2. — QUAN PHÁI

TRƯƠNG TÁI

Đồng thời với Chu Liêm-khê có Trương Tái cũng theo cái tôn-chỉ lý-học mà lập ra một học-thuyết rất có giá-trị.

Trương Tái 張 載, tự là Tử-hậu 子 厚 (1020-1076), người đất Đại-lương, thuộc tỉnh Hà-nam, đỗ tiến-sĩ, ra làm quan được ít lâu rồi bỏ về ở Nam-sơn, phía tây huyện Trường-an, tỉnh Thiểm-tây, nhân lấy tên chỗ ở là Hoành-cừ 橫 渠, mà đặt tên hiệu. Nhân vì ông ở đất Quan-trung, cho nên hậu-nho gọi phái học của ông là Quan-phái.

Thủa ông còn trẻ, thích bàn việc binh, đến khi 20 tuổi đem thư đến yết-kiến Phạm Trọng-Yêm. Phạm Trọng-Yêm bảo ông về học sách Trung-dung, nhưng ông cho là chưa đủ, bỏ đi học đạo Phật và đạo Lão. Ông học những đạo ấy, thấy không sở đắc gì cả, lại trở về học sáu Kinh của Nho-giáo, rồi cùng với Trình Hạo và Trình Di bàn cái cốt-yếu đạo-học. Ông hớn-hở mà nói rằng: « Đạo ta tự đủ, sao lại đi tìm ở đâu ». Từ đó ông bỏ các học-thuyết khác mà theo Nho-học.

Sau khi ông thôi quan về ở nhà dạy học và làm ra những bài Đông-minh 東 銘 Tây-minh 西 銘 sách Chính-mông 正 蒙 và sách Dịch-thuyết 易 說. Trong những sách ấy, có bài Tây-minh và sách Chính-mông nói rõ cái tôn-chỉ sự học của ông hơn cả.

Tây-minh. — Trương Hoành-cừ viết hai bài minh ở hai bên tả hữu nhà học, gọi là Đông-minhTây-minh, có nhiều ý-nghĩa sâu xa, cho nên Trình-tử mới chép mà truyền cho các học-giả.

Trong bài Tây-minh, Trương Hoành-cừ nói rằng: « Kiền xưng là cha, khôn xưng là mẹ, ta nhỏ mọn hỗn-nhiên ở giữa. Cho nên cái lấp khắp trong khoảng trời đất là cái tính của ta. « Dân ngô đồng-bào, vật ngô giữ giã 民 吾 同 胞,物 吾 與 也: Dân là anh em đồng-bào của. ta, vật là cùng ta chịu cái lý và cái khí của trời đất vậy. » Nghĩa là người với ta là đồng loại, mà vạn vật tuy không đồng loại với ta, nhưng cũng bẩm thụ cái tính và cái hình-thể của trời đất phú cho như ta cả, nên chi lòng nhân-ái của ta đối với người và vật dẫu có đẳng đệ khác nhau, nhưng bao giờ cũng phải khắp đến cả muôn vật.

Trương Hoành-cừ cho là lòng bác-ái của người ta cần phải có trật-tự, lấy vua quan già trẻ làm thứ bậc. Ông nói rằng: « Vua là con trưởng của trời đất, quan đại-thần là gia-tướng của người con trưởng ấy vậy. Tôn người già cả là sở dĩ tỏ lòng kính trọng kẻ tôn trưởng, yêu mến kẻ trẻ dại là sở dĩ tỏ lòng bênh-vực kẻ nhỏ yếu, tôn kẻ hợp đức với trời đất làm bậc thánh, và kẻ có tài có đức hơn người thường làm bậc hiền. Còn những người tàn tật quan quả cô độc đều là anh em ta cả. Như thế thì người ta tuy có tôn ti khác nhau, nhưng ai ai cũng phải đem lòng bác-ái mà ở với nhau như con một nhà vậy. » Đó là ông nói cái ý trời đất vạn vật cùng với ta là một thể vậy. Sau ông nói cái ý ta phải thờ trời, yêu vật và vui theo mạnh trời mà giữ hết đạo hiếu. Lòng người thờ trời đất cũng như lòng con thờ cha mẹ, cứ một niềm kính thuận, dẫu chết cũng vui về đạo.

Xem bài minh ấy thì rõ là cái tư-tưởng của Trương Hoành-cừ theo cái chủ nghĩa thiên-địa-vạn-vật-nhất-thể mà phát minh ra cái quan-niệm bác-ái rất rộng vậy.

Chính-mông. — Lão-giáo thì cho cái « hữu » sinh ra bởi cái « vô », nghĩa là vô là cái nguồn gốc của cái hữu, cho nên người ta phải cần lấy sự thanh tĩnh vô-vi để cho hợp đạo. Phật-giáo thì cho các pháp-tượng trong vũ-trụ đều là mộng-ảo cả. Những pháp-tượng gây ra mọi sự khổ não, cho nên phải cầu sự tịch diệt để giải thoát. Nho-giáo thì cho đạo trời chỉ có âm dương lưu hành biến hóa, cho nên làm người phải theo tính trời mà hoạt-động mà hành-vi. Trương Hoành-cừ theo cái tôn-chỉ ấy của Nho-giáo, làm sách Chính-mông để bày tỏ cái học uyên-thâm của thánh hiền và bài xích những học-thuyết của Phật-giáo và Lão-giáo.

Thái-hư và âm dương. — Trương Hoành-cừ theo nghĩa trong kinh Dịch mà bàn về vũ-trụ. Ông cho trong vũ-trụ chỉ có Thái-hư là chân thực, mà Thái-hư và Thái-cực là một. Vạn vật do đạo Thái-hòa mà sinh ra. Thái-hòa là đạo âm dương biến hóa. Bởi vậy khởi đầu sách Chính-mông, ông nói rằng: « Thái-hòa mà gọi là đạo là bởi trong Thái-hòa có cái tính phù trầm, thăng giáng động tĩnh, tương cảm với nhau, cho nên mới sinh ra cái mối đầu của sự nhân huân tương đạng, thắng phụ khuất thân. Cái đến thì cơ vi, dị giản, mà cái cùng-cực thì quảng-đại kiên-cố. Khởi biết ở cái dễ là đạo kiền, noi theo ở cái giản là đạo khôn. Tan ra man-mác mà khả tượng được là khí, thanh thông mà không khả tượng được là thần. Không như bụi trần nghi-ngút, không đủ gọi là Thái-hòa. Người nói đạo có biết đạo ấy mới gọi là biết đạo, người học Dịch có thấy đạo ấy mới gọi là thấy Dịch.

« Thái-hư vô-hình là cái bản-thể của khí. Tụ và tán là cái khách hình của sự biến hóa. Chí-tĩnh vô-cảm là cái uyên-nguyên của tính. Hữu thức hữu tri, là cái khách cảm của sự vật-giao. Khách cảm, khách hình, cùng với vô cảm vô hình, duy người biết hết được tính mới cho là một được.

« Cái khí trời đất tuy tụ tán công thủ trăm đường, nhưng cái lý thì thuận mà không lầm. Cái khí mà làm vật là tan vào chỗ vô hình, thích hợp được cái thể của ta, rồi tụ lại mà có tượng, không mất cái thường của ta. Thái-hư không thể không có khí, khí không thể không tụ lại mà làm vạn vật, vạn vật không thể không tan ra mà làm Thái-hư, cứ thế mà ra vào, không thể không được. Song bên Nho-giáo thì thánh-nhân biết hết cái đạo trong khoảng đó, kiêm được cả cái thể, mà không bị cái gì làm hệ lụy cả, là giữ được còn cái thần đến rất mực vậy. Kẻ kia nói sự tịch diệt (Phật), là đi mà không trở lại; hoặc cố giữ cái sống, cố chấp cái có (Lão), là có vật mà không hóa. Hai bên tuy có khác nhau, nhưng đều là không phải đạo cả.

« Biết hư-không là khí, thì hữu vô, ẩn hiện, thần hóa, tính mạnh, suốt là một không có hai. Nhưng biết tán tụ xuất nhập, hình với không hình, mà suy được đến cái gốc ở chỗ nào ra, là biết rõ đạo Dịch vậy. Nếu nói rằng: hư năng sinh khí, thì cái hư vô cùng, cái khí có hạn. Cái thể và cái dụng khác hẳn, thành ra theo cái thuyết « hữu sinh ư vô » của Lão-giáo, mà không biết rằng hữu và vô là cái lẽ thường của hộn-nhất. Nếu nói rằng: vạn tượng là vật hiện ra trong Thái-hư, thì « vật » với « hư » không giúp nhau, hình tự hình, tính tự tính. Hình, tính, trời, người, không quan-hệ với nhau, thành ra lại mắc vào cái học thuyết của Phật-giáo, cho sơn hà và đại-địa là cái bệnh hoạn. Đạo trời mà không rõ, là bởi kẻ mờ tối biết lược qua cái thể hư-không là tính, không biết lấy thiên đạo làm cái dụng, rồi lấy cái ý-kiến nhỏ mọn của người ta, làm cái nhân duyên của trời đất. Khi cái sáng mà không rõ hết, thì nói bậy rằng: thế giới, kiền khôn là ảo hóa. Không tìm thấy cái cốt yếu của sự u minh, bèn vượt bậc nghĩ càn mà thôi. Không hiểu rõ cái lẽ nhất âm nhất dương làm phạm-vi cho trời đất, suốt đến cả ngày đêm và cái qui-củ của tam cực đại trung, bèn bảo là Nho, Phật, Lão hỗn-nhiên một đường. Những kẻ nói thiên-đạo và tính mạnh là không mắc vào cái hoảng-hốt mộng-ảo, thì lấy cái hữu sinh ra ở cái vô làm cái luận-thuyết cùng cao cực vi, và làm con đường nhập đức, chứ không biết chọn cái phương-pháp mà tìm những lẽ khác. Đó thật là bị tế hãm vậy.

« Khí Thái-hư mông-mênh, lên xuống, bay và nở ra, chưa từng lúc nào nghỉ. Đó là cái mà Dịch bảo là: nhân-huân 絪 緼; cái mà Trang-tử bảo là: lấy cái hơi thở mà sinh vật, thổi lẫn nhau như bụi trần vậy. Ấy là cái cơ-quan của sự thực hư động tĩnh, cái nguyên thủy của âm dương. Nổi mà bốc lên là cái khinh thanh của thể dương, chìm mà lắng xuống là cái trọng trọc của thể âm. Sự cảm ngộ tụ tán, làm gió mưa, làm tuyết sương, là cái lưu hình của vạn phẩm, cái dung-kết của núi sông, tức là cái cặn bã tro tàn vậy.

« Khí tụ lại thì mắt trông thấy được là có hình, khí không tụ lại thì mắt không trông thấy được là không hình. Lúc cái khí tụ lại, sao không bảo là khách được? Lúc cái khí tan ra, sao đã vội bảo là không có? Cho nên thánh-nhân ngẩng lên xem, cúi xuống xét, chỉ nói biết cái cớ u minh, mà không nói biết cái cớ hữu vô. Cái mà đầy trong khoảng trời đất là pháp-tượng mà thôi. Xét cái vẻ, cái vết không có con mắt không rõ được. Lúc có hình, thì có thể lấy mà biết cái nguyên-nhân của sự u; lúc không có hình thì có thể lấy mà biết cái cớ của sự minh.

« Cái khí tán tụ đối với Thái-hư cũng như băng tuyết đối với nước. Biết Thái-hư là khí, thì không có cái vô. Cho nên thánh-nhân nói cái cùng-cực của tính và thiên-đạo, là cho hết cả ở cái thần của số ba và số năm[1], chỉ có biến đổi mà thôi. Chư tử (Lão, Trang và Phật) đều là thiển vọng, cho nên mới chia ra hữu vô, thế là không phải cái học cùng lý vậy.

« Thái-hư là cái khí rất thanh. Thanh thì thông, thanh cực thì thần. Do Thái-hư mà có tên gọi là Trời, do khí hóa mà có tên gọi là đạo. Hợp cái hư với cái khí mà có tên gọi là tính, hợp tính với tri-giác mà có tên gọi là tâm. »

Theo cái thuyết ấy, thì Trời và đạo, tính và tâm là phần linh-diệu ở trong vũ-trụ, cùng đồng một thể cả. Dẫu có chia ra trăm đường nghìn lối, chung qui vẫn là Thái-hư. Thái-hư có cái thần hóa, biến ra âm dương, rồi bởi hai khí ấy mà sinh ra trời đất và vạn vật.

Cái ý của Trương Hoành-cừ là cho ở trong vũ-trụ chỉ có vật vô-hình như cái thần-hóa của Thái-hư và âm dương mới là thật, còn những vật có hình như trời đất và các pháp-tượng là cặn bã của hai khí âm dương mà thôi. Ông nói rằng: « Quỉ thần là cái lương-năng của hai khí vật. Thánh là chí thành được cái gọi là Trời. Thần là con mắt diệu-ứng của Thái-hư. Còn trời đất và pháp-tượng là cặn bã của sự thần-hóa vậy. » Cũng vì lẽ ấy mà sau ông lại nói: « Vận ư vô-hình chi vị đạo, hình-nhi-hạ giả, bất túc dĩ ngôn chi 運 於 無 形 之 謂 道,形 而 下 者,不 足 以 言 之: Chuyển vần ở chỗ vô hình gọi là đạo, cái hình-nhi-hạ thì không đủ nói làm gì. »

Xem đó thì biết cái học của ông rất chú-trọng ở phần hình-nhi-thượng. Ông cho Thái-hư là rất linh-diệu, song Thái-hư chỉ là một mà thôi. Cái một không thể sinh hóa được, tất phải có cái hai. Bởi vậy mới nói rằng: « Lưỡng bất lập, tắc nhất bất kiến, nhất bất kiến tắc lưỡng chi dụng tức. Lưỡng thể giả, hư thực giã, động tĩnh giã, tụ tán giã, thanh trọc giã, kỳ cứu nhất nhi dĩ 兩 不 立,則 一 不 見.一 不 見,則 兩 之 用 息.兩 體 者,虛 實 也,動 靜 也,聚 散 也,清 濁 也,其 究 一 而 已: Cái hai mà không thành lập, thì cái một không thấy, cái một không thấy, thì cái dụng của cái hai cũng nghỉ. Hai thể là hư thực, động tĩnh, tụ tán, thanh trọc, nhưng đến cùng cực thì chỉ một mà thôi. » Cái hai ấy nói gồm lại là âm dương do cái một là Thái-hư biến ra. Thánh-nhân lập ra Dịch cốt có bấy nhiêu, học giả phải hiểu rằng: « Có cảm rồi sau mơi thông, không có cái hai thì không có cái một. Cho nên thánh-nhân lấy cương nhu để lập bản. Kiền khôn nát thì không thấy đạo Dịch nữa. » Đạo trời đất sở dĩ thành là vì cái lẽ: « Du khí lẫn-lộn rối-rít hợp lại mà thành chất, sinh ra người và vật nghìn vạn giống khác nhau. Âm dương hai mối tuần hoàn không thôi, lập ra cái nghĩa lớn của trời đất. »

Trời đất và vạn vật có là gốc ở hai khí âm dương. Hai khí ấy tương đối và tương điều hòa với nhau, cho nên mới sinh ra các pháp-tượng. Bởi có cái tương-đối và tương-hòa ấy mà các pháp-tượng đều có cái tính ái ố, thành ra có vật dục. Trương Hoành-cừ giải rõ nghĩa ấy rằng: « Cái hư của khí bản, thì im lặng không có hình, cảm rồi mới sinh, tụ lại rồi mới có tượng. Có tượng ấy là có đối, đối tất phải phản lại sự hành-vi của nhau. Có phản, ấy là có thù nghịch, thù nghịch tất phải hòa mới giải được. Cho nên cái tình ái ố đồng ở Thái-hư mà ra, rồi sau thuộc cả về vật-dục. Sự biến-hóa của Thái-hư thì vụt mà sinh, vụt mà thành, không để hở một đường tơ tóc nào, thật là thần vậy ôi! » Thái-hư thành tượng thì phải có cái khí tương-phản và tương-hòa, cũng như người với vật phải có cái tình tương-phản và tương-hòa. Tương-phản là ố, tương-hòa là ái. Ái ố đều do Thái-hư mà ra, nhưng rồi thuộc về vật-dục. Song chỉ có chúng nhân mới theo vật-dục, chứ trời đất thì tự-nhiên mà sinh, tự-nhiên mà thành, chỉ nhân vật phó vật, không có chút hệ lụy nào về sự đình-lưu ngưng-trệ cả.

Trương Hoành-cừ lại nói rõ cái tính của âm dương: « Cái đức của khí dương chủ ở sự phát tán ra, cái đức của khí âm chủ ở sự bế tàng. » Phát tán là chia ra mà sinh, bế tàng là ngưng tụ lại mà thành. Bên tụ lại, bên tán ra, cái thế là tán, nhưng trong lúc tán, dương bị âm, thành ra cái nọ giữ cái kia mà xuống, âm được nhờ có dương mà bay lên. Hai khí chế lẫn nhau mà sinh hóa ra vạn vật. Đó thật là cái căn-nguyên của sự học thức bên Nho-giáo vậy.

Trời đất. — Trời đất là do khí Thái-hư mà thành ra. « Đất sở dĩ gọi là hai, là vì phân ra cương nhu, nam nữ, mà làm chứng hiệu. Trời sở dĩ gọi là ba, là lấy một Thái-cực và hai nghi mà làm tượng. Một vật hai thể là khí vậy. Một cho nên thần, hai cho nên hóa. Ấy Trời sở dĩ là ba vậy. »

Trời đất chuyển vần ở trong vũ-trụ: « Đất là thuần âm, ngưng tụ ở giữa; Trời là phù dương quay quanh ở ngoài. Mặt trời mặt trăng và sao, tuy thuận theo trời đi về bên tả, nhưng vì ở vòng trong thì đi chậm hơn, cho nên mới trông ra đi về bên hữu. »

Nhưng đó là nói cái hình-thức và sự chuyển động ở bên ngoài, chứ Trời là cốt ở cái thần: « Thiên chi bất trắc vị thần, thần nhi hữu thường vị thiên 天 之 不 測 謂 神,神 而 有 常 謂 天: Biến hóa bất trắc gọi là thần, thần mà có thường gọi là Trời. » Trời thể được cả vạn vật và chủ tể cả mọi sự, cho nên nói rằng: « Đạo Trời là bốn mùa chuyển vần, trăm vật sinh ra. Trời thể các vật không sót, như là nhân 仁 thể đủ các sự, không có sự nào là không có nhân vậy. »

Thần hóa. — Trong trờ đất chỉ có thần và hóa, biết được hai điều ấy thì hiểu được đạo Trời. Trương Hoành-cừ nói rằng: « Thần là cái đức của Trời, hóa là cái đạo của Trời. Đức là thể, đạo là dụng. Hợp lại với khí chỉ là một mà thôi. Hư minh chiêu giám là cái sáng của thần; không có viễn cận u thâm, lợi dụng xuất nhập. Thần sung tắc khắp cả mọi nơi không có chỗ nào hở cả.

« Khí có âm dương, đun-đảy mà đi, dần dần mà hóa. Hợp làm một mà bất trắc là thần. Ở người, thì biết điều nghĩa, dùng điều lợi, ấy là việc thần hóa đủ vậy. Đức mà thịnh là cùng thần, thì cái biết không cần phải nói, và tri-hóa, thì cái nghĩa không cần phải tìm. »

Ông lấy cái nghĩa chữ « cùng thần tri hóa 窮 神 知 化 » ở trong kinh Dịch làm cốt cho sự học của người ta. Cùng được cái thần biết được cái hóa là cái cực-điểm của cái đức rất thịnh, cái nhân rất thuần-thục, chứ không phải là cái trí cái lực có thể cưỡng bách được. « Đại khả vi giã, đại nhi hóa bất khả vi giã, tại thục nhi dĩ 大 可 爲 也,大 而 化不 可 爲 也,在 熟 而 已: Cái lớn khả làm được vậy, cái lớn mà hóa, thì không khả làm được vậy, ở cái thuần-thục mà thôi. »

Vậy sự tu dưỡng của người ta là cốt ở trong, chứ không cần ở ngoài. « Hiểu rõ nghĩa vào đến thần, thì các sự dự sẵn ở trong ta, cầu lợi là sự ở ngoài ta. Cái lợi dùng để yên thân, nhưng vốn ở ngoài ta. Tu dưỡng là ở ta, tu dưỡng nhiều thì tự khắc đến được cùng thần tri hóa, chứ không phải là lo nghĩ miễn cưỡng mà ép được. Cho nên chuộng cái đức mà ở ngoài cả, là người quân-tử không biếi vậy. »

Cái thần mà còn thì cái hóa là tự-nhiên, cho nên nói rằng: « Cái thần không thể nghĩ ngợi mà đến được, chỉ giữ cho còn là nên vậy; cái hóa không thể giúp cho chóng lớn được, chỉ thuận là nên vậy. Giữ cho còn cái hư minh, làm cho lâu cái chí-đức, thuận sự biến hóa, đạt cái thời trung, thế là cái rất mực của sự nhân và cái hết của sự nghĩa ».

Trong vũ-trụ chỉ có cái thần là linh-diệu, người ta phải cố đến chỗ biết được cái thần. « Duy có thần mới có thể biến hóa, lấy sự động của thiên-hạ mà làm một vậy. Người ta mà biết cái đạo biến hóa thì ắt biết việc làm của thần vậy. » Biết được cái thần, thì không có việc gì là không làm được. Song muốn sửa mình cho ngay và biết được sự cảm ứng của vật, thì phải vô ngã và tồn thần: Vô ngã nhiên hậu đắc chính kỷ chi tận, tồn thần nhiên hậu diệu ứng vật chi cảm 無 我 然 後 得 正 己 之 盡,存 神 然 後 妙 應 物 之 感: Vô ngã rồi sau mới được cái hết của sự chính mình, tồn thần rồi sau mới có cái cảm của sự diệu ứng với vật. »

Người ta cùng với trời đất và vạn vật tuy cái hình-thể khác nhau, nhưng nhờ có đạo Thái-hòa ở trong vũ-trụ, mà có thể giao-thông với nhau được. Bởi vậy mới nói: Khí dữ chí, thiên dữ nhân, hữu giao thắng chi lý 氣 與 志,天 與 人,有 交 勝 之 理: Khí với chí, trời với người, có cái lý giao thắng. » Hễ cái khí thuần là một thì có thể động đến chí. Cái chí thuần là một thì có thể động đến khí. Thiên định có thể thắng nhân, nhân định có thể thắng thiên. Vậy nên mớ nói: chí khí, trời người có cái lý giao thắng vậy.

Tính. — Tính là của trời phú cho vạn vật, thì tất là: « Tính giả vạn vật chi nhất nguyên 性 者 萬 物 之 一 源: Tính là một cái nguồn gốc của vạn vật », chứ không phải là một mình ta riêng được. Tính là phần linh-diệu bản-nhiên của trời đất, cho nên « Tính ư nhân vô bất thiện 性 於 人 無 不 善: tính của người ta không có điều gì là không thiện ».

Nếu đã nói rằng tính thiện, thì sao lại có người hiền, người ngu, kẻ thiện, kẻ ác? Trương Hoành-cừ chia tính ra làm hai thứ. Một thứ là tính bản-nhiên của Trời phú cho, một thứ là tính của khí chất thành ra. Cái tính của Trời phú cho, thì muôn người cũng đồng một tính, cái tính của khí chất khởi phát ra sau khi thành hình, thì mỗi người một tính khác nhau. Bởi có khí thanh khí trọc, cho nên mới có hiền ngu, có thiện ác vậy.

Đây ta nên nhắc lại rằng: bàn về chữ tính, khởi đầu Khổng-tử nói ở thiên Hệ-từ trong kinh Dịch: « nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện giã, thành chi giả tính giã ». Ngài lại nói ở sách Luận-ngữ: « Tính tương cận giã, tập tương viễn giã. » Đến Mạnh-tử mới xướng lên cái thuyết tính thiện, rồi sau Tuân-tử xướng lên cái thuyết tính ác. Về sau chư nho mỗi người bàn ra một khác, Dương Hùng đời Hán cho là tính của người ta có lẫn cả thiện và ác. Hàn Dụ đời Đường chia tính ra làm ba bậc: bậc trên thì thật thiện, bậc giữa thì khả thiện khả ác, bậc dưới thì thật ác. Đến đời Tống các nho-giả cho tính hợp với lý tất là phải thiện, song không nói rõ bởi đâu mà có tính ác. Trương Hoành-cừ mới phân ra làm « thiên địa chi tính 天 地 之 性 » và « khí chất chi tính 氣 質 之 性.» Tính thiện là tính của trời đất phú cho, tính ác là tính của khí chất sinh ra. Theo cái thuyết ấy thì người ta cần phải bỏ cái tính của khí chất mà phục lại cái tính của trời đất. Vì rằng tính của trời đất phú cho mới thật là tính, còn tính của khí chất, quân-tử có người không cho là tính (khí chất chi tính, quân-tử hữu phất tính giả yên 氣 質 之 性,君 子 有 弗 性 者 焉).

Tâm. — Trương Hoành-cừ đã nói rằng: « Hợp tính và tri-giác mói có tên gọi là tâm ». Tính là cái bản-thể của Trời phú cho, sự tri giác là do khí chất đối với vật mà sinh ra. Ông lại nói « Tâm thống tính tình giả giã 心 統 性 情 者 也: Tâm tóm cả tính tình vậy ». Ông cho tính là cái bản-thể của tâm, mà tâm là cái thống-danh cả toàn-thể cái tinh-thần của người ta. Cái thực của tâm là Thái-hư, mà Thái-hư là bản-nhiên thành minh 誠 明 tự nó có cái lương-tri. Cái tri ấy mới thật là quí, chứ cái tri do văn kiến không có giá trị là mấy. Bởi vậy mới nói rằng: « Thành minh sở tri, nãi thiên đức lương-tri, phi văn kiến tiểu tri nhi dĩ 誠 明 所 知,乃 天 德 良 知,非 聞 見 小 知 而 : Thành minh mà biết, là cái lương-tri của thiên đức, không phải cái biết do sự văn kiến là cái biết nhỏ mà thôi.[2] » Nếu người ta không hiểu lẽ ấy, mà bỏ cái tính bản-nhiên của trời đất đi, rồi chỉ cầu lấy sự văn kiến cho nhiều để làm tâm, ấy là làm nhỏ cái tâm đi vậy. Vì rằng ở trong vũ-trụ biết bao nhiêu là sự vật, làm thế nào mà biết cho hết được. Biết không hết được, thì cái tâm của mình chỉ là nhỏ hẹp mà thôi. Chi bằng đem cái tâm mà hợp với Thái-hư, tâm hư thì công-bình, công-bình thì hiểu rõ lẽ phải trái, biết được việc nên làm và việc không nên làm.

Người ta sở dĩ không đem tâm hợp với Thái-hư được là vì để cho cái tính khí-chất nó sai khiến. Vậy nên học-giả phải lấy sự biến hóa khí-chất làm mục-đích cho sự học của mình. Trương Hoành-cừ thường nói rằng: « Học có ích lớn là ở tự mình biến hóa được cái khí-chất. Nếu không, thì không phát-minh được điều gì, và chẳng được thấy cái uẩn-áo của thánh-nhân. » Có biến hóa được cái khí-chất đi, thì cái tâm của mình mới thanh hư và mới hiểu được cái đạo uyên-áo của thánh hiền.

Muốn biến hóa được cái khí-chất, thì trước hết phải có chí. Cho nên nói rằng: « Người có chí ở sự học, thì bất luận cái khí tốt xấu, chỉ xem cái chí thế nào mà thôi. » Nếu cái chí mà kiến dũng, thì lo gì cái khí- chất không biến hóa đi được.

Đó là lược lấy những điều cốt yếu trong sách Chính-mông để hiểu cái học của Trương Hoành-cừ sở chủ ở điều gì. Ông thật đã có công đem cái học hình-nhi-thượng của Nho-giáo mà phu-diễn ra rất tường tận. Song đối với cái học ấy thường là phải trầm tư mặc tưởng, rồi lâu ngày tự giác ngộ lấy, chứ không thể lấy văn-từ mà tả cho biết ý nghĩa được. Đã gọi là hình-nhi-thượng thì chỉ có tự mình ý-hội lấy mà thôi, chứ không thể dùng cái hình-nhi-hạ mà hình-dung cho đủ cả được. Bởi thế cho nên sách Chính-mông tuy đã là tinh tường, nhưng hãy còn có điều khuyết-điểm. Trình Minh-đạo xem sách ấy rồi viết thư bảo Trương Hoành-cừ rằng: « Những lời bàn thì đại khái có cái tượng khổ tâm cực lực lắm, nhưng không có cái khí khoan dụ, ôn nhu. Không phải là bởi có cái minh tuệ soi đến, chỉ bởi có cái công khảo-sách tìm được đến thế, cho nên cái ý thường thiên mà lời nói có nhiều chỗ bế tắc. Mong rằng về sau cái nghĩa lý ngấm nghía ra, có ngày tự-nhiên sẽ được điều-xướng, nghĩa là sẽ được thông đạt khoan hoằng. »

Bởi cái học của Trương Hoành-cừ lấy sự biến hóa khí-chất làm cốt-yếu và lại cho là: « Trời sinh vật có tự, vật thành hình có trật; biết tự thì đạo thường chính, biết trật thì lễ hành », cho nên ông hết sức đem mình thực-tiễn những điều lễ nghĩa. Phàm sự cử chỉ, hành động, không điều gì là ông không thủ lễ. Vì vậy cái học của ông thành ra khổ khắc, phiền phức, không ung-dung, thư thái như cái học của Chu Liêm-khê. Tuy nhiên, ông là một nhà có tư-tưởng trác lạc, cùng với Thiệu Khang-tiết và Chu Liêm-khê, mỗi người một phương-diễn, xây đắp nên cái nền lý-học đời Tống vậy.

  1. Ba là Thái-cực và lưỡng nghi; năm là ngũ hành.
  2. Xem đoạn này thì biết cái học của Hoành-cừ rất có ảnh-hưởng đến cái học của Vương Dương-minh đời Minh.