hai ông Đại-tiên A-la-la và Già-lan tu-hành. Hai ông sẵn lòng đón tiếp, cùng nhau nghị-luận. Thích-già hỏi ông A-la-la rằng: « Cái dây sinh-tử làm thế nào cắt đứt được? » Ông tiên trả lời: « Phải trì-giới, phải nhẫn-nhục, phải tập ngầm-nghĩ, phải định giác-quan, thế là bậc sơ-thiền; phải trừ cả các giác-quan mà đặt tinh-thần vào nơi hoan-hỉ, thế là bậc nhị-thiền; phải trừ cả sự hoan hỉ, mà đặt tinh-thần vào nơi chính-niệm, thế là bậc tam-thiền; phải trừ cả mọi sự ngoại-cảm, mà đặt tinh-thần vào nơi hư-tĩnh, thế là bậc tứ-thiền. Hễ trọn được bốn bậc ấy thời vào cõi « phi-tưởng phi-phi-tưởng » 非 想 非 非 想, tức là cõi vô-sinh vô-tử. » Thích-già nghe nói thế chưa chịu, bèn hỏi lại rằng: « Cõi « phi-tưởng phi-phi-tưởng » ấy là cõi hữu-ngã hay là cõi vô-ngã? Nếu là vô-ngã thời nói phi-tưởng không đúng, phải nói là tịch-diệt mới được. Nếu là hữu-ngã thời ngã hữu-tri hay là vô-tri? Nếu ngã vô-tri thời có khác gì cây cỏ. Nếu ngã hữu-tri thời hãy còn có giây duyên, đã có giây duyên thời tất có nợ-nần, đã có nợ-nần thời tất phải chịu khổ, còn phải chịu khổ thời sao gọi được là giải-thoát? Đạo các ông mới dứt được cái giây duyên hữu-hình mà thôi, còn cái giây duyên vô-hình thời chua đoạn-tuyệt. Chưa đoạn-tuyệt thời còn sinh-sinh tử-tử mãi, bao giờ cho sang được bờ kia? Như tôi thời tôi muốn tìm một đạo tu-hành thế nào cho đoạn-tuyệt được hết giây duyên ở đời, thời mới mong được toàn-giải-thoát. » Thích-già nghị-luận với hai ông đại-tiên như thế, biết rằng đạo hai ông chưa phải là chính-đạo, bèn đi nơi khác.

Các ngài nghe tôi đọc mấy lời biện-bác của Thích-già như trên đó, thời cũng khá-tưởng được triết-lý đạo Phật cao-thâm là dường nào. Những triết-lý ấy về thời đại Phật ở Ấn-độ thịnh-hành lắm. Các nơi rừng sâu núi cao trong vùng sông Hằng-hà thời bấy giờ, thiếu gì những bậc ẩn-dật, chán đời như Phật, bỏ nhà vào ẩn mình tu-luyện ở đấy, thường cùng nhau nghị-luận những lẽ cao-xa như vậy. Thứ nhất là cái vấn-đề hữu-ngã vô-ngã, là các nhà ấy bàn-bạc nhiều hơn nhất. Người ta ở đời thời thân-thể mình cùng linh-hồn mình có thực có hay không? Hay chẳng qua là một cái ảo-tưởng mà thôi? Mình mở mắt thời trông thấy rõ-ràng, mình nhắm mắt đi thời không còn gì nữa. Nhắm mắt mở mắt là sự bất-thường, thời vạn-vật trong thế-gian này cũng là bất-thường cả; đã là bất-thường thời còn cái gì là cái thực? Ta thường thấy con trẻ lấy cái ống rơm dúng vào nước sà-phòng mà thổi ra những bong-bóng xanh đỏ như sắc cầu-vồng, lúc ta trông thời những bong-bóng ấy vẫn là có thật, mà chớp mắt một cái, có gió thoảng qua, thời tan ra hết, còn lại không được một giọt nước. Ấy thiên-hình vạn-trạng trong thế-gian này chẳng qua cũng như cái bào-ảnh đó mà thôi. Cho chí tâm-thân mình, cái mà mình tự xưng là « ta », cái « bản-ngã » của mình ấy cũng là một nắm bong-bóng mà thôi. Có mà không, không mà có, không cũng như có mà có cũng như không, vô-ngã là hữu-ngã, mà hữu-ngã là vô-ngã, nghị luận cho ra, thật vô-cùng-tận. — Ấy những triết-lý cao-thâm như vậy, các nhà ẩn-dật ở Ấn-độ thời bấy giờ đàm-luận với nhau là thường. Thích-già từ khi xuất-gia cũng là một ông ẩn-dật như các ông kia, vì không bằng lòng đạo các ông dạy, nên hết sức suy-tầm ngầm-nghĩ, mới xướng ra đạo Phật.

Thích-già đi hết thày nọ sang thày kia, không gặp được thày nào là vừa ý, bèn quyết chí tu-đạo một mình. Theo thói thường các nhà ẩn-dật thời bấy giờ, Thích-già cũng tưởng rằng muốn tu-hành cho được phải khổ-hạnh cho nhiều. Bèn vào trong rừng sâu, chọn lấy gốc cây to ngồi đó, thu-thập tinh-thần để lập phép nhập-định, nghĩa là định-tĩnh cả thân-thể tâm-thần, khiến cho không biết sướng khổ là gì nữa, người biến thành như cái cây hòn đá vậy. Thậm chí mỗi ngày chỉ ăn một hạt thóc, một hạt vừng (一 麻 一 麥), mà ngồi thời suốt ngày suốt đêm không động đậy, chim muông làm tổ cả trên đầu trên vai. Trong khu rừng có năm người đạo-sĩ cũng tu-hành như thế, năm người lấy làm phục Thích-già lắm, coi như thày vậy. Khổ-hạnh như thế trong sáu năm trời, đến sau người tiều-tụy quá, chỉ còn xương bọc da. Người quanh vùng đấy thỉnh-thoảng đi lại, trông thấy hình-thể xấu-xa quá, thường chỉ nhau mà cười đùa diễu cợt, nói: « Thày Sa-môn Cồ-đàm gầy như đống xương; thày Sa-môn Cồ-đàm mặt xanh ngăn-ngắt; thày Sa-môn Cồ-đàm hôi như cá úi. »

Hình-thể mỗi ngày một suy mà chính-đạo vẫn chưa tìm được, tự nghĩ rằng có lẽ cách khổ-hạnh này không phải là đường tu-đạo, bèn từ-biệt năm người đồ-đệ mà đi ra nơi khác. Đi đến bờ sông Ni-liên (尼 連, Nairandlana) thời gặp hai người con gái chăn trâu tên là Nan-đà và Ba-la đem sữa và mật cho ăn, mới tỉnh dần ra. Năm người đồ-đệ kia thời thấy Thích-già thôi khổ-hạnh như thế, chê là người chưa được thoát-tục, còn bụng tham-sinh, cũng bỏ không nhìn nữa mà đi phương khác. Thích-già thời được bát sữa ăn, người đã thấy mạnh dần; lại xuống sông tắm mát, thấy người thêm khoan[đính chính 3]-khoái lên. Chẳng bao lâu mà hình-thể lại được tươi-tỉnh đẹp-đẽ như xưa.

Từ đấy quyết bỏ những sự khổ-hạnh vô-lý đã theo lầm trong sáu năm, nhưng cũng không trở về đời, tự-nguyện giữ lấy cái « trung-đạo », là con đường giữa, không say mê sự đời cũng không khắc-khổ hại thân, chắc đường ấy mới là đường phải, cứ theo có ngày đắc-đạo. Bèn đi vào trong bãi tha-ma, nhặt được mảnh vải bọc thây người chết, khoác làm áo mặc, rồi tìm nơi tĩnh-mịch, để ngồi ngẫm-nghĩ, nhập-định cho thấu lẽ đạo. Theo tục truyền thời các Phật đời trước đều ngồi dưới gốc cây bồ-đề mà đắc đạo. Vậy tìm đến dưới gốc một cây bồ-đề, giải cỏ làm như cái chiếu, rồi khoanh chân ngồi tựa gốc cây, thề rằng ngồi đấy cho kỳ đắc-đạo, chưa đắc-đạo không đứng lên vội.

Đời sau gọi tên chỗ ấy là « Bồ-đề đạo-trường » (Bodhimanda), hay là « Kim-cương-tọa » (Vadjrasana), và cây ấy là « Bồ-đề bảo-thụ » (Bodhidruma), nghĩa là chỗ ông « Bồ-tát » (cả chữ là « Bồ-đề tát-thùy » 菩 提 薩 埵 = Bodhisattva) ngồi đắc-đạo thành Phật. Trong khi bồ-tát Thích-già ngồi « nhập-định » dưới cây bồ-đề, thời Ma-vương (魔 王 = Mâra) là vua các yêu-tinh ma-quỉ đến làm phản, nạt-dọa cám-dỗ để ngăn-trở cho không thành đạo. Trước còn nổi mưa bão sấm sét, bắn tên bắn đạn vào chỗ bồ-tát ngồi, dùng hết cách bạo-động cho bồ-tát sợ, bồ-tát vẫn cứ điềm-nhiên, tên bắn như mưa mà không cái nào trúng, chệch ra ngoài cả. Ma-vương thấy cách bạo-động không ăn thua gì, dùng đến cách huyễn-mị; sai ba đứa con gái là ba con yêu-tinh cùng với một đoàn thị-tì thể-nữ, ăn-mặc lõa-lồ, nói-năng ngon-ngọt, đến dỗ cho bồ-tát phải siêu lòng; nhưng bồ-tát vẫn kiên như đá, vững như đồng, không tài nào suy-chuyển được. Trong sách lại nói rằng bồ-tát dùng phép thần-thông tức-khắc biến ba đứa con gái đẹp thành ba bà lão già, làm cho bọn yêu-tinh khiếp phải lui về cả, và Ma-vương cũng biết tay không dám trêu nữa.

Bồ-tát đã thắng-phục được Ma-vương, đến quá nửa đêm thời đại-ngộ đắc-đạo. Sách Phổ-diệu-kinh 普 曜 經 kể sự đắc-đạo như sau này: « Bồ-tát ngồi dưới gốc cây đã giáng-phục được ma-oán, bèn thành chính-chân-giác 正 眞 覺, dựng đại-pháp-tràng 大 法 幢, độ-thoát tam-giới. Trong khi ngồi lặng dưới cây đã trải qua bốn bậc « thiền-định » (禪 定 = dhyâna), thật là mở đường tắt cho người tu-đạo về sau. Ý đã thanh-tịnh, vị-chi nhất-thiền; tĩnh-nhiên thủ-nhất, chuyên-tâm bất-dịch, vị-chi nhị-thiền; trong lòng đã bình-tĩnh, trông rõ chân-tướng mọi sự, vị-chi tam-thiền; lòng không y-thiện, cũng không phụ-ác, không khổ không vui, bình-thản như không, tịch-nhiên không biến, vị-chi tứ-thiền. Thế gọi là vô-vi độ-thế 無 爲 度 世 vậy. Bỏ cái gốc ác, trừ những bụng dâm, nộ, mê, thoát được vòng sinh-tử, đoạn được các chủng-căn, không còn để di-nghiệt về sau, việc làm đã thành, trí-tuệ đã tỏ, lúc sao Mai mọc thời khuếch-nhiên đại-ngộ, được cái đạo « vô-thượng chính-chân », « tối chính-giác », cùng các pháp-lực của các Phật đời trước. Lại có thể hồi-ức những việc các kiếp trước, nói rằng: « Ta còn nhớ hồi Phật Đĩnh-Quang (錠 光 = Dipamkara) đã báo trước cho ta biết rằng kiếp này ta sẽ thành Phật, hiệu là Thích-già, nay quả như vậy, thật là cái công cần-khổ sở-cầu trong bao nhiêu kiếp, tới nay đã thành vậy ». Lại nhớ lại các kiếp trước mình đã làm được những việc gì là đạo-đức, từ-hiếu, nhân-nghĩa, lễ-tín, đã từng trung-chính thủ-thận, hư-tâm học-thánh, nhu-nhược tĩnh-ý, làm sáu bậc vô-cực-bố-thí, trì-giới nhẫn-nhục, tinh-tiến, một lòng trí-tụê, lại làm những việc từ-bi hỉ-hộ, tùy thời dưỡng-dục chúng-sinh, như thương con đỏ; công-phu ấy thật đã không uổng vậy ».

Theo các phạn-kinh thời đêm hôm ấy Thích-già đắc-đạo là giác-ngộ được bốn bậc như sau này; 1º thông-tỏ cả các việc kiếp trước; 2º trừ-khử các ác-căn ở trong lòng và được các tuệ-nhỡn để thấu xét mọi sự; 3º lý-hội được « thập-nhị nhân-duyên » là cái lưới giam chúng-sinh trong vòng luân-hồi; 4º phát-minh được « tứ-diệu-đề » là bốn điều cốt-yếu để giải-thoát khỏi vòng sinh-tử. Đã được bốn bậc như thế, thời là nghiễm-nhiên thành Phật. — Chỗ Thích-già thành Phật ấy, tương-truyền rằng bây giờ hãy còn, ở nơi gọi là Phật-đà Già-đồ (Buddha Gaya). Ở đấy có một cây lớn, tương-truyền là chính cây bồ-đề; Chánh-phủ Anh có cho đặt hàng-rào sắt để giữ chung-quanh. Gần đấy còn thấy những bia đá, có chữ đề, chứng rằng đời nào thiên-hạ cũng lấy đấy làm một nơi trảy-lễ đông.

Thích-già-mâu-ni đã thành Phật, còn ở lại đấy bảy tuần-lễ nữa, hoặc ở ngay dưới cây bồ-đề, hoặc ở dưới các cây trong vùng gần đấy, hay là ở trên bờ hồ, bờ suối cũng trong một miền ấy. Theo sách kinh thời Phật ở bốn tuần-lễ dưới cây bồ-đề, tuần thứ năm ở dưới cây đa (nyagrodha) của bọn chăn dê thường đến nghỉ mát, tuần thứ sáu ở gần hồ Mutchalinda, tuần thứ bảy ở dưới cây târâyama. Trong suốt hồi bấy giờ Phật tĩnh-toạ mà nghiền-ngẫm về các phép đạo huyền-diệu bí-hiểm; sách nói rằng gặp khi mưa to gió lớn thời có những thần rồng thần rắn (naga) xuất-hiện ra, phủ quanh mình cho khỏi gió mưa: khi đói thời các thiên-thần đem những nước cam-lộ tẩm-thấm vào người cho no. Bấy giờ Ma-vương lại đem yêu-tinh đến trêu nữa, nhưng thấy hào-quang Phật, sợ không dám làm gì. Nói tóm lại, thời bảy tuần-lễ thơ-thẩn dưới gốc cây trên bờ nước ấy, là hồi Phật đã đắc-đạo rồi mà trong lòng còn lưỡng-lự phân-vân, chưa biết có nên đem ra tuyên-bố cho đời không. Về sau này Phật có nói rằng: « Hồi bấy giờ ta đã đại-ngộ, biết rằng đắc-đạo rồi, nhưng lấy đạo ta mầu-nhiệm quá chừng, ngờ không biết đem ra dạy cho người đời, người có hiểu được không. » Trong lúc ấy thời sách chép rằng Phạn-vương (Brahma) và các thiên-vương khác ở trên trời, sợ rằng Phật ngã lòng không muốn ra tuyên-giáo cho đời, bèn xuất-hiện xuống để khuyến-thỉnh Phật. Bấy giờ Phật động lòng thương chúng-sinh trầm-luân trong bể khổ, mới quyết-chí ra « chuyển-pháp-luân » để cứu-nhân độ-thế. Vào khoảng cuối tuần thứ bảy, có một đoàn buôn năm trăm cỗ xe của hai chú lái Đế-lê-phú-bà (帝 黎 富 婆 = Trapucha) và Bạt-lê-già (跋 黎 迦 = Bhallika) đi qua đấy, thấy Phật đã lâu chưa ăn uống gì, làm bát đồ ăn ngon đem dâng Phật, rồi xin Phật độ cho. Hai chú lái ấy tức là hai người được nghe Phật dạy trước nhất cả. Song chưa thể gọi được là môn-đồ Phật, vì môn-đồ Phật phải làm tỉ-khưu (比 丘 = bhiksu), nghĩa là phải đi tu học đạo, hai người mới là đầu bọn « ưu-bà-tắc » (憂 婆 塞 = upasaka) mà thôi, nghĩa là người vẫn ở đời mà có bụng mộ-đạo.

Phật thuyết-pháp lần thứ nhất. — Song, được ít nhiều người theo đạo cũng chưa đủ, cần phải khuyến-dụ lấy nhiều môn-đồ, truyền-bá cho khắp mọi nơi, nghiễm-nhiên sáng-lập ra một tôn-giáo mới vậy. Việc ấy thật là to-tát khó-khăn, nhưng Phật không có nản lòng. Nay truyền đạo thời truyền cho ai trước nhất? Bấy giờ Phật mới nhớ đến hai thày dạy học năm xưa là A-la-la và Già-lan, là người tu-hành đã lâu, nay thuyết-pháp cho nghe, chắc dễ hiểu được ngay. Bèn đi tìm đến chỗ cũ, nhưng hai thày vừa mới mất cả rồi. Phật lại nghĩ đến năm người đồ-đệ đã cùng mình tu-luyện ở Khổ-hạnh-lâm, trên núi Già-đồ; được tin năm người ấy đã về thành Ba-nại-la (波 奈 羅 = Bénarès) rồi, Phật bèn đi ra thành ấy. Năm người đồ-đệ bấy giờ ở trong vườn Lộc-dã (鹿 野), nơi gọi là Richipatana, vẫn làm phép khổ-hạnh như khi ở núi Già-đồ. Năm người đã bàn với nhau rằng hễ thày sa-môn Cồ-đàm có tới thì chỉ nên tiếp một cách lạnh-nhạt. Khi trông thấy Phật đến, năm người không thèm đứng dậy ra đón. Nhưng Phật càng lại gần thời như có cái sức mạnh gì nó bắt năm người kia phải chạy ra mời vào, và tỏ lòng cung-kính. Phật ngồi yên chỗ rồi mới báo cho năm người biết rằng mình đã đắc-đạo và thuyết-pháp cho năm người nghe. Lần thuyết-pháp này là lần đầu, nói về « tứ-diệu-đề », chính là gồm cả tinh-túy của đạo Phật. Kinh Mahavagga của Nam-tôn thuật lại đoạn này tường lắm, xin dịch ra như sau này (theo bản Pháp-văn của Oldenberg-Foucher):

« Thế-tôn đi lần-lần từng chặng, sau mới đến thành Ba-nại-la, tới cái vườn nuôi giống thú gọi là Isipatana (tức là Richipatana ở trên, đây là dịch theo tiếng Nam-phạn), năm thày sa-môn tu-hành ở đấy. Năm thày trông thấy Thế-tôn ở đàng xa đi lại, bảo nhau rằng: « Này các anh, thày sa-môn Cồ-đàm lại kia, thày ăn sung mặc sướng, thày đã bỏ lòng tu-đạo, để ăn sung mặc sướng. Ta không nên tỏ lòng kính-trọng, ta không nên đứng dậy đón thày, không nên cất áo cất bát cho thày; ta chỉ nên dọn cho thày một chỗ ngồi; thày muốn ngồi thì ngồi. »

« Nhưng Thế-tôn càng lại gần năm thày thời năm thày càng không thể gan được, năm thày đứng lên đón Thế-tôn; một thày cất bát cất áo, một thày dọn-dẹp chỗ ngồi, một thày lấy nước rửa chân, đặt cái ghế ngồi, lấy gỗ kê chân. Thế-tôn ngồi lên ghế, ngồi xong rồi rửa chân.

« Nhưng năm thày nói với Thế-tôn vẫn gọi tên và kêu là « anh ». Năm thày nói như thế, Thế-tôn bảo năm thày rằng: « Này các thày Sa-môn, các thày đừng gọi Như-lai (Tathagata) bằng tên, đừng kêu Như-lai là bạn. Như-lai là thánh-nhân, Như-lai là Toàn-Phật. Các thày nên lắng tai mà nghe, đạo giải-thoát đã tìm được rồi; ta dạy cho các thày biết, ta thuyết-pháp cho các thày nghe. Các thày nghe ta dạy thời chẳng bao lâu cái gì mà những kẻ thanh-niên tuấn-tú yêu-mến đến nỗi vì đó bỏ cửa bỏ nhà, tha-thẩn mọi nơi, cái ấy các thày sẽ được, các thày sẽ thấy những sự hi-vọng tối-cao được hoàn-toàn thành-tựu; ngay đời này các thày sẽ được biết phép mầu, các thày sẽ được trông thấy phép mầu ngay trước mắt. »

« Thế-tôn nói như thế, năm thày Sa-môn bảo Thế-tôn rằng: « Này anh Cồ-đàm, xưa kia anh tu-hành, anh khổ-hạnh, còn chưa được toàn-trí, được chính-giác, được phép mầu trọn-vẹn của bậc thánh-nhân, huống nữa ngày nay anh ăn sung mặc sướng, anh bỏ lòng tu-đạo để ăn sung mặc sướng, anh còn mong được toàn-trí, được chính-giác, được phép mầu trọn-vẹn của bậc thánh-nhân, sao? »

« Năm thày Sa-môn nói thế, Thế-tôn bảo năm thày rằng: « Này các thày Sa-môn, Như-lai không có ăn sung mặc sướng, Như-lai không có bỏ lòng tu-đạo để ăn sung mặc suớng. Như-lai là Thánh-nhân, Như-lai là Toàn-Phật. Các thày nên lắng tai mà nghe, đạo giải-thoát đã tìm được rồi, ta dạy cho các thày biết, ta thuyết-pháp cho các thày nghe. Các thày nghe ta dạy thời chẳng bao lâu cái gì mà những kẻ thanh-niên tuấn-tú yêu mến đến nỗi vì đó bỏ cửa bỏ nhà, tha-thẩn mọi nơi, cái ấy các thày sẽ được, các thày sẽ thấy những sự hi-vọng tối-cao được hoàn-toàn thành-tựu; ngay đời nay các thày sẽ được biết phép mầu, các thày sẽ được trông thấy phép mầu ngay trước mắt. »

(Năm thày kia lại nói lại, Phật lại đáp lại hai lần như thế. — Các kinh Phật thường nói láy đi láy lại nhiều lần, biệt thành ra một lối văn riêng).

« Năm thày Sa-môn nói như thế, Thế-tôn bảo năm thày rằng: « Này các thày Sa-môn, các thày nhận có phải trước kia chưa bao giờ ta nói với các thày như thế không?

« — Tôn-sư chưa nói như thế bao giờ.

« — Này các thày Sa-môn, Như-lai là thánh-nhân, Nhu-lai là Toàn-Phật. Các thày nên lắng tai mà nghe, đạo giải-thoát đã tìm được rồi..., v. v.

« Bấy giờ năm thày lại nghe Thế-tôn nói, lắng tai mà nghe, chú-ý mà học.

« Thế-tôn bèn nói cho năm thày nghe như sau này:

« Này các thày Sa-môn, ở đời có hai sự thái-quá, người tu-đạo phải lánh cho xa. Hai sự thái-quá là gì? Một là đam-mê trong vòng sắc-dục: như thế thời hèn xấu, trái với đạo-lý, uổng công không đáng. Một là bắt buộc những sự khổ-hạnh: như thế thời cực lắm, mà cũng uổng công không đáng. Nay các thày Sa-môn, hai sự thái-quá ấy, Như-lai đều lánh xa cả. Như-lai đã tìm được con đường đi giữa, để mở mắt mở trí cho người ta, khiến cho tinh-thần được bình-tĩnh, được thông-tỏ, được sáng-suốt, được tới cõi Nát-bàn (湼 槃 = Nirvâna). Vậy các thày có biết con đường giữa mà Như-lai đã tìm được ấy, con đường để mở mắt mở trí cho người ta, khiến cho tinh-thần được bình-tĩnh, được thông-tỏ, được sáng-suốt, được tới cõi nát-bàn ấy, là gì không? Con đường thần-diệu ấy gọi là đường « bát-chính » (八 正 道): 1º Chính-kiến (正 見 = samyaksadrsti), nghĩa là thành-thực mà tin đạo; 2º chính-tư-duy (正 思 惟 = samyasankalpa), nghĩa là thành-thực mà suy-xét; 3º chính-ngữ (正 語 = samyakvâkram), nghĩa là thành-thực mà nói-năng; 4º chính-nghiệp (正 業 = samyakkarmanta), nghĩa là thành-thực mà làm việc; 5º chính-mạnh (正 命 = samyakjivara), nghĩa là thành-thực mà mưu-sinh; 6º chính-tinh-tiến (正 精 進 = samyakvyâyâma), nghĩa là thành-thực mà mong tới; 7º chính-niệm (正 念 = samyaksmrti), nghĩa là thành-thực mà tưởng-nhớ; 8º chính-định (正 定 = samyaksamâdhi), nghĩa là thành-thực mà ngẫm-nghĩ. — Này các thày Sa-môn, ấy đó là con đường trung-đạo, Như-lai đã phát-minh ra được, để mở mắt mở trí cho người ta, khiến cho tinh-thần được bình-tĩnh, được sáng-suốt, được tới cõi nát-bàn.

« Này các thày Sa-môn, đây là phép mầu về sự khổ: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái gì ưa mà phải dời là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ, nói tóm lại triền-miên trong ngũ-trọc là khổ[1].

« Này các thày Sa-môn, đây là phép mầu về nguyên-nhân sự khổ; nguyên-nhân sự khổ là lòng tham sống, vì tham sống nên phải luân-hồi sinh-tử, càng tham càng muốn, càng được càng tham, tham sống, tham sướng, tham mạnh[2].

« Này các thày Sa-môn, đây là phép mầu về sự diệt-khổ; diệt-khổ phải tiêu-trừ lòng tham-dục, phải giải-thoát cho hết lòng tham-dục, không để cho còn một chút nào[3].

« Này các thày Sa-môn, đây là phép mầu về đạo diệt-khổ, đạo diệt-khổ tức là đạo bát-chính: chính-kiến, chính-tư-duy, chính-ngữ, chính-nghiệp, chính-mệnh, chính tinh-tiến, chính-niệm, chính-định[4].

« Đó là phép mầu về sự khổ. Các thày Sa-môn coi đó thời biết những quan-niệm ấy trước kia chưa ai nghĩ đến, mắt ta đã trông tỏ được; nhờ đó mà ta được biết, được rõ, được sáng, được tỏ. — Phép mầu về sự khổ ấy, cần nên phải hiểu mới được. — Phép mầu về sự khổ ấy, ta đây đã hiểu rõ rồi. — Các thày Sa-môn coi đó thời biết những quan-niệm ấy trước kia chưa ai nghĩ đến, mắt ta đã trông tỏ được; nhờ đó mà ta được biết, được rõ, được sáng, được tỏ.

« Đó là phép mầu về nguyên-nhân sự khổ, v.v... (Mỗi phép lại láy lại theo một giọng như trên).

« Này các thày Sa-môn, bốn phép mầu trên ấy, trong khi ta còn chưa được thông-tỏ rõ-rệt, mỗi phép thành ba phần, bốn phép mười-hai khoản[5], thời ta vẫn biết rằng trong cõi đời này, cùng với các cõi đời của chư-thiên, của Ma-vương (Mara), của Phạn-vương (Brahma), trong vòng nhất-thiết chúng-sinh, cùng các sa-môn, các phạn-chí, chư-thiên, chư-nhân, ta chưa được tới bậc chí-tôn là bậc Phật vậy. Này các thày Sa-môn, nhưng từ khi bốn phép ấy, ta được trông tỏ rồi, mỗi phép thành ba phần, bốn phép mười-hai khoản, thời từ bấy giờ ta biết rằng trong cõi đời này, cùng với các cõi của chư-thiên, của Ma-vương, của Phạn-vương, trong vòng nhất-thiết chúng-sinh, cùng các Sa-môn, các phạn-chí, chư-thiên, chư-nhân, ta đã được tới bậc chí-tôn là bậc Phật vậy. Ta đã nhận, ta đã biết như thế, tâm-hồn ta được vô-cùng giải-thoát; đời này là cuộc sinh cuối cùng của ta; kể tự nay trở đi, ta không còn sinh nữa. »

« Thế-tôn nói như thế; năm thày Sa-môn hoan-hỉ, ngợi khen lời Thế-tôn dạy... »

Ấy cứ trong sách Phật của Nam-tôn thời lần đầu Phật thuyết-pháp cho năm thày Sa-môn như thế. Sách Bắc-tôn chép cũng giống, nhưng không được tường-tận như vậy. Lần thuyết-pháp đầu ấy sách gọi là « chuyển pháp-luân » (轉 法 輪 = dharma-tchakra-pravartanam, Tây dịch là « tourner la roue de la loi », nghĩa là quay bánh xe phép). Tuy năm thày Sa-môn đều hoan-hỉ lĩnh-giáo, song lần đầu ấy mới có một thày Kiều-trần-như (僑 陳 如 = Kaundinya) là cảm-hóa theo Phật, bởi thế nên được hiệu là « Thiện-thính » (Adjnyâta). Bấy giờ có thày là đệ-nhị la-hán, đệ-nhất la-hán là Thích-già. Còn bốn thày kia thời phải thuyết-pháp một lần nữa mới cảm-hóa được, lần này không có tên riêng, nhưng có thể gọi là thuyết-pháp về lẽ « vô-ngã ». Trong khi Thích-già thuyết-pháp, thời năm người môn-đồ cắt lần lượt nhau ra ngoài thành xin của bố-thí về để thày trò cùng ăn. Khi truyền phép đã xong, ai nấy đã hiểu, thời sách Phật nói bấy giờ trong đời cả thảy có sáu vị la-hán, tức là Thích-già-Mâu-ni và năm người đồ-đệ vậy. Năm người ấy là Thiện-thính Kiều-trần-như (Adjnyâta Kaundinya), A-xả-bà-đồ (阿 捨 婆 闍 = Asvadjit), Bạt-ba (跋 波 = Vâchpa), Ma-kha-na-ma (摩 訶 那 摩 = Mahânâma), và Bạt-đà-la-đồ (跋 陀 羅 闍 = Bhadrika); tức là khởi-điểm hội Tăng-già (僧 伽 = Sangha) sau này. Vì rút lại Thích-già-mâu-ni chẳng qua là người sáng-lập ra một đoàn tu-đạo đi hành-khất và ăn của bố-thí mà thôi, thế mà sau ảnh-hưởng sâu-xa biết bao, thế-lực bành-trướng dường nào.

Phật ra tay truyền đạo. — Tự bấy-giờ cho đến ngày nhập « nát-bàn », nghĩa là trong một khoảng bốn-mươi-lăm năm, Phật đi truyền-giáo khắp mọi nơi, tăng-hội mỗi ngày một thêm người thụ-giới, phải tùy sự yếu-cần, đặt ra phép-tắc, qui-định mọi việc, lại giao-thiệp với những nơi quyền-quí, để mong có người bảo-hộ lâm-thời; gặp kẻ nào phản-đối, phải biện-bác cho được; nói tóm lại thời từ khi thành Phật cho đến khi nát-bàn, thật đã hết sức truyền-bá cho đạo ngày một rộng, gây-dựng cho giáo-hội vững bền. Trong ngót nửa thế-kỷ ấy, công việc của Phật rất nhiều, không thể kể sao cho hết. Nay chỉ kể đại-khái mấy việc trọng-yếu như sau này.

Phật ở thành Ba-nại-la (Bénarès) ít lâu, độ cho chàng Gia-xá (耶 舍 = Yasas), cho bốn người dân trong thành, và luôn một lúc năm-mươi người nữa, rồi đi ra Ưu-lâu-tần-loa (優 樓 頻 螺 = Uruvilva), gần núi Già-đồ (Gaya), có ý muốn độ cho ba anh em họ Già-diệp (迦 葉 = Kasyapa): Ưu-lâu-tần-loa, Na-đề (那 提 = Nade) và Kiệt-di (竭 夷 = Gayâ) Già-diệp, ba người là tay đạo-sĩ có tiếng; lại có phép thần-thông, môn-đồ tới nghìn người, đều tết tóc thành « bím », nên có tên là « phái để bím » (djâtila). Trong khi đi đường, Phật gặp một lũ sáu-mươi chàng thiếu-niên phóng-túng, chỉ nói chuyện chơi-bời, Phật dụ cho có lòng cải-quá. Tới nơi, Phật độ cho ba anh em Già-diệp cùng hai trăm năm-mươi đồ-đệ của mỗi người. Đoạn, họp cả nghìn người ấy lên trên núi Già-đồ, thi-hành những phép kỳ thuật lạ cho mọi người cảm-phục, rồi thuyết-pháp cho nghe, nói về tình-dục người ta, ví như ngọn lửa, đốt cháy tâm-can, người nào tu-đạo, phải tắt cho hết mọi lửa dục-tình. Lần thuyết-pháp ấy tức là lần thứ ba từ khi đắc-đạo, gọi tên là « thuyết-pháp về lửa cháy ».

Từ đấy rồi Phật đi ra Vương-xá-thành (Radjagriha), đi cùng với cả bọn đồ-đệ mới hơn một nghìn hai trăm người. Khi Phật vào thành, nhân-dân hoan-nghênh cổ-võ lắm. Trong sách nói thần Đế-thích (Indra) cũng phải tự trên trời xuống hiện-hình múa đón trước mặt. Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) xuất quan-quân ra tận ngoài thành đón, vui-vẻ lắm. Vua với Phật cùng các đồ-đệ vào ở trong vườn Trúc-viên (竹 園 = venuvâna). Vườn này rồi sau dựng tinh-xá (精 舍 = vihâra)[6], Phật thường đi về đấy luôn. Vua thời trong khi tại-vị vẫn một lòng mộ đạo, hết sức bảo-hộ. Ơ Vương-xá-thành Phật độ được hai người đệ-tử trứ-danh về sau này, gọi là hữu-thủ và tả-thủ-đệ-tử: Xá-lợi-phất (舍 利 弗 = Sariputra) có tiếng là người khôn-ngoan đạo-đức và Mục-kiện-liên (目 健 連 = Modgalyâyana), có tiếng là người tài lạ phép kỳ. Trong khi Phật còn ở Vương-xá-thành có một nhà trưởng-giả ở nước Kiều-tát-la (Kosala) tên là Tu-đạt (須 達 = Sudatta), người giàu có nhân-đức, hay chẩn-cấp cho kẻ nghèo-nàn, nên dân-gian thường gọi là « Cấp-cô-độc » (給 孤 獨 = Anathapindika) nghe tiếng Phật, bèn đến mời Phật về Xá-vệ-thành (舍 衛 城 = Srâvasti) là kinh-đô nước Kiều-tát-la, rồi cùng với Thái-tử trong nước tên là Kỳ-đà (祇 陀 = Jéta) dâng Phật một nhà tinh-xá to-rộng đẹp-đẽ gọi là Kỳ-viên (祇 園 = Jetavạnạ) — Thuộc về nhà tinh-xá này, sách Phật có thuật một truyện lạ. Trong Hiền-ngu-kinh 賢 愚 經 chép rằng: « Tu-đạt sau khi tiếp mặt Phật, bạch Phật rằng: « Xin nguyện Như-lai, về thành Xá-vệ, độ cho chúng-sinh, trừ-tà tựu-chính. » Thế-tôn đáp rằng: « Ở thành Xá-vệ không có tinh-xá. » Tu-đạt nói: « Đệ-tử xin khởi-nguyện, mong Thế-tôn cho phép. » Thế-tôn không nói gì[7]. — Khi Tu-đạt về Xá-vệ, Phật sai Xá-lợi-phất (Sariputra) đi theo để chọn đất. Tìm mãi không được chỗ nào địa-thế tốt, duy có cái vườn của Thái-tử Kỳ-đà (Jéta) là nơi tiện đặt nhà tinh-xá hơn cả. Tu-đạt bèn đến nhà Thái-tử, bạch rằng: « Tôi nay muốn vì Như-lai, lập nhà tinh-xá, Thái-tử có vườn tốt, xin bán cho tôi mua. » Thái-tử nói: « Ví ngươi đem vàng rải khắp mặt đất, không sót chỗ nào, ta sẽ cho ngươi. » Tu-đạt sai người đánh voi khiêng vàng lại, vụt chốc tám-mươi khoảnh đất, vàng gần khắp cả, chỉ còn sót một ít nữa. Thái-tử hỏi: « Thế nào, ngươi hết vàng rồi sao? » Tu-đạt nói: « Thưa không, tôi còn kho nữa. » Thái-tử bấy giờ tự nghĩ rằng: Phật tất có đạo-đức mới khiến được người này khinh của như vậy, bèn cho thôi, không phải đem vàng lại nữa, nói rằng: « Đất vườn của ngươi, cây cối của ta, ta xin dâng Phật, cùng dựng tinh-xá. » Tu-đạt ưng thế, tức-tiện thi-công, khởi-lập tinh-xá, đặt một điện (tchaitya) để Phật thuyết-pháp, dựng các phòng để một-nghìn-hai-trăm đệ-tử trụ-trì, chia ra một trăm hai-muơi xứ, mỗi xứ mười phòng, v. v.... »

— Truyện ấy gọi là « bố-kim-mãi-địa » (布 金 買 地 = rải vàng mua đất), không biết có thật đúng như thế không, nhưng cũng đủ chứng rằng đương Phật sinh-thời đã có người mộ-đạo Phật đến phí của một cách cực hào-phóng mà không tiếc vậy.

Kỳ-viên (Jétavana) là nơi Phật thường ở luôn, dù đi thuyết-pháp đâu rồi cũng hay về đấy. Song Phật bình-sinh vẫn không có định-cư. Chính ngay ở Xá-vệ, Phật cũng còn ở một nơi nữa gọi là Đông-viên (東 園 = Purvarama), của một người tên là Visâkhâ dâng.

Phật đến Xá-vệ, thiên-hạ ra xem đông lắm. Vua Ba-ti-nặc (Prasénajit) cũng như vua Tần-bà-sa-la cùng sinh một ngày với Phật, nghe nói có Phật đến, chưa tin, không ngờ người còn trẻ thế mà đã đắc-đạo rồi, bèn thân-hành đến xem và chất-vấn về đạo. Phật thuyết-pháp cho vua nghe, giải ngờ cho vua rõ. Bài thuyết-pháp ấy gọi là « Thiếu-niên-kinh » hay là « Gương thiếu-niên » (Dahara Sutra, Kumara drichtânta sutra), là một bài trứ-danh nhất của Phật.

Tự thành Xá-vệ, Phật trở về thành Già-tỉ-la (Kapilavastu) là tỉnh nhà, đã hơn sáu năm nay chưa về. Vua cha, cả nhà, cả họ và cả dân trong thành thỉnh-cầu mãi Phật mới chịu về. Phật về, mọi người đều vui-vẻ đón-rước, rồi cùng với đệ-tử trụ-trì trong vườn Ni-cư-đà (尼 居 陀 = Nyagrodha), vì Phật đã xuất-gia rồi, không có để chân vào nơi cung-điện cũ nữa. Tự khi Phật về nhà, nhân-dân nao-nức theo đạo, người ta ham-mê nhiệt-thành quá, ai cũng có cái chí xuất-gia. Bao nhiêu những nhà sang-trọng trong giòng Thích-già (Sakya) đều xin bỏ nhà thụ-giới. Chính vua Tĩnh-phạn (Suddhodana) cũng nhường ngôi để đi tu. Sách nói trong thành Già-tỉ-la bấy giờ đầy những tiếng đàn-bà con-gái than-khóc, kẻ mất cha, người mất chồng, người mất con, vì bao nhiêu đàn-ông con-trai đua nhau đi tu gần hết cả. Bấy giờ Phật phải đặt phép hạn-chế sự nhiệt-thành quá như vậy, định rằng mỗi một nhà chỉ được một người thụ-giới mà thôi, và con trẻ thời phải cha mẹ thuận mới được. Trong số những đệ-tử Phật độ cho ở Già-tỉ-la thời có em Phật là Nan-đà (難 陀 = Nanda), con Phật là La-hầu-la (羅 喉 羅 = Rahula), em họ là A-nan-đà (阿 難 陀 = Ananda), sau này thành người đệ-tử thân-tín của Phật, và Đề-bà-đạt-đa (提 婆 達 多 = Devadatta) sau này thành người cừu-địch thâm-thù với Phật; rồi đến anh thợ ngôi tên là Ưu-ba-li (優 波 離 = Upali) sau đắc-đạo và có một phần to trong việc lập-thành bộ Tam-tàng, v.v...

Một việc quan-trọng nhất trong khi Phật về ở Già-tỉ-la là sự cho đàn-bà đi tu, và khởi đầu đặt ra một ban tỉ-khưu-ni (比 丘 尼 = bhiksuni) trong tăng-hội. Dì Phật là bà Ba-đồ-ba-đề (Prajâpati) cùng với nhiều các bà khác trong giòng Thích-già, nghe Phật thuyết-pháp lấy làm cảm-phục lắm, cố xin cho thụ-giới. Phật trước còn chối không cho; nhưng A-nan thay lời các bà, nói khẩn-khoản mãi Phật mới chịu nhận. Tự đấy trong tăng-già (sangha) mới bắt đầu có vừa tỉ-khưu (bhiksu), vừa tỉ-khưu-ni (bhiksuni). Song xét ra Phật cũng là miễn-cưỡng mà cho vào, không có ý chăm-chút lắm, chẳng qua là giám-đốc xa mà thôi, hình như không muốn can-thiệp đến. Phật thường để cho bà dì tự-do quản-lý, tiếp-nhận và dạy-bảo các vãi, nói tóm lại là giao cho một tay bà trông-nom mọi việc về phần đàn-bà vậy.

Phật bình-sinh đối với đàn-bà vẫn có bụng hoài-nghi, cho rằng đàn-bà không có đủ tư-cách mà tu-đạo được trọn-vẹn, không những thế, lại thường khi làm ngăn-trở đường tu-hành cho những kẻ hữu-tâm mộ-đạo. Cho nên thường dạy các môn-đồ đối-đãi với đàn-bà phải rất nên cẩn-thận, không nên tin người, cũng không nên tin mình, phải biết cái sức dục-tình là mạnh và ra công ngăn-ngừa cho khỏi mắc. Phật nói: « Trong khi giao-thiệp với đàn-bà con gái, phải nên theo phép-tắc như sau này: đối với người bằng hay là hơn tuổi mình, phải nên coi như mẹ, như chị, đối với người kém tuổi mình, thời nên coi như em gái; cứ yên tâm yên trí như thế thời mới mong tránh được sự cám-dỗ. »

Nay thuộc về năm Phật trở về tỉnh nhà, thời các sách không được nhất-thuyết, có sách nói là ngay năm đắc-đạo, có sách nói là sáu năm sau; lại có sách chép là mười-lăm năm sau khi đắc-đạo Phật có về quê nhà một lần. Cũng có lẽ Phật đi về nhiều lần, mà người đời sau kể gồm cả làm một lượt. Nói riêng về việc cho đàn-bà thụ-giới thời cũng có lẽ việc ấy vào năm đầu Phật mới đắc-đạo vậy.

Sau khi đi Xá-vệ và Già-tỉ-la thời Phật lại trở về Vương-xá-thành, ở luôn năm thứ hai, thứ ba và thứ tư. Năm thứ năm đi ra Bế-tắc-thành (閉 塞 城 = Vaisali, nhất-danh là Tỉ-xá-ly 毗 舍 離), đấy có người kỹ-nữ trứ-danh tên là Amradârikâ dâng Phật một nhà tinh-xá, chung-quanh có vườn rộng ao sâu. Năm sau thời ra ở thành Câu-tát-tỉ (拘 薩 比 = Kosambhi), thuộc về nước Câu-tát-tỉ-già (拘 薩 比 伽 = Kosambhiya). Năm thứ bảy, Phật lên thiên-giới thuyết-pháp cho ba-mươi-ba bậc thiên-thần, và thứ nhất cho mẹ là bà Ma-gia-phu-nhân, vì bà mất sớm chưa được biết phép mầu của con. Năm thứ tám có sách nói Phật ở hòn núi Sansumara gần thành Gia-tỉ-la và năm thứ chín lại về thành Câu-tát-tỉ (Kosambhi), nhưng ở nơi khác lần trước, trong vườn Ghosika. Mấy năm sau, thứ mười, mười một, mười hai, mười ba, thời trụ-trì những nơi không có danh-tiếng mấy, như rừng Parâli, rừng NalakaVeranya, núi Tcheliya, ở đấy có thiên-thần hiện xuống đón Phật. Năm thứ mười-bốn về Xá-vệ-thành, năm thứ mười-lăm về Già-tỉ-la ở vườn Ni-cừu-đà (Nyagrodha) như trên kia đã nói. Năm thứ mười sáu, Phật ra nơi gọi là Alava, hiện phép thần-thông, thắng-đoạt dị-giáo. Năm thứ mười bảy, mười tám, mười chín ở Trúc-viện (Venouvana) trong Vương-xá-thành; sáu năm sau ở Đông-viên (Purvarâma) trong Xá-vệ-thành. Mấy năm sau cùng, Phật còn đi nhiều nơi khác nữa, nhưng thường ở Xá-vệ-thành nhiều hơn cả.

Nói tóm lại thời Phật không có chỗ nào là định-cư, và những nơi trên kia vừa kể đó cũng không phải là Phật ở suốt cả năm đâu, chẳng qua chỉ ở một phần năm là khoảng « học hạ » (varcha) từ tháng năm đến tháng chín mà thôi; còn những tháng khác thời cùng với đệ-tử đi hành-khất mọi nơi, gặp đâu ở đấy. Song trong khi đi như vậy, cũng không bao giờ đi xa lắm. Đạo Phật tuy về sau có cái thế-lực rất mạnh, tràn-ngập cả một phần thế-giới, mà khi sinh-thời Phật-tổ chẳng qua chỉ mới chiếm được một khu-vực con-con trong trung-bộ An-độ mà thôi. Khu-vực ấy trong sách gọi là « trung-vực » (madhya-desa), Phật không từng ra ngoài giới-hạn bao giờ. Mấy thành Vương-xá (Radjagriha), Xá-vệ (Sravasti), Ba-nại-la (Bénarès), Gia-tỉ-la (Kapilavastu), Tỉ-xá-li (Vésali), Câu-đàm-di (拘 郯 彌 = Kosambhi), đó là mấy cái mốc lớn trong khu-vực ấy, mấy nơi Phật thường đi lại luôn; đem ra mà đối-chiếu vào bản-đồ Ấn-độ bây giờ thời chẳng qua là một vùng nhỏ trong lưu-vực sông Hằng-hà (Gange) vậy. Như vậy thời những truyện Phật du-lịch phương xa chắc là những truyện huyền cả. Tuy sách có nói Phật đi những miền nam-biên bắc-thùy, như phía Bắc tới hồ Anavatapta, phía nam tới đảo Tích-lan (Ceylan, trong sách Phật gọi là Lăng-già 楞 伽 = Lanka), song không có gì làm bằng-cứ. Như nói về hồ Anavatapta thời sách nói Phật dùng phép thần-thông đằng-không mà tới, coi đó đủ biết là truyện huyền. Còn việc đi Lăng-già (Ceylan), tuy cũng nhiều sự huyền, nhưng cũng có lẽ có thật. Song xét cho kỹ ra thời chắc là người đời sau đặt ra, và là người thuộc về Nam-tôn, muốn cưỡng-chứng rằng chính Phật-tổ đã truyền đạo Phật tới đảo Tích-lan, kỳ-thực Phật không từng đi đến đấy bao giờ.

Cách sinh-hoạt và cách hành-động. — Phật bình-thời sinh-hoạt hành-động thế nào, nay không thể biết rõ được. Song cứ cóp nhặt các việc tản-mạn trong kinh-sách mà suy-loại ra thời cũng có thể tưởng-tượng được cách sinh-hoạt hành-động của Phật đại-khái như sau này.

Sáng dậy sớm, khoác áo cà-sa (kashaya), tay cầm cái bát, — bởi đó mà ngày sau có tiếng « y-bát » để chỉ người tu-hành, — ra ngoài thành hay là vào trong xóm, đến từng cửa một hành-khất đồ ăn. Các đệ-tử cũng làm như vậy. Những thiện-nam tín-nữ trong làng ngoài tỉnh muốn thi-hành công-đức bố-thí thời đã sửa-soạn sẵn cơm cháo để người hành-khất đến nơi đem ra cung-dưỡng. Hiện nay ở Diến-điện, Xiêm-la, Cao-miên, tục tăng-gia hành-khất vẫn còn thịnh-hành lắm, vì mấy nước ấy thuộc Nam-tôn-Phật-giáo, mà Nam-tôn vẫn giữ được nguyên chính-truyền hơn Bắc-tôn.

Đi hành-khất xong thời về tinh-xá (vihâra), đến ngọ mới ăn cơm, mỗi ngày chỉ một bữa. Từ trưa trở đi thì Phật tĩnh-tọa để ngẫm-nghĩ, hay là đăng-đàn để thuyết-pháp. Thường những giờ quá trưa về chiều, hay là buổi hoàng-hôn chập tối, là những lúc Phật hay ngồi một mình, thu-thập tinh-thần mà siêu-thăng nhập-định. Nhất là buổi hạ-ngọ, chung quanh cây-cối um-tùm, ngoài xa ánh nắng chói-lọi, vạn-vật nín hơi, muôn loài thiếp ngủ, bấy giờ cái thú trầm-tư mặc-tưởng, tịch-mịch âm-thầm, êm-đềm mà khoan-khoái biết bào!

Cứ trong kinh-sách thời những khi Phật thuyết-pháp, số người nghe kể hàng ức hàng vạn, không những đệ-tử cùng thiện-nam tín-nữ, lại cả thập-phương bồ-tát la-hán, tứ-phương thiên-vương long-vương, vân vân; nhưng đó là truyện huyền, người sau phụ-họa, không giá-trị gì. Song xét những sách rất cổ của Nam-tôn thời thấy ước-lượng số người nghe Phật thuyết-giáo thường-thường chỉ có một nghìn hai trăm hay là ba trăm người mà thôi; như thế thời có thể tin được, không lấy gì làm quá vậy. Trong số ấy có bốn hạng người, gọi là « tứ-chúng »: 1º tỉ-khưu (bhikshu), 2º tỉ-khưu-ni (bhikshuni), nghĩa là những đệ-tử đàn-ông đàn-bà đã xuất-gia thụ-giới, tức là hạng sư và vãi; 3º ưu-bà-tắc (upasaka) và 4º ưu-bà-di (upasika), nghĩa là các thiện-nam tín-nữ, người tại-gia mà có bụng mộ-đạo. Lúc thuyết-pháp thời chốn tinh-xá, cửa già-mồn, ai ra vào cũng được. Hoặc có người ngoài muốn nghe Phật giảng-thuyết hay là chất-vấn về đạo, Phật cũng sẵn lòng đối-đáp, không hề từ chối bao giờ. Cũng có khi Phật không ra mắt, thời phái một người trong bọn đệ-tử thân-tín (thường-thường là A-nan) để ra tiếp khách, rồi vào thuật lại cho Phật hay; nhưng một đôi lần có vấn-đề gì khó, đệ-tử cũng phải vào lĩnh-giáo trước. Ai nói phải làm phải, thời Phật khen, ai nói sai làm trái thời Phật chê, có khi quở-mắng. Song Phật không phải là chỉ có những người quyền-quí bảo-hộ, những kẻ đệ-tử phụng-thờ, những thiện-nam tín-nữ giốc lòng tin đạo; Phật cũng có kẻ thù-hằn, người phản-đối, đứa ghen-ghét, kẻ không dung; trước nhất là các thầy cả các đạo khác, trái với đạo Phật, mà đạo Phật gọi tổng-danh là các thầy « ngoại-đạo ».

Kẻ cừu-địch ở ngoài. — Hồi Phật-tổ lập-giáo, Ấn-độ có sáu phái triết-học lớn, trong sách Phật thường gọi là « lục phái ngoại-đạo » (六 派 外 道), hay là « ngoại-đạo lục-sư » (外 道 六 師 = tirthika).

Đối với các phái « ngoại-đạo » ấy, Phật thường bị phản-đối, hoặc có khi hai bên tranh-biện. Nhưng xét ra thời không có mấy khi các thầy đối-diện nhau mà biện-nạn, thường là các đệ-tử, truyền đi đáp lại, phản-đối vọng nhau mà thôi, thảng-hoặc có một đôi dịp, nhân có ông vua chúa nào hiếu-sự muốn họp các thầy lại để cho thi nhau mà cãi lẽ, thời bấy giờ Phật mới phải ra xung-đột với kẻ cừu-địch, nhưng những khi ấy thời trong sách lại nói huyền lắm, chỉ kể những truyện Phật dùng phép thần-thông mà thắng-đoạt bọn kia, không thuật đến nghĩa-lý bao giờ, thật cũng đáng tiếc, vì không thể biết được các phái kia trách Phật những gì và Phật tự-giải thế nào. Thể nào mặc dầu, sự cạnh-tranh chắc cũng là kịch-liệt lắm, và đạo Phật thành-lập nên, thịnh-hành được, chính là bởi đã thắng-đoạt được các giáo kia vậy.

Kẻ phản-gián ở trong. — Phật không những phải đối-phó với những kẻ cừu-địch ở ngoài, mà lại phải đàn-áp những kẻ phản-gián ở trong; vì chính trong tăng-hội cũng có kẻ phản-đối Phật. Đứng đầu đảng phản-đối ấy là Đề-bà-đạt-đa (Dévadatta), em họ Phật. Đề-bà-đạt-đa ấy, trong sách Phật cho là kẻ rất hiểm-độc, bao nhiêu những mưu gian chước ác là một tay hắn chủ-trương cả; hắn muốn mưu phá công-nghiệp Phật, muốn phân bè-đảng trong tăng-hội, để thừa-cơ mà lập một giáo-hội khác, kỷ-luật nghiêm hơn, vì hắn trách đạo Phật vẫn còn có cách phóng-túng, chưa được thực là nghiêm-nhặt. Song cứ trong sách thuật thời chẳng qua là một kẻ xấu bụng, có tính ghen-ghét. Sách nói rằng mấy lần hắn muốn hại đến cả sinh-mệnh Phật, — khi thời Phật đương đi, hắn thả con voi điên cho chạy vào Phật, hay là bẩy tảng đá lớn cho lăn vào Phật. Sách lại chép rằng hắn mưu với một thầy cả ngoại-đạo tên là A-đồ-la-sí-sá-khâm-bà-la 阿 闍 羅 翅 舍 欽 婆 羅 (Ajita-késa-kam-bala) sai một đứa con gái tên là Chiên-già-ma-na 㫋 遮 摩 那 (Candramana) ngày ngày đến chỗ Phật ở, công-nhiên đi lại, ra giáng người tín-nữ đến nghe giảng. Được ít lâu thời đứa con gái ấy lấy rơm độn bụng mỗi ngày một to, như người có mang. Bấy giờ các thầy ngoại-đạo giả-lờ không biết, hỏi nó: « Làm sao mày lại to bụng thế? » Nó trả lời rằng: « Tại ngày ngày tôi đi lại với thầy Cồ-đàm, nên mới ra thế. » Các thầy bèn làm om-xòm vỡ-lở ra, phao truyền rằng Phật không những quyến-dỗ tử-đệ của các thầy, lại thông-dâm với gái tội ác vô-cùng. Rồi dẫn đứa con gái đến trước Phật, thiên-hạ đi theo sau lao-nhao cả lên. Bấy giờ Phật đương thuyết-pháp cho tứ-chúng nghe. Các thầy chỉ vào Phật nói to lên rằng: « Đừng nghe người giả-trá này, người này đã phạm tội dâm-dục, không phải là người đắc-đạo đâu, chẳng qua là dùng ảo-thuật để lừa chúng mà thôi. Trông đứa con gái đây, vì ai mà nó đến to bụng như thế này? » Đứa con gái cũng nói theo: « Vì thầy Cồ-đàm tôi mới đến nỗi này. » — Sách chép rằng đương lúc khó nghĩ ấy, Đế-Thích (Indra) ở trên trời xuống, hóa ra con chuột con, chui vào áo đứa con gái, cắn đứt cái thắt lưng, rơi bị rơm ở trong bụng ra! Bấy giờ chúng mới biết rõ mưu gian, sỉ-mạ bọn thầy ngoại-đạo. Đứa con gái thời lui-lủi chạy mất...

Những tội đó, trong sách đổ cả cho Đề-bà-đạt-đa, nhưng không chắc có phải một mình hắn, hay còn nhiều kẻ khác nữa[8]. Song sự đó cũng không quan-hệ gì; chỉ nên biết là ngay trong tăng-hội cũng có kẻ vì lòng ghen-ghét mà phản-đối Phật. Lệ thường các bậc siêu-quần xuất-chúng, có tài-học, có đạo-đức hơn người thường, hay bị những kẻ tiểu-nhân ghen-ghét; các bậc giáo-chủ xưa nay ai cũng từng qua những nông-nỗi ấy, Phật-tổ không thể tránh được lệ thường vậy.

Mấy năm về già. — Phật-tổ mấy năm về già, nhiều việc đau-đớn. Xưa nay những kẻ được sống lâu thường hay phải cái khổ mắt trông thấy những người thân-yêu, kẻ tin-cậy chết trước mình. Phật cũng vậy. Trong các đệ-tử có hai người thân-tín nhất là Xá-lợi-phất (Sariputra) và Mục-kiện-liên (Modgalyayana), hai người đều chết trước Phật. Lại hai ông vua đã có công to giúp Phật, vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) nước Ma-yết-đà và vua Ba-ti-nặc (Prasénajit) nước Kiều-tát-la, đều kế nhau gặp nạn bị chết, ông Tần-bà-sa-la bị con là A-nhược-đà-tát-la (Adjatasatru) giết cướp lấy ngôi, lên làm vua nước Ma-yết-đà. Nguyên A-nhược-đà-tát-la làm sự đại-ác ấy, cũng là do Đề-bà-đạt-đa (Débadatta) xui-siểm, bày mưu đặt kế cho. Tên ấy bấy giờ đắc-thế xui vua kháng Phật, hạ lệnh cấm người dân trong nước không được ai đi lại với Phật. Thậm-chí có một người vợ vua trước chỉ mạn phép thắp đèn cho Phật mà phải tội chém. Nhưng về sau vua hối-hận tội mình, cảm-phục đạo Phật, xin Phật độ cho, Phật cũng rộng lòng tha-thứ mà cho theo đạo. Tuy vậy mà Giáo-hội cũng đã vì việc vua phản-đối, qua một buổi khó-khăn. Kế đấy đến vua Ba-ti-nặc nước Kiều-tát-la lại bị nạn nốt: vua bị quan chưởng-binh trong nước bắt phải thoái-vị, lập con tên là Virudhaka lên kế ngôi, quan chưởng-binh xui đề-binh sang chiếm đất của họ Thích-già. Phật hết sức can-thiệp, không thể sao ngăn-ngừa được. Trông thấy quê cha đất tổ bị quân ngoài chinh-phục tàn-phá, nước diệt dân tan, mà không thể sao được, cực biết bao!

Phật nhập Nát-bàn. — Một đời Phật, hai-mươi chín năm làm ngôi Thái-tử ở trong cung cấm, sáu năm làm người khổ-hạnh ở chốn rừng sâu, bốn-mươi-lăm năm làm ông giáo-chủ truyền-giáo thuyết-pháp cho đời, đến tám-mươi tuổi thì dời bỏ cõi đời, sách Phật gọi là tịch-nhập nát-bàn. Bấy giờ Phật ở đất vua Ma-la (Malla) gần thành Cau-thi-na-kiệt (拘 尸 那 竭 城 = Kusinagara), trong một cái vườn có mấy gốc cây sa-la, (娑 羅 = Sâ-la), sách nói Phật bảo đệ-tử mắc cái võng dưới gốc cây, rồi nằm trên võng mà hóa. Lúc hóa thì có một mình A-nan là đệ-tử thân-tín phục-dịch bên mình. Trước khi tắt nghỉ còn độ cho người tên là Tu-bạt-đà (須 跋 陀 = Subhadra): thế là cho đến lúc cùng-tận cũng còn thi-hành cái chức-vụ ông Giáo-chủ vậy. Lạ thay! Phật đau vì đầy bụng; nguyên bữa trước có người thợ kim-hoàn mời Phật ăn cơm, có dọn thịt cá các thức, Phật ăn không tiêu, thành ra mắc bệnh. Xét thế thời biết hồi sinh-thời Phật sự ăn chay ăn lạt chưa thành nghiêm-luật trong tăng-hội. Song cứ trong sách nói thời Phật chỉ ăn mỗi ngày một bữa, và thường kiêng-kỵ đồ súc-sinh. Bữa cơm cuối cùng ấy, ăn phải thịt mà thụ-bệnh, sách cho là nghiệp-báo về một tội đã phạm từ kiếp trước. Nhưng Phật đắc-đạo thành Phật đã ngót năm-mươi năm rồi, chắc là đạo-nghiệp đã thập-phần hoàn-mãn, há còn có tội lỗi, còn phải nghiệp-báo nữa sao? Sách nói rằng tuy vậy Phật vẫn còn một chút tội cỏn-con, phạm từ kiếp trước, chưa báo đền xong, nên đến kiếp này dẫu đã đắc-đạo cũng phải chịu nốt mới thật được viên-mãn! Đã được viên-mãn thời tiện-thị siêu-thoát cõi đời, vào nơi tịch-mịch, là cõi nát-bàn. Thế nào là vào cõi nát-bàn? Nhập nát-bàn nghĩa là hết đời này thời thôi, không phải sinh-tử nữa, vòng luân-hồi đến thế là cùng-tận vậy. Vì Phật đã từng qua nhiều kiếp mới tới đến kiếp này, kiếp thì làm cây-cỏ, kiếp thì làm súc-sinh, kiếp thì làm người, kiếp thì làm thần, vòng luân-hồi xoay-vần cũng đã lắm, sinh kiếp nọ để chịu nghiệp kiếp kia, mãi đến đời này, tu-hành đã đắc-đạo, mới mong được siêu-thăng. Cứ như trong sách Phật kể truyện Phật thời phải kể cả truyện các kiếp trước, và có hẳn một hạng sách riêng gọi là « túc-sinh-truyện » (iataka) chỉ chuyên thuật những việc của Phật về các đời trước.

Các sách ấy thuật nhiều truyện hay lắm. Như có truyện nói rằng Phật kiếp trước làm người tiều-phu ở trong rừng, một hôm gặp con hổ cái mới đẻ con mà trông ra gày-còm đói lắm, không có sữa cho con bú. Phật thấy động lòng thương, bèn tự ném mình vào trước con hổ để cho nó ăn thịt. Ấy lòng từ-bi đến như thế... Những tích hay như thế còn nhiều lắm, không sao kể hết được.

Phật đã viên-tịch, bèn đem thiêu-tán. Tro-than còn lại (gọi là xá-lị 舍 利) chia ra tám phần, dựng tám cái tháp (stupa) để chôn vào trong, làm nơi lễ-bái. Hai thế-kỷ về sau có vua A-dục (Asoka) cho đào tám cái tháp cũ lên lấy tro chia ra làm 8 vạn 4 nghìn phần dựng 8 vạn 4 nghìn cái tháp mới trong khắp cõi Ấn-độ bấy giờ, ngày nay còn có nơi tương-truyền là tháp của Phật vậy.

Ấy đại-khái sự-tích Phật như thế. Sách của Nam-tôn và Bắc-tôn chép có nhiều đoạn khác nhau, đây là tôi châm-chước cả hai bên mà tự-thuật qua các việc chính trong đời Phật, để các ngài biết cái thân-thể của một bậc giáo-chủ rất cao-thâm siêu-việt của cõi Á-châu ta.

Nay xin nói đến giáo-lý trong đạo Phật.

  1. Đây tức là đệ-nhất diệu-đề (第 一 妙 諦). — « Ngũ-trọc » hay là « Ngũ-uẩn » (五 蘊 = pânchaskandha), là năm cái nguyên-tố họp lại làm thành ra thân-thể tâm-thần người ta: 1º sắc-uẩn (色 蘊 = rûpaskandha), là hình-thể người; 2º thụ-uẩn (受 蘊 = vêdaskandha), là sự cảm-giác; 3º tưởng-uẩn (想 蘊 = sanjnaskandha), là sự tưởng-tượng; 4º hành-uẩn (行 蘊 = sanskaraskandha), là sự hành-vi; 5º thức-uẩn 識 蘊 = vijnânaskandha), là sự ý-thức.
  2. Đệ-nhị diệu-đề.
  3. Đệ-tam diệu-đề.
  4. Đệ-tứ diệu-đề. — Bốn diệu đề trong sách tàu thường nói tóm lại là khổ, tập (hay là nhân), diệt, đạo: 苦, 集 (hay là 因), 滅, 道,
  5. Mỗi phép mầu, Phật phân ra làm ba đoạn, thí-dụ như phép thứ nhất nói rằng: — Đó là phép mầu về sự khổ — Phép mầu về sự khổ ấy, cần nên phải hiểu mới được — Phép mầu về sự khổ ấy ta đây đã hiểu rõ rồi. — Mỗi phép ba đoạn như thế, bốn phép thành mười-hai đoạn, vị-chi là ba phần[đính chính 4] mười-hai khoản.
  6. Tinh-xá là nhà tăng-ni ở để tu-hành, tức là nhà chùa.
  7. Phép Phật không đáp lại tức là nhận lời.
  8. Có người ví Đề-bà-đạt-đa với Judas trong sự-tích đức Gia-tô. (Trong báo Nam-Phong in lầm JudasLazare).
  1. Gốc: Phật-mới được sửa thành Phật mới: chi tiết
  2. Gốc: giải thoát được sửa thành giải-thoát: chi tiết
  3. Gốc: khoang được sửa thành khoan: chi tiết
  4. Gốc: pha bần được sửa thành ba phần: chi tiết