Truyền kỳ mạn lục/Văn chương
VĂN-CHƯƠNG VÀ TƯ-TƯỞNG TRONG SÁCH TRUYỀN-KỲ MẠN-LỤC
Bộ sách TRUYỀN-KỲ MẠN LỤC, ông Nguyễn-Dữ viết theo lối văn trong sách « Tiễn-đăng tân-thoại » của Tàu mà tác-giả là Cô Tông-Cát. Toàn bộ văn viết có những chỗ biện-luận hùng-hồn, có những chỗ điêu-khắc tỷ-mỷ, chỗ tươi-đẹp như bức tranh màu lộng-lẫy, chỗ vang-dội như dòng suối chảy lô-xô; các chuyện phần nhiều có thơ hay đoạn văn tứ-lục chen vào mà những thơ văn đó đều là mỹ-diệm tiêm-tế lắm.
Tóm lại, bộ sách này, về phần văn-chương, thật có đúng như lời ông Vũ Khâm-Lân[1] đời Lê đã khen là « thiên-cổ kỳ bút ».
Ta lại xét đến phần tư-tưởng của tác-giả.
Trong tất cả hai mươi chuyện, tuy đều có phần thần-quái hoang-đường cả, song phần nhiều các chuyện, tác-giả tuy trong khi muốn được thỏa cái ý thích múa-mênh ngòi bút phun hoa nhả gấm, nhưng vẫn dụng ý ký-thác vào đó một cái ý-nghĩa về đạo-đức luân-lý, hay một lời châm-biếm về những chính tục của đương thời. Chẳng hạn như ở trong « Câu chuyện ở đền Hạng-vương », có những câu nói như thế này:
« Làm người ta không ngoài trời đất để mà sống, làm chính-trị không ngoài cương-thường để dựng nước ».
Trong « chuyện gã Trà-đồng giáng-sinh », có những câu:
« Đức là nền từ-thiện, của là kho tranh-giành. Tích đức như mầm non rỏ một giọt nước, sẽ nẩy-nở lên; tích của như lửa đỏ gieo một khối băng, sẽ tàn-lụi xuống ».
« Đạo trời công-minh như cái cân, cái gương, có thần-minh để ghi dấu-vết, có tạo-hóa để giữ công-bằng; gương tất soi suốt mà không riêng, lưới tuy thưa-thớt mà không lọt ».
Trong « chuyện Phạm Tử-Hư lên chơi Thiên-tào » có những câu:
« Xưa nay bàn về kẻ sĩ, tất trước phải kể về đức-hạnh ».
« Sự báo-ứng luân-hồi ở trong trời đất, chỉ có thiện ác đôi đường: kẻ chăm làm thiện, tuy hãy còn sống, tên đã ghi ở Đế-đình; kẻ hay tích ác, dù là chưa chết, án đã thành ở Địa-phủ ».
Trong « chuyện bữa tiệc đêm ở Đà-giang » có những câu:
« Tôi nghe thánh-nhân trị-vì, càn-khôn trong-sáng, minh-vương tu đức, chim-muông yên-vui. Nay chúa thượng đương kỳ thái-hanh, làm chủ dân vật, tưởng nên chăng lưới mà thu-vét lấy những người hiền-sĩ trong thiên-hạ, cùng mưu hạnh-phúc cho thương-sinh. Cớ sao lại giết gấu săn hươu, lấn cướp cả công-việc của kẻ Sơn-ngu[2] như vậy! »
Trong « chuyện Lý tướng-quân » có những câu:
« Thiện ác tỏ ra, phải tích dần lại, báo ứng đem đến, có sai bao giờ. Cho nên luận-số không bằng luận-lý, tướng diện không bằng tướng tâm. Nay tướng-quân ác có mà đức không, người khinh mà của trọng, mượn oai-quyền mà làm dữ, vụ kiêu-xa cho thỏa lòng, đã trái lòng trời, tắt bị trời phạt, còn có cách gì mà tránh khỏi tội trời! ».
Trong « cuộc nói chuyện thơ ở Kim-hoa » có những câu:
« Sĩ quân-tử ở trong danh-giáo, thiếu gì cách vui! Hà tất lấy không làm có, trỏ phải ra trái, đem chữ nghĩa ra làm trò đùa ».
Cứ những câu lược-trích như ở trên này, tỏ rằng ngòi bút của tác-giả có ý khuyến-giới châm-quy cho nhân-tâm phong-tục bấy giờ, và tỏ rằng tác-giả tin-tưởng cái lý thiện ác báo-ứng của nhà Phật. Những câu nói như ở trên này, quyết-nhiên không phải vô-tình mà vào chuyện, và ai bảo là nó đã không từng có bổ-ích cho thế-đạo nhân-tâm.
Ngoài ra, tác-giả còn hay ca-tụng cái thú ẩn-dật, khiến ta tỏ thấy ở tác-giả có cái tâm-hồn của một bậc cao-sĩ trốn đời tránh tục.
Hãy xem:
« Ta là kẻ dật-dân trốn đời, ông lão-già lánh bụi. Gửi tính-mệnh ở lều tranh quán cỏ, tìm sinh-nhai trong búa gió rìu trăng[3]. Ngày có lối vào làng say, cửa vắng vết-chân khách tục. Bạn với ta là hươu nay tôm cá, quẩn bên ta là tuyết nguyệt phong hoa. Chỉ biết đông kép mà hè đơn, nằm mây mà ngủ khói, múc khe mà uống, bới núi mà ăn; có cần chi phải hỏi bên ngoài là triều-đại nào, là vua quan nào... »
« Kẻ sĩ ai có chí nấy, hà tất phải vậy! Cho nên Nghiêm Tử-Lăng không vì chức Gián-nghị ở Đông-đô mà quên khói sóng Đồng-giang[4], Khương Bá-Hoài không vì bức họa-đồ của Thiên-tử mà bỏ nước non Bành-thành[5] ».
Những câu này là lời người tiều-phu trong « chuyện người tiều-phu núi Na »
« Uống nước ở suối trong và ở thác biếc, mặc thây danh-lợi không bận gì đến. Hang đá bên mây cất mình dễ, màn bụi trên đời vướng chân khó ».
« Nghìn suối muôn khe có lối thông, phất tay áo đi tung-tăng, muốn đi về đông hay về tây tùy ý. Hứng đến thì cùng đi bên mưa ở dưới núi xuân, sầu đi thì cùng ra hóng gió ở trên bến nước... »
Những câu này rút ở hai bài thơ của Hồ xử-sĩ và Viên tú-tài trong « chuyện bữa tiệc đêm ở Đà-giang ».
Cứ xem những lời trên đây, ta có thể tưởng thấy cái tâm-hoài của nhà xử-sĩ Nguyễn Dữ, tác-giã « TRUYỀN-KỲ MẠN-LỤC », và biết cái cớ tại sao tiên-sinh lại cáo quan về ẩn, hàng bao nhiêu năm không đặt chân đến chốn thị-thành.
Giữa khoảng đời hỗn-loạn thời Lê, người ta đã phảng-phất thấy ở Nguyễn Dữ tiên-sinh cái phong-cách của Đào Uyên-minh đời Tấn.
TRÚC KHÊ
Chú thích
- ▲ Tước Ôn-đình hầu, người làng Ngọc-lặc huyện Tứ-kỳ.
- ▲ KINH THƯ: Vua Thuấn sai ông Bá-Ích làm chức Ngu-công, giữ việc núi đầm.
- ▲ Lời người kiếm củi cho nên có chữ rìu búa.
- ▲ Nghiêm Tử-Lăng là người đời vua Quang-võ nhà Hán ở ẩn và câu cá ở Đông-giang. Vua Quang-võ vời ra trao cho chức Giám-nghị đại-phu, nhất định không nhận.
- ▲ Khương Bá-Hoài người đời vua Hoàn-đế nhà Hán quê ở Bành-thành. Vua Hoàn-đế nghe tiếng là người hiếu thuận, sai thợ vẽ bức hình-tượng và vời ra làm quan, nhưng Khương không chịu ra, nói rằng: « Nay đương buổi quốc-chính ở tay bọn hoạn-quan, đó là thời nào mà mình lại ra! ». Rồi đến lánh ở Thanh-châu làm nghề bói toán.