I
TƯỢNG-SỐ-HỌC
THIỆU UNG
Cái học tượng-số phát ra từ Trần Đoàn rồi đến Thiệu Ung mới thành lập. Thiệu Ung 邵 雍, tự là Nghiêu-phu 堯 夫, thụy là Khang-tiết 康 節 (1011-1077), người phủ Vệ-huy, tỉnh Hà-nam, thụ nghiệp Lý Chi-Tài 李 之 才, thuộc về học phái của Trần Đoàn.
Thiệu Khang-tiết là người có đức hậu tài cao, học rất rộng, hiểu rõ cái bí truyền của hà-đồ và tiên-thiên tượng số. Tính ông không tham danh lợi, mấy lần vua nhà Tống triệu ra làm quan, ông cáo bệnh không chịu ra.
Những sách của ông làm và còn truyền ở đời là Hoàng-cực kinh-thế 皇 極 經 世; —Tiên-thiên-đồ; 先 天 圖; — Ngư-tiều vấn-đối 漁 樵 問 對; — Vô-danh-công truyện 無 名 公 傳.
Hoàng-cực kinh-thế. — Trong những sách ấy có sách Hoàng-cực kinh-thế là trọng-yếu hơn cả. Sách ấy làm theo lý-thuyết kinh Dịch và kinh Thái-huyền của Dương Hùng, có 60 thiên, nói về tượng-số của trời đất, sự biến hóa của lý Thái-cực và đạo của thánh hiền. Thiệu Khang-tiết lấy những quẻ của vua Phục-Hi đã vạch ra mà định tượng số, lập thành một học-thuyết.
Ông nói rằng; « Vật mà lớn thì không gì bằng trời đất, thế mà cũng có chỗ hết. Cái lớn của trời thì đến âm dương là hết. Cái lớn của đất thì đến cương nhu là hết. Trời bởi động mà sinh ra, đất bởi tĩnh mà sinh ra vậy. Một động một tĩnh giao với nhau, mà cái đạo của trời đất hết vậy. Lúc mới động thì dương sinh, động đến cực thì âm sinh. Một âm một dương giao với nhau, mà cái dụng của trời đất hết vậy. Lúc đầu mới tĩnh thì nhu sinh, tĩnh đến cực thì cương sinh. Một cương một tnhu giao với nhau, mà cái dụng của đất hế vậy.
« Cái lớn của sự động gọi là thái-dương, cái nhỏ của sự động gọi là thiếu-dương; cái lớn của sự tĩnh gọi là thái-âm, cái nhỏ của sự tĩnh gọi là thiếu-âm. Thái-dương làm mặt-trời; thái-âm làm mặt-trăng; thiếu-dương làm các ngôi sao, thiếu-âm làm khoảng cao mờ trên trời: nhật, nguyệt, tinh, thần, giao với nhau mà cái thể của trời hết vậy. Thái-nhu làm nước, thái-cương làm lửa; thiếu-nhu làm đất, thiếu cương làm đá: thủy, hỏa, thổ, thạch, giao với nhau mà cái thể của đất hết vậy.
« Mặt-trời làm nóng, mặt-trăng làm lạnh, tinh làm ngày, thần làm đêm: nóng, lạnh, tinh, thần, giao với nhau mà sự biến của trời hết vậy. Nước làm mưa, lửa làm gió, đất làm sương, đá làm sấm: mưa, gió, sương, sấm, giao với nhau mà sự hòa của đất hết vậy.
« Nóng biến cái tính của vật, lạnh biến cái tình của vật, ngày biến cái hình của vật, đêm biến cái thể của vật: tính, tình, hình, thể, giao với nhau mà sự cảm của giống động-vật và thực-vật hết vậy. Mưa hóa sự chạy của vật, gió hóa sự bay của vật, sương hóa loài cỏ của vật, sấm hóa loài cây của vật: sự chạy, sự bay, loài cỏ, loài cây. giao với nhau mà sự ứng của giống động-vật và thực-vật hết vậy.
« Người ta đối với nóng lạnh ngày đêm không có lúc nào là không biến; đối với mưa gió sương sấm không có lúc nào là không hóa; đối với tính tình hình thể không có lúc nào là không cảm; đối với sự chạy sự bay loài cỏ loài cây không có lúc nào là không ứng. Bởi thế mắt trông rõ sắc của vạn vật, tai nghe rõ tiếng của vạn vật, mũi ngửi rõ khí của vạn vật, miệng nếm rõ mùi của vạn vật. Người ta như thế cho nên linh hơn vạn vật là phải vậy » (Quan vật nội thiên).
Thiệu Khang-tiết lấy cái thể và cái dụng của tứ tượng mà lập thành số, thành đồ, cho nên bao giờ cũng lấy số 4 mà phối-hợp với nhau, như là: nhật, nguyệt, tinh, thần, — thủy, hỏa, thổ, thạch, làm cái thể và cái dụng của trời đất; lấy nóng, lạnh, ngày, đêm, — mưa, gió, sương, sấm, làm sự biến và sự hóa của trời đất; lấy tính, tình hình, thể, — chạy, bay, cỏ, cây, làm sự cảm và sự ứng của vạn vật; lấy nguyên, hội, vận, thế, — tuế, nguyệt, nhật, thì, làm cái trước và cái sau của trời đất.
Ông theo cái lý số 4 ấy mà tính, cho nhật là nguyên 元, nguyệt là hội 會, tinh là vận 運. thần là thế 世, và ông theo phép nạp-âm 納 音 mà tính từ năm giáp-thìn là năm nguyên-niên đời vua Nghiêu, đến năm kỷ-mùi là năm thứ 5 đời vua Mục-vương nhà Chu, ghi rõ lúc hưng, lúc vong, thời trị, thời loạn, trong khoảng thời-gian ấy, để làm chứng thực cho sự học của mình.
Trong một nguyên, thì có lúc trưởng 長, có lúc tiêu 消. Tính từ Tí đến Tỵ làm trưởng, từ Ngọ đến Hợi làm tiêu. Mỗi một nguyên là 129.600 năm, có 12 hội; mỗi một hội là 10.800 năm, có 30 vận; mỗi một vận là 360 năm, có 12 thế; mỗi một thế là 30 năm. Vậy một nguyên là có cả thảy 12 hội, 360 vận, 4320 thế.
Trong cuộc Đại-hóa 大 化 của vũ-trụ, thì một nguyên cũng như một năm vậy. Nguyên có 12 hội, và mỗi hội đứng vào một quẻ, như là: Quẻ Phục 復 ䷗ quản hội Tí; quẻ Lâm 臨 ䷒ quản hội Sửu; quẻ Thái 泰 ䷊ quản hội Dần; quẻ Đại-tráng 大 壯 ䷡ quản hội Mão; quẻ Quải 夬 ䷪ quản hội Thìn; quẻ Kiền 乾 ䷀ quản hội Tỵ; quẻ Cấu 姤 ䷫ quản hội Ngọ; quẻ Độn 遯 ䷠ quản hội Mùi; quẻ Bĩ 否 ䷋ quản hội Thân; quẻ Quán 觀 ䷓ quản hội Dậu; quẻ Bác 剝 ䷖ quản hội Tuất; quẻ Khôn 坤 ䷁ quản hội Hợi.
Xem cái tượng của những quẻ ấy, thì từ Tí đến Tỵ là dương trưởng, âm tiêu; từ Ngọ đến Hợi là âm trưởng dương tiêu. Cứ cái tượng ấy tính theo lẽ dương trưởng kể từ Trời mở ra ở hội Tí, Đất thành ra ở hội Sửu, Người sinh ra ở hội Dần, mà tính đến đời vua Nghiêu là cuối hội Tỵ, thuộc về hào cửu-ngũ quẻ Kiền, ở vào gần giữa nguyên, thì chính là lúc dương cực trưởng. Vậy nên đời vua Nghiêu vua Thuấn là đời cực thịnh. Hết hội Tỵ qua sang hội Ngọ là khởi đầu theo lẽ dương tiêu, âm trưởng[1], rồi dần dần đến hội Tuất là hội Bế vật 閉 物, nghĩa là đến hội ấy các loài vật không sinh nữa. Đến hội Hợi thì Trời đất và nhân vật tiêu-ma đi hết. Vì rằng phàm vật gì đã có hình, có khí là có ngày phải tan mất đi. Song cái nọ mất đi, thì cái khác sinh ra. Vậy hết cuộc trời đất này, lại sinh ra cuộc trời đất khác. Trong Vũ-trụ cứ chuyển vần thay đổi như thế không lúc nào nghỉ.
Nhưng trời đất và Vũ-trụ thay đổi như thế, thì cái gốc do ở đâu? Do ở cái lẽ Một, tức là Thái-cực. Do Thái-cực mà sinh ra lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng biến hóa sinh ra trời đất và vạn vật. Trời đất và vạn vật cứ theo cái lẽ xướng và họa, cảm và ứng, mà sinh sinh hóa hóa. Ai hiểu được những lẽ ấy thì có thể hiểu được vận mệnh và số hệ của trời đất và vạn vật vậy.
Đó là nói tóm cái học tượng-số, tức là cái, học siêu vật, của Thiệu Khang-tiết đã phu-diễn ra trong sách Hoàng-cực kinh-thế. Ai muốn biết rõ cái học ấy, thì phải tinh nghĩa kinh Dịch, và phải mất công lâu năm thì mới biết hết các lẽ. Trong cái học ấy ông đề-xướng lên nhiều cái vấn-đề rất hệ-trọng về đường siêu-vật triết-học, tưởng những nhà triết-học ngày nay nên lưu tâm mà xét cho kỹ. Hiện nay chính những nhà vật-lý-học bên Tây xét điện-học đã thấy có nhiều điều rất tương hợp với cái lý-thuyết nói về đạo âm dương của Á-đông. Có lẽ rồi một ngày kia Đông Tây dung hóa với nhau mà tìm thấy rõ cái chân-lý chăng.
Thiệu Khang-tiết theo cái học tượng-số mà suy diễn ra cái học tu-dưỡng rất cao. Ông cho là người cũng sinh sinh hóa hóa như trời đất, chỉ khác có một lâu một chóng mà thôi. Song trong sự biến hóa của Vũ-trụ có một phần làm chủ động, không bao giờ tiêu diệt đi được. Phần ấy ở trời đất thì gọi là thiên-lý, ở người thì gọi là tính. Tính và thiên-lý cùng đồng một thể và rất thiêng-liêng, rất sáng-suốt, khiến người ta nhờ đó mà biết thiện ác. Thánh hiền sở dĩ nói tính thiện là cũng bởi lẽ ấy vậy.
Theo cái thuyết của Thiệu Khang-tiết thì có tính là có tình. Tình là cái phản-động của tính, như mặt trăng là cái bóng sáng của mặt-trời chiếu lại. Tính là thần, tình là quỉ, nghĩa là tính thì ngay lành, sáng suốt; tình thì quỉ quái, mờ tối. Vậy nên người ta cần phải phục tính 復 性, tức là phải quay trở lại theo cái nguyên-tính của mình. Mình đã phục lại cái nguyên tính, thì tự mình thiêng-liêng, sáng-suốt, trong trời đất không đâu là không thấu tới được, mà cũng không bao giờ bị âm dương thụ nhiếp được. Ấy thế là mình tới đến cái thần.
Thần ở đâu cũng có, mà vạn vật đều chung một thần cả, cho nên từ bậc thánh-nhân cho chí mọi người, ai cũng có thể tâm thông được với nhau. Thần của Thiệu Khang-tiết nói ở đây cũng giống như Đạo của Lão-tử vậy.
Thần có một, và ở khắp cả mọi nơi, thì cái thần của mình, tức là cái thần của trời đất. Vậy nên người quân-tử phải thận độc 慎 獨, nghĩa là phải kính cẩn lúc một mình, không có dối mình bao giờ. Mình dối mình tức là dối trời đất. Người đã thận độc, thì có thể theo được thiên-lý mà hành-động. Đã theo được thiên-lý mà hành-động, thì ta là một cái vũ-trụ riêng, sức tạo-hóa ở ta, ta không bị vật khác đè nén được, mà ta lại có thể tể-chế được các vật.
Cái học của Thiệu Khang-tiết uyên-thâm và hoằng-đại như thế, thật là xứng đáng một nhà đại triết-học trong Nho-giáo vậy.
Ngư tiều vấn đối. — Cái tư-tưởng của Thiệu Khang-tiết hiển hiện ra rất rõ ở chuyện Ngư-tiều vấn-đối. Ông đặt ra một truyện vấn đáp để bàn về phần uyên-áo của tính mạnh và đạo đức như sau này:
« Ngư-giả rủ cần câu, câu cá ở trện bờ sông Y-thủy. Tiều-giả đi qua, đặt gánh củi nghỉ vai, ngồi trên hòn đá bàn-thạch mà hỏ ngư-giả: « Tất là củi của ta giúp được việc cho cá của bác có phải không? » — Ngư-giả: « Phải ». — « Ta biết rằng ta hữu dụng cho bác đó vậy ». — « Củi đợi lửa nhiên hậu mới là dụng ». — « Thế nào là dụng, có thể được nghe chăng? » — « Dụng là nói cái cao-diệu của vạn vật, có thể lấy ý mà hội, không có thể lấy lời nói mà truyền. Dẫu thánh-nhân cũng không thể lấy lời nói mà truyền ra được ».
« Thánh-nhân đā không thể lấy lời nói mà truyền ra được, thế thì lục Kinh không phải là lời nói đó hay sao? » — « Thời đã qua rồi mới nói, thì nói gì mà nói! »
« Hai người mới bẻ củi nướng cá, cùng nhau ăn, thích mà bàn đạo Dịch.
Tiều giả: Trời nương vào đâu? — Ngư-giả: nương vào đất. — Đất phụ vào đâu? — Phụ vào trời. — Thế thì trời đất nương vào đâu, phụ vào đâu? — Cùng nương phụ vào nhau. Trời nương vào hình, đất nương vào khí. Cái hình thì có bờ bến, cái khí thì không có bờ bến.
Tiều-giả: Bác dùng đạo gì mà được cá?
Ngư-giả: Ta dùng sáu vật là: cần trúc, dây tơ, phao nổi, đồ chìm, lưỡi câu, mồi câu. Đủ sáu vật ấy là việc người. Được cá với không được cá là việc trời. Nếu sáu vật ấy không đủ mà không được cá là không phải tại trời, tại người vậy.
Ngư-giả: Tiểu-nhân có thể tuyệt hết được không?
Tiều-giả: Không thể được. Không có âm, thì dương không thành, không có tiểu-nhân thì quân-tử không thành. Duy trong khoảng đó, có thể khiến cho bên thịnh bên suy vậy. Đời trị thì quân-tử sáu phần, tiểu-nhân bốn phần, tiểu-nhân vốn không thắng được quân-tử vậy. Đời loạn thì khác thế. Quân-tử thường làm hơn nói, tiểu-nhân thường nói hơn làm. Đời trị thì kẻ sĩ đốc-thực nhiều, đời loạn thì kẻ sĩ duyên-sức nhiều. Những người đốc-thực ít khi không thành sự, những người duyên-sức ít khi không bại sự.
Tiều-giả: Người có tài, có kẻ lợi cho đời, có kẻ hại cho đời, là cớ sao?
Ngư-giả: Có người tài mà chính, có người tài mà không chính. — Vậy sao không chọn người mà dùng: — Chọn người làm tôi là ở ông vua, chọn vua là ở người làm tôi. Kẻ hiền kẻ ngu đều loài nào theo loài ấy. Có vua là Nghiêu, Thuấn; tất có người tôi giúp Nghiêu, Thuấn; có vua là Kiệt, Trụ, tất có người tôi giúp Kiệt, Trụ ».
Đại để cái học của Thiệu Khang-tiết lên đến chỗ rất cao, cho nên phảng-phất giống Lão-học, nhưng thủy chung vẫn giữ đúng cái tôn-chỉ của Nho-giáo. Cái học ấy có phần sở trường rất lớn là gây thành cái tư-tưởng tự-do, chứ không bó buộc như cái học của các tiên nho. Nhưng vì cái học ấy phi người có thiên-tư đặc-biệt không theo được, cho nên về sau không mấy người nối được mà mở rộng ra vậy.
- ▲ Về đời nhà Nguyên có Minh-Thiện chép rằng: Năm giáp-tí là năm thứ 8 sau khi vua Hạ Vũ lên ngôi là bắt đầu vào hội Ngọ, tính đến năm giáp-tí là năm Cảnh-định nguyên-niên đời vua Lý-tôn nhà Tống (1260) là bắt đầu vận thứ 11 hội Ngọ. Vậy ta nay ở vào quãng cuối vậ nhứ 12 hội Ngọt