30. — Đoàn-Thượng

Đoàn-Thượng người làng Hồng-thị, huyện Đường-hào, tỉnh Hải-dương. Thời vua Huệ-tôn nhà Lý, phụng mệnh trấn thủ ở Hồng-châu.

Đoàn-Thượng có sức khỏe hơn người, gân xương như sắt, mỗi khi lâm trận, chỉ một đao một ngựa, xông vào đám trăm nghìn người, tung hoành vô địch.

Đến khi Lý Chiêu-hoàng nhường ngôi cho vua Trần Thái-tôn, Đoàn-Thượng chiếm giữ một châu, không chịu hàng theo về với nhà Trần. Thái-sư nhà Trần là Trần-thủ-Độ sai sứ đến dụ hàng. Thượng nhất định không nghe. Chiêu binh tập mã, tự xưng là Đông-hải vương, có ý muốn khôi phục giang-sơn cho nhà Lý.

Trần-thủ-Độ đem quân xuống đánh nhau luôn mấy năm không phá nổi, mới lập mẹo sai người đến giảng hòa, mà kì thực thì sai một đại-tướng là Nguyễn-Nộn đem quân đánh tập công mặt sau.

Đoàn-Thượng chắc đã giảng hòa rồi, phòng bị không được cẩn thận như trước, sực nghe tin Nguyễn-Nộn đến đánh, mới kéo quân ra cự địch. Đôi bên đánh nhau đang hăng, thì Thủ-Độ lại cầm đại-quân tự đường Văn-giang đánh đến mé trước. Quân nhà Trần hai mặt đánh dồn vào một, quân của Đoàn-Thượng kinh hãi chạy tán lạc mất cả. Đoàn-Thượng vội vàng quay ngựa về đánh mặt tiền-quân, không ngờ bị một viên tướng nhà Trần, tự mé sau sấn lên chém với một nhát vào cổ gần đứt, Đoàn-Thượng ngảnh lại, thì tướng kia sợ hãi mà chạy mất. Đoàn-Thượng mới cổi giây lưng ra buộc vào cổ cho khỏi rơi đầu, rồi hầm hầm tế ngựa chạy về phía đông. Chạy đến đâu, quân nhà Trần phải giãn đường cho chạy, chớ không dám đánh.

Khi chạy đến làng An-nhân, có một ông cụ già áo mũ chững chạc, chắp tay đứng bên đường nói rằng:

— Tướng-quân trung dũng lắm, Thượng-đế đã kén ngài làm thần xứ này rồi đây! Có một cái gò bên làng cạnh kia, đó là đất hương-hỏa của tướng-quân, xin tướng-quân để lòng cho.

Đoàn-Thượng vâng một tiếng, rồi đến chỗ gò ấy, xuống ngựa gối đầu vào ngọn mác mà nằm, một lát thì mất, mối đùn đất lên lấp thành mồ ngay.

Dân làng ấy thấy vậy, lập miếu tô tượng để thờ. Về sau, nước lụt vỡ đê, tượng trôi vào làng An-nhân, làng ấy lại lập một tòa miếu khác để thờ. Miếu ở cạnh bờ sông Hồng-giang, mé trước ngảnh vào con đường cái chính xứ đông-bắc. Thần linh ứng lắm, kẻ qua lại mà ngạo ngược thì có tai nạn ngay. Các khách buôn thuyền qua lại cửa đền, có đồ lễ vào thì buôn bán đắt hàng. Tục truyền những khách buôn chum vại vào bán chợ Hồng, ai mà vào đền lễ thì buôn bán thông đồng chóng hết lắm; mà ai không lễ, thì ế mãi không bán được, thường phải quẳng bỏ ngoài bến sông, nếu không thế thì tất lại có sự sóng gió lo lường

Lịch-triều cũng có phong-tặng làm thượng-đẳng-thần. Miếu ấy đến giờ vẫn còn.