Phật giáo đại quan của Phạm Quỳnh
II. — Phật lý uyên nguyên

II

Phật-lý uyên-nguyên

Tôn-giáo nào cũng phải có một ông giáo-chủ. Ông giáo-chủ Phật-giáo là Phật Thích-già, sự-tích đã thuật ở trên. Nhưng đã gọi là tôn-giáo thời phải có một cái giáo-lý gì, ông giáo-chủ đứng lên truyền dạy cho người đời. Nay đã biết sự-tích Phật-tổ, vậy phải xét đến giáo-lý đạo Phật. Phần này là phần khó hơn nhất, vì đạo Phật vừa là một nền tôn-giáo, vừa là một khoa triết-học, nghĩa-lý uyên-áo, khó lòng giảng-giải cho thật rõ-ràng. Vả lại đạo Phật hồi khởi-thủy chẳng qua là một phái trong nhiều phái cùng nhau lưu-hành ở Ấn-độ thời bấy giờ, và bấy nhiêu phái cũng lại là do một nguồn chung mà ra, tức là đạo Phệ-đà (吠 陀 = Véda), hay là đạo Bà-la-môn (婆 羅 門 = Brahman) cũ của Ấn-độ. Vậy muốn xét về đạo Phật không thể không nói qua về đạo Phệ-đà cùng các môn-phái đồng-thời kia, vì đạo Phật chắc là có chịu ảnh-hưởng của các giáo ấy nhiều. Kịp đến sau đạo Phật dời Tây-vực mà truyền-bá sang Đông-thổ, thời càng ngày càng cải-cách biến-thiên đi, đến nỗi ngày nay đạo Phật ở Trung-quốc, ở Nhật-bản, ở Việt-Nam, khác hẳn đạo Phật ở Tích-lan, ở Xiêm-la, ở Diến-điện, mà đạo Phất ở các nước ấy sánh với đạo Phật của Phật-tổ Thích-già hồi đầu cũng không giống vậy. Lại còn một sự khó nữa: là người Việt-Nam ta chịu được Phật-giáo tự Trung-quốc, xưa nay người mình sở-biết về đạo Phật chẳng qua là do mấy quyển sách của người Tàu đem sang, những sách ấy chưa chắc đã là kinh chính-truyền của đạo Phật, cho nên sự quan-niệm của bọn học-thức trong nước đối với đạo Phật còn lắm điều thiên điều lầm; nay diễn-giải Phật-lý theo như các học-giả Âu-châu đã nghiên-cứu và đã phát-minh trong những kinh sách chính-truyền bằng chữ Phạn, thật là một sự mới lạ cho tư-tưởng người mình, muốn nói cho hết sức rõ-ràng, không phải là việc dễ vậy.

Sau đây chia ra ba đoạn: một là xét về nguyên-nhân đạo Phật, nghĩa là những tôn-giáo cũ của Ấn-độ đã có ảnh-hưởng đến đạo Phật thế nào; hai là giáo-lý đạo Phật, nghĩa là những triết-lý luân-lý, chế-độ của đạo Phật hồi đầu, theo như các kinh-sách cũ thế nào, — phần nhiều là theo những kinh sách của Nam-tôn, vì các nhà bác-học đã xét đích rằng các sách Nam-tôn bằng chữ nam-phạn (pali) cũ hơn và đủ hơn sách Bắc-tôn nhiều; — ba là đạo Phật duyên-cách, nghĩa là từ khi truyền-bá ra ngoài, giáo-lý thay đổi đi thế nào, thứ nhất là thuộc về Bắc-tôn gọi là phái Đại-thừa (đối với Tiểu-thừa là Nam-tôn) truyền sang Tây-tạng, Trung-quốc, Cao-ly, Nhật-bản, Việt-Nam, vì những duyên-cớ gì mà dần-dần biến-hóa đi, hầu thành như một tôn-giáo mới, không còn gì là cái đặc-sắc của đạo gốc vậy.

Nguyên-nhân đạo Phật. — Miền tây-bắc sông Hằng-hà (Gange), tự đời thượng-cổ đã có một giống người khôn-ngoan tài-giỏi, sinh-cơ lập-nghiệp ở đấy đã lâu. Giống này là miêu-duệ giống A-lợi-á (Aryens) tự trên các cao-nguyên trung-bộ Á-châu tràn xuống đã mấy thế-kỷ trước, một phần ở đất Ba-tư (Iran = Perse), một phần ở đất Ấn-độ. Mấy dân ấy hoặc theo nghề canh-nông, hoặc theo nghề mục-súc, tuy về đường vật-chất chưa có chút văn-minh gì, vẫn hãy còn mộc-mạc lắm, mà về đường tinh-thần đã có lòng mơ-màng tưởng-vọng những sự cao-xa. Phần dân tràn xuống đất Ấn-độ, ở miền sông Hằng-hà, sớm đã dựng thành xã-hội, có thể-chế nghiêm. Nhân-dân chia ra làm bốn bậc, gọi là giai-cấp (chữ tây dịch là Castes): 1º Bà-la-môn (婆 羅 門 = Brahmanes); 2º Xái-đế-lợi (刹 帝 利 = Kshatrya); 3º Tỉ-xá (毗 舍 = Vaisya); 4º Thủ-đà (首 陀 = Sudra). Trong bốn bậc ấy, bậc Bà-la-môn là sang-trọng hơn cả: Bà-la-môn là người thông-thái, có học-thức, thuộc điển-lễ, lại có phép thần-thông, có tài ảo-thuật, cảm-thông được thần-minh, chi-phối được mọi việc, làm môi-giới thần với người vậy. Thứ đến bậc Xái-đế-lợi, là bậc võ-sĩ, làm vua làm tướng trong nước. Thứ nữa đến bậc Tỉ-xá, là hạng bình-dân làm ruộng, làm thợ, đi buôn. Cuối cùng là bậc Thủ-đà, là hạng người hèn-hạ, làm những mạt-nghệ, tức là bậc hạ-lưu trong xã-hội. — Bởi duyên-cớ gì mà bọn Bà-la-môn có thế-lực to như vậy? Bởi chỉ bọn đó mới có tư-cách cúng-tế thần; chỉ bọn đó mới thuộc các thánh-kinh khi cúng-tế phải tụng-đọc. Trong các kinh ấy thời có kinh « Lực-phệ-đà » (Rig-Véda) là tôn-nghiêm quí-trọng hơn cả, kinh này là một tập những bài ca-tụng các vị thần trong dân-gian bấy giờ thờ-cúng, nhất là thần Á-ni (Agni) và thần Ân-đà-la (Indra)[1]. Hai vị đó là cao hơn nhất, ngoại-giả còn nhiều các vị thần khác nữa, trước còn ít, sau nhiều mãi ra, trước còn là những thần có hình-dung, sau thành những biểu-hiệu các sức mạnh thiên-nhiên, như nắng mưa, sấm sét, vân-vân. Những thần ấy thường có giáng họa-phúc cho người, cho nên cần phải cúng-tế để cầu phúc tránh họa, nhưng có phép cúng-tế được, duy chỉ bọn Bà--môn, vì bọn đó mới thuộc kinh, mới biết lễ. Trong các lễ, khó nhất là lễ lửa và lễ rượu; lễ lửa là lễ đốt lửa chiêu thần, lễ rượu là dâng thứ rượu thánh gọi là « tô-ma » (Soma), hai lễ rất phiền, bọn Bà-la-môn lại càng ngày càng làm phiền mãi ra, cho người thường không thể hiểu được. Lễ đã phiền, thần lại nhũng, tôn-giáo cơ-hồ thành như quỉ-thuật. Nhưng mà đã nói dân Ấn-độ là một dân sớm đã có tính hay mơ-tưởng những sự cao-xa, có cái tinh-thần triết-lý hơn các dân khác. Đến lúc sự lễ-bái đã phiền-nhũng quá, thời chính trong bọn Bà-la-môn xuất-hiện ra những người lấy sự tu-niệm làm trọng hơn việc cúng-tế, nghiên-tinh đàn-tứ để cố ý-hội trừu-tượng lấy cái lẽ tối-cao tuyệt-đích trong trời đất. Số các thần bấy giờ không biết bao nhiêu mà kể, không vật gì không là thần, không nơi nào không có thần, mà tựu-trung không có trật-tự gì cả, thật là mập-mờ rối-loạn; các nhà tư-tưởng mới tự-nghĩ rằng không có lẽ trong các thần ấy không có bậc nào là cao-tôn hơn nhất, thống-nhiếp cả các bậc kia. Trước còn nghĩ ra một vị thần tạo-hóa ra muôn vật, đặt tên là Bà-la-nhược-bà-đề (Prajâpati), nhưng vẫn còn chưa được phân-minh lắm. Sau càng ngày càng trừu-tượng mãi, mới tới một bậc rất cao không phải là thần nữa mà là cái đệ-nhất nguyên-lý của vũ-trụ. Bậc này cao quá, không đặt tên gì được, bèn gọi là Bà-la-ma (Brahma). Ở đời này quí nhất là kinh Lực-phệ-đà (Rig-Véda) mà Bà-la-ma lại là cái tinh-hoa của Lực-phệ-đà. Bà-la-ma là cái diệu-âm thần-vận trong thánh-kinh; đó là cực-tả Bà--ma cao-quí biết dường nào. Bà-la-ma tức là cái hồn lớn của vạn-vật, của vũ-trụ; muôn loài muôn giống đều bao gồm hỗn-hợp ở trong. Bà-la-ma là toàn-trí, toàn-năng, toàn-tài, toàn-lực. Bao nhiêu những sự tốt-lành mà trí người ta có thể tưởng-tượng được, Bà-la-ma đều có hết cả, vì Bà-la-ma là đấng tuyệt-đối, tuyệt-đích vậy. Nhưng Bà-la-ma là toàn-thể mà mỗi người ta là một phần-tử trong toàn-thể ấy, mỗi người ta đều có một phần đồng-thể với Bà-la-ma, phần ấy là linh-hồn, là cái « bản-ngã » của mỗi người. Linh-hồn của mỗi người gọi là « át-man » (atman) tức là « tiểu-hồn » mà Bà-la-ma là « đại-hồn » (Paratman). Tiểu-hồn là « bản-ngã » của mỗi người, mà đại-hồn là toàn-thể của vũ-trụ. Bản-ngã càng sáp-nhập với toàn-thể, tiểu-hồn càng hỗn-hợp trong đại hồn, thời người ta càng hiểu được cái chân-thân chân-tính của mình, trong lòng được khoan-khoái bình-tĩnh, ở đời được trót-lọt sung-sướng. Cho nên người trí-giả tu-đạo phải có sức làm thế nào cho nhân-thân mình sáp-hợp được với toàn-thể trời đất, cho tiểu-hồn qui-nhất với đại-hồn là Bà-la-ma. Nhưng đại-hồn vốn là cái nguyên-lý minh-minh mạc-mạc, vô-trạng vô-hình, tiểu-hồn chẳng qua là một cái nguyên-khí; tuy nguyên-lý kia với nguyên-khí này là nhất-thể, mà nguyên-khí là nguyên-lý đã xuất-hiện ra cõi đời, làm động-cơ, động-lực cho muôn-vật ở đời. Bởi sự hành-động tác-dụng của nguyên-khí mới thành ra cái thế-giới hữu-hình — sách Phật gọi là thế-giới hữu-tình, — thành ra cái cõi phù trầm biến-động là cõi đời này. Nhưng nguyên-khí — tức là « át-man », tức là tiểu-hồn — càng hành-động, càng tác-dụng bao nhiêu thời càng xa-cách với nguyên-lý, tức là đại-hồn, tức là Bà-la-ma, càng xa-cách bao nhiêu, càng đau-khổ bấy nhiêu. Mỗi ngày lại xa-cách thêm như cái bánh xe càng ngày càng tít, không thể nào dừng được nữa. Bởi đó mới sinh ra cõi đời này là một nơi bể khổ. Người ta sinh ra đời khác nào như thần-tiên ở cõi trời sa xuống hạ-giới, vẫn thương tiếc nơi thiên-quốc, vì thế nên khổ. Đã có thân ở đời tất có hành-động, hành-động tức là tạo-nghiệp, tạo-nghiệp là buộc mình vào cõi đời, vào trong vòng sinh-tử vô-cùng, như bánh xe quay, không biết bao giờ thôi, vì nghiệp sau là kết-quả của nghiệp trước mà lại là nguyên-nhân cho nghiệp sau nữa, giây nhân-quả vô-cùng, thời vòng tử-sinh vô-tận. — Đó là khởi-điểm hai cái lý-thuyết về « nghiệp-báo » (Karma) và « luân-hồi » (Samsâra), là hai cái then-chốt của các tôn-giáo triết-học của An-độ, và là cái mầm triết-lý của đạo Phật sau này vậy.

Nói tóm lại thời hồi đầu Ấn-độ thờ nhiều thần, sau nhờ sự triết-lý tư-tưởng mới dần-dần trừu-tượng thành một vị cao hơn hết cả, để hình-dung toàn-thể vũ-trụ, gọi là Bà-la-ma. Nguyên-thủy chỉ có Bà-la-ma như một thể hồn-nhiên vô-hình vô-ảnh. Thể ấy còn bình-tĩnh thời chưa có một giống gì, nhất-động mới phân-tán thành vạn-vật. Đương hồn-nhiên, thành sai-biệt; đã bắt đầu sai-biệt thời càng ngày càng sai-biệt mãi, càng sai-biệt bao nhiêu càng xa-cách nguyên-thủy bấy nhiêu, càng xa-cách nguyên-thủy bao nhiêu càng sinh ra đau-khổ bấy nhiêu. Bởi đó mà sinh ra cái thế-giới « hữu-tình » này là chốn tạo-nghiệp vô-cùng, sinh-tử vô-cùng, trầm-luân vô-cùng, khổ-não vô-cùng.

Xét như trên thời tư-tưởng Ấn-độ càng tiến lên bao nhiêu càng rõ ra cái đặc-sắc yếm-thế vậy. Linh-hồn đã dời toàn-thể mà ra, như cái quả trên ngành dơi xuống, thời tiện-thị là chịu khổ từ đấy. Nay làm thế nào thoát-ly được sự khổ ấy? Làm thế nào cho khỏi sự làm người, khỏi vòng sinh-tử? Làm thế nào tìm được con đường giải-thoát? Các tôn-giáo triết-học xuất-hiện ra ở Ấn-độ từ xưa đến nay đều chỉ băn-khoăn mà giải-quyết một vấn-đề ấy. Theo đạo Phệ-đà thời người ta chỉ vì sai-biệt với Bà-la-ma mà sinh ra muôn sự khổ-não ở đời, vậy muốn tìm đường giải-thoát chỉ nên một lòng quan-niệm Bà-la-ma, thu-thập tinh-thần mà hỗn-hợp sáp-nhập vào Bà-la-ma; thứ nhất là phải nên coi cái thế-giới bề ngoài này như một sự ảo-mộng bất-thường mà chuyên-chú cả tinh-lực vào tâm-tính là nơi linh-hồn trú-ngụ. Nhân đó mới thành ra những phép tu-hành, khổ-hạnh, nhập-định, nhập-thiền, là những phép đặt mình ra ngoài thế-giới, hạn-chế cái vật-dục để noi tới cõi tinh-thần, những phép ấy về sau này trong môn phái nào cũng thịnh-hành lắm.

Nghiệp-báo, luân-hồi, yếm-thế, khổ-hạnh, đó là mấy cái mầm lớn của đạo Phật manh-nha ra từ đó; sau này rồi mỗi ngày một lớn lên, nhưng gốc cũng là ở trong đạo Phệ-đà cả.

Triết-lý đạo Phệ-đà như ở trên vừa nói, thịnh-hành nhất vào khoảng thế-kỷ thứ tám thứ bảy trước Gia-tô-Cơ-đốc, nghĩa là hai ba trăm năm trước đạo Phật vậy. Bấy giờ các thầy Bà-la-môn tập-thành những kinh Bà-la-ma-na (Brahmâna[đính chính 1]), và kinh Ưu-bà-ni-tát (Upanishad), là những sách bàn về các nghĩa-lý uyên-áo trong đạo Phệ-đà, nhất là về Bà-la-ma, về át-man, về bản-ngã, về linh-hồn, về sự sống, sự chết, toàn là những vấn-đề rất khó của triết-học tự cổ-lai đến giờ. Mà lạ thay, những nghĩa-lý khó giải như vậy, người đời bấy giờ đã có đủ danh-từ, đủ lời nói mà diễn-giải được, thời đủ biết trí-tuệ người Ấn-độ phát-đạt biết bao nhiêu, và triết-học thời bấy giờ thịnh-hành là dường nào. Các nhà học-giả, nhà tôn-giáo xuất-hiện ra ở Ấn-độ về sau cũng là nhân các nghĩa-lý cũ, nhờ những danh-từ cũ, mà kết-cấu ra các lý-thuyết mới, nhưng không thoát được cái phạm-vi tư-tưởng của các bậc Bà-la-môn đời bấy giờ vậy.

Tư-tưởng của Ấn-độ đã lên đến tuyệt-đỉnh như thế, rồi không giữ được cái vẻ thuần-túy như cũ nữa, tự đấy về sau xem ra có phần suy-biến. Đến đời Phật-tổ xuất-thế thời các môn-phái lập lên vô-số, mỗi phái giữ một chủ-nghĩa khác nhau. Có nhiều phái thiên về đường ngụy-biện, tuy cũng căn-cứ ở đạo Phệ-đà cũ mà bàn-bạc viển-vông, nói-năng vu-khoát, không bày được cho người đời một cái đạo chính-đáng để cầu sự giải-thoát, vì như trên kia đã nói, các phái tuy khác nhau thể nào. mà cũng cùng giống nhau ở cái tư-tưởng yếm-thế cả. Có phái thì thiên về đường khổ-hạnh, nói rằng càng làm cực-khổ thân-thể thời tinh-thần càng được siêu-thoát. Phái nào cũng lấy sự ẩn-độn làm cái phương-pháp đệ-nhất. Thời bấy giờ các nơi rừng núi hồ đầm cùng những chốn hẻo lánh trong khoảng trung-bộ bắc-bộ sông Hằng-hà, thường đầy những thầy Bà-la-môn, sa-môn, đã bỏ nhà đi ẩn mình để tu đạo. Phật tổ cũng là một người trong các thầy sa-môn ấy, vì học đạo các phái kia thấy chưa được chánh-đáng, mới sáng-lập ra giáo mới, ra tay chuyển pháp-luân để cứu-độ cho quần-sinh vậy. Đạo của người lập ra tuy có nhiều điều mới lạ mà cũng là uyên-nguyên tự đạo Phệ-đà. Nay ta đã biết nguyên-nhân như thế, vậy nên xét đến kết-quả thế nào. Sau đây là nói về giáo-lý của đạo Phật. Các học-giả đã công-nhận kinh-sách của Nam-tôn là chính-truyền trong Phật-giáo, vậy dưới này tự-thuật là phần nhiều theo kinh-sách Nam-tôn. Chia ra ba phần: một là nói về triết-lý; hai là nói về luân-lý; ba là nói về chế-độ của đạo Phật.

Giáo-lý của đạo Phật. — Thường nghe nhà nho bình-luận về đạo Phật, nói rằng: « Đạo Phật không ngoại hai chữ: sắc, không ». Nói thế không phải là sai hẳn, nhưng cũng chưa được đúng thật. Vì cái tư-tưởng rằng thế-giới chẳng qua là một cuộc ảo-tưởng, sắc là không, không là sắc, sắc không không sắc, không biết lấy gì làm bằng, không phải là một tư-tưởng riêng của đạo Phật mà là một tư-tưởng chung của đạo Phệ-đà từ trước. Trong trời đất duy có Bà-la-ma là chân-tướng, là cái « đại-tự-tại », còn hết thảy là vang là bóng, là mộng-ảo cả. Đạo Phật chẳng qua là mượn cái lý-tưởng ấy của đạo Phệ-đà, và cũng không coi là một lý-tưởng gốc trong bản-đạo. Xét một điều đó thời biết rằng nhà nho ta quan-sát về đạo Phật thường chưa tới cái phương-diện chánh-đáng. Là bởi vì nhà nho xưa nay chỉ biết một đạo Phật đã truyền-bá sang Tàu, không biết các đạo khác ở Ấn-độ quan-hệ với đạo Phật thế nào, và phần nào là phần riêng của đạo Phật, phần nào là phần chung với các đạo kia. Đã không biết thế thời dễ cho đạo Phật là đại-biểu cả các tôn-giáo ở Ấn-độ, và thường lưu-tâm về những phần phổ-thông trong các tôn-giáo ấy, không chú-ý về những phần đặc-biệt của một đạo Phật. Vả Trung-quốc xưa nay chỉ chuyên-trọng luân-lý mà ít truộng triết-lý, nên khi Phật-học do Bắc-tôn là phái Đại-thừa thâu-nhập vào Trung-quốc thời người Tàu mới được biết cái thú-vị triết-lý cao-thâm, tự bấy giờ mê cái phần siêu-huyền mầu-nhiệm của đạo Phật, không biết rằng phần đó không phải là phần cốt-yếu trong đạo Phật vậy. Bởi các lẽ đó nên đạo Phật ở Trung-quốc thành một đạo huyền-diệu, trái với đạo Phật hồi khởi-thủy ở Ấn-độ là một đạo thực-tiễn, muốn phản-đối những lý-tưởng viển-vông của đạo Phệ-đà và các đạo-giáo đồng-thời khác. Vậy đây thuật về giáo-lý đạo Phật là thuật theo đạo Phật hồi khởi-thủy, tức là đạo Phật của đức Phật Thích-già, không phải là đạo Phật đã biến-thiên đi như về sau này. Cho nên không bàn về những lý-tưởng tự-ngã, vô-ngã, không sắc, sắc không, là những lý-tưởng các môn-đồ Phật phô-diễn ra về sau, mà chỉ chuyên-chủ về hai cái thuyết « tứ-diệu-đề » và « thập-nhị nhân-duyên » là hai điều chính tự Phật-tổ đã phát-minh và truyền-bá ra vậy.

Nói về triết-lý. — Có thể nói cả đạo Phật là gồm trong cái thuyết tứ-diệu-đề (四 妙 諦). — Hồi Phật mới bắt đầu chuyển pháp-luân ở thành Ba-nại-la, giảng ngay về tứ-diệu-đề, rồi sau mỗi lần thuyết-pháp cho đệ-tử cũng là nói đi nói lại về tứ-diệu-đề, coi là phần cốt-yếu trong bản-đạo vậy. Tứ-diệu-đề là gì? Trên kia đã dịch cả bài thuyết-pháp ở Ba-nại-la theo trong kinh Nam-tôn, nay nhắc lại ra đây và bàn thêm cho rõ ý-nghĩa. Bốn diệu-đề là: 1º Khổ-đề (苦 諦 = dukha), nghĩa là ở đời là khổ; 2º Tập-đề (集 諦 = samudaya), nghĩa là sự khổ vốn có nguyên-nhân kết-tập tự đâu, cho nên còn gọi là nhân-đề; 3º Diệt-đề (滅 諦, = nirodha), nghĩa là sự khổ cần phải trừ-diệt, muốn trừ-diệt sự khổ, phải trừ-diệt cái nguyên-nhân nói trên; 4º Đạo-đề (道 諦 = marga), là đạo Phật dạy cho để diệt-trừ sự khổ và siêu-thoát cõi đời. Nói tóm lại thời như sách Tàu gọi: 苦。集。滅。道。是 謂 四 諦. Bốn đề ấy cho là tinh-hoa của đạo Phật, cho nên vua A-dục (Asoka) sau này dựng tháp trong khắp cõi Ấn-độ, thường khắc một câu tóm nghĩa đạo, bằng chữ phạn rằng:

Ye dhammâ hetuppabhavâ,
Tesam hetum Tathâgoto dha,
Tesanca ya nirodho,
Evamvâdi mahàsamano[2].

Nghĩa là: « Muôn sự đều do một nguyên-nhân. Như-lai dạy cho rõ nguyên-nhân, lại dạy cách trừ-diệt; ấy đạo tối huyền-diệu của đức Đại-sa-môn (tức là Phật) như vậy ».

Rút lại thời đạo Phật là gốc tự quan-niệm yếm-thế, mà ngọn ở phương-pháp giải-thoát. Bởi sao mà yếm-thế? Bởi ở đời là khổ: « sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, không ưa mà họp là khổ, ưa mà phải dời là khổ, muốn mà không được là khổ, lưu-luyến trong ngũ-trọc là khổ ». Đó là chính lời Phật nói, Phật lại cực-tả cái khổ vô-hạn ở đời rằng: « Nước mắt chúng-sinh trong ba nghìn thế-giới, đem chứa tích lại còn nhiều hơn là nước trong bốn bể. » Ở đời đã khổ như thế, thời phải làm thế nào tránh cho khỏi sự khổ ấy, phải tu-luyện thế nào cho thoát được cõi đời, cho ra ngoài vòng sinh-tử. Bởi thế mà đạo Phật chính là một đạo giải-thoát. Phật bảo các đệ-tử rằng: « Này các đệ-tử, ta nói cho mà biết: nước ngoài bể khơi, chỉ có một vị là vị mặn, đạo ta dạy đây, cũng chỉ có một vị là vị giải-thoát vậy ».

Đó là nói tóm cho biết cái tôn-chỉ đạo Phật, nay phải phân-tách từng phần mà xét tường, cho biết bốn đề trên kia quan-hệ với nhau thế nào.

Đệ nhất đề: luân-hồi và nghiệp-báo. — Trung-tâm đạo Phật là thuyết về luân-hồi, nghĩa là vạn-vật đã vào trong vòng sinh-tử thời cứ sống đi chết lại mãi mãi, không bao giờ cùng, cũng như cái bánh xe đã quay thời càng quay càng tít, không bao giờ dừng. Trên kia đã nói rằng thuyết này là một lý-tưởng chung của các đạo-giáo Ấn-độ; các giáo không những coi là một cái lý-tưởng, mà lại coi như một sự tín-ngưỡng, giáo nào cũng đều công-nhận cả, không hề nghị-luận đến bao giờ. Nhưng xét ra đạo Phật có ý muốn phát-siển cái thuyết ấy một cách rõ-rệt hơn các giáo kia. Theo thuyết ấy thời đã sinh ra tất phải chết đi, đã chết đi tất phải sinh lại, sinh-tử tử-sinh, vô-cùng vô-hạn, hết đời nọ đến kiếp kia, hết kiếp này đến đời khác, chữ phạn gọi là samsâra, chữ Tàu dịch là luân-hồi. Nhưng những đời-đời kiếp-kiếp ấy, tử-tử sinh-sinh ấy là làm nhân-quả lẫn cho nhau, không phải là vô-bằng vô-cứ; các việc hiện xẩy ra ở đời này là sự thưởng hay là sự phạt những việc đã xẩy ra trong kiếp trước, và là nguyên-nhân mầm-mống những việc sẽ xẩy ra về kiếp sau. Đạo Phật gọi phép báo-ứng ấy là nghiệp-báo (karma). Nghĩa chữ nghiệp-báo là vừa chỉ cái việc làm, vừa chỉ kết-quả việc ấy về sau này. Chữ ấy tuy thường dùng để chỉ từng việc riêng một, hay là gồm những việc riêng của từng người trong một đời một kiếp nào, nhưng cũng có khi dùng ra nghĩa rộng mà gồm chung hết thảy các công-việc của chúng-sinh trong hết thảy các đời kiếp; vậy nên phân-biệt nghiệp riêng từng người, nghiệp chung vạn-vật. Nghiệp chung của vạn-vật cùng với phép luân-hồi là một, vì bởi có nghiệp-báo nên mới có luân-hồi, đã có luân-hồi, tất sinh nghiệp-báo, hai bên làm nhân-quả lẫn cho nhau vậy. Nay đệ-nhất-đề gọi « khổ-đề » là thế nào? — Chính là cái phép khốc-hại nó bắt chúng-sinh cứ phải chết đi sống lại mãi, cứ phải qua hết đời nọ sang kiếp kia mà chịu những sự khổ-não vô-cùng; chính là phép luân-hồi vậy. Thành ra khổ (dukha) là một chữ đồng-nghĩa với chữ nghiệp (karma), và khổ với nghiệp cũng lại là đồng-nghĩa với luân-hồi, vì có nghiệp-báo nên phải luân-hồi, vì có luân-hồi nên phải khổ-não, ba chữ bổ nghĩa lẫn nhau, giải-thích cho nhau, và là ba cái động-lực rất mạnh gây ra cái thế-gian « hữu-tình », cái cõi đời khốn-nạn này.

Diệt-nghiệp; Nát-bàn; đệ-tam-đề. — Cơ mầu đã như thế, thời người trí-giả phải mưu-tính thế nào? Chắc là phải tìm cách ngăn-ngừa sự luân-hồi, trở-át cái phép khốc-hại ấy cho không thi-hành được nữa. Nếu có thể tiệt-diệt được nghiệp-báo thời tiện-thị là ngăn-cầm được luân-hồi, thoát khỏi được vòng sinh-tử, cùng tránh được hết những sự khổ-não nó đi kèm với cái sống cái chết và trong một khoảng từ khi sinh ra đến khi chết đi tiếp-tục nhau mà bày ra cái cuộc đời rất sầu-thảm này. Đã ngăn-cầm được sự luân-hồi thời không có sống không có chết nữa. Không sống không chết, đạo Phật gọi cảnh ấy là Nát-bàn (nirvâna), nghĩa là chốn an-ổn vô-cùng, tịch-mịch vô-cùng. Như vậy thời đệ-tam-đề gọi là diệt-đề (nirodha) tức là Nát-bàn; diệt với nát-bàn, hai chữ đồng-nghĩa, vì nát-bàn là cái kết-quả trực-tiếp của sự tiệt-diệt: diệt được khổ-não, tiện-thị là nhập nát-bàn vậy.

Đệ-nhị-đề: tập-đề hay nhân-đề. « Vô-minh » là đệ-nhất nguyên-nhân. — Nhưng làm thế nào cho tiệt-diệt được? Tiệt-diệt ra làm sao? Tiệt-diệt cái gì trước? — Diệt sự sinh cùng những sự do sự sinh mà ra. Song có thể trực-tiếp diệt được sự sinh không? Không, vì theo thuyết tứ-đề thời sự sinh — tức là sự khổ, vì sinh chẳng qua là một trạng-thái của sự khổ — vốn có một nguyên-nhân riêng; muốn diệt cái kết-quả sự khổ, phải bắt đầu diệt nguyên-nhân sự khổ; nguyên-nhân ấy là gì? Trong thuyết tứ-đề chỉ nói rằng nguyên-nhân ấy có, mà không nói rõ là gì. Nhưng có một thuyết nữa tiếp-phụ và giải-thích cho thuyết tứ-đề, trong thuyết này mới nói rõ về nguyên-nhân ấy, nguyên-nhân ấy là sự « vô-minh » (avidyâ), nghĩa là mông-muội không thấu hiểu lẽ tử-sinh. Nhưng sự « vô-minh » ấy cũng chưa phải là trực-tiếp-nguyên-nhân của sự sinh; mới là đệ-nhất nguyên-nhân mà thôi, tự đệ-nhất nguyên-nhân ấy cho đến sự sinh, trong khoảng còn chín nguyên-nhân khác nữa, cùng với lão, bệnh, tử và các sự khổ-não do sự sinh mà ra, gồm lại thành mười-hai nguyên-nhân, cái nọ sinh ra cái kia, bấy nhiêu cái đều liên-tiếp nhau vậy.

Thập-nhị nhân-duyên. — Mười-hai nguyên-nhân cứ theo thứ-tự như sau này (các tên chữ nho đây là theo kinh Tàu, không phải ký-giả dịch): 1º vô-minh (無 明 = avidya), nghĩa là tối-tăm không hiểu; 2º hành (行 = sanskâra), nghĩa là thi-hành động-tác; 3º thức (識 = vidjnâna), nghĩa là nhận-thức biện-biệt; 4º danh-sắc (名 色 = nâmârupa), nghĩa là hình-danh sắc-tướng; 5º lục-nhập (六 入 = chadâyatana), nghĩa là sáu giác-quan[3]; 6º xúc (觸 = sparasa), nghĩa là sự cảm-xúc, có lay-động kích-thích đến người; 7º thụ (受 = védanâ), nghĩa là sự cảm-giác chịu được các hiện-tượng ở ngoài; 8º ái (愛 = trichâ), nghĩa là sự yêu-mến, tham-khát, mong-muốn, tức là bụng dục; 9º thủ (取 = upâdâna), nghĩa là sự ham-mê, quyến-luyến lấy sự sống; 10º hữu (有 = bhava), nghĩa là sự sống, có thân ở đời, dù là kiếp này kiếp trước, kiếp sau mặc dầu; 11º sinh (生 = jâti), nghĩa là sinh-hạ ra cõi đời này; 12º lão-tử (老 死 = gâra-marana), nghĩa là đã sinh ra thời phải già phải chết. — Ấy thuyết thập-nhị nhân-duyên theo trong các kinh cũ như thế; dẫu kinh Nam-tôn hay Bắc-tôn, Tiểu-thừa hay Đại-thừa cũng đều kể theo một thứ-tự như vậy.

Nay nếu đem từng khoản ra một mà kiện nghĩa cho thật xác, theo phép triết-học-phê-bình ngày nay, thời không thế sao được; vì sách chép lại như vậy, mà xét cho rõ lý-do mỗi nguyên-nhân quan-hệ với nhau thế nào, thời lắm khoản khó lòng tìm được ra lẽ làm sao, tưởng người biên sách chép lại như thế, chớ nếu chép lại đảo khác đi cũng không phải là không được vậy. Song phải biết rằng lối triết-học này là triết-học phiền-toái tự hơn hai nghìn năm về trước mà truyền lại cho ta như thế chưa chắc đã đúng hẳn, nên quyết không thể lấy phép phê-bình ngày nay mà phán-đoán được. Vậy chỉ nên nhớ rằng mười-hai nhân-duyên là thế, và bấy nhiêu cái làm nguyên-nhân lẫn nhau theo như thứ-tự đã kể vậy. Như « vô-minh » thời sinh ra « hành », « hành » sinh ra « thức », v. v.; — hay là ngược lại tự dưới lên: « lão-tử » là do « sinh » mà ra, « sinh » là do « hữu » mà ra, v.v.. — Thuyết ấy trong sách Phật gọi là « thập-nhị điều » (nidâna), hay là « thập-nhị nhân-duyên » (十 二 因 緣 = pratityasamutpada). Trong mười-hai nhân-duyên ấy có gồm hai đề trong tứ-đề trên kia. Điều thứ mười-hai tổng-kết, tức là cách giải-thích hiển-hiện về chữ « khổ », là đệ-nhất diệu-đề. Điều thứ nhất khởi-điểm, tức là ngầm chỉ cái nguyên-nhân sự khổ là đệ-nhị diệu-đề. Còn các điều khác ở giữa, vừa là nhân vừa là quả lẫn nhau, thời cũng là thuộc về hai điều kia càng gần điều thứ nhất thời càng có cái tính-cách đệ-nhị-đề. Như điều thứ mười-một (sự « sinh ») và thứ mười (sự « hữu »), thời cũng đồng-nghĩa với đệ-nhị-đề, và cũng là diễn-thích một chữ « khổ » cả. Đến các điều trên thời có cái tính-cách làm nguyên-nhân sự khổ; song điều thứ hai là sự « hành » (phạn-ngữ là sanskâra, chính nghĩa là sự kết-cấu, kết-hợp, xếp-đặt, sửa-soạn) thời theo sách Phật đã cho là một thuộc-tính của giống hữu-tình, của chúng-sinh rồi, như thế thời « hành » tưởng cũng có thể cho là đồng-nghĩa với « khổ » vậy. Như vậy thời cái nguyên-nhân đích-thực, cái nguyên-nhân độc-nhất vô-nhị của sự khổ, chẳng qua là sự « vô-minh » mà thôi. Nhưng muốn cho rõ, muốn cho hiểu cái nguyên-nhân ấy (mà sự đó là cần lắm) thời phải lý-hội lấy ý-nghĩa từng điều trong mười-hai điều, nghĩa là phải biết rõ mỗi nguyên-nhân quan-hệ với nhau thế nào, vì mỗi cái vừa là nhân vừa là quả lẫn cho nhau vậy. Có lý-hội được các nguyên-nhân kia thời mới thấu-triệt được ý-nghĩa và tính-cách của cái đệ-nhất-nguyên-nhân là sự « vô-minh », nó như đám mây mờ-ám che lấp con mắt những kẻ trầm-luân trong bể luân-hồi nghiệp-báo vậy.

« Đạo-đề » (đệ-tứ-đề). — Nguyên-nhân « vô-minh » ấy, đám mây mờ-ám ấy, tưởng không tài nào phá tan cho được. Song đạo Phật quyết rằng có thể phá được, có thể diệt được cái « nguyên-nhân », là sự « vô-minh », và có một phương-tiện, có một con đường (đạo) cứ theo đó thời làm được. Đó tức là đệ-tứ-đề, gọi là « đạo-đề » (mârga) vậy. Vậy thời con đường ấy, phương-tiện ấy là gì? Nguyên-nhân đã là « vô-minh », thời cứ ý mà suy, muốn phá nguyên-nhân ấy tất phải dùng trí-tuệ, là cái trí sáng suốt phá được sự hôn-mê. Song tuy đạo Phật vẫn nói đến trí-thức, trí-tuệ luôn, tuy trong sách Phật thường thấy những tiếng như: vidyâ, pradjnyâ, djnyâna (nghĩa là tri, trí, thức), mà đạo Phật không lấy trí-tuệ làm phương-tiện để phá sự vô-minh, có lẽ cho trí-tuệ không là chưa đủ, cần phải dụng đến cả tâm-thần chí-lực, khác nào như hiệp hết cả các tinh-lực trong thân-thể, trong thần-trí, mới mong phá được cái họa hôn-mê là nguồn mọi sự sinh-tử, khổ-não, nghiệp-báo, luân-hồi vậy. Bởi thế nên đệ-tứ-đề giải về đạo diệt-khổ, bày ra một con đường phương-tiện gọi là đạo « bát-chính » (như trên kia đã thuật): 1º Chính-kiến; 2º Chính tư-duy; 3º Chính-ngữ; 4º Chính-nghiệp; 5º Chính-mệnh; 6º Chính tinh-tiến; 7º Chính-niệm; 8º Chính-định. (Xem lại ở trên). — Ai đã thực-hành đuợc tám đạo chính ấy, hiểu thấu được mười-hai nhân-duyên, do tự dưới mà lên đến trên, tới cái đệ-nhất nguyên-nhân là sự « vô-minh », lấy trí-tuệ, lấy công-đức mà phá được sự vô-minh ấy, thời tiện-thị là đắc-đạo, tiện-thị là diệt được hết các nguyên-nhân kia, nghĩa là hết sống, hết già, hết chết, hết nghiệp-báo, hết luân-hồi, mà siêu-thăng lên cõi Nát-bàn vậy. Người ấy là người được hoàn-toàn giải-thoát, cứu-cánh siêu-thăng vậy.

Cái cảnh người ta đã đến bậc thấu-triệt cả tứ-đề và thập-nhị nhân-duyên rồi, thời trong sách Phật gọi là « bồ-đề » (菩 提 = bodhi), nghĩa là toàn-giác. Bồ-đề cũng có nhiều bậc: có bậc của hạng « thanh-văn » (sravaka), hạng « la-hán » (arhan), hạng « độc-giác » (pratiékabuddha), hạng « bồ-tát » (bodhisattua), và hạng. Phật là cao hơn nhất. Bồ-đề của Phật gọi là « Vô-thượng Vô-biên Tam-muội Tam-bồ-đề » (無 上 無 邊 三 昧 三 菩 提 = anuttarâ samyaksambodhi). Phật sở-dĩ siêu-việt quần-sinh, tế-độ nhất-thiết, là vì có cái toàn-giác vô-thượng vô-biên ấy, đã trải bao nhiêu đời-kiếp công-đức tu-hành mới được vậy.

Ấy triết-lý đạo Phật hồi nguyên-thủy, tự ông giáo-chủ truyền ra, đại-khái có thế. Rồi người sau phụ- họa thêm vào mới đặt ra những thuyết vô-ngã, tự-ngã, không sắc, sắc không, thậm là hoang-đường vu-khoát, cùng những thuật phù-trú bí-mật, siêu-độ vong-nhân, rất là bỉ-tiện vô-vị, thật không phải chính-truyền đạo Phật vậy. Đạo Phật rút lại chỉ là một đạo cứu-khổ, dạy cho người ta thoát khỏi sự khổ mà siêu-thăng lên một cõi gọi là nát-bàn (nirvana). Nát-bàn chính nghĩa là hư-vô. Các nhà bác-học Âu-Mĩ nghĩ-luận về nghĩa nát-bàn cũng đã nhiều, nhiều nhà lấy cái triết-lý riêng của Thái-Tây mà bình-phẩm, đại-khái trách đạo Phật rằng lấy sự hư-vô tịch-diệt làm cứu-cánh cho đời người, một tôn-giáo như thế không những không bổ-ích gì cho người đời mà lại có thể di-hại cho xã-hội. Nay không muốn nối gót các học-giả Âu-Tây mà phẩm-bình bao-biếm đạo Phật, nhưng phải biết rằng đạo Phật đã lấy sự « khổ » làm tiền-đề thời phải lấy sự « diệt » làm hậu-kết, đã cho rằng người ta có thân là có khổ thời muốn hết khổ tất phải diệt-thân, trước sau thật là duy-nhất, lý-luận không có mâu-thuẫn. Vậy rút lại vấn-đề chỉ ở một câu: ở đời có khổ hay không? Câu hỏi đó, thiết-tưởng không ai là không trả lời rằng có, không ai là không cùng Phật-tổ công-nhận rằng sống là khổ, và nước mắt ở đời ví đem tích lại thời sánh với nước mặn bể khơi có lẽ còn nhiều hơn. Sự khổ đã có, thời phải tìm đường thoát-khổ, muốn thoát-khổ thời phải diệt khổ, nhưng khổ là liền với thân, khổ là liền với sống, diệt-khổ tức là diệt thân, diệt sống, tự-diệt vậy. Lẽ đó tuy nghiêm-khốc thật, nhưng cứ lẽ không thể bẻ được, vì đã nhận rằng có khổ — mà sự đó không thể không nhận được — tất phải tìm đường thoát-khổ, muốn thoát-khổ tất phải diệt khổ, muốn diệt khổ, tất phải diệt sống, diệt sống là tự-diệt: lý-luận thật là chặt-chẽ, không còn khe-hé chỗ nào vậy. Vả chính trong kinh Phật cũng không thấy giải rõ nát-bàn là thế nào. Ông Oldenberg là người rất thuộc các kinh Phật về Nam-tôn hết sức tìm-tòi cũng không thấy, đã phải chịu thú thực rằng: « Chúng tôi đã hết sức nghiên-cứu mà kết-quả cũng lạ thay: chỉ có hai thuyết, không ra ngoài được, một rằng nát-bàn là cõi hư-vô, hai rằng nát-bàn là nơi cực-lạc, thời rút cục lại chẳng thuyết nào là đúng hẳn. »[4]

Nếu như vậy thời ra tôn-chỉ đạo Phật mập-mờ lắm sao? Cứ lý-luận thời tôn-chỉ đạo Phật thật là rõ-ràng lắm, trước sau duy-nhất, không gì phân-minh bằng; nhưng cứ thực-tế thời Phật để cho người ta tự suy mà kết-luận lấy, người trí-tuệ thì không phải kiêng-kỵ gì, suy đến cùng-cực, là cõi hư-vô; người tầm-thường thời tùy lòng hi-vọng muốn tưởng-tượng ra một cõi đời tốt-đẹp hơn đời nay, hết vòng luân-hồi, làm nơi thường-trụ, cũng mặc dầu. Song cứ bản-ý Phật thời có lẽ cho những vấn-đề ấy là không quan-trọng gì. Nát-bàn là hư-vô hay là cực-lạc, biết hay không cũng chẳng hề gì. Chỉ có một sự hiển-nhiên ai cũng phải công-nhận, là ở đời là khổ, làm người là nhọc, thế-gian là cõi bất-thường, người đời là giống sinh-tử, muốn cho thoát-khổ, muốn cho khỏi nhọc, muốn ra ngoài cõi bất-thường, muốn lọt khỏi vòng sinh-tử, thì phải giốc lòng tu đạo; đạo ấy là đạo « bát-chính », tu-hành được trọn thời chẳng đợi xa-xôi đâu, ngay ở đời này cũng có thể dự-nhập nát-bàn được. Những kẻ trí-giả nhân-nhân, tu-niệm đã thành công, trong lòng được bình-tĩnh, thời đương sống mà cũng đã được nếm mùi nát-bàn rồi đó. Như vậy thời đạo Phật là trọng nhất sự tu-hành, mà tu-hành chẳng qua là gồm trong bốn chữ « chính-tâm diệt-dục » mà thôi, chính-tâm mới hiểu được lẽ đạo,[đính chính 2] diệt-dục mới hết được khổ-não; đó mới là phần cốt-yếu, còn những sự nghị-luận viển-vông thời là phần phụ-thuộc vậy.

Nay đã bàn qua về triết-lý đạo Phật, nên nói đến luân-lý chế-độ như sau này.

Nói về luân-lý và chế-độ. — Các tôn-giáo xưa nay, định phép-tắc cho người ta ăn ở trên đời, thời giáo nào đại-để cũng răn dạy bấy nhiêu điều, không khác nhau mấy tí; duy có khác là cái tinh-thần đặc-biệt của mỗi giáo, khiến cho những phép-tắc đặt ra tuy vẫn giống mà vẫn có một đặc-tính riêng vậy. Tôn-chỉ của đạo Phật đã lấy rằng sống là khổ, không những khổ, lại là nguồn mọi sự khổ, thời người ta đã có thân trong vòng chúng-sinh, phải gắng sức cho thoát sự khổ, và nếu không thể tiệt-diệt được sự sống thời cũng phải hạn-chế nó lại trong cái khoảng thời giờ mình còn phải chịu đựng ở đời này. Như vậy thời luân-lý đạo Phật chẳng qua là một luân-lý hạn-chế, một luân-lý thuộc về « tiêu-cực » vậy. Luân-lý này phản-đối sự phát-siển những tài-năng nghị-lực thiên-nhiên của người ta. Dẫu có dạy người ta phải xuất-lực, phải tự-cường, cũng là tự-cường xuất-lực để cho dễ nhẫn-nhục, dễ hạn-chế, dễ đến được bậc xả-thân vong-kỷ là cái mục-đích tối-cao của đạo Phật. — Như vậy thời ví đạo Phật đem thi-hành ra nhất-ban nhân-loại, kết-quả tất đến cả nhân-loại có ngày tiệt-diệt hết. Trong sách Phật đã có nói rằng hồi Phật mới thuyết-pháp, thiên-hạ nô-nức theo, dân trong thành đàn-bà con trẻ kêu khóc như di, có người trách Phật là làm tan-nát gia-đình, phá-hoại xã-hội, tiêu-diệt nhân-loại, tai-hại quần-sinh. Cứ bình-tình mà nói, đạo Phật tuy cao-thượng thật, nhưng quyết không phải là một « đạo sống » cho người ta, chẳng qua là một đạo giải-thoát cho một số ít người tỉnh-ngộ và chán đời mà thôi. Đó là cái khuyết-điểm to nhất của đạo Phật, ta sẽ bàn kỹ sau này.

Bởi cớ ấy mà đạo Phật phải chia người theo đạo ra hai hạng: một hạng xuất-gia tu-đạo, hạng này mới thật là đệ-tử Phật, chỉ có một mục-đích là tu-hành cho đắc-đạo, nghĩa là được giải-thoát, tức là hạng tỉ-khưu (bhiksu) và tỉ-khưu-ni (bhiksuni), tăng và ni; một hạng là những người vẫn ở đời mà có lòng mộ-đạo, tức như ta gọi là « tu tại gia », hạng này Phật cũng sẵn lòng độ cho, nhưng không mong tới bậc viên-mãn được, tức là hạng ưu-bà-tắc (upasaka) và ưu-bà-di (upasika), thiện-nam tín-nữ.

Hai hạng đó duy có hạng trên là thuộc về tăng-già (sangha), nghĩa là làm người trong giáo-hội, phải theo kỷ-luật nghiêm, gọi là « thụ cụ-túc-giới ». Hạng dưới thời chỉ phải thi-hành những công-đức phổ-thông và tuân theo mấy điều giới thường mà thôi.

Kỷ-luật của tăng-già thời phiền-phức lắm, không thể kể sao cho hết được. Các sách Phật gồm lại gọi là Tam-tàng (三 藏 = Tripitaka), nghĩa là có ba phần lớn; 1° Kinh-tàng (經 藏 = Sutra); 2° Luật-tàng (律 藏 = Vinaya) và 3° Luận-tàng (論 藏 = Abhidharma); thời phần luật-tàng nói về kỷ-luật là phần nhiều hơn nhất. Vả Nam-tôn, Bắc-tôn, Tiểu-thừa, Đại-thừa, mỗi tôn mỗi phái lại có một kỷ-luật riêng, khó sao nói cho đủ được.

Này kể đại-khái như-sau này, là có ý châm-chước cả Đại-thừa Tiểu-thừa.

Kỷ-luật đại-để có bốn bậc, càng lên càng cao, bậc dưới cùng gọi là « ngũ-giới » (五 戒 = pantchavairamani), là bậc phổ-thông cho các hạng ưu-bà-tắc ưu-bà-di. Năm giới là:

1º Không được giết giống súc-sinh;

2º Không được ăn trộm ăn cắp;

3º Không được thông-dâm;

4º Không được nói dối;

5º Không được uống rượu.

Bậc thứ nhì là « thập-giới » (十 戒 = dasasila, sikshapada), là năm giới trên thêm năm giới nữa;

6º Không được dùng những chất thơm-tho (dầu thơm, nước hoa, phấn sáp, vân-vân):

7º Không được nghe đàn hát, không được coi nhảy múa;

8º Không được nằm giường cao chiếu rộng;

9º Không được ăn lắm bữa nhiều thức;

10º Không được giữ vàng bạc châu-báu.

Bậc này là bậc mới nhập giáo-hội, mới vào thụ-giới, gọi là sa-di (沙 彌 = sramanera), nghĩa là tiểu-sa-môn, tức ta gọi là « tiểu » (tây dịch là novice).

Bậc thứ ba là « cụ-túc-giới » hay là « câu-túc-giới » (俱 足 戒), phải theo đủ 250 giới trong kinh « Ba-là-đề-mộc-xoa » (波 羅 提 木 叉 = Pratimoksha). Bậc này là bậc sa-môn (sramana), phải theo đủ mới mong tu-hành cho đắc-đạo được. — Cứ phái Tiểu-thừa, nghĩa là Nam-tôn, thời thế là đủ rồi; nhưng cứ phái Đại-thừa thời theo đủ 250 giới ấy chỉ mới tới được bậc la-hán (arhan) hay là bậc độc-giác-phật (pratyékabuddha) mà thôi; muốn tới bậc -tát (bodhisattva) hay là bậc toàn-phật, thời còn phải kiêm một bậc nữa, là bậc thứ tư sau này.

Bậc thứ tư là « ngũ-thập-bát-giới » (五 十 八 戒) gọi là « tam-tụ-thành » (三 聚 成) hay là « tam-tập-thành » (三 集 成) (nghĩa là kiêm đủ được ba đạo « thành »), tì-ích được nhất-thiết chúng-sinh. Năm-mươi-tám giới ấy là gồm mười trọng-giới (十 重 戒) và bốn-mươi-tám khinh-giới (四 十 八 輕 戒), theo như thiên « Bồ-tát-tâm-địa » (菩 薩 心 地, trong kinh « Phật-thuyết Phạn-võng kinh » (佛 說 梵 網 經) đã kể rõ.

Cứ lược kể như trên cũng đủ biết là bề-bộn rồi, không nói mỗi tôn mỗi phái lại còn đặt phiền-phức thêm ra nữa. — Nói tóm lại thời dù kỷ-luật phiền-phức thể nào mặc dầu, đạo tu-hành rút lại cũng là không qua bốn chữ « chính-tâm diệt-dục » như trên kia đã nói vậy.

Ấy là nói kỷ-luật chung trong giáo-hội. Đến cách tu-hành riêng của từng người cũng lại phiền-phức lắm. Đại-khái người tu-hành phải kiêm đủ ba bậc: 1º giới 戒 (như trên kia đã nói); 2º định 定; 3º tuệ 慧. Nghĩa là trước giữ giới cho nghiêm, sau phải định-tâm cho vững, sau hết mói sáng-suốt được mọi lẽ. Sử Tàu thuật vua Đuờng Tuyên-tôn hỏi ông Hoằng-biện-thiền-sư 弘 辨 禪 師 thế nào là ba bậc giới, định, tuệ, thiền-sư đáp rằng: « Phòng-phi, gọi là giới; lục-căn cảm-xúc, lòng không lay động, gọi là định; tâm-cảm hư-không, sáng-suốt không bợn, gọi là tuệ. » — Muốn trọn được ba bậc ấy thời phải có đủ mười đức-tính riêng gọi là « thập ba-la-mật » (十 波 羅 密 = pâramita): 1º bố-thí (布 施 = dâna), là phải đem công đem của làm việc đức-nghĩa; 2º trì-giới (持 戒 = sila), là phải giữ-gìn những điều luật đã ngăn-cấm; 3º nhẫn-nhục (忍 辱 = kshanti), nghĩa là kiên-nhẫn chịu nhục; 4º tinh-tiến (精 進 = virya), nghĩa là hoạt-bát tấn-tới; 5º thiền-định (禪 定 = dhyâna), nghĩa là định-tĩnh tinh-thần; 6º trí-tuệ = prajnâ), nghĩa là thông-hiểu sáng-suốt; 7º phương-tiện (方 便 = upâya), nghĩa là phương-pháp tu-hành; 8º nguyện (願 = pronidhâna), nghĩa là thành-tâm nguyện-vọng; 9º lực (力 = bala), nghĩa là nỗ-lực tu-hành; 10° tri (知 = djnyâna), nghĩa là thấu biết mọi lẽ. — Mười « ba-la-mật » ấy là thuộc về tinh-thần tâm-tính; thuộc về sự hành-vi bề ngoài thời lại phải cho đủ « thập-nhị-đầu-đà (十 二 頭 陀 = dhutânga), như sau này: 1° phải ở nơi biệt-tịch vắng-vẻ; 2° phải hành-khất mà ăn; 3° hành-khất phải đi lần-lượt từng nhà; 4° hành-khất phải theo phép trong luật-tàng đã định; 5° ăn uống phải tiết-độ ; 6° đương khi ăn, sau khi ăn, không được uống rượu; 7° phải mặc bằng đồ rẻ rách; 8° áo chỉ được ba manh; 9° phải ở những nơi tha-ma mộ-địa; 10° phải nghỉ dưới cây; 11° chỉ được ngồi trên đất; 12° ngủ phải ngồi không được nằm. — Mười-hai « đầu-đà » ấy cũng tức là một cách thi-hành khổ-hạnh, tuy không nghiêm-khắc lắm như những phép khổ-hạnh của những phái khác đồng-thời với Phật nhưng trong đạo Phật cũng đã cho là nặng và khó lắm rồi.

Coi như thế thời những phép tu-hành cho những người đã xuất-gia thụ-giới kể cũng khó-khăn phiền-nặng lắm, không phải là sự tầm-thường dung-dị vậy. Ấy là mới kể qua-loa ngành-khái cho biết đại-ý mà thôi, chớ nói cho tường còn nhiều lắm nữa. Nhưng ở những nơi chùa-chiền ngày nay, còn đâu là theo được đủ các giới các phép ấy? Họa may ở các chùa ở Tích-lan (Ceylan), Diến-điện (Birmanie), bọn tăng-chúng còn giữ được ít nhiều kỷ-luật xưa, chớ ở các nước thuộc về Bắc-tôn, theo Đại-thừa-Phật-giáo, thời luật-giới xao-nhãng đã lâu lắm vậy.

Còn trật-tự trong tăng-già thời các tỉ-khưu chia ra làm ba hạng: một là hạng sa-di (sramanera), hay là tiểu-sa-môn, phải ít là năm năm mới được lên (có sách nói là mười năm); hạng « trung-sa-môn » (sramana), năm năm hay là mười năm; hạng « thượng-tọa » (thera), là bậc kỳ-cựu trong giáo-hội. Cao hơn nữa thì có một vài ông pháp-sư hay hòa-thượng (和 尚 = upadhyâya), hay là một ông « kiết-ma-a-đồ-lê » (羯 摩 阿 闍 梨 = karmatjarya). Tức như ta gọi nôm là: Tiểu, sư bác, sư ông, sư cụ vậy.

Công việc trong tăng-già thời chỉ có việc tụng-niệm mà thôi, những việc cúng-bái là thêm vào về sau. Ngày mồng một và ngày rằm thời làm lễ « bố-tát » (布 薩 = uposatha), tức là lễ sám-hối, các tỉ-khưu đồng-thanh tụng hai-trăm-năm-mươi điều trong kinh « Ba-la-đề-mộc-xoa » (Prâtimoksha), người nào có tội gì thì phải xưng lên. Cuối năm lại có một kỳ tổng-sám-hối nữa (gọi là pavarana), tăng-chúng phải đến đủ mặt cả không được vắng ai, người nào đau ốm cũng phải khiêng đến. — Hồi sinh-thời Phật, hơn bốn-mươi năm truyền-giáo và quản-lý tăng-già, công việc trong giáo-hội chỉ có thế mà thội. Về sau, Phật nhập nát-bàn rồi, môn-đồ tưởng nhớ đến tôn-sư mới tô tượng thờ, từ đó thành ra tục thờ tượng Phật vậy.

Ấy đại-khái luân-lý chế-độ của đạo Phật như thế. Đây là nói về đạo Phật hồi sơ-thủy, nghĩa là hồi Thích-già còn tại thế mà thôi, sau này đạo Phật biến-thiên đi nhiều không đâu giữ được nguyên bản-sắc như cũ vậy.

Song nói qua về luân-lý đạo Phật một cách nhạt-nhẽo như thế, thời chưa thể hiểu được cái đức mầu của đạo Phật cảm-hóa người đời thế nào. Vậy nay xin lược-dịch một vài truyện, một vài tích chép trong sách Phật để chứng rõ cái sức cảm-hóa của đạo Phật mạnh là dường nào.

— Ba-nặc (Purna) là con một người thị-tì, chủ nhà có lòng thương, cho lên làm thiếp, mới sinh ra chàng. Nhà còn có ba người con trai nữa, bốn anh em cho ăn học cùng nhau, thời chàng xem ra thông-tuệ hơn cả. Song người nhà vẫn có ý rẻ-rúng; tuy vậy mà chàng khôn lớn lên đi buôn trở nên giàu-có, nhân-thể làm giàu cho cả nhà. Làm nghề buôn bể, không bao lâu đứng đầu cả phường buôn. Một chuyến đi mành ngoài bể, có một bọn phường buôn người thành Xá-vệ (Sravasti), cứ mỗi ngày hai lần buổi sớm buổi tối đồng-thanh tụng những câu kinh câu kệ, dạy người ta những đường giải-thoát. Hỏi ra mới biết là lời dạy của Phật Thích-già. Ba-nặc cảm-phục lắm, khi trở về nhà vội-vàng ra thành Xá-vệ, nhờ ông Cấp-cô-độc (Anâthapindika) bạch cho vào hầu Phật, xin Phật độ cho; rồi dần-dần mỗi ngày một thấm mùi đạo, sau xin thụ-giới, Phật thấy người thông-tuệ thân-hành thuyết-pháp cho, dạy rằng phép tu-hành cốt ở xả-thân vong-kỷ. Tự đấy Ba-nặc mỗi ngày một giốc chí tu-đạo, không có bụng gì đến sự đời nữa; một hôm phát-nguyện xin sang truyền-giáo cho một rợ Man-di gần đấy, rợ này có tiếng là dữ-tợn hay hại người lắm. Phật muốn can ngăn, nói rằng: « Người rợ Tô-nô-bà-lan-đà (Sronâparânta) hung-tợn độc-ác lắm. Mi đến nơi mà chúng nó nói độc nói ác, chửi-rủa mi, thời mi nghĩ sao? » — Ba-nặc đáp rằng: « Nếu người rợ Tô-nô-bà-lan-đà nói độc nói ác, chửi rủa tôi, thời tôi nghĩ rằng: người Tô-nô-bà-lan-đà này chắc là người lành người tốt, vì họ không đánh tôi bằng tay, không ném tôi bằng đá. » — Nhưng nếu người Tô-nô-bà-lan-đà lại đánh mi bằng tay, ném mi bằng đá, thời mi nghĩ sao? — Tôi nghĩ rằng họ cũng là người lành người tốt, vì họ không đánh tôi bằng gậy, đâm tôi bằng gươm. — Nhưng nếu người ta đánh mi bằng gậy, đâm mi bằng gươm, thời mi nghĩ sao? — Tôi nghĩ rằng họ vẫn là người lành người tốt, vì họ không đánh tôi đến chết. — Nhưng nếu người ta đánh mi đến chết, thời mi nghĩ sao? — Tôi nghĩ rằng họ vẫn còn lành còn tốt, vì nhờ họ tôi không phải đau-khổ lắm mà thoát được cái bọc thịt thối là tấm thân ô-uế này. — Phật bấy giờ bèn nói: « Được, Ba-nặc, mi có tính nhẫn-nhục như vậy, thời mi sang ở rợ Tô-nô-bà-lan-đà được. Ta cho phép mi đi. Mi đã được giải-thoát, nên giải-thoát cho người; mi đã được tới bỉ-ngạn, nên giắt người sang cùng; mi đã được yên-ổn trong lòng, nên giúp cho lòng người yên-ổn; mi đã được tới cõi Nát-bàn, nên giúp cho người đời cùng tới ».

Ba-nặc đến dợ Tô-na-bà-lan-đà, truyền-giáo cho người dân, không bao lâu người dân thuần lại và qui-y đạo Phật cả. — Can-đảm dường nào! Nhẫn-nhục biết bao!

— Thái-tử Câu-na-la (Kunâla) là con vua A-dục (Asoka), vua sai ra Đạt-sa-tất-la (Takshasila) để cai-trị miền ấy. Thái-tử trị dân được dân yêu-mến lắm. Chợt có chiếu-chỉ đến, truyền phải khoét hai mắt thái-tử. Chiếu-chỉ khốc-hại ấy là tự bà phi Lịch-sa-Lặc-sử-đa (Rishya-Rakshita) là một ngôi thứ-cung vua A-dục, nguyên trước có ý muốn tư-dâm với thái-tử, thái-tử không chịu, nên vẫn đem lòng oán-thù, bèn trộm lấy ấn vua, xuống mạo-chỉ để hại thái-tử. Dân Đạt-sa-tát-la được chỉ, không ai có nhẫn-tâm dám thi-hành cái lệnh ác-hại ấy. Thái-tử thời đã nhận thấy ấn vua cũng đành lòng chịu khổ. Mãi sau mới có một thằng hủi không còn hình người nữa, đến xin nhận hành-tội thái-tử theo lời sắc-chỉ. Lúc thằng hủi hạ-thủ thi-hành, thái-tử nhớ đến những lời dạy của các đạo-sư khi xưa, nghĩ trong bụng rằng: « Các thầy dạy ta khi xưa đã dự biết sự khốn-nạn này, nên trước đã bảo ta: Mi thử trông, nhất-thiết thế-gian, đều phải hủy-hoại; ở cõi đời này, có gì hữu-thường. Các thầy dạy ta như thế, thật là những người bụng dạ to-tát thay. Ta nghĩ đến sự đời bất-thường, ta lại nhớ đến lời thầy dạy cũ, tội này ta có sợ chi; vì ta biết rằng mắt ta cũng là một vật hủy-hoại; muốn để cho hay muốn khoét đi, xin vua tùy-ý. Ta đã từng dùng con mắt ta được việc rồi, vì nhờ con mắt mà ta trông biết hết thảy mọi vật trong thế-gian là hay hủy-hoại cả; như vậy thời mắt ta bây giờ còn hay mất nữa có hề chi. » — Thái-tử nghĩ trong bụng thế, rồi quay lại bảo người hủi rằng: « Hẵng khoét một mắt trước để lên tay ta đây. » — Người hủi hạ-thủ làm, nhân-dân đứng dưới trông, ai nấy đều than-khóc. Thái-tử cầm con mắt trong tay dơ lên, nói rằng: « Ôi, cái quả thịt ô-uế này! Sao nẫy mày trông thấy mọi vật mà nay không trông thấy gì nữa? Người đời thật dồ-dại quá, có kẻ quí-trọng mày mà nói: « Mắt này là mắt tôi đây! » — Khoét xong một mắt, khoét nốt mắt nữa. Bấy giờ Thái-tử Câu-na-la tuy đã mất cả hai mắt thịt, mà mắt trí được thêm sáng-suốt, bèn đọc câu kệ rằng: « Mắt thịt ta vừa mất — Mắt trí ta sáng-suốt — Phụ-vương ruồng bỏ ta — Ta làm con Pháp-vương — Ta mất ngôi quí-trọng — Là chốn nhiều phiền-não[đính chính 3] — Ta lại được phép mầu — Phá trừ hết sầu-khổ. » — Thái-tử đã can-đảm nhẫn-nhục như vậy, mà lại có độ-lượng khác thường. Sau biết rằng chính bà phi làm hại, không những không oán-hận gì, lại nói: « Ta ước-ao cho bà Lịch-sa-Lặc-sử-đa được sống lâu, được sung-sướng mãi-mãi, vì bà muốn hại ta mà ta lại được lợi. » — Tự bấy giờ Thái-tử mù lòa, đi tha-thẩn chốn nọ sang chốn kia chỉ có bà vợ giắt, vừa đi vừa hát cho khuây lòng. Vừa đến trước cung vua cha, vua cha mới biết rõ đầu đuôi, muốn đem giết bà phi ngay lập-tức. Thái-tử cố can vua, nói rằng con phải như thế, chắc là vì tiền-oan nghiệp-chướng gì, không phải tội bà phi.

Nghe truyện đó ai là người không cảm-động?

Lại truyện tiết-tháo như sau này, cũng đáng cảm-phục thay.

— Ở thành Ma-đồ-la (Mathurâ), có một người kỹ-nữ, nhan-sắc tuyệt-trần, tên là Phệ-sa-phệ-đạt-đa (Vasavadattâ). Một hôm đứa thị-tì đi mua phấn sáp ở nhà một người lái buôn trẻ tuổi đẹp trai ở gần đấy tên là Ưu-bà-cấp-đa (Upagupta), khi về nàng hỏi rằng: « Mi ưa chàng ấy lắm, sao mà mỗi lần mua gì cứ đến đấy? » — Thị-tì nói rằng: « Thưa cô, chàng Ưu-đà-cấp-đa người đẹp-đẽ, tính nhu-mì, lại giốc lòng tu đạo Phật ». — Nàng Phệ-sa-phệ-đạt-đa nghe nói thế, thấy động tình, sai thị-tì đến bảo nhỏ chàng rằng: « Ý tôi muốn đến chơi với chàng, tôi sẵn lòng giao-hoan với chàng. » Thị-tì đến nói, chàng bảo về trả lời rằng: « Bây giờ chưa phải lúc gặp tôi ». — Nàng nghĩ rằng chàng sợ đi lại với nàng phải mất tiền chăng, lại sai thị-tì đến bảo lại rằng: « Chàng không phải mất đồng tiền nhỏ, em chỉ nguyện được giao-hoan với chàng thôi. » — Nhưng Ưu-bà-cấp-đa vẫn trả lời rằng: « Thưa chị, bây giờ chưa phải lúc gặp tôi. » — Cách đấy ít lâu, nàng Phệ-sa-phệ-đạt-đa muốn bán mình cho một gã phú-thương, bèn giết người nhân-ngãi cũ cho khỏi ghen. Tội ấy tiết-lộ ra, vua Ma-đồ-la truyền đem nàng ra cắt chân, cắt tay, cắt tai, cắt mũi, rồi bắt ra ở ngoài bãi tha-ma. — Chàng Ưu-bà-cấp-đa biết đầu đuôi truyện ấy, nghĩ trong bụng rằng: « Khi nàng còn mĩ-miều tráng-lệ, thời ta giốc lòng tu-đạo, chẳng nên lại gần làm chi. Nhưng ngày nay nàng đã cùn-cụt chân tay, trụy-lạc thế này, lúc này thật là lúc ta nên đến thăm nàng. » — Chàng Ưu-bà-cấp-đa bèn cùng đứa đầy-tớ cầm dù che, đi từ-từ ra bãi tha-ma, Đứa thị-tì của nàng Phệ-sa-phệ-đạt-đa, từ khi nàng bị nạn, vẫn không dời bỏ nàng, trông thấy chàng đến, hốt-hoảng bảo chủ; nàng vội-vàng thu các mảnh chân mảnh tay lại, lấy miếng vải khoác. Khi chàng đã đến nơi, nàng tủi-thẹn mà nói rằng: « Thưa chàng, khi người thiếp thơm-tho như cái hoa sen, đầy những lượt-là châu-báu, đủ làm mê con mắt kẻ hữu-tình, thì chàng chẳng thèm nhìn đến. Ngày nay thân thiếp bị tàn, đầm lầy trong đống bùn máu, không còn chi là cái nhan-sắc, sự vui-thú như xưa, chàng đến đây mà làm gì? » — Ưu-bà-cấp-đa nói lại rằng: « Thưa chị, trước kia tôi không đến với chị, là bụng tôi không có dục-tình. Ngày nay tôi đến đây cho biết cái thảm-trạng những sự khoái-lạc của người đời. » — Nói xong rồi, chang an-ủi cho nàng khuây lòng, lại thuyết-pháp cho nàng nghe. Sau nàng giốc lòng tu-đạo, cũng bớt nỗi buồn....

Từ trên là truyện người bình-dân. Nay kể một vài truyện về vua chúa, cho biết dù dân dù vua, theo đạo Phật cũng có hoán-cải tâm-tính và thêm lòng đạo-đức được nhiều.

— Trước khi thiên ra Vương-xá-thành (Râdjagriha), vua Tần-bà-sa-la còn đóng đô ở thành Câu-kha-già-la. Dân thành ấy đông lắm. Nhà làm bằng gỗ ở kết liền nhau thường phải hỏa-hoạn. Vua bèn xuống chỉ nghiêm-sức hễ người nào đánh cháy nhà thời không được ở trong thành nữa, phải đầy ra nơi « Rừng lạnh. » Rừng lạnh là chỗ ghê-gớm lắm, người ta chỉ bỏ thây người chết ở đấy. Nhưng không được bao lâu, ngay cung vua phát-hỏa. Vua nói rằng: « Ta là chúa-tể muôn dân, ví ta không tuân lệnh ta, thời còn trừng-trị sao được kẻ có tội. » Nói thế rồi, vua nhường ngôi cho Thái-tử, vào nơi « Rừng lạnh » ở.

— Phật bấy giờ đã bảy-mươi-hai tuổi. A-nhược-đa-tát-đô (Adjatasatru) là con vua Tần-bà-sa-la, sau khi đã phạm tội giết cha, bèn sinh lòng hối-hận. Tuy không kháng đạo Phật nữa, nhưng cũng chửa chịu theo. Bữa ấy là ngày lễ sám-hối (upasatha). Trời quang, mây tạnh, đêm sáng, gió mát. Vua cùng các quan ngồi trên sân thưởng-nguyệt. Ngắm phong-cảnh thấy động lòng, nhớ đến tội ác của mình, đau xót như dao cắt ruột. Tự nghĩ rằng buổi này là buổi những kẻ tu-hành làm lễ sám-hối, âu là mình tìm một thày đạo-sĩ, thú tội cho thày biết, để thày cứu-độ cho bớt khổ. Bèn ngỏ ý cho các quan hay. Các quan người thì bàn mời thày bà-la nọ, người thì bàn mời ông đạo-sĩ kia. Sau có một người nói đến tên Phật. Vua định lập-tức đến yết Phật, sai người đốt đuốc đi. Phật bấy giờ ở nơi tinh-xá gần đấy, đệ-tử có tới một nghìn ba trăm người. Vua đến nơi, xin vào yết, Phật tiếp ngay. Vua chưa nói chủ-ý đến làm gì, chỉ nói rằng trước kia có hỏi nhiều tay đạo-sĩ một câu không ông nào nói được, nay xin hỏi Phật, xin Phật dạy cho. Hỏi rằng: « Người ta ở đời tạo-nghiệp, có thể ngay tự đời này biết ngày sau nghiệp-báo thế nào không? » Phật trả lời rằng có thể biết được, rồi thuyết-pháp cho vua nghe, nói về tứ-diệu-đề, và thập-nhị-nhân-duyên. Vua nghe lấy làm cảm-động lắm, biết tội mình nặng, bèn thú thật với Phật, nói rằng: « Tôi xin thành-tâm qui Phật, qui Pháp, qui Tăng. Ngày nay tôi khổ-não trong lòng, đem chân đến đây, nương-náu cửa Già, xin Thế-tôn rộng lượng mà dung tôi. Tôi là đứa ngu, tôi là thằng dại, tôi là kẻ ác, tôi đã phạm tội nặng, bội phép mầu. Cha tôi là người trung-chính, tôi đã giết cha tôi, để cướp lấy ngôi vua. Xin Thế-tôn cho tôi thú tội, từ nay cho tôi thụ-giáo. » — Vua nói thế giữa trước mặt cả tăng-hội. Phật nghe rồi an-ủi cho vua, nói rằng tội đã thú là tội hết.

— Vua A-dục (阿 育 王 = Asoka, nhất-danh là Vô-ưu 無 憂), trước là người rất độc-ác, từ khi theo đạo Phật thành người rất nhân-từ. Hồi mới theo đạo, cảm-mộ quá, đến nỗi đương khi ngự ngoài phố, hễ gặp thày tỉ-khưu nào đi qua, liền xuống khấu-đầu lạy. Có ông quan to trong triều tên là Gia-tát (Yasas), lấy thế làm quá, muốn can-ngăn vua, nói rằng vua không nên cung-kính như vậy, các thày tỉ-khưu chẳng qua là những người các cấp, đi hành-khất ngoài đường, không đáng tôn-trọng lắm. Vua cứ im, không trả lời sao; nhưng cách đấy mấy ngày, vua truyền cho các quan văn-võ mỗi ông phải đem bán một cái đầu súc-vật, cho biết giá các đầu vật thế nào. Phần ông Gia-tát thời phải bán một cái đầu người. Các đầu giống vật thời mỗi đầu bán một giá, tuy hơn kém nhau, nhưng đầu nào cũng có người mua; duy có đầu người thời không ai mua cả, ông Gia-tát phải thú thật với vua rằng dẫu cho không cũng không ai muốn lấy. Vua hỏi rằng; « Vậy cớ sao mà không ai muốn mua đầu người như thế? » — Ông nói rằng: « Bởi đầu người là vật hèn-hạ, không có giá gì. » — Vua lại hỏi: « Có phải chỉ một cái đầu này là hèn-hạ, hay tất cả đầu người là hèn-hạ? » — Ông nói rằng: « Tất cả đầu người. » — Vua bèn hỏi: « Vậy ru? thế ra đầu trẫm đây cũng hèn-hạ sao? » — Ông còn sợ-hãi, chưa dám nói sao, nhưng vua truyền cho phải cứ nói thật, ông cũng nói thật như thế. Vua bấy giờ mới giảng cho ông nghe, nói rằng: « Phải, nhà ngươi muốn can ta đừng khấu-đầu lạy các thày sa-môn, là nhà ngươi có ý kiêu-căng tự-hoặc. Nhưng cái đầu ta này là cái vật hèn-hạ không ai muốn mua, vì cúi xuống mà được thêm công-đức, thêm giá-trị lên, thì cúi đầu phỏng có hại gì? Nhà ngươi có ý chỉ-trích các thày sa-môn tu đạo Phật là người các cấp (nghĩa là người không sang-trọng), nhưng nhà ngươi không biết rõ cái âm-đức của các thày. Khi nào có mời ăn tiệc, mời đám cưới, thời mới nên tra hỏi đến giai-cấp người ta, chớ đi tu học đạo, phân-biệt giai-cấp làm gì? Ví người danh-gia thế-phiệt mà phạm tội-lỗi to thời ai cũng nói: « Người này là kẻ có tội », và ai cũng đem lòng khinh bỉ. Nếu người con nhà hèn-hạ mà tích-đức tu-nhân, thời ai cũng phải kính-trọng, ai đến trước mặt cũng phải cúi đầu. » Vua nói đến đấy thời chỉ hẳn vào Gia-tát mà nói luôn rằng: « Nhà ngươi há lại không biết câu sau này của ông Thánh-nhân đại-từ đại-bi họ Thích-già (tức chỉ Phật) hay sao? Ngài dạy rằng: « Người trí-giả thời dẫu vật không có giá cũng làm nên giá-trị. » Ta muốn theo phép Phật, ngươi lại can-ngăn ta, thế là không phải trung với ta vậy. Đến khi cái thân ta đây nằm xuống dưới đất như gốc mía kia, thời dẫu muốn lạy, muốn đứng dậy, muốn chắp tay cung-kính, cũng không sao được nữa. Bấy giờ còn làm được việc công-đức gì nữa? Vậy bây giờ ngươi cứ để cho ta cúi lạy các thày sa-môn: vì người nào không tự xét mình dám nói rằng: « Ta là người tôn-trọng hơn cả », thời người ấy là người u-mê lú-lẫn vậy. Nhưng người nào biết lấy tuệ-nhỡn của Phật mà xem-xét thân-thể, thời biết thân ông vua với thân thằng mọi cũng thế mà thôi. Da, thịt, xương, đầu, người nào cũng vây; chỉ có cái phù-hoa trang-sức ở ngoài là phân-biệt kẻ tiện người sang mà thôi. Nhưng cái cốt-yếu ở đời này (là lòng đạo-đức) thời dẫu trong thân-thể người hèn-hạ nhất ở đời cũng có thể có được; chính cái ấy là người trí-giả gặp đâu phải cung-kính, phải vái lạy vậy. »

Những lời tôn-nghiêm kính-cẩn ấy, có người đã sánh với những câu cách-ngôn của vua Marc-Aurèle nước La-mã: lời-lẽ cao-thượng mà thiết-tha, có cái đạo-vị thâm-trầm vậy.

Vua A-dục này (nhất-danh nữa là Tỉ-già-đạt-tất (Piyadasi), trị-vì từ năm 263 đến năm 226 trước kỷ-nguyên, từ khi theo Phật dựng bia khắp trong nước để tán-dương đạo Phật và khuyên dân làm lành. Các bia ấy ngày nay những nhà bác-học tìm được, không những giúp cho sử-học những tài-liệu chắc-chắn mà lại chứng cho đạo Phật đã có công to trong sự giáo-hóa dân Ấn-độ đời bấy giờ. Các bài bia đã dịch tự phạn-văn ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tôi tiếc không thể nói kỹ được, vì bài này đã dài quá.

Nói tóm lại thời về đường luân-lý đạo Phật không phải là không có công với nhân-loại. Cứ xem những truyện kể trên kia — ấy gọi là mới lược-cử một vài truyện, chứ trong kinh Phật còn nhiều lắm, không nói sao cho xiết được, — thời đủ biết đạo Phật cảm-hóa người đời đã sâu lắm. Đạo Phật truyền sang nước nào thời cũng là biến-hóa được nhân-tâm, cải-lương được phong-tục và gây ra những đức-tính như: thành-thực, cẩn-nghiêm, can-đảm, nhẫn-nhục, từ-thiện, bi-ai, v. v. Như khi truyền-bá sang Tàu, về đời nhà Tấn nhà Đường, biết bao nhiêu những bậc cao-tăng tự Trung-quốc sang Ấn-độ, qua những núi-non hiểm-trở, sa-mạc mênh-mông, gian-nan nguy-hiểm biết bao, như ông Pháp-Hiển (399 sau Thiên-chúa giáng-sinh), ông Huyền-Trang (629 sau Thiên-chúa) cũng là vì lòng mộ đạo mới có cái nghị-lực, cái can-đảm tuyệt-trần như vậy. Ngày nay những truyện các thày Đường-tăng đi lấy kinh bên Thiên-trúc, trong dân-gian ta vẫn còn nhiều người kể đến. Muốn biết cái giá-trị đạo Phật về đường luân-lý thế nào, không gì bằng nghe lời phán-đoán của một ông linh-mục đạo Thiên-chúa: Cố Wieger giảng đạo ở bên Tàu, là một người thông-hiểu chữ Hán lắm, đã có dịch nhiều sách Phật bằng chữ Hán ra Pháp-văn, có bình-phẩm về luân-lý đạo Phật như thế này: « Nói rằng dân Tàu mến đạo Phật, không phải rằng người dân nào cũng có thuộc kinh-kệ đâu. Nhưng tuy cái tử-văn không thuộc lắm, mà cái tinh-thần đã thấm sâu. Người Tàu ngày nay còn có chút đạo-đức, còn có lòng từ-thiện, xét cho đến nguồn là nhờ đạo Phật cả. Khổng-giáo chỉ đào-tạo được những bọn chính-khách hủ-bại. Lão-giáo thì rút-cục lại chẳng qua là một đám mê-tín bỉ-tiện. Duy còn đạo Phật, mới thật là tôn-giáo của những kẻ thuần-lương, thành lòng tín-ngưỡng... »

Đạo Phật duyên-cách. — Trở lên là nói về triết-lý, chế-độ và luân-lý của đạo Phật hồi sơ-thủy, nghĩa là hồi giáo-lý còn thuần-túy, kỷ-luật còn nghiêm-nhặt, chưa phân ra nhiều môn-phái khác nhau như sau này. Song cứ như trên đã thuật thời có lẽ các nhà sư cùng các nhà nho trong nước ta đã học đạo Phật trong sách Tàu cho là không giống với đạo Phật của mình, có thế thật. Xưa nay người mình cứ hoặc ở danh-từ mà lấy phái Đại-Thừa (大 乘 = Mahâyana) làm trọng hơn phái Tiểu-Thừa (小 乘 = Hinayana), và trong khi xem kinh đọc sách thường hay ưa những kinh-sách của Đại-Thừa hơn là của Tiểu-Thừa. Thậm-chí có nhà tin rằng có theo Đại-Thừa mới tu-hành được đến bậc bồ-tát, theo Tiểu-Thừa thời chỉ đến được bậc la-hán mà thôi! Nhưng cứ ý-kiến các nhà bác-học ngày nay, thời phái Tiểu-Thừa giữ được chính-truyền đạo Phật hơn là phái Đại-Thừa, nên muốn khảo-cứu về đạo Phật thời phải bằng ở Tiểu-Thừa trước. Là bởi rằng từ khi Phật-giáo phân ra hai phái lớn thời phái Tiểu-Thừa cứ giữ y như lời Phật dạy, do các thày cả trong tăng-hội gọi là Thượng-tọa-bộ (上 座 部 = Sthavira) truyền lẫn cho nhau, không thêm bớt chút nào, nên các kinh-sách chép lại về sau thường vắn-tắt, gọi là « đoản-kinh », đối với kinh của Đại-Thừa gọi là « trường-kinh »; còn phái Đại-Thừa thời nhờ có mấy tay triết-học đại-danh thời bấy giờ như ông A-thấp-phộc-lũ-sa (阿 濕 縛 屢 沙 = Asvaghosa), Tầu dịch là Mã-minh-bồ-tát 馬 鳴 菩 薩, ông Na-già-ứ-thích-thụ-na (那 伽 閼 刺 樹 那 = Nagarjuna), Tầu dịch là Long-thụ-bồ-tát 龍 樹 菩 薩, phát-siển phần triết-lý trong đạo Phật, bàn rộng mãi ra, tư-tưởng cao-thâm siêu-việt quá, người đời sau không theo kịp, thành ra xuyên-tạc phụ-họa mà càng ngày càng mất chân-truyền vậy. Phái Tiểu-Thừa thời mãi đến sau này vẫn cứ giữ kinh-sách cũ, đời nọ truyền cho đời kia, cho nên bây giờ muốn biết được chính-truyền Phật-giáo, phải khảo-cứu ở đấy. Còn phái Đại-Thừa thời cứ mỗi ngày một làm sách mới thêm ra, nghị-luận những sự cao-xa quá, mà giáo-lý mỗi ngày một mất, ngày nay những kinh thịnh-hành nhất trong Đại-Thừa là kinh « Bát-nhã Ba-la-mật-đa » (般 若 波 羅 密 多 = Prajna-paramita), và kinh « Diệu-pháp-liên-hoa » (妙 法 蓮 花 = Saddharma-pundarika), hai kinh ấy đều do người sau đặt ra, tuy triết-lý có chỗ cao-thâm mà tôn-chỉ đạo Phật đã sai-lạc đi lắm vậy.

Hồi đầu đạo Phật mới truyền sang Tầu, thời Đại-Thừa Tiều-Thừa tịnh-hành. Sau Đại-Thừa chiếm được phần hơn, các phái ở Tầu bây giờ phần nhiều xuất ở Đại-Thừa cả. Vậy nay ta nói qua mấy câu về yếu-chỉ Đại-Thừa, vì Đại-Thừa tức là đạo Phật đã kinh-qua nhất-biến mà bắt đầu mất cái bản-sắc hồi đầu vậy.

Về tôn-giáo thời Đại-Thừa thờ cái « Toàn-thể », là gồm cả vật-chất, cả tinh-thần. Toàn-thể ấy bất-động thời hồn-nhiên như không, nhất-động thời sinh ra vạn-vật; nhưng phần tinh-hoa nhất trong vạn-vật là một hạng người rất siêu-việt, rất hoàn-toàn, rất thanh-tịnh, rất sáng-suốt, gọi là Phật. Phật không phải là người như người đời, Phật là người tuyệt-địch (tức chữ tây dịch là: l'homme absolu, l'homme en soi). — Đây là nói Phật chung, chớ Phật Thích-già chẳng qua là một vị trong muôn nghìn vị Phật khác mà thôi; một cái quan-niệm Phật đó đã đủ sai hẳn với đạo gốc rồi, sau này rồi cứ mỗi ngày xa mãi đi, dần-dần Phật A-di-đà và Bồ-tát Quan-âm là hai vị tưởng-tượng ra, không có thực, thành hai vị chính, các chùa ở Á-đông chỉ thờ có hai vị ấy, còn Phật Thích-già là Phật có thật, thời lại thành một vị phụ vậy.

Về triết-lý thời Đại-Thừa cho nhất-thiết hình-tượng trong vũ-trụ là bào ảnh, là ảo-mộng cả, không có gì là có thật, chí ư cái bản-thể của mỗi người, cái mà ta xưng là « ta », cái « ngã » (我 = âtman) của ta, cũng là không có vậy. Nhân đó sinh ra những thuyết về « sắc không », về « vô-ngã », các nhà triết-học của Phật-giáo bàn đi bàn lại rất nhiều, biệt thành hẳn một lối văn-chương riêng, càng ngày càng huyền-diệu, người thường khó hiểu được.

Về luân-lý thời Đại-Thừa trọng nhất là từ-bi; khác với đạo Du-gia (Yoga) và đạo Phật hồi đầu, là hai đạo ấy lấy từ-bi làm một phương-tiện, mà Đại-Thừa thì lấy từ-bi làm mục-đích vậy.

Về chế-độ thời Đại-Thừa khoáng-trương cái phạm-vi của tăng-gia, mở rộng cho những thiện-nam tín-nữ vào đông, có ý muốn lập thành một giáo-hội đại-đồng, bao gồm cả xã-hội vậy.

Nói tóm lại thời đạo Phật bắt đầu biến từ khi phân ra Đại Tiểu Thừa. Nhưng trong khi Tiểu-Thừa vẫn cố giữ lấy chính-truyền cũ, nghiêm theo như kỷ-luật xưa, thời Đại-Thừa cứ khoáng-trương mãi ra, thiên về triết-lý, mỗi ngày một sai-lạc cái tôn-chỉ hồi đầu. Rồi sau Đại-Thừa lại kinh-qua nhiều lần biến, mà nghiễm-nhiên thành ra một đạo mới, là đạo A-di-đà (阿 彌 陀 = Amitabha, tây gọi là đạo Amidisme), khác hẳn Phật-giáo cũ; sau này lại càng ngày càng suy, pha lẫn với mạt-lưu của đạo thần-tiên ở Tàu và những thổ-giáo của Tây-tạng Mông-cổ thành một đạo trọng « phù-chú » (符 咒 = tantra, tây gọi là tantrisme), thiên về đường lễ bái, mê tín những sự vô-nghĩa-lý, có khi không khác gì những thuật phù-thủy. Một đạo cao-thượng như đạo Phật mà phiêu-giạt đến thế, khá gọi là suy-đồi vậy.

Song Đại-thừa vì sai tôn-chỉ cũ mà suy-biến đã đành, Tiểu-thừa vì quá theo tôn-chỉ cũ cũng thành ra hẹp-hòi cằn-cọi đi, mà không thể phát-đạt lên được, thành ra ngày nay Phật-giáo từ Nam chí Bắc đều bày ra một cái cảnh tồi-tàn. Bây giờ ở Tích-lan, Xiêm-la, Cao-miên, Diến-điện, tuy Phật-giáo vẫn còn nhiều người theo, nhưng chỉ còn trọng hình-thức, không mấy người biết đến tinh-thần đạo nữa, ngay trong bọn tăng-chúng cũng không có mấy người biết nghiên-cứu về Phật-lý. Gần đây Nam-tôn thời ở Tích-lan, Bắc-tôn thời ở Nhật-bản đã có xuất-hiện được mấy bậc cao-tăng có cái chí lớn muốn chấn-hưng Phật-giáo trong nước, nhưng xét ra chưa có ảnh-hưởng gì, và cũng chưa thành được kết-quả gì to về đường học-vấn, đường tôn-giáo vậy.

Ấy sự-tích Phật-tổ và giáo-lý đạo Phật như thế. Còn lịch-sử đạo Phật từ khi mới xuất-hiện ở đất Ấn-độ đến giờ, trải qua mấy mươi đời, truyền-bá bao nhiêu nước, thời tôi không thể nói cho hết trong một bài diễn-thuyết này được. Xin ngài nào muốn biết tường hơn thời đọc bài « Phật-giáo lược-khảo » của tôi đã in trong Nam-Phong. Nay chỉ xin kết-luận mấy lời để gọi là tóm-tắt cái tôn-chỉ của đạo Phật như trên kia đã giải-thích.

Cả đạo Phật là gồm trong một chữ khổ. Ở đời là khổ, làm người là lầm, ấy tôn-chỉ của đạo Phật là thế. Bởi ở đời là khổ, nên người ta ai cũng băn-khoăn mà tìm đường thoát khổ. Nếu từ lúc lọt lòng cho đến khi vùi rập được sung-sướng trọn-vẹn cả, không phải sự gì phiền-muộn đau-đớn, không gặp cảnh gì trái ngược thảm-thương, thời chắc không phải nhọc lòng mà nghĩ đến kế giải-thoát. Nhưng, than ôi! cái hạnh-phúc hoàn-toàn không phải ở đời này, mà sự khổ-não gian-truân là thân-phận của người ta. Đã sinh ra kiếp làm người, ai cũng phải khổ, kẻ khổ ít, người khổ nhiều, có người mang cái đau-đớn ở trong lòng như con trùng độc hằng ngày nhấm gan đục óc, có kẻ đeo cái ủ-dột ở ngoài mặt, như cơn mây tối che ám một góc trời thu; có người khổ ngấm-ngầm như ngậm cay nuốt đắng, có người khổ vỡ-lở ra giọng khóc lời than; mỗi người đau một vẻ, mỗi người khổ một nỗi, nhưng ai ai cũng đã từng đau-khổ cả, ai ai cũng còn phải đau-khổ nhiều.

Nay đạo Phật gốc ở sự khổ mà ngọn ở phép cứu-khổ, cho nên có thể nói đạo Phật tức là một đạo cứu-khổ. Muốn cứu-khổ phải biết nguyên-nhân sự khổ. Trong trời đất, trên cõi đời, duy có sự khổ là hiển-nhiên, ai cũng phải chịu như thế. Bởi sao mà khổ? bởi cái lòng tham sống nó thúc-giục người đời cứ quay-cuồng xuẩn-động hoài để tự mình làm cực cho mình, không biết rằng hành-động tức là tạo-nghiệp, tạo-nghiệp tất có nghiệp-báo, nghiệp-báo ắt phải luân-hồi, luân-hồi là cứ chết đi sống lại hoài, đời-đời kiếp-kiếp, phất-phơ như cái ma trơi, phiêu-giạt trong khoảng vô-tận, khi mờ, khi tỏ, khi thấp, khi cao, vĩnh-kiếp không được bao giờ nghỉ-ngơi, yên-ổn, bình-tĩnh, êm-đềm! Ở đời đã khổ, làm người đã nhọc như thế, thời người trí-giả chỉ nên hết sức thoát sự khổ, tránh sự nhọc, mà hi-vọng tới một cõi thập-phần yên-ổn, thập-phần tịch-mịch. Cõi ấy trong sách Phật gọi là nát-bàn (Nirvana). Thuộc về nát-bàn, các học-giả từ xưa đến nay nghị-luận cũng đã nhiều; người thì cho nát-bàn là chỗ hư-không, đến đấy thời hết không còn gì nữa, người thì cho nát-bàn là nơi cực-lạc, đến đấy thời được khoái-lạc vô-cùng. Hai đàng cũng có lẽ phải cả, vì chính Phật-tổ bình-sinh không từng giải rõ nát-bàn là gì. Có người đệ-tử hỏi Phật rằng người ta đã tới cõi nát-bàn thời còn có gì nữa không, hay là tịch-mịch hư-vô cả, Phật trả lời rằng: « Ta thử hỏi: Nay có một người bệnh thập-tử nhất-sinh, có kẻ đem thuốc lại cứu cho khỏi chết, người ấy có chịu uống ngay không, hay là còn hỏi thuốc kia ở đâu mà lại, thuốc kia làm bằng vật gì? Như-lai thấy chúng-sinh trầm-luân trong bể khổ, muốn ra tay tế-độ cho siêu-thoát, khác nào như kẻ cho thuốc người bệnh. Bệnh nặng, thuốc sẵn, cứ việc uống, còn hỏi gì? » Phật không nói rõ về nát-bàn là Phật có thâm-ý. Xưa nay những bậc triết-nhân quân-tử đã sáng-suốt muôn lẽ, đã thấu hiểu mọi sự, muốn ra tế-độ cho quần-sinh, thường có nhiều điều tự mình biết mà không thể truyền-bá ra được, cũng tức như ông thầy thuốc biết rằng bệnh-trạng nguy mà không dám nói rõ cho bệnh-nhân biết. Phật-tổ cũng vậy: chắc trong ý riêng vẫn biết rằng linh-hồn sau khi tịch-diệt rồi là vào cõi tịch-mịch hư-vô, chứ chẳng phải nơi thiên-đường cực-lạc gì; nhưng không hề nói rõ cho ai biết bao giờ, là sợ có kẻ chưa thoát sạch trần-tục, nhân thế mà ngã lòng tu đạo chăng: nếu mãn-kiếp tu-thành, hết sức học đạo, mà kết-cục chỉ đến tiêu-nhập vào chốn hư-vô thời kinh-hãi biết dường nào!

Nói tóm lại thì chỉ biết nát-bàn là một chỗ tới đấy thời bao nhiêu sự phiền-não tiêu hết cả, không phải cái khổ luân-hồi nữa; nhưng tới đấy linh-hồn người ta có còn nữa không, có biết hưởng sự khoái-lạc nữa không, hay là cũng cùng với mọi sự phiền-não mà tiêu-diệt đi hết, thời Phật không hề nói rõ bao giờ. Bởi Phật không giảng rõ nên trong những người tin đạo Phật có thể chia ra hai hạng: một hạng những người trí-thức thông-minh, thời ức-đoán thâm-ý Phật mà biết rằng nát-bàn là hư-không, đã tịch-diệt rồi không còn gì nữa; một hạng những người tầm-thường — mà hạng này là hạng nhiều hơn nhất, có thể nói là gần hết các tín-đồ của Phật — thời cho nát-bàn là nơi cực-lạc, linh-hồn tới đấy được sung-sướng vô-cùng. Bởi thế mới đặt thành một cõi thiên-đường gọi là « Tây-thiên tĩnh-thổ », để thưởng cho những người có công-đức tu-thành ở đời, khi chết rồi được lên đấy, sung-sướng vô-ngần; đối với « Tây-thiên tĩnh-thổ » thời có địa-ngục âm-ti để phạt những kẻ độc-ác ở đời khi chết rồi phải xuống đấy chịu tội. — Thành ra Phật không giảng rõ về nát-bàn cũng là một sự hay, vì người trí-thức cứ lấy cái lẽ cao-thâm mà hiểu, kẻ tầm-thường cứ lấy cái lẽ thiển-cận mà hiểu, tùy trình-độ người ta có cao có thấp không phương-hại gì.

Song đó là những nghĩa triết-lý sâu-xa, dù nát-bàn là chốn hư-không, hay là nơi cực-lạc, cái kỳ-hạn cũng còn xa-xôi lắm, vì phải qua mấy mươi đời kiếp mới tới được. Nhưng người ta ai cũng phải mong-mỏi cho có ngày tới được, vì tới đấy thời bao nhiêu sự khổ-não hết cả. Muốn cho tới được thời hiện ngay kiếp này phải tu-hành cho đắc-đạo. Phép cứu-khổ chính là đạo tu-hành. Mà đạo tu-hành là gồm trong bốn chữ chính-tâm diệt-dục. Người ta chỉ vì mang lòng tham-dục nên phải chịu khổ-não. Nguồn khổ đã là bụng dục thời diệt-dục tức là diệt-khổ. Bụng dục thiên-hình vạn-trạng, nhưng rút lại cũng là cái lòng tham sống mà thôi. Người ta chỉ bởi tham sống nên phải cạnh-tranh, bởi cạnh-tranh nên làm ác-nghiệp, bởi ác-nghiệp nên phải luân-hồi. Luân-hồi là cái bánh xe sinh-tử vô-cùng-tận, đã quay rồi không sao cầm lại được nữa. Nay muốn dừng bánh xe luân-hồi thời phải diệt cái lòng tham sống. Thành ra cứu-khổ, suy cho đến cùng tức là diệt sống mà thôi, hay là nói nôm-na thời nói rằng: muốn khỏi khổ chỉ có một cách chết đi mà thôi. Song nếu như thế thì đạo Phật chẳng là xuẩn lắm dư? Bởi thế nên có nhiều người hiểu lầm, bảo đạo Phật là đạo dạy người ta ai cũng nên tự-tử đi cho xong, và bao nhiêu những kẻ dùng thuốc độc súng lục xưa nay là môn-đồ của Phật cả. Giải đạo Phật thế thật là sai lầm quá. Vì tôn-chỉ của đạo Phật không phải là giải-thoát một cái thân ở đời này, mà là giải-thoát sự luân-hồi muôn kiếp. Người ta cho dẫu chán-ngán nỗi đời đến không muốn sống nữa mà dùng cách bạo-động để tự-tận mình đi, chẳng qua cũng mới là trút được cái thể-xác mà thôi, còn cái oan-hồn bất-đắc-kỳ-tử thời lại càng phải luân-hồi mãi-mãi, chưa biết đến kiếp nào cho cùng được, như thế thời chưa phải là chân-giải-thoát. Chân-giải-thoát là dẫu còn thân ở đời mà không có nhiễm-trước mùi đời, còn sống trên đời mà đã được biết cảnh nát-bàn rồi. Cho nên Phật thường nói: « Nát-bàn ở đâu? Nát-bàn không phải xa đâu. Nát-bàn ở ngay trong lòng ta. Dẫu ngay kiếp này mà tu-hành đắc-đạo cũng là tới được nát-bàn rồi. » Nói tóm lại thời trực-giải-thoát, chân-nát-bàn, tức là những bậc triết-nhân quân-tử đứng trong thế-tục mà không nhiễm mùi tục, như cái hoa sen kia mọc trong đống bùn mà không nhiễm mùi bùn. Như vậy thời đạo Phật cũng như các tôn-giáo khác, mục-đích là cốt gây cho người ta một cái nhân-cách rất thanh-cao, khiến cho thoát được ra ngoài những sự xấu-xa bỉ-tiện ở đời mà đem tinh-thần tiêu-dao những chốn cao xa siêu-việt.

Nhưng cái đặc-sắc của đạo Phật là lấy sự khổ làm gốc. Đạo Phật cho cái thế-giới này là một nơi bể khổ, bể mênh-mông bát-ngát, không bến không bờ, mà loài người ta cùng muôn giống trong thế-giới là trầm-luân cả trong cái bể khổ ấy, từ đời kiếp nghiệp lai nào, khó lòng mà cứu vớt ra được. Bởi thế nên có người trách đạo Phật là một đạo chán đời. Đạo Phật vẫn là một đạo chán đời, và tôi thiết-tưởng không những đạo Phật, dẫu tôn-giáo nào cũng là có một cái chủ-nghĩa chán đời. Thế nào gọi là chán đời? Chán đời là trông thấy sự đời không lấy làm bằng lòng, chưa cho là mãn-nguyện. Có chưa cho là mãn-nguyện, không lấy làm bằng lòng thời mới có cái chí chữa sửa cho đời, siêu-việt sự đời. Các bậc giáo-chủ xưa nay bậc nào cũng có hoài-bão một cái chí đó, mà sở-dĩ có cái chí đó là bởi không cam-tâm chịu những cảnh trái-ngược ở đời, muốn ra tay sửa lại đặt lại cho xuôi cho bằng; sở-dĩ có cái chí đó mới làm được những sự-nghiệp kinh-thiên động-địa, cải mới được lòng người. Như vậy thời các bậc giáo-chủ đều là những bậc không cam-tâm về sự đời cả; nhưng Phật lại là bậc không cam-tâm hơn cả, nên cái chủ-nghĩa chán đời của đạo Phật có thâm-thiết hơn các đạo khác. Song có chán đời mà tưởng không phải là bỏ đời. Nói thế chắc các ngài lấy làm lạ, vì xưa nay người ta vẫn cho đạo Phật là một đạo ẩn-độn, muốn lánh xa cõi đời, không thiết gì đến việc đời, lấy sự đạm-bạc vô-vi làm chủ-nghĩa. Có nhiều người hiểu đạo Phật như thế thật, nhưng tôi tưởng như thế chưa phải là thấu được cái chân-lý của đạo Phật. Xét cho kỹ, đạo Phật không những không phải là một đạo vô-vi mà lại là một đạo hoạt-động. Trước hết, muốn cứu khổ, tất phải thi-hành phương-pháp thế nào cho chúng-sinh được thoát khổ, phương-pháp ấy là chính-tâm diệt-dục như tôi đã nói ở trên; người ta mà diệt-dục chính-tâm được chẳng phải là người gan-góc mạnh-bạo lắm mới làm được dư? Một cái đạo mà khiến cho người ta gan-góc mạnh-bạo ra, há phải là một đạo vô-vi sao? Nhưng đã gây-dựng cho cái tư-cách mạnh-bạo gan-góc ấy, lại đặt ra một cái lý-tưởng cứu-tế để làm mục-đích ở đời, người ta trước phải tu-luyện cho có cái tư-cách kia, đã có rồi phải đem ra thi-hành cái lý-tưởng này, nghĩa là trước cứu cho mình, rồi sau cứu cho đời; một cái đạo vừa vị mình vừa vị người như thế, há phải là một đạo đạm-bạc sao? Cho nên người nào cho đạo Phật là đạm-bạc vô-vi là xét chưa đến nơi; đạo Phật chính là tự-cường hoạt-động, tự-cường nghĩa là phấn-chấn tinh-lực cho trở nên gan-góc mạnh-bạo, hoạt-động là đem cái sức mạnh-bạo gan-góc ấy mà làm những sự-nghiệp ích-lợi cho đời, tức là cứu-khổ cho đời, tức là giải-thoát cho người đó. Như vậy thời như mới rồi tôi đã nói, đạo Phật không những là không trái với phong-trào đời nay mà lại hợp với phong-trào đời nay lắm.

Nhưng cứ ý riêng tôi thời đạo Phật trước nhất là một cái gương rất hay cho bọn thượng-lưu ta. Vì Phật là gì? Phật là giác, giác là sáng-suốt; Phật là tự-giác nhi giác-tha, nghĩa là mình đã sáng-suốt rồi nên ra sức mà làm cho người khác cũng được sáng-suốt như mình. Trước cần cho mình được sáng-suốt, sau làm cho người được sáng-suốt như mình. Trước học-hành cho mở-mang trí-tuệ mình, sau dạy-dỗ cho mở-mang trí-tuệ người. Đó chẳng phải là cái chức-vụ của các bậc thượng-lưu học-thức trong nước ta ru? Trước gây dựng cho nhân-cách mình được hoàn-toàn, sau dìu-dắt cho quốc-dân mình được tấn-tới, phải gồm đủ hai việc đó mới xứng-đáng làm người tai mắt trong một nước. Hai việc đó Phật đã dạy cho người đời tự hai nghìn năm trăm năm nay; tiếc thay đời trước hiểu lầm lời Phật dạy, nên đạo Phật bấy lâu nay đã mang tiếng là một đạo chán đời. Nay ta đã rõ cái chân-lý của đạo Phật, nên thi-hành lời dạy của Phật-tổ. Trước nên cầu lấy tự-giác, rồi sau nên ra sức khai-giác cho đồng-bào; dẫu chính mình đã tự-giác rồi, mà đồng-bào còn chưa được khai-giác, thời chưa nên lấy thế làm mãn-nguyện vội. Phải nên nhớ lời Phật-tổ Thích-già đã nói: « Hễ nhất-thiết chúng-sinh chưa thành Phật, thời ta đây cũng chưa thành Phật vội. Ta còn nguyện ra tế-độ cho chúng-sinh. » Lại lời Bồ-tát Quan-âm thề rằng: « Hễ bao giờ còn có một mảy bụi trần trầm-luân trong bể khổ, thời ta đây chưa thành Phật vội. Ta còn muốn ra tay giải-thoát cho được đã, nhiên-hậu mới thành Phật. »

Tôi xin ước-ao rằng những người có chí trong nước ta, những khi đêm khuya thanh-vắng, một bóng một mình, ngồi mà ngẫm-nghĩ đến hậu-vận nước nhà, đến giống nòi Hồng-Lạc, cũng nên khởi bồ-đề-tâm, phát bồ-đề-nguyện, tự mình thề với mình rằng: « Hễ bao giờ trong đất Việt-Nam này còn có một người dân ngu-si dốt-nát, cực-khổ lầm-than, thời ta đây dẫu thông-minh sáng-suốt, phú-quí giàu-sang đến đâu đi nữa, cũng chưa lấy thế làm mãn-nguyện, ta còn muốn đem chút tài hèn trí mọn mà dìu-dắt cho đồng-bào ta chóng bước lên đường văn-minh tiến-hóa, cho theo kịp bằng người!. »


  1. Về sau đạo Phật mới gọi là Đế-Thích
  2. Trích trong sách: H. Kern, Histoire du Bouddhisme indien.
  3. Sáu giác-quan là ngũ-quan (mắt, mũi, tai, mồm, tay), thêm một đệ-lục-quan nữa là trí-tuệ trí-não (phạn-ngữ là mano, tây dịch là « intellect »).
  4. « Le résultat de ces recherches est d'ailleurs assez singulier: les deux alternatives qui formaient, semble-t-il, un véritable dilemne, à savoir que dans l'ancienne communauté le nirvâna devait être conçu soit comme le néant, soit comme la béatitude suprême, il s'est trouvé que ni l'une ni l'autre n'avait tout à fait raison. » (Oldenberg, p. 274).
  1. Gốc: Bratmâna được sửa thành Brahmâna: chi tiết
  2. Gốc: lẽ, đạo được sửa thành lẽ đạo,: chi tiết
  3. Gốc: lão được sửa thành não: chi tiết