Nam Hải dị nhân liệt truyện/53
53. — Nhị-Khanh
Từ-Đạt người ở Khoái-châu (Hưng-yên), làm quan ở huyện Đông-quan. Gần đấy có quan Thiêm-thư là Phung-lập-Ngôn. Hai người đi lại chơi bời với nhau thân thiết lắm. Phùng có con giai tên là Trọng-Quì, Từ có con gái tên là Nhị-Khanh, hai bên giai tài gái sắc, tốt lứa đẹp duyên, mới kết duyên Châu Trần với nhau.
Nhị-Khanh tuy còn ít tuổi, nhưng về làm dâu nhà họ Phùng, hiền hậu hòa thuận, ai cũng khen là người nết na. Trọng-Quì tính hay chơi bời, nàng kia khuyên ngăn mãi không được.
Năm sau, gặp khi ở tỉnh Nghệ lắm giặc cướp, triều-đình cần một quan cai-trị giỏi để bổ vào. Các đình-thần ghét Phùng-lập-Ngôn là người thẳng tính, có ý muốn hại ngầm, mới cử Lập-Ngôn vào chức ấy.
Lập-Ngôn sắp đáo lị, bảo với Nhị-Khanh rằng:
― Đường đất xa xôi, ta không muốn cho con đi theo, vậy thì con hãy tạm ở nhà, đợi khi nào giời đất bình tĩnh, thì sẽ cho con về với chồng con.
Trọng-Quì thấy vợ không đi, có ý ngần ngại, cũng muốn ở nhà, Nhị-Khanh bảo rằng:
Nay nghiêm-đường vì nói thẳng mà người ta ghét, tuy cất vào chỗ quan sang, mà kì thực đưa vào nơi đất chết. Muôn dặm ba đào, hai thân mưa nắng, chàng không đi thì ai là kẻ sớm trưa hầu hạ? Vậy thì chàng phải đi theo, chớ có vì tôi mà bỏ mất đạo hiếu.
Trọng-Quì bất-đắc-dĩ phải theo cha mẹ về Nghệ, để Nhị-Khanh ở tại Đông-quan. Không được bao lâu, cha mẹ đẻ nàng Nhị-Khanh mất cả. Nhị-Khanh đem mả về táng ở phủ Khoái, rồi thì ở nương nhờ với người bà cô họ là Lưu-thị.
Bấy giờ có người quan võ họ Bạch, nguyên là cháu ngoại Lưu-thị, thấy nàng Nhị-Khanh có nhan sắc, muốn lấy làm vợ nói với Lưu-thị để dỗ hỏi nàng Nhị-Khanh.
Nhị-Khanh nghe tình sợ hãi lắm, bảo riêng người vú già rằng:
― Ta còn nhẫn nhục đến giờ, là vì vướng có chàng họ Phùng còn đó, nếu không còn thì ta chết theo rồi, chứ không khi nào ta mặc áo xiêm của chồng ta, mà đi làm đỏm cho người khác, mụ ở nhà ta đã lâu, nên nhớ ân tình chủ cũ, vào Nghệ hỏi thăm gọi về cho ta.
Người vú vâng nhời. Bấy giờ đang lúc loạn lạc đường sá khó khăn, mụ ấy cố sức tìm vào đến Nghệ, hỏi thăm thì ai cũng nói rằng: « Quan Tuyên-phủ Lập-Ngôn đã mất rồi, gặp phải con giai chơi bời, cửa nhà sa sút mất cả ». Người vú đi đường, gặp Trọng-Quì ở trong chợ. Trọng-Quì đem về chỗ ở, thì chỉ còn một túp nhà gianh, bốn bề bỏ trống, mà đồ đạc chỉ có cái bàn cờ, bộ ấm chén uống rượu, và con gà chọi con chó săn mà thôi.
Trọng-Quì bảo người vú rằng:
― Ta vì đường xá xa xôi không sao về được, tuy ở chỗ này, nhưng lúc nào cũng nhớ đến nhà.
Người vú cũng nói cả truyện đầu đuôi ở nhà. Trọng-Quì mới định ngày về. Khi về đến nhà, hai vợ chồng lị biệt lâu ngày, nay lại xum họp, ân ái biết là dường nào. Nhưng Trọng-Quì đã quen thói chơi bời với người lái buôn là Đỗ-Tam. Trọng-Quì thì tham của nhà Đỗ-Tam. Đỗ-Tam thì tham nhan sắc của vợ Trọng-Quì, mới rủ nhau rượu chè cờ bạc, định lừa lẫn nhau.
Trọng-Quì danh bạc thường thường hay được. Nhị-Khanh can rằng:
― Lái buôn tính hay lừa lọc, chớ nên chơi bời với hắn nữa, bây giờ tuy được của nó, rồi sau cũng thua hết với nó mà thôi.
Trọng-Quí không nghe. Một hôm, Đỗ-Tam họp bạn đánh bạc, bỏ ra trăm vạn quan tiền. Trọng-Quì muốn vay. Đỗ-tam bắt phải viết giấy lấy nàng Nhị-Khanh làm cuộc. Trọng-Quì quen mui hay được, tưởng chừng chẳng đến nỗi thua nào, mới viết giấy cam-kết với Đỗ-Tam Uống rượu rồi đánh bạc. Trọng-Quì thua luôn ba tiếng, hết sạch cả tiền, gọi vợ đến bảo rằng:
― Tôi vì nghèo ngặt, phải lụy đến nàng, nay đã trót nhỡ thế này, dù hối lại cũng không kịp. Thôi nàng hãy ở lại đây với ông ấy, không mấy bữa tôi sẽ dem tiền đến chuộc.
Nhị-Khanh biết thân không khỏi được về tay nó, mới nói rằng:
Bỏ chỗ nghèo theo chỗ giàu, thiếp còn ngại gì, mà cũng là duyên giời tiền định, ví dù chàng mà có bụng yêu đến thiếp, thì thiếp cũng xin hầu hạ chăn đệm như ở với chồng trước. Nhưng thiếp hãy xin một chén rượu, để biệt chồng cũ, và về nhà từ giã với con một đôi nhời.
Đỗ-Tam mừng lắm, sai rót vài chén rượu đưa cho uống, rồi về nhà ôm hai con ra vỗ vào lưng mà bảo rằng:
― Cha con bạc tình, không nương tựa được vào đâu, thôi thì các con ở lại với cha con, mẹ không mặt mũi nào bỏ con mà đi với người khác nữa.
Nói rồi tự vẫn. Đỗ-Tam chờ mãi không thấy đến, cho người gọi thì nàng ấy đã chết rồi. Trọng-Quì thương tiếc vô-cùng, tư bấy giờ mới ăn năn, chừa chơi bời, nhưng sinh lý mỗi ngày một kém, sớm tối nhờ người, nhân có người bạn cũ làm quan ở Qui-hóa, mới đem con sang đấy để nương nhờ. Đi đến nửa đường, mỏi mệt lắm, nghỉ ở dưới gốc cây bàng, bỗng nghe có tiếng trên không gọi rằng:
― Có phải chàng Phùng đấy không? Nếu chàng còn nhớ ân tình cũ, thì đến ngày ấy tháng ấy chờ tôi ở trong đền bà Trưng-vương chớ coi u minh là khác.
Trọng-Quì nghe rõ rằng tiếng nàng Nhị-Khanh, ngẩng lên trông thì chỉ thấy đám mây đen bay về phương bắc. Trọng Quì nghĩ lấy làm lạ, y hẹn đến ngày vào đền. Khi đến nơi thì bóng chiều đã xế, phong cảnh điều hiêu, chỉ có tiếng chim kêu ríu rít trên cây cổ thụ, tình cảnh buồn rầu, muốn về thì giời đã tối. mới nằm nghỉ ở trong nhà tả-mạc. Cuối canh ba, nghe ti tỉ có tiếng khóc, trước còn xa sau đến gần, trông mập mờ thấy rõ mặt, thì chính là nàng Nhị-Khanh.
Nhị-Khanh bảo Trọng-Quì rằng:
― Từ khi thiếp mất đi, Thượng đế thương tình, cho giữ riêng một đền, coi về việc tấu sở, không lúc nào rồi mà thăm được chàng. Bữa trước nhân có việc đi làm mựa, xảy gặp chàng cho nên gọi lại mà hẹn, nếu không có dịp ấy thì không bao giờ được gặp nhau.
Trọng-Quì hỏi:
Nàng hẹn tôi đến đây có việc gì vậy?
Nhị Khanh nói:
― Thiếp thường được hầu cạnh Ngọc-Hoàng có nghe các tiên nói chuyện rằng: « Vận nhà Hồ đã hết, đến năm Bính-tuất có việc binh đao, chết hại hơn 20 vạn người, ai mà không vun giồng cây đức, thì sợ mắc vào nạn ấy. Bao giờ có chân nhân họ Lê khởi lên thì mới yên. » Vậy chàng cố dạy hai con, phải vững lòng mà theo ông ấy, thì thiếp chết cũng được cái tiếng về sau.
Hai vợ-chồng truyện trò đến gần sáng mới biệt. Trọng-Quì từ khi ấy hết sức dạy bảo hai con, cho đến lúc thành người. Đến khi vua Thái-tổ khởi nghĩa trong Lam-sợn, hai con mộ quân vào theo, về sau cùng làm đến Thị-nội, bây giờ ở phủ Khoái, con cháu nhà ấy vẫn còn thịnh.