Nam Hải dị nhân liệt truyện/52
CHƯƠNG THỨ VII
Các người có danh tiếng52. — Ngô-Soạn
Ngô-Soạn tự là Tử-Văn, người huyện An-dũng, phủ Lạng-thương, có khí khái cương trực ghét kẻ gian phi, người ta thường khen là người có thẳng tính.
Cạnh làng ấy có một cái đền, xưa nay linh ứng lắm. Tự khi cuối nhà Hồ, quân Tầu sang xâm chiếm, ở xứ ấy làm nơi chiến-trưởng. Có tên bộ-tướng của Mộc-Thạnh là Thôi bách-hộ chết trận ở đấy thành ra yêu quái, dân gian lắm người khuynh gia bại sản để cầu cúng mà không yên.
Ngô Tử-Văn thấy vậy tức lắm, tắm gội khấn trời mà đốt cái đền ấy, Tử-Văn đốt xong trở về, nghe trong mình hơi khác, rồi thì dùng mình rức đầu, nổi cơn sốt rét mà người thì mê mẫn bàng hoàng. Trông thấy một người to lớn lực lưỡng, đội mũ mặc áo, ra dáng người Tàu, tự xưng là Cư-sĩ, bắt phải làm đền lại miếu khác, không có thì sinh vạ.
Tử-Văn không nói làm sao, cứ ngồi nghiễm nhiên như không.
Người Tàu nói rằng:
— Phong-đô (âm-ti-địa-ngục) chẳng xa gì đâu, nếu không làm lại đền cho ta, ta sẽ lôi ngươi đến ngục ấy.
Nói đoạn đứng phắt đi ra.
Chiều hôm ấy Tử-Văn lại thấy một người áo vải mũ thâm; cách điệu khoan hòa, đi từ từ vào trong thềm, chào nói rằng:
— Tôi là Cư-sĩ đây, nghe ông làm được việc sướng quá, nên tôi đến mừng
Tử Vân ngạc nhiên nói rằng:
— Mới rồi người mặc áo khách, tự xưng là Cư-sĩ, có phải là thần thổ địa này không? Sao bây giờ cụ lại xưng là Cư-sĩ
Ông cụ ấy nói rằng:
― Hắn là tướng bại trận ở bên Tầu, hồn nhờ gửi bên nước Nam ta, chiếm lấy đền miếu của tôi mạo tên họ tôi, gian giảo độc ác, trên thì man cả giời, dưới ngược với dân, phàm các sự yêu quái, là tự hắn cả, chớ không phải tôi làm điều gì. Tôi là Ngự-sử thời vua Lý Nam-đế, chết vì việc nước, được phong ở đây, giúp dân hộ chúng, đã hơn nghìn năm nay, có điều gì hung dữ như nó đâu, Vì tôi hở cơ không giữ gìn, bị nó đánh đuổi đi, hiện tôi phải nương nhờ ở đền thần Tản-viên đã mấy năm nay rồi.
Tử-văn nói:
― Nếu như thế sao không kêu với Thiên-đình, mà chịu bỏ chức vị đi nhờ chỗ khác?
Ông già nói;
― Thế lực nó lai láng, khó lòng lay động được nó. Tôi muốn đi kêu, thì nó dùng trăm chiều ngăn trở lại. Các thần-từ bên cạnh, tham của đúi lót, tranh nhau đi nhận cho nó, bụng tôi không tỏ giãi được lên, cho nên phải nhịn nhục thế này.
Tử-Văn hỏi:
― Nó hung dữ như thế, có hại được tôi không?
Ông già nói:
― Nó đang muốn cam tâm với ông, thế nào nó cũng kiện ở dưới âm-ti. Tôi xin dò truyện nó, lại bảo cho ông biết để mà tìm phương lo liệu, kẻo mà chết oan. Khi nào âm-ti có tra hỏi, thì ông cứ lấy nhời tôi làm chứng, nó có không chịu, thì xin hỏi đến đền Tản-viên, như thế thì không cãi được nữa.
Tử-Văn vâng nhời. Đến đêm, bệnh lại nặng thêm, mơ thấy hai tên quỉ-sứ, bắt điệu đem đi đến một dinh phủ nhớn, ngoài có tường sắt cao chừng vài mươi trượng. Hai tên quỉ-sứ vào bẩm, rồi ra bảo rằng: « Tội anh nặng lắm, không có phép nào tha được. » Nói xong, vẫy tay xua sang mặt bắc. Mặt ấy, có con sông to, trên sông bắc một dịp cầu dài, ước hơn nghìn độ, sông đen như mực, mùi gió tanh hôi, khí lạnh buốt đến tận xương. Hai bên cầu có vài vạn quân dạ-xoa, mắt xanh tóc đỏ, mặt mũi dữ dội. Hai tên quỉ-sứ lấy trạc to trói Tử-Văn, điệu ra đường ấy.
Tử-Văn kêu to lên rằng:
― Tôi la người thẳng tính trên dương-gian, có tội lỗi gì, xin bảo cho biết, không nên bắt oan uổng thế này.
Sực nghe trên điện có tiếng truyền rằng:
― Thằng ấy nó cứng cổ lắm, nếu không phân đoán cho rõ tội, thì sao nó chịu? Vậy thì hãy đem nó vào đây.
Hai tên quỉ-sứ mới dẫn Tử-Văn vào cửa phủ, thì đã thấy người mặc áo khách đang kêu ở ngoài sân.
Diêm-vương quở mắng Tử-Văn rằng:
― Cư sĩ kia hắn là người trung-thần đời trước, có công với nước, Thượng-đế phong cho hắn được hưởng cúng tế ở một phương. Mày là thằng học-trò, sao dám ngạo ngược mà đốt đền của hắn? Thế là mày làm nên tội, còn cãi được nữa không?
Tử-Văn kể rõ lại sự đầu đuôi như nhời ông già nói trước, rạch ròi minh bạch, không lúng túng câu nào.
Người khách đứng nguyên đơn kêu rằng:
― Nó ở trốn vương-phủ này, mà còn nỏ mồm cãi cọ, gây sự phao vu, huống chi một cái đền hoang của tôi, thì nó còn sợ gì mà chẳng đốt.?
Tử-Văn lại kêu rằng:
― Đại-vương nếu không tin nhời tôi, xin hỏi đến thần Tản-viên thì đủ biết hư thực. Tôi nhược bằng nói sai, xin cam chịu tội.
Người khách thấy viện chứng đã có ý sợ, mới quì xuống tâu rằng:
― Thư-sinh kia thực là ngây dại, tội là đáng lắm, nhưng điện-hạ đã quở mắng nó, cũng đủ dăn nó rồi, vậy xin ngài rộng dong cho nó, để tỏ cái lượng nhân từ của ngài, bất tất phải tra cứu cùng kiệt làm gì nữa.
Diêm-vương nghe nói, biết ý, mới quát lên rằng:
― Nếu như thế thì tội tại mày rồi đó, luất gian dối còn đủ cả đây, sao mày dám xuất nhập nhân tội?
Lập tức sai người đến núi Tản-viên, xét hỏi tường tận, quả hợp hết cả nhời Tử-Văn.
Diêm-vương giận lắm, bảo các phán-quan rằng:
― Các ngươi chia giữ các tòa, mỗi người coi một việc, nên phải cầm lòng công bình, thưởng phạt cho đích đáng. Thế mà sao còn để cho bọn gian giảo nó khi trá được? Ấy là ở đây còn thế, huống chi đời Hán, Đường, bán quan mua tước, cái tệ còn nói làm sao cho xiết!
Lập tức sai lấy gông sắt đóng gông và lấy miếng gỗ tròn nhét vào miệng người khách, áp điệu vào ngục cửu-u, mà Tử-Văn thì sai tha cho về.
Diêm-vương bảo với Cư-sĩ rằng:
― Tử-Văn kia nó có công trừ được hại cho dân, phàm các đồ cùng tế mồng năm ngày tết, ngươi nên xẻ một nửa mà chia cho hắn.
Tử-Văn về đến nhà, thì chết đã hai ngày rồi mới hồi lại. Tử-Văn kể truyện ấy cho người làng biết, người làng mua gỗ chữa lại đền Cư-sĩ. Mà ngôi mả của người khách, tự nhiên trụt đất, xương cốt bật cả lên trên
Sau một tháng nữa, Tử-Vân lại mơ thấy Cư-sĩ bảo rằng:
― Lão phu được về miếu cũ, là công của ông cả, không biết lấy gì mà báo được ơn ấy. Hiện nay đền Tản-viên có khuyết một viên phán-quan, tôi hết sức để bầu cử ông vào chức ấy. Diêm-vương đã ưng cho rồi, xin đem việc ấy để báo cái ơn trước. Người ở đời xưa nay ai chẳng chết, nhưng chết mà tỏ được cái tiếng là hơn, vậy xin ông để lòng cho, nếu chậm nửa tháng nữa thì có người tranh mất đấy.
Tử-Văn mừng rỡ nhận nhời, dặn hết công việc cửa nhà, rồi tự nhiên vô bệnh mà mất.
Về sau, người huyện Đông-quan biết Tử-Văn, một buổi sớm gặp khi mưa rầm, trông thấy quân quan trẩy đi đông lắm, mà có tiếng quát tháo dẹp đường để quan phán quan đi. Trông lên trên xe thì là Tử-Văn, Tử-Văn cũng chắp tay có ý chào hỏi, nhưng không nói câu gì, cứ đi ào ào như gió.
Đến giờ con cháu nhà ấy, vẫn còn sự tích truyền lại.