Truyền kỳ mạn lục/1
CÂU CHUYỆN Ở ĐỀN HẠNG-VƯƠNG
Quan Thừa-chỉ Hồ Tôn-Thốc là người hay thơ, lại giỏi lối mỉa-mai giễu-cợt. Khoảng cuối đời Trần, phụng mệnh sang sứ Tàu, nhân đi qua đền Hạng-vương có đề thơ rằng:
百 二 山 河 起 戰 烽
Bách-nhị sơn-hà khởi chiến-phong,
攜 將 子 弟 入 關 中
Huề-tương tử-đệ nhập Quan-trung.
煙 消 函 谷 珠 宮 冷
Yên tiêu Hàm-cốc châu cung lãnh,
雪 散 鴻 門 玉 斗 空
Tuyết tán Hồng-môn ngọc đẩu không.
一 敗 有 天 忘 澤 左
Nhất bại hữu thiên vong Trạch-tả,
重 來 無 地 到 江 東
Trùng-lai vô địa đáo Giang-đông.
經 營 五 載 成 何 事
Kinh-doanh ngũ tải thành hà sự?
銷 得 區 區 葬 魯 公
Tiêu đắc khu-khu táng Lỗ-công.
Nom nước trăm hai[1] nổi bụi hồng,
Đem đoàn tử-đệ đến Quan-trung.
Khói tan Hàm-cốc cung châu lạnh[2],
Tuyết rã Hồng-môn đấu ngọc không[3].
Thua chạy giời xui đường Trạch-tả[4],
Quay về đất lấp nẻo Giang-đông[5].
Năm năm lăn-lộn hoài công cốc,
Còn được vùi trong mả Lỗ-công[6].
Đề xong ruổi ngựa trở về nhà trọ. Rượu say nằm ngủ, ông Hồ chiêm-bao thấy một người đến nói với mình rằng:
— Tôi vâng chỉ của đức vua tôi, mời ngài đến chơi nói chuyện.
Hồ vội-vàng sửa-sang quần-áo. Người ấy đưa ông đến một cung-điện nguy-nga, quan hầu đứng sắp hàng răm-rắp, Hạng-vương đã ngồi chờ sẵn, bên cạnh có cái giường lưu-ly, mời ông lên ngồi. Rồi Hạng-vương hỏi rằng:
— Bài thơ ông đề lúc ban ngày, sao mà mỉa-mai ta dữ thế! Ừ thì hai câu: « thua chạy trời xui đường Trạch-tả, quay về đất lấp nẻo Giang-đông » kể cũng là đúng, nhưng đến hai câu « năm năm lăn-lộn hoài công cốc, còn được vùi trong mả Lỗ-công », há chẳng phải lời chê-bai không chính-đáng ư? Này như Hán làm nên vạn thặng[7], ta cũng làm nên vạn thặng. Ta không diệt được Hán, Hán lại có thể phong tước cho ta được ư! Đến ngay Điền Hoành là một gã trẻ con, còn không tham tước của Hán, và hổ-thẹn tự-sát mà chết; huống ta đường đường một vị bá-vương ở nước Sở, lại tự cam nhận lễ Lỗ-công hay sao? Kẻ kia làm việc ấy, chỉ là đem quàng cho ta một cái tước-vị hão, để đền-bù lại sự hổ-thẹn khi ở Hán-trung[8] thôi đó. Ta lại xin nói để ông rõ: Ngày xưa nhà Tần xổ mất con hươu[9], người ta nổi dậy nhao-nhao, tranh nhau bắt lấy. Ta bấy giờ vì ghét người Tần mà nổi quân đánh Tần, tháo răng bừa làm giáo, thổi cơm chiêm làm lương, tôi-đòi đều là quân, hào-kiệt đều là tướng, phá xứ Ngô như hủy tổ kiến, lấy đất Hoài như đốt lông hồng, một trận đánh mà quân Chương-hàm phải tan, hai trận đánh mà miếu Tổ-long phải sụp. Đức-nghĩa ban ra, nhiều nước được dựng lại, oai-lệnh truyền đi, bao kẻ thuận làm tôi. Đứng đầu Chư-hầu là quân nước Sở, làm chúa Tam-Tần là tướng nước Sở. Thiên-hạ theo về nước Sở, có thể ngồi mà sai-khiến được. Nhưng rồi Sở phải chết vì Hán, há chẳng phải là bởi trời ư? Vậy thì khi trời định giúp Hán, dù kẻ thổi kèn, dệt chiếu, cũng đủ để thành công; khi trời định giệt Sở, dù người cất vạc, nhổ núi, cũng khôn hề nói giỏi. Phương chi Chung Ly mạnh-mẽ, chẳng kém Hoài-âm, Á-phụ khôn-ngoan, thực hơn Nhụ-tử. Nếu ta nghe lời không cố-chấp, nhân thua mà tính toán, thì ruổi ô-truy bốn vó mỏi chồn, há không đủ cày lật cung-đình Phong-bái, thu Bành-thành những quân tản-mác, há không đủ đào tung-miếu xã Viêm-lưu. Nhưng chỉ vì thương lũ sinh-linh, nên mới đem tấm thân tám thước đường đường, ném vào tay lũ Vương Ế[10]. Vậy sự hưng-vong của Hán, Sở, chỉ là do ở sự may rủi của trời mà thôi, há nên lấy thành bại mà so bì ư? Nhưng đời những kẻ thích phẩm-bình nhân-vật, có kẻ bảo không phải trời làm mất, có kẻ bảo trời có dính-dáng gì. Thi-nhân mặc-khách thường đem chuyện ta diễn vào trong thơ. Có câu thì:
Cái thế anh-hùng sức nhổ núi,
Sở ca bốn mặt lệ tràn lan.
Có câu thì:
Vua chẳng ra vua, tôi chẳng tôi,
Bên sông lập miếu cũng hoài thôi.
Ngày chồng tháng chất, có đến hàng nghìn bài chứ không phải ít. Nhưng chỉ có hai câu của Đỗ Mục:
Giang-đông tử-đệ nhiều tay giỏi,
Cuốn đất quay về chửa biết đâu.
Lời thơ ủy-khúc trung-hậu, hợp cách-luật của nhà thơ, đọc lên ta còn vừa lòng đôi chút. Ngoài ra thì hầu toàn những lời phụ bạc, ta vẫn lấy làm bất-bình lắm, nay tiện dịp ta nói để cho ông rõ.
Ông Hồ cười mà rằng:
— Lẽ trời việc người, cũng là đầu cuối lẫn cho nhau. Bảo mệnh ở trời, Thương Trụ vì thế mà mất nước; bảo trời sinh đức, Tân Mãng vì thế mà bỏ mình. Nay nhà vua bỏ việc người mà đi bàn lẽ giời, vì thế đã đến táng-bại, vẫn không tỉnh-ngộ. Tôi bữa nay may-mắn, được nhà vua vời đến tiếp-kiến, muốn xin được nói thẳng không giấu-giếm gì, nhà vua nghĩ thế nào?
Hạng-vương nói:
— Vâng vâng, ông cứ nói.
Ông Hồ nói:
— Phàm xoay cái thế thiên-hạ, ở trí chứ không phải ở sức, thu tấm lòng thiên hạ, ở nhân chứ không phải ở bạo. Nhà vua thì chỉ lấy quát-thét làm oai, lấy cương-cường làm đức. Chém Tống Nghĩa là một tướng mạnh[11], vô quân đến đâu! giết Tử Anh là người đã hàng[12], bất võ quá lắm! Hàn Sinh vô tội mà bị luộc[13], hình-pháp trái thường; A-phòng vô cố mà bị thiêu[14], hung uy quá tệ. Cứ những việc của nhà vua làm thì được lòng người chăng? Hay mất lòng người chăng?
Hạng-vương nói:
— Không phải như thế. Này như cái việc Hàm-đan, lấy một nước Triệu mới dựng, chống với nước Tần sói hùm, thành bại chỉ ở trong một hơi thở, còn mất chỉ ở trong chớp mắt. Vậy mà Nghĩa lần-khân sợ-sệt, chờ khi giặc mỏi lười, dùng-dằng trùng-trình, cản đường quân tiến tới. Nếu mà kế trong trướng không thi-hành được, quân qua sông lại lữa-lần thêm, thì dân chúng ở trong thành Triệu, sẽ lại có cái thảm-họa hơn là ở Trường-bình thủa trước. Vậy thì ta giết một Tống Nghĩa, mà cứu sống được tính-mệnh cho trăm vạn sinh-linh, có gì là quá! Vua các nước đều là Chư-hầu, tước thì của thiên-vương phong cho, đất thì của thiên-vương ban cho. Vậy mà Tần lợi-dụng đất cát, ngông-cuồng giáp binh, mổ Hàn thịt Triệu, hiếp Ngụy hại Yên, nam thì lừa Sở rồi bắt mà giữ lại, đông thì dối Tề để hãm cho chết đói. Nếu không lật đổ ngôi Tần và tru-diệt họ Tần thì cái hờn cắn-nuốt các nước, không biết ngày nào tiêu-tan được. Cho nên ta giết một Tử-Anh để trả mối thù giệt-vong cho sáu nước, có gì là tệ. Ôm bụng trung-lương là tiết lớn của kẻ làm tôi. Hàn Sinh thì không thế, khoe mẽ hợm mình, vong ân bội nghĩa, múa lưỡi để chỉ-nghị quân-thân, khua môi để buông lời sàm-báng. Vì vậy ta đem làm thịt, để những kẻ bất-trung biết mà răn sợ. Giữ thói tiết-kiệm là đức tốt của người làm vua. Thủy-hoàng thì không thế, xây cung ở bên sông, mở đường ở ven núi, đắp nền cho cao bằng những hờn-oán của dân, chứa kho cho đầy bằng những máu-mỡ của dân. Vì vậy ta đem đốt đi để những vua đời sau biết nên dè-sẻn. Nếu lại buộc tội về những điều ấy thì ta trộm lấy làm không phục.
Ông Hồ nói:
— Thế thì sáu Kinh trong lửa, đốt sách Thánh-nhân, thước kiếm trên sông, giết vua Nghĩa-đế, những việc ấy chi mà nhẫn-tâm như vậy! Sao bằng người Hán: sợ lỗi phận vua tôi thì nghe lời Đổng-công làm việc nhân-nghĩa, khiến nền-nếp đế vương hầu rối mà lại sáng; sợ thất-truyền đạo-học thì về đất Khúc-phụ, bày lễ thái-lao, khiến dòng nguồn thi thư hầu đứt mà lại nối. Cho nên người ta có câu nói rằng: « Hán được thiên-hạ, không ở cất dùng Tiêu, Trương, mà ở việc để trở[15] của ba quân, gợi lòng trung-phẫn các hào-kiệt; Hán giữ thiên-hạ không ở qui-mô rộng lớn mà ở việc đến tế ở Khúc-phụ, mở nền nương-tựa cho đời sau ». Nhà vua thì so ví làm sao được với Hán-vương.
Hạng-vương nghẹn lời không biết nói ra sao, sắc mặt tái như tro nguội. Bên cạnh có một vị lão thần họ Phạm, tiến lên nói rằng:
— Tôi nghe làm người ta không ngoài trời đất để mà sống, làm chính-trị không ngoài cương-thường để dựng nước. Bầy tôi của Đại-vương đây có người tên là Cao[16] tiết cứng như tùng, lòng bền tựa đá, sa cơ không chịu sống mà nhục, liều mình để được thác mà vinh; nếu không phải nhà vua biết cách thống-ngự thì sao có sự tử-trung ấy! Truyện[17] có nói rằng: « Vua khiến bề tôi lấy lễ, bề tôi thờ vua lấy trung »; ở Đại-vương đây, chính là đã đúng hợp vào với câu ấy. Chứ như kẻ kia, sai Úng Sỉ giữ đất Phong thì Úng Sỉ đầu hàng, sai Trần Hy coi nước Triệu thì Trần Hy làm phản; đạo cương-thường hỏi ai là hơn? Hậu-cung của Đại-vương có bà họ Ngu, mệnh nhẹ lá thu, hồn theo bóng kiếm, gửi lòng thơm ở ngọn cỏ tịch-mịch, chôn hờn-oán ở cánh đồng hoang-vu[18]; nếu không phải nhà vua biết lẽ cư-xử thì sao có sự tận tiết ấy! Kinh Thi có câu rằng: « Dạy vợ mình trước, sẽ trị nhà nước »; ở Đại-vương đây chính là đã xứng-đáng đối với câu ấy. Chứ như kẻ kia, Lã Trĩ ngồng-ngạo mà làm việc dâm-tà, Thích Cơ được yêu, rồi đầy thân con lợn[19]; lẽ cương-thường hỏi bên nào hơn? Huống chi như trái lẽ trời mà bảo xẻ chén canh, yêu con bé mà coi thường gốc nước[20] luân-thường cha con hỏi rằng để đâu? Những người nghị-luận ở đời sau, chẳng so nặng nhẹ, chẳng xét phải trái, lòng không suy-nghĩ, miệng chỉ quàng-xiên, đối Hán thì khen-ngợi chẳng tiếc lời, đối Sở thì chê-bai không tiếc sức, khiến đứng Đại-vương của chúng tôi trong cõi minh-minh cứ phải chịu những lời mỉa-mai cay độc. Vậy mong những điều nhơ tiếng xấu, phiền ông gội-rửa giùm cho, cũng là một việc thú trong cuộc gặp-gỡ giữa chúng ta.
Ông Hồ thấy lời nói cũng hơi có lý, gật đầu hai ba lần, rồi ngoảnh bảo những người theo:
— Các ngươi ghi-nhớ lấy.
Rồi đó canh tàn trà cạn, ông đứng dậy từ-giã xin về; Hạng-vương đưa chân ra đến cửa thì phương đông đã dần sáng rạng. Ông xốc áo vùng dậy, té ra là một giấc chiêm-bao, bèn mua rượu và nem bày một lễ cúng ở đầu thuyền trước khi rời khỏi đấy.
Lời bình
(Trong hai-mươi chuyện của sách này, hầu hết ở cuối có một đoạn lời bình, không biết của chính tác-giả hay là của ai, vì không thấy ghi rõ).
Than ôi, so Sở với Hán thì Hán hơn, sánh Hán với bậc vương-đạo, Hán còn xa lắm. Sao vậy? Hồng-môn cổi giận, Thái-công tha về, những việc ấy, Sở không phải là bất nhân; nhưng nhân nông mà ác sâu. Làm cỏ Dĩnh-xuyên, giết hại công-thần, những việc ấy, Hán không phải là không có lỗi, nhưng lỗi ít mà tốt nhiều. Sở đã đành trái với nhân-nghĩa, nhưng Hán cũng chỉ là giống với nhân-nghĩa. Họ Hạng nước Sở không được là hạng bá-giả mà vua Cao nhà Hán cũng là tạp-nhạp. Kẻ trị thiên-hạ nên tiến lên đến đạo thuần-vương, còn Hán Sở nhân với bất nhân, hãy gác ra không cần bàn đến.
Chú thích
- ▲ Nhà Tần đóng đô ở Quan-trung là nơi hiểm-cố, hai người ở trong có thể chống với trăm người ở ngoài, vì thế gọi là non nước trăm hai.
- ▲ Nói việc Hạng-Vũ đốt cung A-phòng của nhà Tần.
- ▲ Tiệc ở Hồng-môn, Phạm-Tăng định giết Bái-công mà Hạng-Vũ không nghe, để Bái-công lại thoát về được. Tăng tức mình, chém vỡ tan cái đấu ngọc của Trương-Lương biếu. Đấu ngọc không, nghĩa là đấu ngọc thành không. Tuyết rã là nói những mảnh vụn tơi-bời của cái đấu ngọc.
- ▲ Hạng-Vũ bị vây ở Cai-hạ, đêm phá vòng vây chạy được đến Âm-lăng, hỏi thăm đường thì bị một ông già làm ruộng đánh lừa bảo đi sang phía tả, rồi mắc cái đầm lớn không chạy được. Vũ than là trời định làm mất ta.
- ▲ Hạng-Vũ chạy đến Ô-giang, người lái thuyền khuyên qua sông sang Giang-đông rồi sau lại tính kế quay về, nhưng Vũ không nghe, tự-tử chết.
- ▲ Lỗ-công là tước công nước Lỗ. Hán Cao-tổ lấy lễ Lỗ-công mà chôn cho Hạng-Vũ.
- ▲ Vị Thiên-tử có muôn cỗ xe.
- ▲ Hạng-Vũ từng phong cho Bái-công làm vương ở Ba-thục và Hán-trung.
- ▲ Con hươu là ví với thiên-hạ.
- ▲ Hạng-Vũ tự vẫn để cho Vương-Ế cắt đầu nộp Hán-vương lấy công
- ▲ Vua Hoài-vương nước Sở sai Tống Nghĩa làm Thượng tướng-quân, đem quân đi đánh Tần. Hạng-Vũ thấy trùng-trình không tiến, vào trướng chém chết.
- ▲ Hạng-Vũ dẫn quân vào làm cỏ đất Hàm-dương, vua Tần Tử Anh đã hàng mà Vũ còn giết.
- ▲ Hàn Sinh khuyên Vũ đóng đô ở Quan-trung. Vũ không nghem Hàn Sinh tức, nói vắng mấy câu. Vũ nghe được, sai làm thịt bỏ vào nồi luộc.
- ▲ Cung A-phòng của nhà Tần, bị Hạng-Vũ đốt
- ▲ Hạng-Vũ giết vua Nghĩa-đế nước Sở, Hán-vương theo lời Đổng-công cho ba quân để trở.
- ▲ Tào-Cao làm Đại-tư-mã nước Sở, Hạng-vương sai giữ ở Thành-Cao. Sau vì đánh nhau bị thua quân Hán ở trên sông Tỵ-thủy, Cao tự-tử mà chết.
- ▲ Sách Luận-ngữ.
- ▲ Hạng-Vũ đến lúc đường ở Cai-hạ, Ngu Mỹ-nhân tự-tử mà chết. Tục truyền sau trên mả nàng mọc lên một thứ cỏ riêng, người ta gọi là cỏ « Ngu mỹ-nhân ».
- ▲ Nàng Thích-Cơ là vợ lẽ của Hán Cao-Tổ, sau khi vua mất, bị Lã-hậu chặt cụt chân tay vất trong nhà sí mà gọi là con lợn, để trả thù lúc trước nàng được vua yêu.
- ▲ Hạng-vương bắt cha Hán-Cao là Thái-công đem ra chực giết làm thịt. Hán-Cao nói: « cha ta cũng như cha mày, nếu mày có thịt thì chia cho ta một chén nước suýt ». — Lại sau khi làm vua, Hán-Cao vì yêu con bé là Triệu-vương Như Y mà truất ngôi Thái-tử của con lớn.