PHẬT-GIÁO ĐẠI-QUAN

佛教大觀

(Diễn-thuyết ở hội Trí tri Hà-nội

ngày thứ năm 13 tháng 1 tây năm 1921)

Thưa các Ngài,

Lần này lại đến lượt tôi diễn-thuyết. Lần trước tôi đã diễn về truyện Kim-Vân-Kiều, là có ý muốn đem một áng văn-chương cũ của nước nhà, phô-bày những chỗ hay chỗ khéo, để chứng rằng thơ văn nôm ta ngày xưa cũng có giá-trị, và nếu bây giờ biết khéo tập-luyện thời sau này cũng có thể trở thành một nền quốc-văn xứng-đáng. Tuy diễn được hết cái tinh-thần trong truyện Kiều thật cũng là khó lắm, song nói về văn-chương kể còn là dễ, vì người nói dẫu có vụng-về mà còn có thể nhờ câu thơ câu văn của cổ-nhân đưa-đẩy, người nghe không đến nỗi chán lắm. Lần này tôi cố-ý đánh-bạo chọn một đầu bài khó hơn: tôi định nói về đạo Phật.

Đạo Phật là một đạo thâm-trầm uyên-áo, nay đem diễn ra tiếng ta là một thứ tiếng còn nông-nổi non-nớt, sao cho nói hết được những nghĩa-lý sâu-xa? Đó là một sự khó.

Lại còn sự khó nữa, là đời này là một đời hoạt-động cạnh-tranh, mà đạo Phật là một đạo vô-vi đạm-bạc, ở đời này mà giảng đạo ấy, chẳng là trái-ngược lắm rư? Người ta đang cần phải hăng-hái làm-ăn, hăm-hở tấn-tới, mà đem khuyên những sự nhẫn-nhục từ-bi, xả-thân phổ-cứu, khác nào như tưới nước lã vào đám lửa nồng, chẳng làm cho người ta nhụt mất cái chí tiến-thủ, tiêu mất cái khí nhiệt-thành đi rư? Đó là sự khó thứ nhì.

Còn một sự khó thứ ba nữa, là hội Trí-tri là một hội học, mà lệ thường các hội học là phàm những vấn-đề về chính-trị, về tôn-giáo, không nên nghị-luận đến, một là sợ xúc-phạm đến quyền chính-trị đương-thời, hai là sợ can-thiệp đến quyền tín-giáo tự-do. Nay giữa trong một hội học mà nói về truyện đạo-giáo, đem một tôn-giáo ra mà bình-phẩm, mà tán-dương, chẳng là trái với thể-lệ hội học rư?

Ấy diễn-thuyết về đạo Phật có những nông-nỗi khó như thế. Trước khi vào đầu bài, tôi hẵng xin phép các Ngài cho tôi biện-bạch các lẽ để giải-quyết mấy sự khó-khăn đó.

Nói rằng tiếng ta còn non-nớt, văn ta chửa thành-hình, thời sự đó quả như thế. Song tiếng sở-dĩ non-nớt là bởi ít người dùng đến, văn sở-dĩ chưa thành, là bởi ít người chịu tập. Ngoài những câu nhật-dụng thường-đàm, động nói đến những sự cao-kiến một chút, thời xưa kia dùng chữ nho, ngày nay dùng chữ tây, lấy văn-chương ngoài làm hay hơn những giọng nôm-na mách-qué của nước nhà, như thế thời đời kiếp nào cho tiếng thành lão-luyện, văn có điển-chương được. Nay phận-sự bọn mình bây giờ là phải cố công cùng sức gây-dừng luyện-tập cho tiếng An-nam thành một cái lợi-khí để mà ban-bố sự học-vấn, truyền-bá sự văn-minh trong quốc-dân. Tôi dám lấy cái kinh-nghiệm trong mấy năm trời mà quyết-đoán rằng tiếng An-nam ta bây giờ không gì là không nói được, nghĩa là trí ta tư-tưởng được đến đâu, có thể dùng tiếng ta thông-đạt được đến đấy.... Song đó là ý-kiến riêng tôi như thế, và trong bụng tôi trông-mong dự-tưởng như vậy, còn cuộc diễn-thuyết bữa nay được hay không, xin để các Ngài phán-đoán.

Đến điều thứ hai là đạo Phật không hợp với phong-trào đời nay, thời điều đó cũng có lẽ phải, mà cũng có lẽ không phải. Phải là đương đời hoạt-động mà giảng sự vô-vi, thời thật là trái với thời-thế, quả như thế. Nhưng đạo Phật vị-tất đã là một đạo thuần vô-vi, vì Phật-tổ cũng như các ông giáo-chủ khác giữ cái chủ-nghĩa cứu-thế, muốn cứu-thế tất phải ra tay tế-độ cho quần-sinh, đã ra tay tế-độ cho quần-sinh, sao lại gọi là đạo vô-vi được? Vả chính Phật-tổ đã nói: « Hễ nhất-thiết chúng-sinh chửa thành Phật, thời ta đây cũng không thành Phật vội »; lại đức Quan-âm-bồ-tát phát-nguyện rằng: « Hễ trong thế-gian còn một mảy bụi trần trầm-luân trong bể khổ, thời ta thề không thành Phật mà xin ra tay tế-độ cho muôn loài. » Như vậy thời đạo Phật coi bề ngoài tựa-hồ như một đạo tịch-diệt hư-vô, mà tựu-trung lại có cái quan-niệm cương-cường tinh-tiến. Song đó là thuộc về triết-lý, muốn giải rõ hết lẽ phải nói dài lắm. Nay bất-luận đạo Phật là đạo vô-vi hay là đạo hữu-vi, có một điều hiển-nhiên ai cũng công-nhận, là đạo Phật là một đạo từ-bi bác-ái, dạy người ta phải thương-yêu lẫn nhau, không những thương-yêu lẫn nhau, lại thương-xót cả đến hết-thảy các giống sinh-vật trong trời đất, từ con sâu cái kiến trở lên. Ngày nay phong-hội càng mở-mang, cạnh-tranh càng kịch-liệt; sự cạnh-tranh đó là hay, là cần, vì không cạnh-tranh thời khó sinh-tồn được; nhưng ngoài cái thì-giờ cạnh-tranh cũng nên di-dưỡng tính-tình, cho trong lòng được thư-thái, nếu lúc nào cũng chỉ trì-trục trong vòng danh-lợi, nhọc-nhằn về sự đua-chen, thời làm người có khác gì một giống vật khổ-sai, ở đời còn có phong-thú chi nữa? Cho nên trời nắng trang-trang, đi trên đường cái, trông thấy cái bóng cây mát muốn nghỉ chân, đó là thường-tình của con người ta. Cũng vì thế nên bước chân vào nơi chùa cổ, thấy bình-tĩnh mát-mẻ trong lòng; thoạt nghe thấy tiếng chuông chiều, thấy lâng-lâng sạch hết mùi tục; ấy tôn-giáo cảm-hóa lòng người như thế. Tôi thường nghe nói các ông phú-thương bên nước Mĩ, mỗi ngày cầm mấy trăm vạn quân là những đồng hoa-viên mà ra quyết-đấu trong trường thương-chiến, khí cạnh-tranh hăng-hái biết là bao; vậy mà sớm nào chiều nào cũng vào nhà thờ ngồi tâm-niệm trong một giờ hay nửa giờ đồng-hồ, gọi là tắm cho linh-hồn, để cho tinh-thần được tỉnh-tao khoan-khoái hơn. Như vậy thời giữa lúc xã-hội ta đương nồng-nàn náo-nhiệt như bây giờ, giảng-cứu về đạo Phật không hẳn đã là trái với phong-trào, với thời-thế.

Còn điều thứ ba, là giảng-thuyết về tôn-giáo không hợp với thể-lệ một hội học. Nhưng phải biết rằng giảng về tôn-giáo có nhiều cách: một cách là đem một cái đạo mình tin mà lập-tâm cố-ý khuyến-dụ người ta theo mình, lại có ý bài-bác các đạo khác không giống với đạo mình, như thế là can-thiệp đến quyền tín-giáo của người ta, như thế thời thể-lệ các hội học thường hay nghiêm-cấm. Nhưng chắc các Ngài cũng rõ rằng mục-đích bài diễn-thuyết bữa nay không có đâu như thế. Tôi tuy mộ triết-lý đạo Phật cao-thâm, mà tôi không phải là môn-đồ nhà Phật, chủ-ý không phải là muốn khuyên các Ngài thí-phát đi tu, ăn tray thụ-giới, thật không phải thế! Chỉ mong các Ngài nghe truyện Phật mà phấn-khởi được chút lòng đạo-đức, biết rõ công-đức của một vị thánh-nhân rất đáng kính đáng trọng của đất Á-châu cũ ta đã sinh ra từ hai ngàn năm trăm năm nay, mà hiện bây giờ còn tới năm trăm triệu con người sùng-mộ. Dẫu người nào không tin đạo Phật, cho đạo Phật là giả-dối sai-lầm, ghét bọn tăng-ni là ngu-si phóng-túng, cũng phải chịu rằng Phật-tổ là một người « siêu-nhân-loại », nghĩa là tài-trí tâm-địa cao hơn cả người đời, đáng đem làm gương cho thế-nhân. — Vả ngày nay ở các trường đại-học bên Âu-Mĩ, bên Nhật-bản, đã đặt hẳn một lớp học dạy về lịch-sử các tôn-giáo, như vậy thời tôn-giáo đã thành một khoa học-vấn, một khoa khảo-cứu, chớ không phải là một sự tín-ngưỡng mà thôi. Lại xem như các ông bác-học bên Âu-châu khảo về đạo Phật, phần nhiều là các ông cố đạo Thiên-chúa; như quyển sách tôi cầm đây là sách của một ông sư tàu nói về truyện Phật, mà dịch-thuật ra chữ Pháp chính là một ông cố tây giảng đạo ở bên Tàu[1]. Coi đó thời biết rằng một hội học mà giảng về tôn-giáo không phải là sai mục-đích; miễn là trong khi giảng-diễn không nên có bụng tây-riêng, thiên-vị đạo này mà bài-bác đạo khác thời thôi.

Tôi diễn-thuyết về đạo Phật mà phải biện-bạch đến bấy nhiêu, thật cũng dài quá, nhưng tôi thiết-tưởng rằng mấy điều khó như trên đó cần phải giải-quyết cho xuôi, để cho rõ rằng cuộc diễn-thuyết này là chánh-đáng.

Nay tôi xin vào đầu bài mà nói truyện Phật.

Tôi chia ra làm hai phần: trước nói về sự-tích Phật-tổ, sau nói về nghĩa-lý đạo Phật. Hai phần đó muốn giảng cho tường, thời phải đến mấy buổi. mới xong. Nay xin nói lược qua những việc cốt-yếu, ngài nào muốn biết rõ hơn thời xin đọc bài khảo-cứu tôi đã đăng trong Nam-phong hai tháng nay[2] Bài khảo-cứu đó phần nhiều là châm-chước các sách của các ông bác-học Âu-châu, có ý phê-bình triết-lý, nên những việc hoang-đường tôi bỏ bớt đi nhiều lắm. Song trong sự-tích Phật, việc thực với việc huyền, cũng khó lòng phân-biệt cho được, nếu nhất-thiết việc gì cho là huyền bỏ đi hết, thời có lẽ không còn gì nữa. Không những đạo Phật như thế, dẫu đạo nào cũng vậy, thuộc về sự-tích ông giáo-chủ vẫn thường bịa-đặt ra những truyện kỳ-dị để dễ cảm người đời; ta không nên lấy thế làm lạ. Vậy trong bài diễn-thuyết này, tôi có ý theo trong sách Tàu mà kể sự-tích Phật, dẫu có nhiều việc hoang-đường một chút, tưởng cũng là một cách mua vui cho các Ngài.

  1. Sách 釋 迦 如 來 應 化 錄 明 沙 門 寶 成 編 集. Dịch ra chữ Pháp đề nhan là: Les Vies chinoises du Buddha, par le P. Léon Wieger[đính chính 1].
  2. Phật-giáo-lược-khảo (Nam-Phong, số 40). Bài này cũng có dịch ra chữ nho nữa.
  1. Gốc: Wiegér được sửa thành Wieger: chi tiết