II

ĐẠO-HỌC

Phái lý-học đời nhà Tống tuy kể cả tượng-số-học, đạo-học và tâm-học, nhưng hậu nho thường lấy đạo-học làm chính tông. Cái học này khởi phát ra từ Chu Đôn-Di, lấy lý-thuyết trong các Kinh, Truyện, mà bàn về đạo lý và tâm tính, cho nên gọi là đạo-học hay là tâm-tính-học. Đồng thời với Chu Đôn-Di, có Trương Tái cũng theo cái tôn-chỉ ấy mà lập giáo, rồi đến Trình Hạo và Trình Di là môn-đệ Chu Đôn-Di cố sức đem phát-minh cái học ấy ra. Đến đời Nam-Tống lại có Chu Hi góp cả cái học của họ Thiệu, họ Chu, họ Trương và họ Trình mà lập thành một cái học có nghĩa-lý rất cao.

Hậu nho chia phái đạo-học ra làm bốn phái, và lấy tên chỗ ở của Chu Đôn-Di, Trương Tái, Trình Hạo, Trình Di và Chu Hi, mà gọi là: 1. Liêm-phái 濓 派; — 2. Quan-phái 關 派 3. Lạc-phái 洛 派; — 4. Mân-phái 閩 派.

Nay ta theo từng phái mà xét cái học-thuyết đồng dị là thế nào, để hiểu rõ cái tinh-thần của các phái ấy.

1.— LIÊM PHÁI

CHU ĐÔN-DI

Chu Đôn-Di 周 敦 頤, tự là Mậu-thúc 茂 叔 (1017-1073), người châu Đạo, tỉnh Hồ-nam. Ông khởi đầu làm chủ-bạ huyện Phân-ninh, rồi trải qua chức đại-lý-thừa, cai-trị đất Nam-xương, chức chuyển-vận phán-quan ở Quảng-đông và chức tri-quân ở quận Nam-khang. Sau vì có bệnh xin từ chức về làm nhà ở dưới núi Liên-hoa, thuộc Lư-sơn. Ở đó có cái khe nước trong sạch, ông thường ra đó giặt giải mũ. Ông bèn đặt tên là Liêm-khê 濓 溪 và tự lấy làm tên hiệu. Hậu nho nhân chỗ ấy mà gọi phái học của ông là Liêm-phái.

Chu Liêm-khê thuần túy là người đạo-học quân-tử, tính thung-dung hòa-nhã mà nghiêm nghị. Ông để chí ở ngoài trần tục, thích chơi ở những nơi sơn thủy xinh đẹp, và ưa xem cái sinh ý tự-nhiên của tạo-hóa. Trước cửa sổ chỗ nhà học, ông để cỏ mọc xanh tốt. Có người hỏi sao không trừ bỏ đi, ông nói rằng: « Dữ tự gia ý tứ nhất ban 與 自 家 意 思 一 般: Nó cũng giống như ý tứ của ta vậy ». Đồng thời bấy giờ có quan thái-sử là Hoàng Đình-Kiên nói rằng: « Chu Mậu-thúc nhân phẩm rất cao, trong bụng rộng-rãi, sáng suốt như quang phong tễ nguyệt ».

Sách của ông làm ra mất-mát đi, duy chỉ có Thái-cực đồ-thuyết 太 極 圖 說 và Thông-thư 通 書 còn truyền ở đời.

Những điều sở đắc của ông không phải là bởi có thầy truyền cho, thường là tự ông thể nghiệm cái học vô-ngôn của họ Khổng, hàm dưỡng cái thú chí-lạc của họ Nhan, mến cái nước mát sạch ở trong khe, yêu cái cỏ xanh tốt ở trước sân, mà lĩnh hội được đến chỗ uyên nguyên vậy.

Thái-cực đồ-thuyết.— Chu Liêm-khê hiểu thấu cái gốc nguyên thủy của Vũ-trụ. Cái gốc ấy vô thanh, vô khứu, vô phương sở, vô hình trạng, ở ngoài hết cả những cái mà ta có thể ý hội được, thế mà vẫn làm khu-nữu cho vạn vật. Nhưng vì không biết dùng chữ gì mà gọi cho đúng, cho nên mới gọi là Vô-cực, Vô-cực không phải là không không hẳn, nhưng chính là cái Tự-tại, vô thủy, vô chung, bất sinh, bất diệt. Cái tự-tại ấy không phát ra là Vô-cực, mà phát ra là Thái-cực. Vậy Vô-cực và Thái-cực là một thể.

Xét về mặt sinh hóa thì Thái-cực là cái khởi điểm nguyên thủy của vạn hữu. Có cái khởi điểm ấy rồi mới có sự sinh sinh hóa hóa vô cùng. Đó là cái uyên nguyên sự học hình-nhi-thượng của Khổng-giáo. Song Khổng-giáo sở dĩ chỉ nói Thái-cực mà không nói Vô-cực, là vì Khổng-giáo chú-trọng ở sự thiết-thực, sợ nói đến Vô-cực lại thành ra siêu-việt quá như Lão-giáo, không thích hợp với đạo trung là tôn-chỉ của mình. Hậu nho có nhiều người không thấy rõ chỗ ấy, cứ đứng vào cái địa-vị đối đầu với Lão-giáo, lấy « hữu » mà bác « vô », chứ không hiểu rằng « hữu » với « vô » là một thể, mà Khổng-giáo và Lão-giáo. đều do một gốc mà ra.

Chu Liêm-khê lịnh-hội được cái ý uyên-thâm ấy, cho nên ông nói ở đầu Thái-cực đồ-thuyết rằng: « Vô-cực nhi Thái-cực 無 極 而 太 極: Vô-cực mà Thái-cực ». Song ông chỉ nói qua để cho rõ cái nguồn gốc, rồi ông chú-trọng ở cái động-thể của Thái-cực, như thế thật là ông đã hiểu rõ cái học hình-nhi-thượng của Khổng-giáo hơn mọi người vậy.

« Thái-cực có hai thể: động và tĩnh. Động thì sinh ra dương, động cực rồi lại tĩnh. Tĩnh thì sinh ra âm, tĩnh cực rồi lại động. Cứ một động một tĩnh thay đổi nhau, cái nọ lấy cái kia làm gốc, chia làm âm dương, lập thành hai nghi vậy.

« Dương động là sự dụng-tác của Thái-cực, âm tĩnh là cái tập-thể của Thái-cực. Dương động thì biến hóa ra, âm tĩnh thì đông hợp lại. Bởi sự biến, sự hợp ấy, mà sinh ra ngũ hành là: thủy, hỏa, mộc, kim, thổ. Năm khí ấy thi ra mà thuận là bốn mùa lưu hành vậy.

« Ngũ hành hợp lại làm một là âm dương; âm dương hợp lại làm một là Thái-cực; Thái-cực vốn là Vô-cực. Ngũ hành sinh ra, thì mỗi hành có một tính.

« Cái chân 真 của Vô-cực (lý), cái tính của âm-dương và ngũ hành (khí) diệu hợp mà đông lại. Đạo Kiền thành ra con trai, giống đực; đạo Khôn thành ra con gái, giống cái. Âm-dương giao cảm với nhau (khí hòa) sinh ra muôn vật, muôn vật lại giao cảm với nhau (hình hóa) mà sinh sinh ra mãi và biến hóa vô cùng vậy.

« Trong muôn vật, có giống người là bẩm-thụ được cái tú khí rất thiêng-liêng. Cái hình đã sinh ra, thì cái thần cũng phát ra mà biết vậy. Năm tính cảm động mà thiện ác phân ra, vạn sự có vậy.

« Thánh-nhân lấy trung, chính, nhân, nghĩa, định ra cái đạo, mà lấy thể tĩnh làm chủ và lập ra nhân cực. Cho nên thánh-nhân hợp đức với trời đất, hợp sáng với mặt-trời mặt-trăng, hợp trật-tự với bốn mùa, hợp cát hung với quỉ thần.

« Quân-tử sửa đạo ấy là cát, tiểu-nhân trái đạo ấy là hung.

« Cho nên nói rằng: Lập cái đạo của trời là âm với dương, lập cái đạo của đất là nhu với cương, lập cái đạo của người là nhân với nghĩa. Lại nói rằng: Xem cái trước ở chỗ gốc, trở lại đến chỗ sau cùng, cho nên biết rõ cái thuyết tử sinh. Đạo Dịch lớn vậy thay, ấy là đến rất mực vậy! »

Đó là phần uẩn-áo trong cái học-thuyết của Chu Liêm-khê. Theo cái học ấy thì trong Vũ-trụ chỉ có lý Thái-cực là nguồn gốc sự sinh-hóa. Vạn vật đều phải có lý ấy mới sinh hóa được. Vậy nên vạn vật, bất cứ vật nào, cũng có một phần Thái-cực, nghĩa là vạn vật và Thái-cực cùng đồng một thể. Song Thái-cực là một cái lý đơn-nhất, mà theo cái học của Nho-giáo, thì cái đơn-nhất không sinh-hóa được. Sự sinh-hóa cốt ở cái tương đối như: âm dương, cương nhu, vân vân. Bởi vậy Trình-tử nói rằng: « Thiên-địa vạn vật chi lý vô độc, tất hữu đối, giai tự nhiên nhi nhiên, phi hữu an bài giã 天 地 萬 物 之 理 無 獨,必 有 對,皆 自 然 而 然,非 有 安 排 也: Cái lý của trời đất và vạn vật không có cái độc nhất, ắt phải có cái đối, rồi đều tự nhiên nhi nhiên, chứ không phải là có an bài trước vậy ». Muốn có sự sinh sự hóa, thì phải có sự điều-hòa của hai cái tương-đối. Hai cái tương đối ấy là âm và dương, do cái thể tĩnh và cái thể động của Thái-cực mà thành ra. Hiểu được lẽ điều-hòa ấy là biết được cái huyền-bí của tạo-hóa và cái đạo của thánh hiền.

Bởi có chữ « Vô-cực nhi Thái-cực » mà về sau nho-giả có người cho là Chu Liêm-khê theo cái học của Lão-tử, nói có « vô » rồi mới có « hữu ». Chu Liêm-khê sở dĩ viết câu ấy lên đầu Thái-cực đồ thuyết, là cốt để nói rõ cái căn-nguyên hình-nhi-thượng của Khổng-giáo, chứ không có ý gì bàn về « vô » và « hữu ». Vả lại, cách mấy câu sau, ông nói: « Thái-cực bản Vô-cực giã 太 極 本 無 極 也 » và lại nói: « Vô-cực chi chân, nhị ngũ chi tinh, diệu hợp nhi ngưng, kiền đạo thành nam, khôn đạo thành nữ 無 極 之 真,二 五 之 精,妙 合 而 凝,乾 道 成 男,坤 道 成 女 », thì rõ Vô-cực và Thái-cực là một vậy.

Hậu nho có người lại thấy có sự tranh-luận của Lục Tượng-sơn và Chu Hối-am về điều ấy, mà bảo là Chu Liêm-khê theo Lão-học, thì thật là không hiểu cái học của Chu Liêm-khê và chỗ cao của Nho-giáo.

Thông-thư. — Chu Liêm-khê làm sách Thông thư để bàn cái nguồn-gốc tính thiện và cách tu-dưỡng của người quân-tử. Ông cho sự thành 誠 là cỗi rễ của ngũ thường, căn-bản của trăm nết. Thành vượt qua thiện ác, mà cùng đồng-thể với Thái-cực. Cho nên khởi đầu ông nói rằng: Thành giả thánh-nhân chi bản 誠 者 聖 人 之 本: Thành là cái gốc của thánh-nhân » Thành là chí-thực, vô vọng, tức là nói cái chính lý của trời đất phú cho vạn vật.

Lúc đầu đạo kiền mới động, vạn vật lấy đó làm trước. Ấy là nguồn gốc sự thành vậy. Đạo kiền biến hóa định ra tính mạnh, sự thành mới lập vậy. Thành là thuần túy chí thiện. Cho nên kinh Dịch nói rằng: « Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện giã, thành chi giả tính giã 一 陰 一 陽 之 謂 道,繼 之 者 善 也,成 之 者 性 也 ». Nhất âm nhất dương là nói cái động-thể của Thái-cực. Cái động-thể ấy là đạo. Noi được đạo ấy là thiện, lập thành đạo ấy là tính. Vậy tính không thể không thiện được.

Bậc thánh-nhân sở dĩ là thánh, là bởi có hoàn-toàn cái thực lý. Cho nên nói rằng: « Thánh, thành nhi dĩ hĩ 聖,誠 而 已 矣: Thánh là thành mà thôi ».

Thành và cơ. — Thành có hai thể: động và tĩnh. Tĩnh thì vô mà động thì hữu. Thể tĩnh rất công chính mà thể động rất minh đạt. Cho nên người ta giữ được hoàn toàn sự thành, không giả dối chút nào, là vô-vi, vô-ngại vậy.

Chu Liêm-khê cho thánh-nhân là bậc có cái thể và cái dụng rất đúng với thiên-lý. Thể là cái bản nhiên có sẵn, dụng là sự hành-động phát hiện ra. Thể chủ ở sự thành, dụng chủ ở cái . Cho nên nói rằng: « Thành vô-vi, cơ thiện ác 誠 無 爲,幾 善 惡: Thành là vô-vi, cơ có thiện ác ».

Ông lấy nghĩa kinh Dịch mà giải thích chữ thành, chữ thần, và chữ  : « Tịch nhiên bất động là thành, cảm nhi toại thông là thần, động mà chưa hình ra ở khoảng hữu và vô là  ». Thành là cái lý bản-nhiên, cơ là cái mảy mới mở mới nảy ra trước khi hành-động. Hễ cái mảy ấy mà ngay chính là thiện, nghiêng lệch là ác. Vậy nên thánh-nhân theo cái tính bản-nhiên mà giữ cái đức. Đức chia ra làm năm là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Yêu là nhân, phải là nghĩa, hợp lý là lễ, thông đạt là trí, trì thủ là tín.

Năm đức ấy ở trong tính cả. Theo cái tính ở những đức ấy, yên ở những đức ấy, gọi là thánh. Quay trở về theo những đức ấy, cố giữ những đức ấy, gọi là hiền. Những đức ấy phát hiện ra mà không thể trông thấy rõ, đầy khắp cả mà không thể cùng, gọi là thần.

Thành thì tinh-túy cho nên sáng, thần thì ứng-nghiệm cho nên linh-diệu, cơ thì vi-tế cho nên u-ẩn. Có cả thành, thần và cơ, là thánh-nhân.

Động mà chính là đạo. Dụng mà hòa là đức. Trái nhân, trái nghĩa, trái lễ, trái trí, trái tín, là tà cả. Đã tà mà động là nhục. Quá nữa là hại vậy. Cho nên quân-tử phải thận động.

Sư đạo. — Chu Liêm-khê cho cái đạo của thánh-nhân là rất quí, nhưng phải có thầy dạy mới biết được. Đạo ấy, ông nói rút lại là: « Thánh nhân chi đạo nhân nghĩa trung chính nhi dĩ hĩ 聖 人 之 道 仁 義 中 正 而 已 矣: Đạo của thánh-nhân chỉ có nhân nghĩa trung chính mà thôi ». Giữ được là quí, làm được là lợi, mở rộng ra là sánh ngang với trời đất. Đạo ấy rất giản-dị, rất dễ biết, chỉ vì không giữ, không làm, không mở rộng ra vậy.

Hỏi rằng làm thế nào khiến cho thiên-hạ đều thiện cả? — Rằng: Phải có thầy dạy. — Cớ sao vậy? — Rằng: Tính có cương, nhu, thiện, ác, cốt giữ được lẽ trung 中 mà thôi vậy.— Không hiểu.— Rằng: Cương thiện là làm điều nghĩa, điều trực, điều quyết-đoán, điều nghiêm-nghị, điều cán-cố; cương ác là làm điều hung-mạnh, điều khe-khắt hẹp-hòi, điều cường-lương[1]. Nhu thiện là làm điều nhân-từ, điều hòa-thuận, điều khiêm-tốn; nhu ác là làm điều nhu-nhược, điều không quyết-đoán, điều tà-nịnh. « Duy trung giã giả, hòa giã, trúng tiết giã, thiên-hạ chi đạt đạo giã, thánh-nhân chi sự giã 惟 中 也 者,和 也,中 節 也,天 下 之 達 道 也,聖 人 之 事 也: Duy có lẽ trung ấy là hòa vậy, là trúng-tiết vậy, là đạt đạo của thiên-hạ vậy, là việc của thánh-nhân vậy ». Cho nên thánh-nhân lập giáo để khiến người ta tự mình đổi bỏ điều ác, tự mình đến chỗ trung 中 mới thôi. Kẻ tiên-giác dạy kẻ hậu-giác, kẻ mờ tối học kẻ sáng suốt. Như thế là đạo thầy thành lập vậy.

Đạo thầy đã thành-lập, thì người thiện có nhiều, người thiện có nhiều thì triều-đình chính mà thiên-hạ trị vậy.

Người ta chỉ sợ không có ai bảo cho mình biết điều lỗi, và sợ không biết thẹn. « Nhân chi sinh, bất hạnh bất văn quá, đại bất hạnh vô sỉ 人 之 生,不 幸 不 聞 過,大 不 幸 無 恥: Người ta sinh ra, cái không may là không được nghe điều lỗi của mình; cái không may lớn hơn cả là vô-sỉ ». Vậy nên phải có sỉ thì mới dạy được, và có nghe điều lỗi của mình thì mới hay được.

Người đi học cần phải có tư lự. Thiên Hồng-phạm trong kinh Thư nói rằng: « Viết tư, viết tuệ. Tuệ tắc thánh 曰 思 曰 𥈠,𥈠 則 聖: Rằng tư-lự, rằng thông-tuệ. Thông-tuệ là thánh ». Nguyên sự vô-tư là gốc, mà sự tư-thông là dụng. Cái cơ động bên kia, cái thành động bên này. Vô tư mà không có cái gì là không suốt, thế là bậc thánh-nhân. Không tư-lự thì không thể suốt được đến cái tinh vi, không thông-tuệ thì không thể vô bất thông được. Vậy thì vô bất thông sinh ra bởi sự suốt đến cái tinh-vi, sự suốt đến cái tinh-vi sinh ra bởi sự tư-lự. Cho nên sự tư-lự là cái gốc của thánh công mà là cái cơ-thuật của sự cát hung vậy.

Thánh học.— Hỏi rằng học làm thánh-nhân có được không? — Rằng: được. — Có cái gì là cốt yếu không? — Rằng: có. — Xin cho nghe. — Rằng: « Nhất vi yếu. Nhất giả vô dục giã. Vô dục tắc tĩnh hư, động trực. Tĩnh hư tắc minh, minh tắc thông. Động trực tắc công, công tắc phổ. Minh, thông, công, phổ, thứ hỹ hồ 一 爲 要.一 者 無 欲 也.無 欲 則 靜 虛,動 直.靜 虛 則 明,明 則 通.動 直 則 公,公 則 溥.明,通,公,溥,庶 矣 乎: Cái một làm cốt yếu. Cái một là vô dục. Vô dục thì lúc tĩnh là hư không, lúc động là ngay thẳng. Lúc tĩnh mà hư không thì sáng, sáng thì suốt. Lúc động mà ngay thẳng thì công, công thì khắp cả. Sáng, suốt, công và khắp cả, ấy là gần bậc thánh vậy ».

Phải học như thầy Nhan-tử trước sau chỉ vui vẻ sự học. Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẻm, người ta không kham được sự lo, mà mình không đổi cái vui. Phàm phú quí là người ta ai cũng yêu, thế mà Nhan-tử không yêu, không cầu, cứ vui ở chỗ nghèo, ấy là cái tâm thế nào vậy thay! Trong khoảng trời đất có một cái rất sang, rất giàu, khả ái, khả cầu, mà khác với cái giàu sang thường. Chẳng qua Nhan-tử thấy cái lớn mà quên cái nhỏ đó mà thôi. Thấy cái lớn thì cái tâm thư-thái. Tâm thư-thái thì không có cái gì là không đủ. Không có cái gì là không đủ, thì phú quí bần tiện cho là một vậy. Cho làm một thì có thể hóa được mọi điều mà làm cho bằng nhau cả. Bởi vậy Nhan-tử là á-thánh.

Đạo-đức và văn-từ. — Sự thực thì phải vụ thực. « Thực thắng, thiện giã; danh thắng, sỉ giã. Cố quân-tử tạo đức tu nghiệp, tư tư bất tức, vụ thực thắng giã 實 勝,善 也;名 勝,恥 也.故 君 子 造 德 修 業 孳 孳 不 息,務 實 勝 也: Cái thực thắng là thiện vậy; cái danh thắng là sỉ vậy. Cho nên quân-tử lo gây cái đức, sửa cái nghiệp, chăm-chăm không nghỉ, vụ lấy thực thắng vậy ».

Cái học vụ thực ấy là cái học đạo-đức. Còn cái văn-từ là cái đồ-dùng để đạt đến cái đạo mà thôi. Cho nên nói rằng: « Văn là để chở đạo, ví như cái xe, trang-sức rất đẹp mà người ta không dùng, thì chỉ là cái xe trang-sức không mà thôi, huống là cái xe bỏ không hay sao? Văn-từ là cái nghề vậy, đạo đức là cái thực vậy. Đốc chí tu lấy cái thực mà đem cái nghề để viết ra. Văn hay thì người ta yêu, người ta yêu thì truyền rộng ra. Cho nên nói rằng: « Ngôn chi vô văn, hành chi bất viễn 言 之 無 文,行 之 不 遠: Lời nói không có văn-chương, thì truyền ra chẳng xa ». Người đi học không biết vụ lấy đạo-đức, mà chỉ chuộng lấy văn-từ làm giỏi, thì người ấy chỉ là một tay giỏi nghề mà thôi. Bởi vậy quân-tử lấy đạo đức sung mãn làm quí, lấy thân yên làm giàu, cho nên thường được thư-thái, không có cái gì là không đủ, mà coi đồ hiên miễn như cái lông, coi đồ kim ngọc như cái bụi, vì cái quí trọng không gì hơn đạo-đức vậy.

Cái đạo của thánh-nhân, vào ở tai, giữ lấy ở tâm, chứa lấy làm đức-hạnh, đem thi-hành ra làm sự nghiệp. Kẻ kia chuộng lấy văn-từ mà thôi, là dở vậy.

Khen ngợi Khổng-tử và Nhan-tử. — Trong sách Thông-thư. Chu Liêm-khê còn bàn về lễ nhạc hình chính. Song cũng chỉ theo cái ý nghĩa của Khổng-học mà phát minh ra, chứ không có điều gì khác. Sau cùng ông khen ngợi cái công đức của Khổng-tử và cái học của Nhan-tử. Ông nói rằng: « Đạo-đức cao dày, giáo hóa vô cùng, thực sánh ngang với trời đất mà cùng đồng với bốn mùa, chỉ có Khổng-tử vậy ». Khổng-tử có nói: « Ta muốn không nói, kìa như Trời có nói đâu, mà bốn mùa vẫn lưu-hành, trăm vật vẫn hóa sinh ». Vậy thì cái uẩn-súc của thánh-nhân, chẳng phải Nhan-tử chẳng trông thấy được. Phát cái uẩn-súc của thánh-nhân để dạy muôn đời mà không cùng, ấy là Nhan-tử vậy.

Đó là nói lược cái tư-tưởng của Chu Liêm-khê đã phu-diễn ra trong sách Thông-thư, để học-giả hiểu rõ cái học của ông từ phần hình-nhi-thượng đến phần hình-nhi-hạ, nhất nhất là ông theo đúng cái tôn-chỉ của Nho-giáo.

Bàn về hai bộ sách của Chu Liêm-khê, về sau Chu Hối-am làm bài chú, nói rằng: « Thái-cực-đồ thuyếtThông-thư đại để là suy sự phân hợp của một lý (Thái-cực), hai khí (âm-dương) và năm hành (thủy, hỏa, mộc, kim, thổ) để làm cho cái tinh-vi của đạo-thể có manh mối, mở rộng sự thủ xả của đạo nghĩa, văn từ và lợi lộc, mà sửa đổi sự kém hèn của tục học ». Lời ấy thật là rất chính-đáng vậy,

Kể từ cuối đời Chiến-quốc về sau, Nho-giáo chỉ chuyên học về mặt công-truyền, chú trọng ở những điều luân-lý và chính-trị, bỏ mất phần hình-nhi-thượng-học, làm cho cái trình-độ triết-học của Nho-giáo thấp kém đi. Sau hơn một nghìn năm, Chu Liêm-khê quật-khởi lên, suy nguyên về một lý Thái-cực làm sáng rõ cái đạo uyên bác của thánh-hiền, lấy nghĩa lý trong kinh Dịch và sách Trung-dung mà nâng cao cái nền tư-tuởng của Nho-giáo và lập thành phái đạo-học rất thịnh từ đời Tống trở đi, Dẫu về sau các danh-nho trong phái đạo-học, còn có nhiều, nhưng chưa ai đã vượt khỏi cái phạm vi vậy.

  1. Cường-lương là không chịu theo mệnh lệnh của người trên.