31. — Phạm-ngũ-Lão[1]

Phạm-ngũ-Lão là người học-trò ở làng Phù-ủng, huyện Đường-hào, tỉnh Hải-dương, (bây giờ thuộc về huyện Ân-thi, tỉnh Hưng-yên) có sức khỏe lạ thường, muôn người khôn địch.

Phạm-ngũ Lão mặt mũi khôi ngô, đủ cả văn võ tài lược. Nhà vốn chỉ có nghề làm ruộng, đến Ngũ-Lão mới theo nghề học nho. Trong hai mươi tuổi đã có tính khảng khái. Trong làng có một người tên là Bùi-công-Tiến đỗ Tiến-sĩ ăn mừng, cả làng kéo đến mừng rỡ, chỉ Ngũ-Lão không thèm đến.

Bà mẹ Ngũ-Lão bảo rằng:

— Con làm thế nào cho bằng người ta thì làm. Nay người ta ăn mừng, cả làng mừng rỡ, sao con không đến mừng một chút.

Phạm-ngũ-Lão thưa rằng:

— Thưa mẹ, con chưa làm nên gì để vui lòng mẹ, mà con đi mừng người ta, thì con lấy làm nhục lắm.

Ngũ-Lão tính hay ngâm thơ, thường ngâm một bài rằng

Ngọn giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân tỳ hổ át sao Ngâu.
Công danh nếu để còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe truyện Võ-hầu.

Nhà ở bên cạnh đường cái, có một khi Phạm-ngũ-Lão ngồi vệ đường vót tre đan sọt, sực có Trần Hưng-đạo vương tự trại Vạn-an vào kinh, quân quyền kéo đi rất đông. Quân tiền-hô thấy Ngũ-Lão ngồi xếp bằng tròn bên cạnh đường, quát lên bắt phải đứng dạy. Ngũ-Lão cứ ngồi nghiễm nhiên, như không nghe tiếng. Quân lính cầm ngọn giáo đâm vào đùi, Ngũ-Láo cũng cứ ngồi vững không động mình. Đến lúc xe Hưng-đạo vương đến nơi, trông thấy thế lấy làm lạ, gọi đến hỏi, thì bấy giờ mới biết là có quan quân đi qua, và quân lính đâm vào đùi mình.

Hưng-đạo vương hỏi rằng:

— Nhà thầy kia ở đâu, sao ta đi qua đây mà cứ ngồi chững chàng làm vậy?

Thưa rằng:

— Tôi đang mải nghĩ một việc cho nên không biết là ngài chảy qua đây.

Hưng-đạo vương lấy làm kỳ, hỏi đến sự học hành, thì hỏi đâu nói đấy, nội là kinh truyện thao lược, không sót chỗ nào, ứng đối nhanh như nước chảy.

Hưng-đạo vương mới sai lấy thuốc dấu dịt vào chỗ nhát đâm, rồi cho ngồi xe đem vào kinh, dâng lên vua Thánh-tôn.

Vua thấy người có sức khỏe, lại có học thức, cho vào làm quản vệ-sĩ. Các vệ-sĩ không chịu, xin đấu sức với Ngũ-Lão. Ngũ-Lão xin vâng, nhưng xin vua cho về nhà ba tháng, để thu xếp việc nhà, rồi sẽ xin đấu sức và nhận chức nhân thể. Vua cho về, Ngũ-Lão về nhà ra ngoài đồng, tìm chỗ gò cao tập nhảy, cứ cách mười trượng chạy đến nhảy vót qua gò. Tập luyện thành rồi, vào kinh đấu sức. Khi đấu quyền với các vệ-sĩ thì không ai địch nổi, rồi Ngũ-Lão thách cả các vệ-sĩ cùng ra đấu. Các vệ-sĩ xúm xít xung quanh, hàng trăm nghìn người Ngũ-Lão tay đấm chân đá, nhảy nhót như bay, chạm phải ai phi chết thì què gẫy, các vệ-sĩ không tài gì mà đánh lại được, bấy giờ mới chịu phục.

Vua thấy người kiêu dũng làm vậy, cho theo Hưng-đạo vương đi đánh giặc Mông-cổ, thì đánh trận nào cũng được, lập nên công trạng rất nhiều. Hưng-đạo vương có lòng yêu mến, gả con nuôi là Nguyên quận chúa cho

Về sau, nước Ai-lao đem hơn một vạn voi sang cướp đất Thanh, Nghệ, vua sai Ngũ-Lão cầm quân đi đánh. Ngũ-Lão sai dân chặt tre đực cứ dài độ một trượng, trồng chất vào các vệ đường. Khi Ngũ-Lão kéo quân vào đánh, giặc thúc voi sấn lện, Ngũ-Lão chỉ chân tay không sấn vào gặp đống tre nào thì vớ lấy cái dóng tre chỗ ấy, đập vào chân voi. Voi bị đau gầm rống lên chạy về, giầy xéo cả vào quân Ai-lao. Ngũ-Lão mới thúc quân đánh tràn sang, quân Ai-lao tan vỡ, phải trốn về đêm,

Vì có những công to ấy, được thiên lên làm Điện-tiền thượng-tướng quân. Đến khi mất, được phong làm thượng-đẳng phúc-thần, người làng Phù-ủng lập miếu thờ ngay ở chỗ nhà Ngũ-Lão.

Ngũ-Lão nguyên là bộ-tướng của Hưng-đạo vương, cho nên các đền thờ Hưng-đạo vương, cũng có thờ Ngũ-Lão nữa.

Tục lại truyền khi Ngũ-Lão còn hàn vi, xin với mẹ đi tìm kế lập công danh, ở trong nước chưa có dịp nào, mới sang ở chăn voi cho vua nước Ai-lao. Ngũ-Lão cầm một lá cờ đỏ dạy voi, hễ phất lá cờ thì voi phải quì xuống hết. Đến khi nghe tin có giặc Mông-cổ quấy nước Nam, mới về theo Hưng-đạo vương đi đánh giặc. Về sau nước Ai-lao sang cướp vùng Thanh, Nghệ, vua sai Ngũ-Lão đi đánh. Ngũ Lão thấy Ai-lao thúc voi xông vào trận, mới phất lá cờ đỏ, thì voi trông thấy hiệu ông ấy, lại phục cả xuống, vì thế mới phá được quân Ai-lao.

   




Chú thích

  1. Xem truyện « Hưng-đạo-vương » thì rõ sự tích.