Truyền kỳ mạn lục  (1547?)  của Nguyễn Dữ, do Ngô Văn Triện dịch
Chuyện người nghĩa-phụ ở Khoái-châu

CHUYỆN NGƯỜI NGHĨA-PHỤ Ở KHOÁI-CHÂU

TỪ ĐẠT người ở Khoái-châu, lên làm quan tại thành Đông-quan (Hà-nội) thuê nhà ở cạnh cầu Đồng-xuân, láng-giềng với nhà quan Thiêm-thư là Phùng Lập Ngôn. Phùng giàu mà Từ nghèo; Phùng xa-hoa mà Từ tiết-kiệm; Phùng chuộng dễ-dãi mà Từ thì giữ lễ. Lề thói hai nhà đại-khái không giống nhau. Song cũng lấy nghĩa mà chơi-bời đi lại với nhau rất thân, coi nhau như anh em vậy.

Phùng có người con trai là Trọng Quỳ; Từ có người con gái là Nhị Khanh, gái sắc trai tài, tuổi cũng xuýt-xoát. Hai người thường gặp nhau trong những bữa tiệc, mến vì tài, yêu vì sắc, cùng có ý muốn kết-duyên Châu Trần. Cha mẹ đôi bên cũng vui lòng ưng cho, nhân chọn ngày mối lái, định kỳ cưới hỏi.

Nhị Khanh tuy hãy còn nhỏ, nhưng sau khi về nhà họ Phùng, khéo biết cư-xử với họ-hàng rất cung-thuận, người ta đều khen là người nội-trợ hiền.

Trọng Quỳ lớn lên, dần sinh ra chơi-bời lêu-lổng; Nhị Khanh thường vẫn phải ngăn-gián. Chàng tuy không nghe nhưng cũng rất kính-trọng. Năm chàng 20 tuổi, nhờ phụ-ấm được bổ làm một chức ở phủ Kiến-hưng. Gặp khi vùng Nghệ-an có giặc, Triều-đình xuống chiếu kén một viên-quan giỏi bổ vào cai-trị. Đình-thần ghét Lập Ngôn tính hay nói thẳng, ý muốn làm hại, bèn hùa nhau tiến-cử. Khi sắp đi phó-nhậm, Phùng Lập Ngôn bảo Nhị Khanh rằng:

— Đường-sá xa-xăm, ta không muốn đem đàn-bà con gái đi theo, vậy con nên tạm ở quê nhà. Đợi khi sông bằng nước phẳng, vợ chồng con sẽ lại cùng nhau tương-kiến.

Trọng Quỳ thấy Nhị Khanh không đi, có ý quyến-luyến không rứt. Nhị Khanh ngăn-bảo rằng:

— Nay nghiêm-đường vì tính nói thẳng mà bị người ta ghen-ghét, không để ở lại nơi khu yếu, bề ngoài vờ tiến-cử đến chốn hùng-phiên, bề trong thực dồn đuổi vào chỗ tử-địa. Chả lẽ đành để cha ba đào muôn dặm, lam-chướng nghìn trùng, hiểm-nghèo giữa đám kình-nghê, cách-trở trong vùng Lèo Mán, sớm hôm săn-sóc, không kẻ đỡ thay? Vậy chàng nên chịu khó đi theo. Thiếp dám đâu đem mối khuê-tình để lỗi bề hiếu-đạo. Mặc dầu cho phấn nhạt hương phai, hồng rơi tía rụng, xin chàng đừng thắc-mắc bận lòng đến chốn hương-khuê.

Sinh không đừng được, mới bày một bữa tiệc từ-biệt rồi cùng Lập Ngôn, đem người nhà đi vào phương nam.

Không ngờ lòng trời khó hiểu, việc người khôn lường, cha mẹ Nhị Khanh nối nhau tạ thế. Nàng đưa tang về Khoái-châu, chôn cất cúng tế xong rồi, đến cùng ở chung với bà cô Lưu-thị.

Bấy giờ có quan tướng-quân họ Bạch là cháu họ ngoại của bà Lưu-thị muốn lấy Nhị Khanh làm vợ, đem tiền-bạc đến khẩn-cầu. Lưu-thị bằng lòng rồi nhân lúc vắng-vẻ, bảo Nhị Khanh rằng:

— Nhà nước từ ngày họ Nhuận Hồ tiếm-vị, ngày tháng hoang chơi, triều-chính đổ-nát, họa loạn sẽ xẩy ra chỉ trong sớm tối; mà Phùng-lang từ ngày ra đi, thắm-thoắt đã 6 năm nay, tin-tức không thông, mất còn chẳng rõ. Nhỡ ra mà gặp lúc rồng tranh hổ chọi, phải khi bướm dại ong cuồng, Tra-Lợi mắc vào tay[1], Áp-Nha không sẵn mặt[2], chỉn e Chương-đài tơ liễu, trôi bay đi đến tận phương nào. Chi bằng bạn lành kén lựa, duyên mới vương xe, lấp những lời trăng gió cợt trêu, nương dưới bóng tùng-quân cao cả. Tội gì mà bơ-vơ trơ-trọi, sống cái đời sương-phụ buồn-tênh.

Nhị Khanh nghe nói sợ-hãi, mất ngủ quên ăn đến hàng tháng. Lưu-thị tuy biết chí nàng không chuyển-động, nhưng cố định lấy lễ-nghi để cưỡng-ép, hôn-kỳ đã rắp sẵn-sàng.

Nhị Khanh một hôm bảo người bõ già rằng:

— Chú là người đầy-tớ cũ của nhà ta, há không nghĩ gì sự đền-đáp ơn-đức của người xưa ư?

Bõ già nói:

— Tùy ý mợ muốn sai-bảo gì tôi xin hết lòng.

Nhị Khanh nói:

— Ta sở-dĩ nhịn-nhục mà sống là vì nghĩ Phùng-lang hãy còn; nếu chàng không còn thì ta đã liều mình chứ quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác. Chú có thể vì ta chịu khó lặn-lội vào xứ Nghệ hỏi thăm tin-tức cho ta không?

Người bõ già vâng lời ra đi. Bấy giờ binh-lửa rối-ren, đường-sá hiểm-trở, hắn phải lận-đận đến hàng tuần mới vào được đến Nghệ-an. Hắn đi hỏi thăm, biết tin Phùng Lập Ngôn đã mất được mấy năm rồi, vì con trai hư, nên gia-tư đã sạch-sành-sanh, đáng phàn-nàn quá.

Người bõ già ghé thuyền lên bờ, vừa vào trong chợ liền gặp ngay Phùng-sinh. Sinh đưa về chỗ ở thì một chiếc giường xiêu, bốn bề vách trống, trừ có mấy thứ như bàn cờ, hũ rượu, chim mồi, chó săn, không còn cái gì đáng giá. Sinh bảo người bõ già rằng:

— Quan nhà không may, thất lộc đã bốn năm nay rồi. Ta vì binh-qua nghẽn-trở, muốn về không được. Tuy ở chốn quê người đất khách, nhưng hồn mộng không đêm nào không ở bên mình Nhị Khanh.

Bèn chọn ngày lên đường về quê. Đến nhà vợ chồng cùng trông nhau mà khóc. Đêm hôm ấy buồng loan chung gối, sinh ngâm một bài thơ rằng:

憶 昔 平 生 日
Ức tích bình sinh nhật
曾 諧 契 合 緣
Tăng hài khế hợp duyên
感 君 情 太 厚
Cảm quân tình thái hậu

笑 我 命 終 迍
Tiếu ngã mệnh chung truân[3]
別 袂 分 攜 早
Biệt nhuệ phân huề tảo
長 亭 勸 飲 頻
Trường-đình khuyến ẩm tần
依 依 愁 嶺 嶠
Y-y sầu lĩnh kiện
擾 擾 隔 風 塵
Nhiễu-nhiễu cách phong-trần
共 約 人 千 里
Cộng ước nhân thiên-lý
相 望 月 半 輪
Tương vương nguyệt bán luân
侵 尋 閑 六 載
Sâm tầm nhân lục tải
零 謝 悵 雙 親
Linh tạ trướng song-thân
怕 睡 橫 山 曉
Phạ thụy Hoành-sơn hiểu
行 歌 演 水 濱
Hành ca Diễn thủy tân
登 樓 王 粲 淚
Đăng lâu Vương Sán lệ
索 句 杜 陵 巾
Xách cú Đỗ Lăng cân
竹 石 難 醫 俗
Trúc thạch nan y tục
禁 樽 不 療 貧
Cầm tôn bất liệu bần

他 鄉 勞 寄 目
Tha hương lao ký mục
故 國 重 傷 神
Cố quốc trọng thương thần
放 浪 非 吾 事
Phóng lãng phi ngô sự
淹 留 病 此 身
Yêm lưu bệnh thử thân
寧 知 蓬 島 客
Ninh tri Bồng-đảo khách
遙 達 錦 江 鱗
Dao dạt Cẩm-giang lân
采 石 重 移 棹
Thái-thạch trùng di trạo
黃 姑 兩 問 津
Hoàng-cô lưỡng vấn tân
幾 年 巫 峽 夢
Kỷ-niên Vu-giáp mộng
一 旦 武 陵 春
Nhất đán Vũ-lăng xuân
蝴 蝶 交 情 舊
Hồ điệp giao-tình cựu
鴛 鴦 變 態 新
Uyên-ương biến thái tân
輕 儇 唐 虢 國
Khinh huyên Đường Quắc-quốc
靡 曼 宋 東 鄰
Mỹ mạn Tống Đông-lân
綠 暗 鶯 聲 澁
Lục ám oanh thanh sáp
紅 稀 燕 子 嗔
Hồng hy yến tử sân
狎 遊 今 杜 牧
Hiệp du kim Đỗ Mục

奇 遇 古 劉 晨
Kỳ ngộ cổ Lưu Thần
吟 詠 聊 隨 興
Ngâm vịnh liêu tùy hứng
風 流 肯 讓 人
Phong-lưu khẳng nhượng nhân
會 應 傳 勝 事
Hội ưng truyền thắng sự
命 筆 記 周 秦
Mệnh bút ký Chu Tần

Dịch:

    Nhớ từ năm hãy thơ ngây,
Đôi ta sớm đã xe dây Tấn Tần.
    Tình em thắm đượm vô ngần,
Số anh riêng lắm gian-truân cũng kỳ.
    Chia tay một sớm ra đi,
Trường-đình chén rượu, phân-ly rước mời.
    Sầu treo đỉnh núi chơi-vơi,
Mịt-mù gió bụi cách-vời xa-xăm.
    Bắc nam nghìn dặm âm-thầm,
Trăng cài nửa mảnh đăm-đăm bên trời.
    Sáu năm vùn-vụt đưa thoi,
Thông già huyên héo, ngậm-ngùi nhớ thương.
    Từng khi ngủ dưới Đèo Ngang,
Từng khi bến Diễn ngâm vang điệu sầu.
    Lệ tuôn, Vương Sán lên lầu,
Sầu ôm, Đỗ Phủ ngâm câu cảm-hoài.
    Rượu đàn trúc đá ham chơi,
Càng nghèo càng cảm thấy đời bê-tha.
    Mắt mòn trông-ngóng quê nhà,
Lòng đau nghĩ nỗi phương xa lạc-loài.

    Người mà đến thế thì thôi,
Đời phiêu-lãng chỉ là đời bỏ đi.
    Hay đâu tin đến bất kỳ,
Người tiên còn vẫn yêu-vì chưa thôi.
    Bến tiên khách lại trùng-lai,
Mộng say Đỉnh Giáp, xuân tươi Nguồn Đào.
    Uyên bơi bướm giỡn xôn-xao,
Vẻ nào chẳng đượm, nét vào chẳng ưa!
    Đầy vườn lục rậm hồng thưa,
Con oanh cái én ơ-hờ nhớ xuân.
    Duyên may Đỗ Mục, Lưu Thần,
Thú phong-lưu dễ nhượng phần cho ai.
    Việc nên truyền lại lâu dài,
Bút hoa mượn thảo mấy lời vân vân.

Hai người vì xa-cách nhau lâu, nên nay tình-ái bội phần nồng-đượm, sự vui-sướng không còn phải nói.

Song sinh vì quen thân phóng-lãng, thuộc tính chơi-bời, về nhà ít lâu rồi nết cũ lại đâu đóng đấy, hằng ngày cùng người lái buôn là Đỗ Tam bê tha lêu-lổng. Sinh thì thích Đỗ có tiền nhiều, Đỗ thì ham sinh có vợ đẹp. Những khi uống rượu với nhau rồi đánh bạc, Đỗ thường lấy lợi nhử sinh. Sinh đánh lần nào cũng được, thấy kiếm tiền dễ-dàng như thò tay vào túi mình lấy đồ-vật vậy. Nhị Khanh vẫn răn-bảo rằng:

— Những người lái buôn phần nhiều là giảo-quyệt, đừng nên chơi thân với họ; ban đầu tuy họ thả cho mình được, nhưng rồi họ sẽ vét hết của mình cho mà xem.

Sinh không nghe. Một hôm sinh cùng các bạn-bè hợp nhau đánh tứ sắc, Đỗ bỏ ra trăm vạn đồng tiền để đánh và đòi sinh đánh bằng Nhị Khanh. Trọng Quỳ quen mùi vẫn được luôn, chẳng suy-nghĩ gì, liền bằng lòng cách ấy. Giấy giao-kèo viết xong rồi vừa uống rượu vừa gieo quân. Trọng Quỳ gieo ba lần đều thua cả ba, sắc mặt tái mét; cử-tọa cũng đều ngơ-ngác buồn-rầu hộ.

Trọng Quỳ phải cho gọi Nhị Khanh đến; bảo rõ thực tình, đưa tờ giao-kèo cho xem và yên-ủi rằng:

— Tôi vì nỗi nghèo nó bó-buộc, để lụy đến nàng. Việc đã đến thế này, hối lại cũng không kịp nữa. Thôi thì bi-hoan tán-tụ cũng là việc thường của người ta. Nàng nên tạm về với người mới, khéo chiều-chuộng hắn, rồi bất nhật tôi sẽ đem tiền đến chuộc.

Nàng liệu cơ không thể thoát khỏi, giả-vờ nói tử-tế rằng:

— Bỏ nghèo theo giàu, thiếp lẽ đâu từ-chối. Số trời xếp-đặt, há chẳng là tiền-định hay sao! Nếu chàng mới không nỡ rẻ bỏ, còn đoái-thu đến cái dong-nhan tàn-tạ này, thiếp xin sửa túi nâng khăn, hết lòng hầu-hạ, như đã đối với chàng xưa vậy. Nhưng xin cho uống một chén rượu, mượn làm một chén tiễn-biệt và cho về từ-giã các con một chút.

Đỗ cả mừng, rót đầy một chén xà-cừ rượu đưa mời nàng uống. Uống xong, nàng về nhà ôm lấy hai con, vỗ vào lưng mà rằng:

— Cha con bạc tình, mẹ đau-buồn lắm. Biệt-ly là việc thường thiên-hạ, một cái chết với mẹ có khó-khăn gì. Nhưng mẹ chỉ nghĩ thương các con mà thôi.

Nói xong, lấy một đoạn dây tơ thắt cổ mà chết.

Đỗ thấy mãi nàng không đến, lấy làm lạ, sai người đến giục, té ra nàng đã chết rồi. Trọng Quỳ hối-hận vô cùng, sắm đồ liệm-táng tử-tế rồi làm một bài văn-tế rằng:

Hỡi ơi nương-tử!
Khuê-nghi đáng bậc,
Hiền-đức vẹn mười.
Tinh-thần nhã đạm,
Dáng-điệu xinh-tươi.
Khi về với ta,
Vợ chồng thân-thiết.
Ai biết giữa đường,
Phút nên ly-biệt.
Cha làm quan xa,
Ta theo hầu-hạ.
Trải sáu năm dư,
Bặt tin nhạn cá
Buồng xuân trướng lạnh,
Hạc oán vượn sầu.
Than ôi đường trước,
Gieo neo đến đâu!
Bên trời góc bể,
Nệm khách lẻ-loi.
Tin nhà chợt đến,
Ngựa về quất roi.
Sắt cầm dìu-dặt,
Lại gắn keo loan.
Vừa vui sum-họp,
Phút bỗng lìa-tan.
Ta sao bạc quá!
Nàng đáng thương thay!
Nói-năng gì nữa,
Đã đến nỗi này.
Hoa bay trước viện,
Quế rụng giữa trời.
Phù-dung ủ-rũ,

Dương-liễu tả-tơi.
Phong-cảnh còn đây,
Người đã xa chơi.
Lấy gì độ em?
Một lễ lên chùa.
Lấy gì khuây em?
Duyên sau đền bù.
Non mòn bể cạn,
Mối hận khôn khuây.
Hỡi ôi nương-tử,
Hâm hưởng lễ này

Trọng Quỳ đã góa vợ, rất ăn-năn tội-lỗi của mình. Song sinh-kế ngày một cùng-quẫn, ăn bữa sớm lo bữa tối, phải đi vay quanh của mọi người làng xóm. Nhân nghĩ có một người bạn cũ, hiện làm quan ở Quy-hóa (thuộc xứ Hưng-hóa), bèn tìm đến để mong nhờ-vả. Dọc đường buồn ngủ, chàng nằm ghé xuống ngủ ở gốc cây bàng, bỗng nghe trên không có tiếng gọi rằng:

« Có phải Phùng-lang đấy không? Nếu còn nghĩ đến tình xưa thì ngày ấy tháng ấy xin đến chờ em ở cửa đền Trưng-vương (ở xã Hát-môn Sơn-tây). Ân-tình thiết-tha, đừng coi là âm-dương cách-trở. »

Sinh lấy làm lạ là tiếng giống như tiếng Nhị Khanh, mở mắt ra nhìn thì chỉ thấy trên trời một đám mây đen bay về tây bắc. Sinh tuy rất lấy làm ngờ, nhưng cũng muốn thử xem ra sao, bèn đúng hẹn đến trước đền ấy. Song đến nơi chỉ thấy bóng tà giọi cửa, rêu biếc đầy sân, năm ba tiếng quạ kêu ở trên cành cây xao-xác. Sinh buồn-rầu toan về thì mặt trời đã lặn, bèn ngả mình nằm ở một tấm ván nát trên một cái cầu. Khoảng cuối canh ba, bỗng nghe thấy tiếng khóc nức-nở từ xa rồi gần; khi thấy tiếng khóc chỉ còn cách mình độ nửa trượng, nhìn kỹ thì người khóc chính là Nhị Khanh. Nàng bảo với sinh rằng:

— Đa tạ ơn chàng, từ xa lặn-lội tới đây, biết lấy gì để tặng chàng được!

Trọng Quỳ chỉ tự nhận tội-lỗi của mình; nhân hỏi đầu-đuôi, Nhị Khanh nói:

— Thiếp sau khi mất đi, Thượng-đế thương là oan-uổng, bèn ra ân-chỉ, hiện thiếp được lệ-thuộc vào tòa đền này, coi giữ về những sớ-văn tấu đối, không lúc nào nhàn-rỗi để thăm nhau được. Bữa nọ nhân đi làm mưa, chợt trông thấy chàng nên mới gọi; nếu không thì nghìn thu dằng-dặc, chẳng biết đến bao giờ được gặp-gỡ nhau.

Trọng Quỳ nói:

— Sao em đến chậm thế?

Nhị Khanh nói:

— Vừa rồi thiếp nhân theo xe mây, lên có việc ở nơi Đế-sở. Vì cớ có chàng, nên thiếp đã phải bẩm xin về trước đấy; thành ra cũng sai hẹn với chàng một chút.

Bèn dắt tay nhau đi nằm, cùng nhau chuyện-trò thủ-thỉ. Khi nói đến việc hiện thời, Nhị Khanh chau mày:

— Thiếp thường theo chầu tả hữu Đức-Bà ở đây, được trộm nghe chư tiên nói chuyện với nhau, bảo Hồ-triều sẽ hết vào năm bính-tuất, binh-cách nổi lớn, số người bị giết-chóc đến chừng hơn 20 vạn, ấy là chưa kể số bị bắt cướp đi. Nếu không phải người trồng cây đức đã sâu thì chỉ e ngọc đá đều bị cháy cả. Bấy giờ có một vị chân-nhân họ Lê, từ miền tây-nam xuất-hiện; chàng nên khuyên hai con bền chí đi theo vị ấy, thiếp dù chết cũng không nát.

Trời gần sáng, Nhị Khanh vội dậy để cáo-biệt, vừa đi vừa ngoảnh đầu nhìn lại, rồi thoắt chốc thì biến đi mất.

Trọng Quỳ bèn không lấy ai nữa, chăm-chỉ chăn-nuôi hai con cho đến nên người. Đến khi vua Lê Thái-tổ tuốt gươm đứng dậy ở Lam-sơn, hai người con trai đều đi theo, trải làm đến chức Nhập-thị-nội. Đến nay ở Khoái-châu hiện còn con cháu.


Lời bình

Than ôi, người con gái có ba đạo theo, theo chồng là một. Nàng Nhị Khanh chết, có quả là đã theo chồng không? Thưa rằng không. Đời xưa bảo theo, là theo chính-nghĩa, chứ không theo tà-dục. Chết hợp với nghĩa, có hại gì cho cái đạo theo. Theo nghĩa tức là theo chồng đó. Có người vợ như thế mà để cho phải hàm-oan một cách ai-oán, Trọng Quỳ thật là tuồng chó lợn. Muốn tề được nhà, phải trước tự sửa mình lấy chính, khiến cho không thẹn với vợ con, ấy là không thẹn với trời đất.

   




Chú thích

  1. Đời Đường, Hàn-Hoành có người tình là nàng Liễu-thị, nhân khi xa cách mấy năm, Hàn gửi bài thơ về cho Liễu-thị rằng « Chương-đài liễu, Chương-đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Túng sử trường điều tự cựu thùy, dã ưng phan chiết tha nhân thủ ». Nghĩa là: Cây liễu ở Chương-đài, ngày trước xanh tươi là thế, nay có còn không? Dù cành dài có còn như cũ, chắc cũng đã bị vin bẻ về tay người khác. Sau Hàn về thì Liễu đã bị chiếm bởi tay một vêin phiên-tướng là Sa-Tra-Lợi. Có người hiệp-khách là Hứa-Tuấn thương-hại Hàn-Hoành, vào phủ phiên tướng cướp được Liễu-thị về cho Hàn.
  2. Đời Đường, Lưu Vô-Song là vợ chưa cưới của Vương Tiên-Khách. Gặp loạn, nàng bị hãm vào trong cung-đình. Tiên-Khách nhờ được nghĩa-sĩ Cổ-Áp-Nha dùng kế đưa một thứ thuốc cho nàng uống chết đi rồi giả làm thân-thuộc chuộc thây nàng ra. Sức thuốc nhạt, nàng lại hồi-sinh, vợ chồng đưa nhau đi trốn rồi ở với nhau đến già.
  3. Câu thứ hai, chữ duyên nhầm, xin cải chính là chữ nhân 姻 cho đúng vận.